^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Sự khác nhau giữa lãnh đạo và quản lý

Thuật ngữ “lãnh đạo” “quản lý” thường được nói đến hàng ngày, tuy nhiên ý nghĩa và nội dung của nó không phải ai cũng biết và hiểu rõ. Trên thực tế, đa số mọi người khó có thể phân biệt một cách rõ ràng hai thuật ngữ nói trên. Điều đó càng quan trọng trong giai đoạn hiện nay khi đất nước ta đang trong quá trình đẩy mạnh thực hiện chương trình Cải cách hành chính trong tình hình mới, cần phải phân định rõ sự khác nhau giữa quản lý và lãnh đạo.

1. Thế nào là lãnh đạo, thế nào là quản lý

Những nhà nghiên cứu lý thuyết về “lãnh đạo học” và quản lý học” cũng chưa thống nhất được về một định nghĩa cho hai từ trên, song đều khẳng định, lãnh đạo và quản lý là hai công việc khác nhau, thậm chí khác nhau rất cơ bản. Tập hợp nhiều ý kiến phân tích lại, có thể nêu ra những điểm khác nhau như sau:

Từ điển Bách khoa Việt nam không có định nghĩa từ lãnh đạo, nhưng đối với từ quản lý thì giải thích là “chức năng và hoạt động của hệ thống có tổ chức thuộc các giới khác nhau (sinh học, kĩ thuật, xã hội), bảo đảm giữ gìn một cơ cấu ổn định nhất định, duy trì sự hoạt động tối ưu và bảo đảm thực hiện những chương trình và mục tiêu của hệ thống đó.”

Đại Bách khoa toàn thư Trung quốc cũng không nêu ra một định nghĩa trực tiếp cho từ lãnh đạo, mà chỉ giải thích lãnh đạo phản ánh khái niệm về quan hệ giữa khống chế và phục tùng trong một quần thể.

Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) giải thích đơn giản và dễ hiểu hơn: “Lãnh đạo” là đề ra chủ trương và tổ chức động viên thực hiện, còn “Quản lý” là tổ chức và điều khiển các hoạt động theo các yêu cầu nhất định.

Từ điển Hán ngữ của Trung quốc cũng cho những giải thích tương tự: Lãnh đạo là soái lĩnh và dẫn đạo tiến lên theo một hướng nhất định, còn Quản lý là tiến hành thuận lợi một loại việc được giao trách nhiệm, bảo quản và xử lý, chăm sóc đồng thời có ràng buộc chặt chẽ.

2. Sự khác nhau giữa lãnh đạo và quản lý.

Từ những khái niệm đã nêu trên, chúng ta có thể thấy:

Lãnh đạo là chỉ đường, vạch lối, nhìn xa trông rộng, hướng tới mục tiêu cuối cùng, còn quản lý là tổ chức và điều khiển các hoạt động theo các yêu cầu đó. Lãnh đạo là đề ra chủ trương, đường lối, nguyên lý, sách lược, còn quản lý là tổ chức thực hiện. Lãnh đạo quan tâm đến những vấn đề chiến lược, những mục tiêu lâu dài, còn quản lý chú trọng những yêu cầu có tính chiến thuật, mục tiêu cụ thể và thường là ngắn hạn. Lãnh đạo có thể gắn với các khía cạnh trừu tượng của cuộc sống, còn quản lý thường phải xử lý những vấn đề rất thực tế. Lãnh đạo thuộc lĩnh vực chính trị, người lãnh đạo là nhà chính trị, còn quản lý thuộc lĩnh vực hành chính, người làm quản lý là những “nhà hành chính”.

Lãnh đạo dùng biện pháp động viên, thuyết phục, gây ảnh hưởng dựa vào đạo lý là chính, trái lại quản lý phải sử dụng các biện pháp tổ chức chặt chẽ, dựa vào ràng buộc của pháp chế, thể chế. Lãnh đạo tác động đến ý thức của con người, còn quản lý sử dụng con người như một nguồn lực, nguồn nhân lực bên cạnh nguồn tài lực và vật lực. Lãnh đạo thuộc về phạm trù tư tưởng, lý luận và đạo đức, không có tính cưỡng chế, còn quản lý lại thuộc phạm trù luật pháp, pháp quy, có ý nghĩa cưỡng chế rõ rệt. Nội dung chức năng của công việc lãnh đạo và quản lý cũng khác nhau khá xa: Lãnh đạo thường được hiểu là gồm có: xác định phương hướng, mục tiêu lâu dài (cả trung hạn và dài hạn), lựa chọn chủ trương chiến lược, điều hòa phối hợp các mối quan hệ và động viên, thuyết phục con người. Chức năng quản lý bao gồm các việc: xây dựng kế hoạch ( bao gồm cả xác định mục tiêu cụ thể, chế định kế hoạch, quy định tiêu chuẩn đánh giá và thể chế hóa), sắp xếp tổ chức (bố trí tổ chức, phối hợp nhân sự, phân công công việc..v.v), chỉ đạo, điều hành (hướng dẫn, động viên v.v.), kiểm soát (bảo đảm hoàn thành mục tiêu, quản lý kết quả, sửa chữa sai sót nếu có).

Ta có một bảng tóm tắt một số đặc trưng so sánh giữa một nhà lãnh đạo và một nhà quản lý. Những tiêu chí chỉ ở mức độ tương trưng và mô tả hai thái cực của một vấn đề.

Tiêu chí Lãnh đạo Quản lý
-   Bản chất Thay đổi Ổn định
-   Đối tượng Lãnh đạo con người Quản lý công việc
-   Người đi theo (người thừa hành) Cấp dưới/Nhân viên
-   Tìm kiếm Tầm nhìn Mục tiêu
-   Mức độ cụ thể Định hướng Lên kế hoạch cụ thể
-   Quyền lực Uy tín cá nhân Quyền lực chuẩn tắc
-   Tác động đến Trái tim Trí óc
-   Năng lượng Đam mê Điều khiển
-   Mức độ năng động Chủ động đi trước Bị động, phòng vệ
-   Thuyết phục “Bán” ý tưởng “Bảo” người khác làm theo
-   Phong cách Chuyển đổi tâm lý con người Áp đặt tâm lý con người
-   Trao đổi Niềm hăng say làm việc Tiền – Công việc
-   Rủi ro Chấp nhận – tìm kiếm Tối thiểu hóa rủi ro
-   Nguyên tắc Phá bỏ nguyên tắc Lập ra nguyên tắc
-   Xung đột Sử dụng xung đột Tránh xung đột
-   Định hướng Đường mới Đường đã có
-   Đổ lỗi Nhận lỗi về mình Đổ lỗi cho người khác

Như vậy, có thể nói lãnh đạo giống như một nghệ thuật, chắc chắn cần có tài năng; còn quản lý thiên về mặt kỹ thuật, đòi hỏi phải có kỹ năng, có thể thông qua học tập mà trở thành thành thạo. Trong những tình huống có nhiều biến động, thường cần có bàn tay lãnh đạo để xử lý và ứng phó với những rủi ro có tính chiến lược. Còn trong những thời kỳ ổn định, biến động ít hoặc nhỏ, các quy luật hoạt động vẫn giữ bình thường thì lại cần những nhà quản lý để tạo ra những năng suất và hiệu quả cần thiết. Khi công việc phức tạp, đụng chạm đến nhiều người tham gia, mục đích không thật rõ ràng, nhiệm vụ khó khăn, nhân tố ảnh hưởng nhiều thì cần làm rõ mục tiêu, điều tiết các mối quan hệ, động viên thuyết phục nên phải có bàn tay lãnh đạo. Còn với công việc tương đối đơn giản thường ít người tham gia, mục tiêu rõ ràng, khó khăn ít, chỉ cần có kế hoạch chu đáo, tổ chức chặt chẽ, nắm tình hình chắc là là có thể quản lý thành công được.

Tôi thích nhận xét của John Kotter khi ông nhận định“Lãnh đạo và quản lý là hai hệ thống hành động khác biệt và tương hỗ… Cả hai đều cần thiết cho sự thành công trong môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp và không ổn định” Sự thật là cả lãnh đạo và quản lý đều quan trọng, chúng là hai hệ thống hành động khác biệt, đều cần thiết, mỗi bên thực hiện những công việc khác nhau./.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Thành Độ, “Quản trị kinh doanh”, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, 2007.
  2. http://www.quantri.com
  3. http://www.saigontimes.com
Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube