^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Những yếu tố cơ bản tác động đến sự phát triển nguồn nhân lực du lịch của một địa phương

Chất lượng của nguồn nhân lực ảnh hưởng trực tiếp, quyết định đến chất lượng của sản phẩm và dịch vụ du lịch. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Du lịch là vấn đề mang tính sống còn đối với sự phát triển du lịch của mỗi quốc gia, vùng miền. Để nâng cao hiệu quả  phát triển nhân lực du lịch cần hiểu rõ những nhân tố tác động đến quá trình này.

1. Một số khái niệm

1.1. Nguồn nhân lực du lịch

Nguồn nhân lực du lịch là lực lượng lao động bao gồm những người đang làm việc hoặc tìm kiếm việc làm trong lĩnh vực du lịch. Nguồn nhân lực du lịch gồm nhân lực du lịch trực tiếp và nhân lực du lịch gián tiếp.Tuy nhiên ranh giới giữa nhân lực du lịch trực tiếp và nhân lực du lịch gián tiếp, nhân lực hiện tại và nhân lực tiềm năng trong du lịch rất mong manh và rất khó phân định rạch ròi.

Nguồn nhân lực du lịch trực tiếp là lực lượng nhân lực hoạt động quản lý nhà nước về du lịch, hoạt động sự nghiệp ngành Du lịch (đào tạo và nghiên cứu khoa học) và kinh doanh du lịch. Còn nhân lực du lịch gián tiếp là những người hoạt động trong các lĩnh vực khác có liên quan đến hoạt động du lịch như Hàng không, Hải quan, Giao thông vận tải, Y tế, Bưu chính viễn thông, Công nghệ thông tin, Văn hóa, Môi trường…

Lực lượng nhân lực du lịch hiện tại là nguồn nhân lực trực tiếp và gián tiếp đang tham gia hoạt động trong ngành Du lịch và nhân lực du lịch tiềm năng là những người có mong muốn hoặc đang tìm kiếm việc làm trong lĩnh vực du lịch như học sinh, sinh viên, hay những người thuộc ngành khác…

(phạm vi bài viết chỉ đề cập đến lực lượng nhân lực du lịch trực tiếp)

 

1.2. Phát triển nguồn nhân lực du lịch

Xuất phát từ nhiều cách tiếp cận khác nhau nên đã có nhiều khái niệm phát triển nguồn nhân lực. Theo cách hiểu thông thường, phát triển nguồn nhân lực là quá trình biến đổi hoặc làm  cho biến đổi từ số lượng ít đến số lượng nhiều, từ phạm vi hẹp đến phạm vi rộng, từ trình độ thấp đến trình độ cao. Tổ chức Giáo dục- Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) cho rằng: Phát triển nguồn nhân lực là làm cho toàn bộ sự lành nghề của dân cư luôn luôn phù hợp trong mối quan hệ với sự phát triển của đất nước.

Với cách tiếp cận trên, phát triển nguồn nhân lực du lịch là quá trình phát triển thể lực, trí lực, khả năng nhận thức và tiếp thu kiến thức, tay nghề, tính năng động của xã hội và sức sáng tạo của con người; nền văn hóa; truyền thống lịch sử… Do đó, phát triển nguồn nhân lực du lịch đồng nghĩa với nâng cao năng lực xã hội và tính năng động xã hội của nguồn nhân lực du lịch về mọi mặt: Thể lực, trí lực, nhân cách, đồng thời phân bố, sử dụng và phát huy có hiệu quả nhất năng lực đó để phát triển đất nước.

Phát triển thể lực là phát triển thể chất của con người, được đánh giá thông qua các chỉ tiêu về chiều cao, cân nặng, thị lực, thính giác, sức mạnh cơ bắp, tuổi thọ, khả năng làm việc dẻo dai... Phát triển trí lực là sự phát triển về trí tuệ, trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng kỹ xảo, kinh nghiệm làm việc được tích lũy qua quá trình tiếp cận với thực tế. Phát triển nhân cách hay còn gọi là phát triển năng lực phẩm chất của người lao động. Năng lực phẩm chất là tính năng động, sáng tạo, thái độ làm việc, lòng tự tin, khả năng thích ứng, dễ chuyển đổi, có tinh thần trách nhiệm đối với công việc, đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng lối sống lành mạnh.

Phát triển nguồn nhân lực du lịch còn là sự phân bố, sử dụng và phát huy tối đa năng lực nguồn nhân lực. Đó là việc tạo dựng một môi trường xã hội thuận lợi, môi trường sinh thái bền vững, đặc biệt là môi trường lao động để con người phát huy được sở trường, tiềm năng của mình và cống hiến được nhiều cho xã hội.

2. Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển nguồn nhân lực ngành Du lịch

2.1. Các yếu tố bên trong

- Trình độ phát triển kinh tế và phát triển du lịch của địa phương: Trình độ phát triển kinh tế tạo nên nền tảng vật chất để giải quyết các vấn đề về nguồn nhân lực. Ở những địa phương có trình độ kinh tế phát triển cao, mặt bằng chung của đời sống nhân dân và các thiết chế xã hội đạt mức cao, Nhà nước có điều kiện đầu tư giải quyết tốt vấn đề giáo dục, đào tạo ngồn nhân lực, các chính sách xã hội, do vậy chất lượng nguồn nhân lực cũng được nâng cao.

Trình độ phát triển kinh tế cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển du lịch và đến lượt mình, trình độ phát triển du lịch sẽ quyết định đến số lượng, chất lượng và xu thế phát triển của nguồn nhân lực ngành Du lịch.

- Trình độ phát triển của giáo dục đào tạo của địa phương: Giáo dục đào tạo là yếu tố cấu thành quan trọng của phát triển nguồn nhân lực; chất lượng của giáo dục đào tạo ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực, thông qua giáo dục đào tạo các quốc gia hình thành nguồn nhân lực của mình với trình độ đào tạo, cơ cấu ngành nghề phù hợp với yêu cầu phát triển. Trình độ phát triển của đào tạo du lịch ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của nguồn nhân lực ngành Du lịch.

- Tốc độ gia tăng dân số: Ở những nước đang phát triển, quy mô dân số lớn, tốc độ gia tăng cao chính là lực cản đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế và phát triển nguồn nhân lực. Tốc độ gia tăng dân số cao gây sức ép lên các cơ sở hạ tầng xã hội, ảnh hưởng đến việc hoạch định các chính sách xã hội của nhà nước, trong đó có chính sách về giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần hạ thấp tỷ lệ phát triển dân số ở mức hợp lý.

- Các chính sách kinh tế - xã hội của địa phương: Các chính sách kinh tế - xã hội của Tỉnh như chính sách giáo dục đào tạo; chính sách tuyển dụng, sử dụng lao động, lao động tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động... đều có tác động trực tiếp đến nguồn nhân lực.

Chính sách kinh tế - xã hội tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực mà còn hạn chế các tác động tiêu cực đến sự phát triển của nguồn nhân lực thông qua những công cụ điều tiết vĩ mô.

Chính sách phát triển du lịch của địa phương tác động đến sự phát triển du lịch, trong đó chính sách đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngành Du lịch ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển nguồn nhân lực ngành Du lịch.

2.2.  Các nhân tố tác động từ bên ngoài

- Toàn cầu hoá: Quá trình toàn cầu hoá đã thúc đẩy cuộc chạy đua phát triển nguồn nhân lực tại các quốc gia, khu vực trên thế giới. Toàn cầu hóa đã làm cho các nền kinh tế phát triển nhanh chóng hơn và trở thành một thị trường toàn cầu, tương tác và phụ thuộc lẫn nhau, cạnh tranh gay gắt với nhau. Khả năng cạnh tranh được quyết định bởi năng lực tạo ra giá trị tăng thêm của các sản phẩm, dịch vụ và các quá trình hoạt động của mỗi quốc gia và của từng doanh nghiệp. Đóng góp chủ yếu vào điều này phụ thuộc vào kiến thức và các kỹ năng của lực lượng lao động.   

- Sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông: Tiến bộ của công nghệ thông tin và truyền thông đã tạo ra những thay đổi lớn trong các tổ chức và xuất hiện cách thức thực hiện công việc mới. Nhiều ngành nghề mới, công nghệ mới và phương thức quản lý mới xuất hiện, đòi hỏi người lao động phải được trang bị những kiến thức, kỹ năng mới để đảm nhận các công việc mới. Những biến đổi trong các tổ chức cũng làm thay đổi vai trò của người lao động, họ có nhu cầu trong việc ra quyết định và thực sự cần thiết trong việc mở rộng hơn các kỹ năng làm việc. Nhân lực du lịch cần bổ sung nhiều hơn các kỹ năng so với trước đây làm việc với cấp bậc tổ chức chậm thay đổi với một chuỗi mệnh lệnh rõ ràng với người nghĩ ở trên, còn người làm ở phía dưới. Những điều này làm thay đổi mạnh mẽ về chất đối với nguồn nhân lực.

- Xu thế thay đổi về cách thức đi du lịch và các nhu cầu trong khi đi du lịch: Kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông được cải thiện vượt bậc cho phép khách du lịch rút ngắn thời gian đi lại, tiếp cận đến nhiều điểm đến du lịch, tạo nên xu thế khách du lịch rút ngắn thời gian lưu trú tại mỗi điểm du lịch và thực hiện nhiều chuyến đi du lịch đến các điểm đến du lịch khác nhau trong thời gian trong năm.

Các dịch vụ du lịch được chia thành 2 nhóm chính là nhóm dịch vụ chính (gồm ăn uống và lưu trú) và nhóm dịch vụ bổ sung (nghỉ dưỡng, tham quan, tìm hiểu, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khoẻ, tham gia các hoạt động thể thao, văn hoá - xã hội...). Cùng với xu thế đi du lịch nhiều lần trong năm thì khách du lịch ngày càng có nhu cầu nhiều hơn với các dịch vụ thuộc nhóm dịch vụ bổ sung. Những thay đổi của “cầu du lịch” đã làm thay đổi “cung du lịch” và qua đó tác động trực tiếp, làm thay đổi sự phát triển của nguồn nhân lực ngành Du lịch.

- Các chính sách kinh tế - xã hội vĩ mô: Các chính sách kinh tế - xã hội vĩ mô của Nhà nước như chính sách giáo dục đào tạo; chính sách tuyển dụng, sử dụng lao động, lao động tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động... đều có tác động trực tiếp đến nguồn nhân lực.

Chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước không chỉ tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực mà còn hạn chế các tác động tiêu cực đến sự phát triển của nguồn nhân lực thông qua những công cụ điều tiết vĩ mô.

Chính sách phát triển du lịch của Nhà nước tác động đến sự phát triển du lịch, trong đó chính sách đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngành Du lịch ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển nguồn nhân lực ngành Du lịch.

3. Kết luận

Tóm lại, phát triển nhân lực ngành du lịch là nhiệm vụ quan trọng, cần phải được xây dựng kế hoạch và lộ trình triển khai, nhằm hình thành, phát triển đội ngũ nhân lực có chất lượng cao cho ngành, cho địa phương. Các nhà quản lý cần nắm rõ những nhân tố tác động đến quá trình phát triển nguồn nhân lực du lịch nhằm phát triển nhân lực du lịch phù hợp với xu thế từng giai đoạn, từ đó xác định những yếu tố thuận lợi để tận dụng, khai thác, đồng thời nhận thức những nhân tố khó khăn, thách thức để khắc phục, hạn chế từ đó nâng cao hiệu quả nhất công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch của địa phương.

Tài liệu tham khảo:

[1]  Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (2011), Chiến lược phát triển nhân lực văn hóa,thể thao và du lịch 2011 - 2020 

[2]. Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2005), Luật Du lịch, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[3]. Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020.

[4] PGS.TS. Vũ Đức Minh - Văn phòng Chính phủ, ThS. Dương Hồng Hạnh - Trường ĐH Thương mại (2015) Đào tạo và phát triển nhân lực ngành Du lịch trong giai đoạn đến năm 2020, Saigonaec.

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube