^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Phát triển con người và một số hạn chế ở Việt Nam trong giai đoạn vừa qua

Trong nền kinh tế tri thức hiện nay, các quốc gia đều đặt trọng tâm vào phát triển con người. Phát triển con người vừa là phương tiện, vừa là mục tiêu của phát triển kinh tế và mục đích của phát triển là tạo môi trường cho phép người dân được hưởng thụ một cuộc sống trường thọ, mạnh khỏe và sáng tạo. Chỉ số phát triển con người (HDI) là khái niệm do UNDP (chương trình phát triển của Liên hiệp quốc) đưa ra, với một hệ thống cơ sở lý luận và phương pháp tính nhằm đánh giá và so sánh mức độ phát triển con người của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên phạm vi thế giới. Trọng phạm vi bài viết, tác giả đưa ra một số vấn đề về phát triển con người, đánh giá thực trạng phát triển con người của Việt Nam trong giai đoạn 2010-2014.

1. Quan điểm phát triển con người

Tài sản thực sự của một quốc gia là con người và mục đích của phát triển là tạo môi trường cho phép người dân được hưởng thụ một cuộc sống trường thọ, mạnh khỏe và sáng tạo.

Theo quan điểm về phát triển con người của Liên hiệp quốc, phát triển con người là một quá trình nhằm mở rộng khả năng lựa chọn của dân chúng. Về nguyên tắc, những sự lựa chọn này là vô hạn và có thể thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên ở các cấp độ phát triển, con người cần có ba khả năng cơ bản sau: có cuộc sống trường thọ, mạnh khỏe; được hiểu biết và có được các nguồn lực cần thiết cho một mức sống tốt. Song, phát triển con người không dừng lại ở đó. Sự lựa chọn của dân chúng được đánh giá cao bao gồm sự tự do kinh tế, xã hội, chính trị để con người có được các cơ hội trở thành người lao động sáng tạo, có năng suất, được tôn trọng cá nhân và được bảo đảm quyền con người.

Như vậy phát triển con người gồm 2 mặt: một mặt là sự hình thành các năng lực của con người và mặt khác là việc sử dụng các năng lực con người đã tích lũy được cho các hoạt động kinh tế, giải trí hoặc các hoạt động văn hóa, xã hội, chính trị. Và như vậy thì thu nhập không phải là tất cả của cuộc sống con người. Mục đích của phát triển là mở rộng mọi sự lựa chọn của con người chứ không phải thu nhập.

2. Chỉ số phát triển con người (Human Development Index - HDI)

Chỉ số phát triển con người (HDI) được cơ quan phát triển con người của Liên hiệp quốc đưa ra để kiểm soát, đánh giá sự tiến bộ trong phát triển con người. HDI là chỉ số đo lường thống nhất các mục tiêu kinh tế-xã hội cần đạt được và phản ánh toàn bộ các khía cạnh của cuộc sống. HDI phản ánh mức độ trung bình đạt được của một nước về các năng lực cơ bản của con người.

Trên thực tế, HDI chứa đựng ba yếu tố phản ánh tương ứng ba khía cạnh thuộc về năng lực phát triển của con người, đó là: năng lực tài chính (thu nhập), năng lực trí lực (giáo dục) và năng lực thể lực (y tế và chăm sóc sức khỏe). Ba yếu tố cấu thành HDI đã được thống nhất từ năm 1990 bao gồm: y tế và chăm sóc sức khỏe (tính bằng tuổi thọ bình quân), giáo dục (tính theo hai tiêu chí là tỷ lệ người lớn biết chữ và số năm đi học trung bình); GNI/người tính theo PPP được đưa vào HDI phản ánh thu nhập. Đã có ba lần thay đổi trong việc sử dụng các yếu tố đưa vào HDI để phản ánh khía cạnh giáo dục. Trước năm 2007, kết quả giáo dục đưa vào tính HDI bao gồm tỷ lệ người lớn biết chữ và số năm đi học trung bình. Năm 2007, trong  báo cáo phát triển con người  của UNDP thì kết quả giáo dục tính vào HDI lại là: tỷ lệ người lớn biết chữ và tỷ lệ đến trường đúng độ tuổi. Báo cáo phát triển con người năm 2010 cải tiến hơn, con số tỷ lệ đến trường đúng độ tuổi được thay bằng số năm đi học trung bình nhưng đầy đủ hơn, nó không chỉ bao gồm số năm đi học trung bình của những người từ 25 tuổi trở lên mà còn bao gồm số năm đi học trung bình kỳ vọng, tức là số năm đi học trung bình dự báo tính cho những người trong độ tuổi đến trường.

Về phương pháp tính, HDI thiết lập một giới hạn trên và giới hạn dưới cho từng khía cạnh và chỉ ra vị trí hiện tại của từng quốc gia trong các giới hạn đó. Phương pháp chỉ số chính là cách thức để quy đổi các đơn vị đo lường của các tiêu chí bộ phận thành chung.

Trước báo cáo phát triển con người năm 2010, UNDP đã sử dụng một phương pháp tính, theo đó HDI là trung bình cộng của ba chỉ số bộ phận. Tuy nhiên, trong Báo cáo phát triển con người năm 2010, đi đôi với sự thay đổi một số yếu tố bộ phận trong HDI, phương pháp tính cũng có sự thay đổi phù hợp và bảo đảm tính chính xác hơn của chỉ số này.

Bước 1: thiết lập, thiết lập chỉ số thành phần cho mỗi loại phương diện, bao gồm: Chỉ số thu nhập (IW), chỉ số tuổi thọ (IA), và chỉ số giáo dục (IE). Các chỉ số được tính theo công thức (1):

Chỉ số =

Giá trị thực tế-Giá trị nhỏ nhất

Giá trị lớn nhất-Giá trị nhỏ nhất

 

 Bảng 1: Các chỉ số thành phần HDI

Chỉ số

Giá trị lớn nhất

Giá trị nhỏ nhất

Tuổi thọ trung bình

83,2

20

Số năm học trung bình của người lớn (>25 tuổi)

13,2

0

Số năm học TB kỳ vọng của trẻ em (năm)

20,6

0

Tổng hợp chỉ số giáo dục

0,951

0

Thu nhập bình quân (PPP) (USD)

108,211

163

 

 

Nguồn: Báo cáo phát triển con người năm 2010

            Khi tính chỉ số giáo dục, công thức (1) được áp dụng tính cho cá hai thành phần phụ ( số năm đến trường và số năm đến trường kỳ vọng), cuối cùng, công thức (1) lại được áp dụng để tính chỉ số giáo dục. Cụ thể là:

Trong đó, IE1 là số năm học trung bình của người lớn, IE2 là số năm học dự kiến của trẻ em

Khi tính chỉ số thu nhập, bởi mỗi chỉ số là một số mang tính chất đại diện cho khả năng xảy ra chỉ tiêu này, hàm chuyển đổi từ thu nhập tới các khả năng là hàm lõm, vì thế mà khi tính ta sử dụng logarit đối với các chỉ số thực tế, giá trị lớn nhất và giá trị nhỏ nhất.

                             Iw=

Ln (Thu nhập thực tế)-Ln(Thu nhập tối thiểu)

Ln (Thu nhập tối đa)-Ln(Thu nhập tối thiểu)

Bước 2: Tổng hợp các chỉ số thành phần để tính HDI

            Tác dụng chính của HDI là kiểm soát và đánh giá, so sánh trình độ phát triển con người giữa các quốc gia với nhau cũng như đánh giá sự phát triển của con người theo thời gian. Trên cơ sở đó, chính phủ các nước có thể xác định trọng điểm cần ưu tiên để thực hiện sự can thiệt bằng các chính sách cụ thể nhằm cải thiện sự tiến bộ xã hội, nâng cao trình độ phát triển con người. HDI theo phương pháp chỉ số được xác định trong khoảng từ 0 đến 1. HDI càng gần 1, chứng tỏ trình độ phát triển con người càng cao và ngược lại.

