Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN 9 (Bali, Indonexia, tháng 10/2003), lần đầu tiên các nhà lãnh đạo ASEAN tuyên bố mục tiêu hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Đến năm 2006, tại cuộc họp các Bộ trưởng ASEAN lần thứ 38, kế hoạch tổng thể xây dựng ASEAN đã được đưa ra kèm theo các mục tiêu và lộ trình cụ thể. Ngày 22/11/2015, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký kết Tuyên bố Kuala Lumpur về việc thành lập AEC, chính thức có hiệu lực từ 31/12/2015, đánh dấu sự ra đời AEC (Asean Economic Community).
Các nội dung chính của AEC:
Thứ nhất, một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung, thông qua: tự do lưu chuyển hàng hóa; tự do lưu chuyển dịch vụ; tự do lưu chuyển đầu tư; tự do lưu chuyển vốn; tự do lưu chuyển lao động có tay nghề.
Các biện pháp chính mà ASEAN sẽ thực hiện để xây dựng một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất bao gồm: dỡ bỏ thuế quan và các hàng rào phi thuế quan; thuận lợi hóa thương mại, hài hòa hóa các tiêu chuẩn sản phẩm (hợp chuẩn) và quy chế, giải quyết nhanh chóng hơn các thủ tục hải quan và xuất nhập khẩu, hoàn chỉnh các quy tắc về xuất xứ, tạo thuận lợi cho dịch vụ, đầu tư, tăng cường phát triển thị trường vốn ASEAN và tự do lưu chuyển hơn của dòng vốn, thuận lợi hóa di chuyển lao động có tay nghề (di chuyển thể nhân) v.v., song song với việc củng cố mạng lưới sản xuất khu vực thông qua đẩy mạnh kết nối về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, công nghệ thông tin và viễn thông, cũng như phát triển các kỹ năng thích hợp.
Các biện pháp thực hiện AEC đã và đang được các nước thành viên ASEAN triển khai cụ thể thông qua các thỏa thuận và hiệp định quan trọng như Hiệp định Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) và Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS), Hiệp định khung về Khu vực Đầu tư ASEAN (AIA) và Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA), Hiệp định khung về Hợp tác Công nghiệp ASEAN (AICO), Lộ trình Hội nhập Tài chính và Tiền tệ ASEAN, v.v. …
Thứ hai, nhằm xây dựng một khu vực cạnh tranh về kinh tế, ASEAN thúc đẩy chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng như hệ thống đường bộ, đường sắt, cảng biển, năng lượng, phát triển thương mại điện tử v.v.
Thứ ba, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế đồng đều, ASEAN đã thông qua và đang triển khai Khuôn khổ ASEAN về Phát triển Kinh tế Đồng đều (AFEED), trong đó đáng chú ý là các biện pháp hỗ trợ các nước thành viên mới, khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ tư, để hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, thông qua tham vấn chặt chẽ trong đàm phán đối tác kinh tế; nâng cao năng lực tham gia vào mạng lưới cung cấp toàn cầu . ASEAN nỗ lực đẩy mạnh việc xây dựng và triển khai các thoả thuận liên kết kinh tế ở khu vực Đông Á, với 6 Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do (FTAs) đã được ký với các Đối tác quan trọng là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và Niu Di-lân…
Mặc dù được gọi với cái tên “Cộng đồng kinh tế”, AEC thực chất chưa thể được coi là một cộng đồng kinh tế gắn kết như Cộng đồng châu Âu (EC) bởi AEC không có cơ cấu tổ chức chặt chẽ và những điều lệ, quy định có tính chất ràng buộc cao và rõ ràng như EC
AEC thực chất là đích hướng tới của các nước ASEAN thông qua việc hiện thực hóa dần dần 04 mục tiêu kể trên (trong đó chỉ mục tiêu 01 là được thực hiện tương đối toàn diện và đầy đủ thông qua các Hiệp định và thỏa thuận ràng buộc đã ký kết, các mục tiêu còn lại mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng lộ trình, khuôn khổ, thực hiện một số chương trình và sáng kiến khu vực).
AEC là một tiến trình hội nhập kinh tế khu vực chứ không phải là một Thỏa thuận hay một Hiệp định với các cam kết ràng buộc thực chất. Tham gia vào các mục tiêu của AEC là hàng loạt các Hiệp định, Thỏa thuận, Chương trình, Sáng kiến, Tuyên bố… giữa các nước ASEAN có liên quan tới các mục tiêu này. Những văn bản này có thể bao gồm những cam kết có tính ràng buộc thực thi, cũng có những văn bản mang tính tuyên bố, mục tiêu hướng tới (không bắt buộc) của các nước ASEAN.
Các Hiệp định chính trong AEC
Để hiện thực hóa AEC, rất nhiều Hiệp định, Thỏa thuận, Sáng kiến....đã được các thành viên đàm phán, ký kết và thực hiện. Trong đó các Hiệp định quan trọng và đưa thực thi tương đối đầy đủ là:
· Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA)
· Hiệp định Khung về Dịch vụ ASEAN (AFAS)
· Hiệp định về Di chuyển thể nhân trong ASEAN (MNP)
· Các Thỏa thuận Thừa nhận lẫn nhau về một số lĩnh vực dịch vụ
· Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA)
Như vậy, Khi các mục tiêu của AEC được hoàn tất, AEC sẽ mang lại những cơ hội lớn cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là: AEC mở ra một khu vực thị trường chung rộng lớn; AEC mở ra cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; AEC tạo ra sức ép, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam; AEC tạo ra khí thế và động lực cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thách thức đến với kinh tế Việt Nam cũng không nhỏ: sức ép cạnh tranh từ hàng hóa từ các nước ASEAN; Thách thức về cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ; Thách thức về lao động.
Theo điều tra VCCI thực hiện 4/2016 thì 94% doanh nghiệp Việt Nam biết ACE nhưng chỉ có xấp xỉ 17% doanh nghiệp biết rõ các cam kết trong AEC. Sau hơn 1 năm gia nhập AEC, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước Asean sụt giảm nhiều nhóm hàng, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng được cơ hội do sức cạnh tranh còn yếu, sản phẩm xuất khẩu khó cạnh tranh với các nước như Thái Lan, Malaisia, các cam kết về dịch vụ chưa thực hiện được... Như vậy, các doanh nghiệp cần phải liên tục cập nhật, nắm bắt thông tin cụ thể về hội nhập, tích cực đổi mới để có thể tận dụng cơ hội, tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa, dịch vụ trong thị trường quốc tế và khu vực.
Tài liệu tham khảo