Sau sự cố môi trường biển, lượng khách du lịch đến Hà Tĩnh giảm rõ rệt. Do đó hoạt động kinh doanh của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch gặp không ít khó khăn, tốc độ tăng trưởng của ngành chịu ảnh hưởng không nhỏ. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp quy hoạch, khai thác các tiềm năng du lịch ngoài biển và bảo vệ tốt hơn môi trường là những giải pháp chủ yếu góp phần thu hút du khách sau sự cố môi trường biển.
Hà Tĩnh là một tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ, có tiềm năng du lịch khá lớn với nhiều điểm du lịch và bãi biển đẹp thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Hà Tĩnh được đánh giá là một vùng đất có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nói riêng và của khu vực miền Trung nói chung. Tuy nhiên do ảnh hưởng sự cố môi trường biển trong năm 2016, lượng khách du lịch đến Hà Tĩnh giảm đáng kể, hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, lượng khách du lịch đến Hà Tĩnh năm 2016 ước đạt khoảng 1,1 triệu lượt khách, giảm 31% so với năm 2015 và bằng 66% kế hoạch; trong đó khách quốc tế ước đạt 18.000 lượt, giảm 22% so với năm 2015 và bằng 75% kế hoạch; khách nội địa ước đạt 1,082 triệu lượt, giảm 31% và bằng 72% kế hoạch. Do lượng khách du lịch giảm nên sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động du lịch và người lao động trực tiếp gặp nhiều khó khăn, doanh thu từ hoạt động du lịch biển dự kiến giảm khoảng 80-90% và doanh thu của các đơn vị kinh doanh du lịch ngoài du lịch biển cũng giảm từ 30-40% so với năm 2015. Vì vậy, cần phải có những giải pháp kịp thời, đồng bộ nhằm thu hút khách du lịch đến Hà Tĩnh sau sự cố môi trường biển như sau:
Thứ nhất, tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng, hướng tới các dự án trọng tâm, trọng điểm, có quy mô lớn
Thứ hai, đa dạng hóa sản phẩm; Lựa chọn, khai thác những lợi thế khác biệt để tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù
Hà Tĩnh nằm trong khu vực Bắc Trung Bộ, có sự tương đồng về tài nguyên du lịch với các tỉnh lân cận như tài nguyên du lịch biển, du lịch văn hóa,.... do vậy phải tạo ra sự khác biệt. Nên liên kết các loại hình để hình thành các tour dựa trên nhiều loại hình du lịch. Ví dụ như tham quan di tích, tắm biển, tham quan làng nghề, tìm hiểu các làng nghề, xem nấu kẹo cu đơ, nghe ca trù cổ đạm, thưởng thức dân ca ví giặm.... hoặc tại Khu du lịch sinh thái Hải Thượng, phải kết hợp du lịch văn hóa với du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh gắn với tên tuổi của danh y Hải Thượng lãn ông Lê Hữu Trác, gắn kết với khu du lịch sinh thái nước khoáng nóng Sơn Kim để hình thành tuyến du lịch nội vùng có tính hấp dẫn và cạnh tranh cao....
Bên cạnh đó, khai thác các sản phẩm thủ công truyền thống và khôi phục phát triển các làng nghề có vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch. Kinh nghiệm cho thấy nhiều làng nghề truyền thống nếu được xây dựng đầu tư, khôi phục quá trình hoạt động có thể trở thành một điểm tham quan hấp dẫn, đồng thời có thể tổ chức bán được các sản phẩm lưu niệm cho du khách. Tuy nhiên cần phải lựa chọn những nghề phù hợp và những làng nghề có vị trí thuận tiện, gần các tuyến điểm du lịch để đầu tư phát triển và tổ chức khai thác.
Đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch phù hợp với thị trường du lịch nội địa và quốc tế. Đối với từng điểm du lịch phải có sản phẩm du lịch đặc thù và cần kết hợp với các tỉnh lân cận, với nước ngoài như Lào, Thái Lan và các nước trong khu vực ASEAN để nối tour du lịch, tạo thêm khả năng tiêu thụ các sản phẩm du lịch. Phấn đấu năm 2017 thu hút khoảng 1,2 triệu lượt khách, trong đó 1,18 triệu lượt khách nội địa và 20.000 lượt khách quốc tế.
Thứ ba, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, giới thiệu về du lịch Hà Tĩnh
Tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức về ngành kinh tế du lịch (du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Tĩnh) trong các cấp, các ngành và nhân dân; tạo lập và nâng cao hình ảnh của Du lịch Hà Tĩnh trong cả nước, khu vực và trên thế giới để qua đó thu hút khách du lịch và nguồn vốn đầu tư vào du lịch Hà Tĩnh.
Xây dựng hệ thống các trung tâm hướng dẫn và cung cấp thông tin về Du lịch Hà Tĩnh, về tiềm năng - đất nước và con người Hà Tĩnh cho khách du lịch ở những đầu mối giao thông quan trọng, đặc biệt là ở thành phố Hà Tĩnh, cửa khẩu quốc tế Cầu Treo v.v...
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng, các lực lượng thông tin đối ngoại, đặt các văn phòng xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm (cả trong nước và quốc tế); tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế để xúc tiến quảng bá du lịch Hà Tĩnh có hiệu quả.
Thực hiện các chương trình thông tin tuyên tuyền, quảng bá về những sự kiện sẽ diễn ra hàng năm trên địa bàn Tỉnh như văn hóa thể thao, lễ hội truyền thống...; tổ chức các chiến dịch xúc tiến, quảng bá, phát động thị trường theo chuyên đề; tổ chức và tham gia hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo du lịch ở trong nước và quốc tế để giới thiệu rộng rãi tiềm năng du lịch của địa phương, kích thích nhu cầu du lịch trong nước và quốc tế.
Thứ tư, giải pháp về bảo vệ tài nguyên môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững của du lịch TC "3.3.6 Giải pháp về bảo vệ tài nguyên môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững của du lịch" \f C \l "4"
Đối với bất kỳ ngành kinh tế nào, sự phát triển bền vững cũng gắn liền với vấn đề tài nguyên - môi trường. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với sự phát triển của ngành du lịch, nơi mà tài nguyên - môi trường được xem là yếu tố sống còn quyết định sự tồn tại của các hoạt động du lịch. Đặc biệt, sau sự cố môi trường biển đã gây ra những tác động tiêu cực đến các hoạt động phát triển du lịch (đặc biệt là ở các khu du lịch biển). Chính vì vậy, để đảm bảo cho việc ngăn chặn sự suy thoái tài nguyên và ô nhiễm môi trường; đảm bảo cho sự phát triển bền vững của du lịch cần thiết phải xem xét trên nhiều khía cạnh như quy hoạch, luật pháp, đào tạo.... Đồng thời, cần chấn chỉnh công tác quản lý khai thác du lịch tại các khu du lịch biển và các điểm du lịch văn hóa, tâm linh trên địa bàn, nhất là về giá cả các loại dịch vụ, môi trường, thực hiện các giải pháp khôi phục hoạt động ngành du lịch biển do tác động của sự cố môi trường.
Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch
Do thực trạng đội ngũ cán bộ công chức (CBCC) công tác trong ngành du lịch Hà Tĩnh đang thiếu, lại yếu về năng lực, vì vậy cần phải có chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thông qua các chương trình gồm đào tạo mới và đào tạo lại cho nguồn nhân lực hiện có. Tiến hành điều tra phân loại trình độ đội ngũ CBCC trong ngành du lịch, trên cở sở kết quả điều tra tiến hành thực hiện chương trình đào tạo lại và đào tạo mới nghiệp vụ chuyên môn. Thực hiện các lớp đào tạo ngắn và dài hạn theo quy định của Tổng Cục du lịch. Từng bước xây dựng đội ngũ các nhà quản lý có đủ năng lực để điều hành các hoạt động du lịch hiệu quả. Xây dựng cơ cấu nguồn nhân lực đồng bộ, hợp lý trong điều hành, quản lý và nhân viên tác nghiệp cụ thể. Có chính sách khuyến khích, ưu đãi đặc biệt để thu hút nhân tài về phục vụ cho ngành du lịch. Có kế hoạch cử cán bộ trẻ có trình độ năng lực gửi các nước phát triển để đào tạo trình độ đại học và sau đại học cũng như để thực tập nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên ngành du lịch.
Đối với công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, Hà Tĩnh cần liên kết với các cơ sở đào tạo tại các trung tâm lớn như Hà Nội, Huế…và các cơ sở ở nước ngoài. Bên cạnh đó, phối hợp với Đại học Hà Tĩnh, Trường Cao đẳng Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Du để tăng cường công tác đào tạo nhân lực tại chỗ.
Thứ sáu, tăng cường việc liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh trong và ngoài khu vực
Đẩy mạnh mối liên kết với Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Bình: Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Bình là các tỉnh gần với Hà Tĩnh có những lợi thế riêng về tài nguyên du lịch mà Hà Tĩnh không có (di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng; khu lưu niệm Bác Hồ ở Kim Liên…). Đây là những điểm du lịch quan trong nằm trên tuyến du lịch Con đường di sản Miền Trung. Do vậy việc hợp tác với Thanh Hóa, Quảng Bình và Nghệ An trong việc xây dựng các tour du lịch của Hà Tĩnh là rất quan trọng, phải kết hợp được giá trị của các tài nguyên này vào các sản phẩm du lịch của Hà Tĩnh để tăng thêm tính hấp dẫn của sản phẩm.
Kết nối với các tỉnh có du lịch phát triển: Kết nối với các tỉnh có du lịch phát triển như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa,... Đây sẽ là yếu tố giúp du lịch Hà Tĩnh học hỏi kinh nghiệm, kết nối và mở rộng thị trường khách. Việc tăng cường liên kết trao đổi sẽ giúp Hà Tĩnh thu hút khách du lịch hơn nữa.
Kết nối du lịch với Lào, Thái Lan: Ngoài các tỉnh trong nước, Hà Tĩnh có lợi thế trong việc kết nối du lịch với các tỉnh biên giới của 2 nước bạn Lào và Thái Lan. Đây sẽ là yếu tố góp phần thu hút khách quốc tế sang tham quan Hà Tĩnh qua đường cửa khẩu quốc tế Cầu Treo rất thuận tiện.
Trên đây là một số giải pháp thu hút khách du lịch đến Hà Tĩnh sau sự cố môi trường biển, đòi hỏi ngành du lịch Hà Tĩnh phải tập trung thực hiện trong thời gian tới nhằm đưa Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Hà Tĩnh.
Tài liệu tham khảo
1. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2017 của UBND tỉnh Hà Tĩnh ngày 06 tháng 12 năm 2016.
2. Nguyễn Văn Đính, bài báo “Du lịch Hà Tĩnh: Tiềm năng, phương hướng, mục tiêu và giải pháp phát triển trong thời gian tới”, 2012, Tạp chí Văn hóa Nghệ An.
4. http://sovhttdl.hatinh.gov.vn/