3. Đánh giá trình độ phát triển con người của Việt Nam giai đoạn 2010-2014 thông qua chỉ số HDI

            Trong thời gian qua, cùng với quá trình đổi mới về kinh tế và những thành tựu quan trọng đạt được trong lĩnh vực này, trình độ phát triển con người của Việt Nam cũng có những tiến bộ nhất định

Bảng 2: Chỉ số HDI của Việt Nam giai đoạn 2010-2014

Năm

2010

2011

2012

2013

2014

Chỉ số HDI

0,572

0,593

0,617

0,638

0,666

Xếp hạng

113/169

128/187

117/187

121/187

116/188

Nguồn: Báo cáo phát triển con người của UNDP các năm 2011, 2012, 2013, 2014, 2015

Qua bảng số liệu trên cho thấy, trong giai đoạn 2010-2014 chỉ số phát triển con người của Việt Nam có xu hướng tăng nhưng không nhiều, tăng 0,094 điểm với tốc độ tăng có xu hướng chậm lại.

Trước hết về chỉ số tuổi thọ, tuổi thọ bình quân ở nước ta đạt mức cao nhất và có tầm quan trọng hàng đầu trong 3 chỉ số (thu nhập, tuổi thọ, giáo dục), quyết định thứ bậc về HDI. Cụ thể, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam năm 2014 đạt 73,2 (cao hơn mức 69,3 tuổi của nhóm nước có HDI trung bình, cao hơn cả mức 72,6 tuổi của nhóm có HDI cao). 
Ngoài các yếu tố có tính tự nhiên, tuổi thọ cao của người Việt Nam còn là kết quả của việc cải thiện mức sống, chăm lo sức khoẻ con người, được thể hiện trên nhiều mặt. Cụ thể: Tỷ lệ nghèo giảm mạnh (9,45% năm 2010 xuống còn 5,97% năm 2014,
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên. Tiếp tục đầu tư xây mới và nâng cấp mở rộng nhiều bệnh viện; riêng tuyến Trung ương tăng thêm 1.200 giường bệnh. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 72%.

Về chỉ số thu nhập (tính bằng USD theo tỷ giá sức mua tương đương), bình quân đầu người đã tăng từ 1.160 USD năm 2010 lên 2.028 USD năm 2014. Do chỉ số thu nhập còn thấp, nên cần phải tập trung cho việc nâng cao chỉ tiêu này. Muốn tăng chỉ tiêu này, một mặt phải tăng tổng GDP (tính bằng USD theo tỷ giá sức mua tương đương); phải tăng tỷ lệ GNI so với GDP và tiếp tục giảm tốc độ tăng dân số.

Chỉ số tri thức (giáo dục), được biểu hiện qua 2 chỉ số chi tiết, đó là số năm đi học kỳ vọng và số năm đi học trung bình. Số năm đi học kỳ vọng tăng từ 10,4 năm vào năm 2010 lên 11,9 năm vào năm 2014, số năm đi học trung bình của Việt Nam đã tăng từ 7,2 năm năm 2010 lên 7,9 năm năm 2014.

            Nhìn chung, trình độ phát triển con người của Việt Nam chưa thực sự bền vững. Hiện nay, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có trình độ phát triển con người ở mức trung bình, thấp hơn so với phần lớn các nước trong khu vực Đông Nam Á (chỉ cao hơn với Myanmar và Camphuchia). Theo báo cáo phát triển con người của UNDP năm 2015 dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu năm 2014, năm 2014 chỉ số HDI của Việt Nam là 0,666 trong khi đó của Myanmar là 0,535, của Camphu chia là 0,555. Trong thời gian tới, để HDI của tăng nhanh hơn, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn nữa vào con người. Nếu không đầu tư vào con người thì những lợi ích thu được từ thị trường quốc tế hoặc từ đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ rất hạn chế. Đầu tư vào tiềm năng con người có ý nghĩa sống giúp Việt Nam nâng cao lợi thế cạnh tranh và nhờ đó được hưởng lợi đầy đủ khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.

Như vậy, việc phát triển con người ở nước ta trong giai đoạn vừa qua, bên cạnh những thành tựu đạt được, còn có một số hạn chế nhất định. Bối cảnh phát triển con người của nước ta hiện nay vừa có những cơ hội mới, vừa đứng trước nhiều thách thức. Điều đó, đòi hỏi phải xem xét một cách toàn diện để tìm ra những giải pháp hiệu quả cho việc phát triển con người một cách bền vững

Tài liệu tham  khảo

1. Ngô Thắng Lợi (2012), Giáo trình Kinh tế phát triển, NXB đại học kinh tế Quốc dân

2. UNDP, Báo cáo phát triển con người các năm  2012, 2013, 2014, 2015

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube