^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Làm rõ nguyên tắc và căn cứ đánh thuế thông qua hệ thống thuế ở Việt Nam

Thuế là một hình thức động viên bắt buộc của Nhà nước, thuộc phạm trù phân phối, nhằm tập trung một bộ phận thu nhập của các thể nhân và pháp nhân vào NSNN để đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước và phục vụ cho lợi ích công cộng. Vì thế việc xây dựng một hệ thống thuế tối ưu là đánh thuế phải phù hợp với khả năng và sức lực của dân cư, mức thuế, và thời hạn thanh toán thuế phải được xác định một cách hợp lý. Tùy theo bản chất chính trị của Nhà nước và trình độ phát triển của mỗi quốc gia mà có những nguyên tắc và căn cứ thiết lập hệ thống thuế riêng. Sau đây tôi xin trình bày một số nguyên tắc và căn cứ đánh thuế, cũng như hệ thống Thuế Việt Nam hiện nay đã vận dụng những nguyên tắc này như thế nào.

 

1. Nguyên tắc lợi ích và nguyên tắc khả năng thanh toán

                 - Nguyên tắc lợi ích: Thuế nên được đánh tỷ lệ với lợi ích của người nộp thuế nhận được qua dịch vụ công mà người đó được hưởng. Hay, người nào càng sử dụng nhiều dịch vụ công (lợi ích càng lớn) thì càng phải đóng nhiều thuế.

                 Theo nguyên tắc này, nếu như các cá nhân phải trả tiền túi cho các hàng hóa cá nhân tương ứng với lượng tiêu dùng hàng hóa đó của họ, Chính phủ cũng nên bắt họ phải trả thuế tương ứng với mức độ sử dụng các hàng hóa công cộng của họ như đường sá, công viên. Ví dụ việc đánh thuế xăng dầu để lấy kinh phí tài trợ cho việc xây dựng và bảo dưỡng đường sá có thể coi là một áp dụng nguyên tắc đánh thuế theo lợi ích, vì Chính phủ coi lợi ích từ việc sử dụng đường sá của các cá nhân có quan hệ trực tiếp và tỉ lệ với mức độ tiêu thụ xăng dầu. Những người sử dụng xe hơi phải bị đánh thuế để tài trợ cho các con đường công cộng. Vận dụng nguyên tắc này, tại khoản 1 Điều 2 Luật Tiêu thụ đặc biệt có quy định đối tượng chịu thuế  “Xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng” đều phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với một mức thuế nhất định.

                 - Nguyên tắc khả năng thanh toán: Thuế mà người dân phải đóng tùy thuộc vào khả năng chi trả, tức là phụ thuộc vào thu nhập và của cải tích lũy được của họ. Cá nhân nào có khả năng đóng thuế cao hơn thì sẽ có nghĩa vụ nộp thuế nhiều hơn so với những người có khả năng chi trả thấp.

                 Vận dụng nguyên tắc này, tại Điều 2, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt có quy định đánh thuế và xe mô tô chỉ đánh thuế vào “Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xilanh trên 125cm ”. Quy định này phù hợp với nguyên tắc khả năng thanh toán, nó không ảnh hưởng đến các đối tượng sử dụng xe máy là người lao động có thu nhập thấp và khả năng chi trả thấp hơn so với những người có khả năng chi trả để sử dụng các loại xe mô tô hai bánh và ba bánh có dung tích xilanh trên 125cm. Vì theo nghiên cứu những loại xe này chủ yếu là xe tay ga, có giá trị lớn, chủ yếu được sử dụng ở thành phố và người sử dụng phần đông là bộ phận dân cư có thu nhập cao.

2. Nguyên tắc công bằng ngang và nguyên tắc công bằng dọc

                 - Nguyên tắc công bằng ngang: Theo nguyên tắc này thì các cá nhân có cùng tính chất, điều kiện, hoàn cảnh kinh tế sẽ được đối xử như nhau về nghĩa vụ thuế phải nộp.

                 Vận dụng nguyên tắc này, trong luật Thuế GTGT tại Điều 3 có quy định đối tượng chịu thuế GTGT là “Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật này”. Như vậy ta có thể thấy, các cá nhân có khả năng chi trả cho một loại hàng hóa, dịch vụ thì phải chịu một mức thuế như nhau.

                 - Nguyên tắc công bằng dọc: Các cá nhân có tính chất, điều kiện, hoàn cảnh kinh tế khác nhau thì nghĩa vụ thuế phải nộp cũng khác nhau.

                 Vận dụng nguyên tắc này, trong Thuế Thu nhập cá nhân đã quy định các đối tượng nộp thuế có mức thu nhập chịu thuế khác nhau thì phải nộp một mức thuế khác nhau, ta có thể thấy trong Biểu thuế luỹ tiến từng phần được quy định trong Luật Thuế Thu nhập cá nhân như sau:

Bậc thuế

Phần thu nhập tính thuế/năm

(triệu đồng)

Phần thu nhập tính thuế/tháng

(triệu đồng)

Thuế suất (%)
1 Đến 60 Đến 5 5
2 Trên 60 đến 120 Trên 5 đến 10 10
3 Trên 120 đến 216  Trên 10 đến 18 15
4 Trên 216 đến 384  Trên 18 đến 32 20
5 Trên 384 đến 624 Trên 32 đến 52 25
6 Trên 624 đến 960 Trên 52 đến 80 30
7 Trên 960 Trên 80 35

 3. Nguyên tắc xuất xứ: Hàng hóa khi nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được áp thuế căn cứ mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và nước mà hàng hóa có xuất xứ.

Vận dụng quy tắc này, trong Khoản 2 Điều 10  Luât thuế Xuất nhập khẩu Việt Nam có quy định: Thuế suất đối với hàng hóa nhập khẩu gồm thuế suất ưu đãi, thuế suất ưu đãi đặc biệt và thuế suất thông thường”

  1. Thuế suất ưu đãi áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam ;

b) Thuế suất ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu với Việt Nam ;

c) Thuế suất thông thường áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ không thực hiện đối xử tối huệ quốc và không thực hiện ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu với Việt Nam . Thuế suất thông thường được quy định không quá 70% so với thuế suất ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng do Chính phủ quy định.

Ví dụ: Khi Việt Nam tham gia AIFTA, Việt Nam sẽ giảm thuế đối với nhiều hàng hóa nhập khẩu từ ASEAN và Ấn Độ. Với hiệp định này, thuế suất nhập khẩu các sản phẩm hàng hóa như điện tử, hóa chất, máy móc, hàng dệt may sẽ giảm xuống 0% trong khoảng thời gian từ 2013-2016. Mức thuế nhập khẩu phổ biến đối với sơ sợ là 4-5%, vải từ 8-12%, hàng dệt kim 8-10%... Tuy nhiên hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thuế suất của AIFTA phải đáp ứng  điều kiện là phải được nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước Malaysia, Singapore, Thái Lan và Ấn Độ.

4. Nguyên tắc điểm đến: Hàng hóa tiêu dùng ở nước nào thì nước đó có quyền đánh thuế. Hàng hóa tiêu dùng ở nước nào thì nước đó có quyền đánh thuế.

Vận dụng nguyên tắc này, Thuế GTGT Việt Nam quy định đối tượng chịu thuế  tại điều 3 luật này là “hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật này”. Theo đó tiêu chí đối tượng chịu thuế GTGT bao gồm 2 điều kiện, một là mục đích là dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, hai là lãnh thổ tiêu dùng là ở Việt Nam.

Theo khoản 20 Điều 5 luật Thuế GTGT cũng quy định đối tượng không chịu thuế là  “ Hàng hoá chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu; hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu; nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hoá xuất khẩu theo hợp đồng sản xuất, gia công xuất khẩu ký kết với bên nước ngoài; hàng hoá, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau”.  Theo khoản 1 Điều 8 Thuế GTGT quy định “Mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vận tải quốc tế và hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng”  Như vậy những hàng hóa này không phải tiêu thụ trên lãnh thổ Việt Nam thì không chịu thuế GTGT ở Việt Nam.

5. Căn cứ vào nguồn phát sinh thu nhập: Hàng hóa tiêu dùng ở nước nào thì nước đó có quyền đánh thuế.

Thu nhập phát sinh ở nước nào thì nước đó có quyền đánh thuế. Bất luận thu nhập được tạo ra bởi công dân mang quốc tịch quốc gia nào, hễ phát sinh trong khuôn khổ quốc gia nào thì phải nộp thuế cho quốc gia đó.

Vận dụng nguyên tắc này, tại theo thông tư 111/2013 Thuế Thu nhập cá nhân quy định “Phạm vi xác định thu nhập chịu thuế của người nộp thuế: Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.Đối với cá nhân không cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập”. Như vậy thu nhập phát sinh ở Việt Nam thì chịu thuế Thu nhập cá nhân tại Việt Nam.

Trường hợp có xung đột giữa nguyên tắc nguồn gốc phát sinh thu nhập và nguyên tắc căn cứ nơi cư trú thì các quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ thỏa thuận tránh đánh thuế hai lần bằng một hiệp định.

Nguyên tắc này cũng thể hiện tại Điều 28 Thuế thu nhập cá nhân “Thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn: Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân không cư trú được xác định bằng tổng số tiền mà cá nhân không cư trú nhận được từ việc chuyển nhượng phần vốn tại các tổ chức, cá nhân Việt Nam nhân (×) với thuế suất 0,1%, không phân biệt việc chuyển nhượng được thực hiện tại Việt Nam hay tại nước ngoài”.

6. Căn cứ vào nơi cư trú:: Đối tượng phát sinh thu nhập cư trú ở nước nào thì nước đó có quyền đánh thuế.

Vận dụng nguyên tắc này, tại Điều 2 Thuế Thu nhập cá nhân quy định “Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.”

Như vậy đối với cá nhân cư trú thì thu nhập phát sinh ở đâu thì cũng chịu Thuế Thu nhập cá nhân theo quy định ở Việt Nam.

Cá nhân cư trú là người đáp ứng  một trong các điều kiện sau đây:

a) Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;

b) Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.

Tài liệu tham khảo:

[1]. TS. Vũ Cương, Phạm Văn Viện (2012), Giáo trình Kinh tế công cộng, NXB Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.

[2]. Luật số: 13/2008/QH12 - Thuế Giá trị gia tăng

[3]. Luật số: 45/2005/QH11- Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

[4]. Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt

[5]. Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện luật thuế thu nhập cá nhân, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế thu nhập cá nhân.

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube