^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam – chi nhánh huyện Hương Sơn - tỉnh Hà Tĩnh

Giai đoạn 2013-2015, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đạt được nhiều kết quả tích cực trong hoạt động tín dụng. Quy mô huy động vốn tăng nhanh với tỷ lệ 18,06%/năm tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng quy mô và đối tượng cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế của các đối tương dân cư và doanh nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của huy động vốn không đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng cho vay và nhu cầu vay vốn, nợ quá hạn còn cao và không chắc chắn là các tồn tại lớn trong hoạt động tín dụng của ngân hàng. Trong thời gian tới, ngân hàng cần tiếp tục hoàn thiện công nghệ ngân hàng để giảm các chi phí giao dịch. Ngoài ra, đa dạng hóa các sản phẩm và hình thức huy động, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tín dụng và giám sát tốt hơn quy trình cho vay và hoạt động sử dụng vốn là các giải pháp cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng trong vai trò là đơn vị kinh doanh tiền tệ.

 

            Hương Sơn là một huyện có diện tích lớn, với số dân cư đông và tập trung chủ yếu ở các ngành nghề như: lâm nghiệp, nông nghiệp…Nhiều năm qua ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam – chi nhánh huyện Hương Sơn đã cung ứng vốn cho người nông dân dưới nhiều hình thức để bà con nông dân có thể phát triển được ngành nghề của mình. Tuy nhiên, do nhu cầu vốn của người dân ngày càng cao, các ngành nghề như nông nghiệp lại phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết cho nên khả năng tạo ra lợi nhuận của các hộ nông dân không ổn định dẫn đến việc thanh toán nợ gặp khó khăn. Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam – chi nhánh huyện Hương Sơn đã đặt ra cho mình nhiệm vụ hết sức quan trọng, đó là nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng một cách hợp lý nhất, đồng thời thu hồi vốn một cách hiệu quả nhất. Đây cũng là một phần trong kế hoạch phát triển của ngân hàng năm 2016 nhằm tăng khả năng cạnh tranh với những ngân hàng thương mại khác trong thời kỳ hội nhập.

HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VIỆT NAM – CHI NHÁNH HUYỆN HƯƠNG SƠN - TỈNH HÀ TĨNH

Tình hình huy động vốn: Giai đoạn 2013-2015, trong bối cảnh các ngân hàng thương mại cạnh tranh lãi suất để huy động vốn bù đắp cho thiếu hụt thanh khoản, ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam – chi nhánh Hương Sơn vẫn được đánh giá thành công trong hoạt động huy động vốn.

Bảng 1: Nguồn vốn của NHNo&PTNTVN chi nhánh huyện Hương Sơn – Hà Tĩnh giai đoạn 2013-2015

Chỉ tiêu Năm 2013 Năm 2014 Năm 2015 So sánh tăng giảm Binh quân tăng
2014/2013 2015/2014
Giá trị (trđ) % Giá trị (trđ) % Giá trị (trđ) % Giá trị (trđ) % Giá trị (trđ) % %
Tổng nguồn vốn 715.574 100 843.644 100 999.055 100 128.070 17,9 155.411 18,42 18,06
- Vốn huy động 679.877 95,01 803.655 95,26 950.703 95,16 123.778 18,21 147.048 18,3 18,25
+ Ngắn hạn 483.356 76 534.973 71,08 602.834 67,4 51.617 10,68 67.861 12,68 11,68
+ Trung hạn 150.009 23 217.708 28,92 292.168 32,1 67.699 45,13 74.460 34,2 39,66
+ Dài hạn 46.512 0,06 50.974 0,06 55.701 0,05 4.462 1,09 4.727 1,09 1,09
- Vốn chủ sở hữu 35.697 4,99 39.989 4,74 48.352 4,84 4.292 12,02 8.363 20,91 16,46

(Nguồn: Bảng cân đối kế toán của NHNo&PTNTVN huyện Hương Sơn)

Tổng nguồn vốn của ngân hàng liên tục tăng lên qua các năm với tốc độ tăng trưởng bình quân qua các năm là 18,06%, cụ thể: năm 2013 tổng nguồn vốn của ngân hàng là 715.574 triệu đồng, năm 2014 là 843.644 triệu đồng, tăng 128.070 triệu đồng, tỷ lệ tăng 17,9% so với năm 2013. Năm 2015 tổng nguồn vốn tăng lên tới 999.055 triệu đồng tăng 155.411 triệu đồng, tăng so với năm 2014 là 18,42%.

            Tình hình huy động vốn của ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam – chi nhành huyện Hương Sơn tăng qua các năm với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 18,25. Bên cạnh đó, nguồn vốn huy động luôn chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn luôn chiếm trên 95% trong tổng nguồn vốn cho thấy hoạt động huy động vốn của ngân hàng khá tốt. Trong tổng nguồn vốn huy động thì nguồn vốn ngắn hạn luôn chiếm tỷ trong cao từ 67% trở lên, nguồn vốn trung hạn chiếm bình quân 29%, nguồn vốn dài hạn chiếm 0,06%.

Tình hình cho vay: Đối tượng cho vay của ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam – chi nhánh Hương Sơn chủ yếu là hộ nông dân, doanh nghiệp tư nhân và một số thành phần kinh tế khác.

Bảng 2: Cơ cho vay của NHNo&PTNTVN chi nhánh huyện Hương Sơn – Hà Tĩnh giai đoạn 2013-2015

Chỉ tiêu Năm 2013 Năm 2014 Năm 2015 So sánh tăng giảm Binh quân tăng
2014/2013 2015/2014
Giá trị (trđ) % Giá trị (trđ) % Giá trị (trđ) % Giá trị (trđ) % Giá trị (trđ) % %
Tổng DSCV 591.210 100 713.895 100 889.381 100 122.685 20,75 175.486 24,58 22,66
Theo đối tượng                      
1. Hộ nông dân 525.767 88,93 625.675 87,64 758.260 85,257 99.908 19 132.585 21,19 20,9
2. DNTN 15.675 2,65 19.567 2,74 29.347 3,3 3.892 24,83 9.780 49,98 37,4
3. TP KT khác 49.768 8,42 68,653 9,62 101.774 11,443 18.885 37,95 33.121 33,12 35,53
Theo kỳ hạn                      
1. Ngắn hạn 368.324 62,3 424.054 59,4 505.168 56,8 55.730 15,13 81,114 16,06 15,59
2. Trung hạn 150.759 25,5 239.155 33,5 337.075 37,9 88.396 58,63 97.920 29,05 43,84
3. Dài hạn 66.215,5 11,2 50.686 7,1 47.137 5,3 -15.529 -23,45 -3.549 -7,53 -15,49

(Nguồn: Bảng cân đối kế toán của NHNo&PTNTVN huyện Hương Sơn)

           Doanh số cho vay của ngân hàng hàng giai đoạn 2013-2015 là tăng qua các năm với tốc độ tăng bình quân là 22,66%, cụ thể qua các năm như sau: năm 2013 tổng doanh số cho vay là 591.210 triệu đồng, sang năm 2014 co số này là 713.895 triệu đồng, đến năm 2015 doanh số cho vay đạt 889.381 triệu đồng tăng 298.171 triệu đồng, tỷ lệ tăng 50,43% so với năm 2013. Trong cơ cấu doanh số cho vay thì doanh số cho vay hộ nông dân chiếm tỷ trọng cao nhất chiếm từ 85% đến 88,9%; cho vay dối với doanh nghiệp tư nhân chiếm 2,65% đến 3,3%; cho vay đối với các thành phần kinh tế khác chiếm từ 8,4% đến 11% trong tổng số cho vay. Nếu xét về thời hạn vay vốn thì doanh số cho vay ngắn hạn luôn chiếm binh quân là 59,5%, trung hạn chiếm bình quân là 32,3% và dài hạn chiếm 8,2%.

            Doanh số thu nợ: Doanh số thu nợ là số tiền mà ngân hàng thu được từ doanh số cho vay trong năm và nợ chưa đến hạn thanh toán hoặc nợ quá hạn thanh toán của các năm trước chuyển sang. Dựa vào doanh số thu nợ ta có thể biết được tình hình quản lý vốn, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, tính chính xác khi thẩm định, đánh giá khách hàng để cho vay vốn của cán bộ tín dụng của ngân hàng.

Bảng 3: Doanh số thu nợ của NHNo&PTNTVN chi nhánh huyện Hương Sơn – Hà Tĩnh giai đoạn 2013-2015

 

Chỉ tiêu Năm 2013 Năm 2014 Năm 2015 So sánh tăng giảm Binh quân tăng
2014/2013 2015/2014
Giá trị (trđ) % Giá trị (trđ) % Giá trị (trđ) % Giá trị (trđ) % Giá trị (trđ) % %
Tổng DSTN 442.456 100 547.763 100 764.829 100 105.307 23,8 217.066 39,63 31,71
1. Hộ nông dân 385.567 87,14 475.985 86,9 658.662 86,12 90.418 23,45 182.677 38,38 30,91
2. DNTN 13.235 2,99 18.458 3,37 22.291 2,91 5.223 39,46 3.833 20,77 30,11
3. TP KT khác 43.654 9,87 53.320 9,73 83.876 10,97 9.666 22,14 30.556 57,31 39,72

(Nguồn: Bảng cân đối kế toán của NHNo&PTNTVN huyện Hương Sơn)

Tình hình doanh số thu nợ của chi nhánh trong những năm gần đây liên tục tăng với tốc độ tăng bình quân 31,71% tăng hơn so với tôc độ tăng của nguồn vốn huy động chứng tỏ quá trình thu hồi nợ trong những năm gần đây có tốt hơn; tình hình thu nợ qua các năm cụ thể như sau: năm 2013 doanh số thu nợ là 442.456 triệu đồng thì sang năm 2014 doanh số thu nợ đã tăng lên 547.763 triệu đồng, đến năm 2015 doanh số thu nợ đã đạt 764.829 triệu đồng tăng 322.373 triệu đồng, tỷ lệ tăng 72,86% so với năm 2013. Trong tổng doanh số thu nợ thì số thu nợ của hộ nông dân bình quân hàng năm chiếm 86,72%. Số thu nợ của doanh nghiệp tư nhân bình quân hàng năm chiếm 3,09%. Số thu nợ thì số thu nợ của các thành phần kinh tế khác bình quân hàng năm chiếm 10,9%.

            Nợ quá hạn: Nợ quá hạn là một bộ phận của tổng dư nợ, đây là khoản nợ đã đến thời hạn thu hồi vốn nhưng khách hàng vẫn chưa trả được nợ cho ngân hàng.

 Bảng 4: Tình hình nợ quá hạn của NHNo&PTNTVN chi nhánh huyện Hương Sơn – Hà Tĩnh giai đoạn 2013-2015

Chỉ tiêu Năm 2013 Năm 2014 Năm 2015 So sánh tăng giảm Binh quân tăng
2014/2013 2015/2014
Giá trị (trđ) % Giá trị (trđ) % Giá trị (trđ) % Giá trị (trđ) % Giá trị (trđ) % %
Tổng nợ qua hạn 20.976,68 100 28.062,62 100 28.716,57 100 7.085,93 33,78 653,96 2,33 18,05
1. Hộ nông dân 15.484 73,82 20.987 74,79 22.735 79,17 5.503 35,54 1.748 8,33 21,93
2. DNTN 3.724 17,75 4.326 15,42 3.035 10,57 602 16,17 -1.291 -29,84 -6,83
3. TP KT khác 1.768,68 8,43 2.749,615 9,8 2.946,57 10,26 980,934 55,46 196,956 7,16 31,31

(Nguồn: Bảng cân đối kế toán của NHNo&PTNTVN huyện Hương Sơn)

 Tình hình nợ quá hạn của ngân hàng giai đoạn 2013-2015 có xu hướng tăng qua các năm với tốc độ tăng bình quân là 18,05%, cụ thể: năm 2013 nợ quá hạn của ngân hàng là 20.976,68 triệu đồng, năm 2014 là 28.062,64 triệu đồng và đến năm 2015 nợ quá hạn đã là 28.716,57 triệu đồng, tăng 7.739,89 triệu đồng tăng 36,898% so với năm 2013. Trong tổng nợ quá hạn thì nợ quá hạn của hộ nông dân bình quân chiếm 75,93%, doanh nghiệp tư nhân bình quân chiếm 14,58%, thành phần kinh tế khác bình quân chiếm 9,49%.

MỘT SỐ HẠN CHẾ

            Thứ nhất, cơ cấu vốn chưa hợp lý, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng dư nợ, do đó làm ảnh hưởng tới việc mở rộng đầu tư tín dụng mặc dù ngân hàng còn có nhiều tiềm năng để có thể khai thác để tăng trưởng được dư nợ.

            Thứ hai, Nợ quá hạn chiếm tỷ lệ thấp nhưng chưa đảm bảo vững chắc, còn tình trạng quá hạn thiếu căn cứ thực tế, chưa tổ chức theo dõi được số nợ thực chất đã quá hạn trong năm nên chưa xác định được mức độ tiềm ẩn rủi ro thực tế. Bên cạnh đó, nợ quá hạn chủ yếu tập trung vào đối tượng là các hộ gia đình, các đối tượng thuộc ngành nghề chủ đạo của địa phương là ngành nông lâm nghiệp.

            Thứ ba, tình trạng thiếu thông tin, nguồn thông tin mà ngân hàng cần để đánh giá, phân tích còn thiếu, không kịp thời. Vì vậy, cán bộ tín dụng thường phải mất nhiều thời gian và công sức để tự đi kiểm tra trong khi chi phí cho hoạt động này lại rất ít hoặc không có. Công tác quản lý nợ có lúc có nơi còn chưa sâu sát, xử lý nợ đến hạn, nợ quá hạn chưa kịp thời.

            Thứ tư, trình độ của đội ngũ cán bộ nhân viên còn thấp, còn hạn chế, đặc biệt là trình độ tin học nên khả năng ứng dụng công nghệ cao chưa có ảnh hưởng tới năng suất của đơn vị. Ngoài ra chi nhánh còn thiếu cán bộ được đào tạo theo chuyên ngành chuyên môn kỹ thuật để thẩm định tính khả thi, tính hiệu quả của dự án. Khâu kiểm tra, kiểm soát nội bộ vẫn chưa được thực hiện đúng mức.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

            Một là, hoàn thiện công nghệ ngân hàng. Trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, sự thành bại phụ thuộc rất lớn vào công nghệ ngân hàng. Vì thế, ngân hàng phải ứng dụng công nghệ thông tin nhiều hơn nữa vào những hoạt động kinh doanh của của mình với nhiều máy móc trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ cán bộ, chuyên gia máy tính.

            Hai là, đa dạng hóa các sản phẩm huy động vốn và sản phẩm khác biệt. Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Viết Nam – chi nhánh Hương Sơn cần mở thêm các loại sản phẩm cung ứng cho khách hàng, nên áp dụng nhiều hình thức huy động vốn với các mức lãi suất, biểu phí linh hoạt, hấp dẫn phù hợp với nhu cầu khách hàng đến giao dịch vừa đảm bảo có lợi cho khách hàng mà ngân hàng vẫn đảm bảo được thu nhập của mình.

            Ba là, kiểm tra và giám sát tín dụng chặt chẽ hơn; để đảm bảo an toàn trong cho vay, tránh được những rủi ro tín dụng không đáng có cán bộ tín dụng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh và thực hiện dự án của khách hàng để đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.

            Bốn là, thực hiện đồng bộ các chính sách nâng cao công tác cán bộ. Ngân hàng phải có kế hoạch đào tạo và đào tạo lại cho các cán bộ tín dụng; khuyến khích cán bộ ngân hàng tham gia các hội thảo, chuyên đề để; tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ nhân viên về thời gian, học phí…để giúp cán bộ tham gia các lớp học nâng cao trình độ. Trong qua trình tuyển chọn cán bộ, cần chọn những cán bộ trẻ tuổi có năng lực thực sự; tổ chức các cuộc thi định kỳ về nghiệp vụ tín dụng để và có chế độ khen thưởng phù hợp, qua đây các cán bộ khác cũng có điều kiện học hỏi và khuyến khích cán bộ tín dụng trau dồi chuyên môn nghiệp vụ đặc biệt là trình độ về thẩm định dự án đầu tư.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. NHNo&PTNT Việt Nam chi nhánh Hương Sơn – Hà Tĩnh (2013-2015). Báo cáo tổng kết hoạt động kinh doanh từ năm 2013 đến năm 2015

2. Nguyễn Minh Kiều 92012). Nghiệp vụ ngân hàng hiện đại, Nhà xuất bản lao động – Xã hội, TP. Hồ Chí Minh

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube