^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

CHỈ TIÊU KINH TẾ HÀ TĨNH NĂM 2016

 

Năm 2016 là một năm đầy khó khăn và thách thức đối với Tỉnh Hà Tĩnh; là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn đầu tư bổ sung từ ngân sách Nhà nước giảm nhiều so với những năm trước; các dự án lớn dự kiến là động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2016 triển khai chậm tiến độ, chưa đi vào hoạt động; sự cố môi trường biển vào đầu tháng 4/2016 đã làm ảnh hưởng lớn đến kinh tế, môi trường, an ninh trật tự và đời sống của người dân; các đợt mưa lũ trong tháng 10/2016 làm nhiều địa phương bị ngập lụt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của người dân...

            Một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng của Tỉnh tuy chưa đạt được như kỳ vọng đã đề ra, tuy nhiên với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ và nhân dân, sự hỗ trợ của Trung ương và đồng thuận của doanh nghiệp, Hà Tĩnh đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để ổn định tình hình.

            Theo báo cáo “Tình hình kinh tế xã hội năm 2016 – Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2017” của UBND Tỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) giảm 17.06%  so với năm 2015 (kế hoạch tăng 19.5%), tuy nhiên khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 4.89% (kế hoạch tăng 7.73%), trong đó nông nghiệp tăng 7.23%, lâm nghiệp tăng 2.1% và thuỷ sản giảm 18.16%. Khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 29,87% (kế hoạch tăng 29,76%); trong đó: công nghiệp tăng 7,23%; xây dựng giảm 46,59%. Khu vực dịch vụ giảm 14,16% (kế hoạch tăng 10,84%); trong đó: các ngành thương mại, dịch vụ tăng 1,34%; thuế sản phẩm trừ (-) trợ cấp sản phẩm giảm 47,09%.

            Về cơ cấu kinh tế: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 22,69% (năm 2015 là 18,13%); khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 32,07% (năm 2015 là 38,05%); khu vực dịch vụ chiếm 45,24% (năm 2015 là 43,82%). Khu vực nông, lâm thuỷ sản chiếm tỷ trọng thấp hơn khu vực công nghiệp và dịch vụ nhưng nông nghiệp tiếp tục là trụ cột của kinh tế, sản xuất lúa được mùa, tăng nhanh diện tích, chất lượng; chăn nuôi phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng đàn; sản xuất lâm nghiệp tăng khá cao so với năm 2015.

            Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế GRDP giảm sâu trong năm 2016 đã ảnh hưởng tới thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và các chỉ tiêu kinh tế xã hội tổng hợp khác. Một số nguyên nhân chủ yếu làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Tĩnh trong năm 2016 là:

Thứ nhất, tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm mạnh so với năm 2015 (giảm 54%) và đạt thấp so với dự kiến kế hoạch (bằng 63,4%), trong đó chủ yếu do khu vực FDI giảm mạnh (giảm 67,4%). Nguyên nhân giảm vốn FDI là do dự án Formosa bước sang giai đoạn hoàn thiện nên vốn đầu tư giảm (giảm 68,5% so với năm 2015); dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II và dự án đầu tư bến 5,6 cảng Vũng Áng chưa triển khai xây dựng trong năm như dự kiến. Do giảm vốn đầu tư nên tăng trưởng trưởng của ngành xây dựng giảm 46,59% so với năm 2015, làm giảm 12,46 điểm phần trăm của tăng trưởng chung.

Thứ hai, nhà máy thép Formosa chưa đi vào sản xuất như dự kiến, sản lượng thép chỉ đạt 0,2 triệu tấn (sản xuất thử từ phôi nhập khẩu)/kế hoạch 1,8 triệu tấn  và Tổ máy số 1 Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I gặp sự cố phải ngừng sản xuất từ đầu năm đến tháng 9/2016 mới đi vào hoạt động nên đã làm giảm 11.733 tỷ đồng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010), tương đương làm giảm -57,84 điểm phần trăm tăng trưởng của ngành công nghiệp và làm giảm 6,97 điểm phần trăm của tăng trưởng chung. Đây cũng chính là nguyên nhân làm giảm chỉ số tăng sản xuất công nghiệp chỉ đạt 15,37% thấp  hơn nhiều so với kế hoạch đề ra là 187%.

Thứ ba, thuế sản phẩm (gồm: Thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu) trừ (-) trợ cấp sản phẩm giảm mạnh: Hiện nay, thực hiện tính chỉ tiêu GRDP theo giá cơ bản thì thuế sản phẩm trừ (-) trợ cấp sản phẩm được tính trực tiếp vào GRDP. Năm 2016 thuế sản phẩm trừ (-) trợ cấp sản phẩm giảm 47,09% so với năm 2015 đã làm giảm - 6,7 điểm phần của tăng trưởng chung.

            Thứ tư, tác động của sự cố môi trường và ảnh hưởng của mưa lũ trong tháng 10/2016 đã tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp, dịch vụ du lịch và một số lĩnh vực khác. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ đạt mức tăng trưởng 4,89%, thấp hơn mức dự kiến kế hoạch là 7,73% và chỉ đóng 0,82 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung, trong đó riêng ngành thủy sản giảm 18,16%, làm giảm 0,24 điểm phần trăm của trưởng chung. Các ngành thương mại và dịch vụ chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 1,34% so với năm 2015 và chỉ đóng góp 0,41% điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung, trong đó riêng tốc độ tăng trưởng của du lịch giảm 23,9% so với cùng kỳ.

Như vậy, trong mức tăng trưởng chung -17,06% thì khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đóng góp 0,82 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp -11,59 điểm phần trăm (trong đó công nghiệp đóng góp 0,87 điểm phần trăm và xây dựng đóng góp -12,46 điểm phần trăm); khu vực dịch vụ đóng góp -6,3 điểm phần trăm (trong đó các ngành thương mại, dịch vụ đóng góp 0,41 điểm phần trăm và thuế sản phẩm trừ (-) trừ cấp sản phẩm đóng góp -6,7 điểm phần trăm).

 Nguồn tài liệu:

1.     Báo cáo “Tình hình kinh tế xã hội năm 2016 – Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2017” – Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Tĩnh.

2.     http://baohatinh.vn/chinh-tri/toan-tinh-da-no-luc-vuot-kho-dat-nhung-ket-qua-dang-tran-trong/125695.htm

3.     http://baohatinh.vn/chinh-tri/tang-truong-kt-xh-khong-dat-muc-tieu-do-nhieu-nguyen-nhan/125754.htm

 

 

 

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube