^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Nâng cao hiệu quả cho vay vốn hộ nghèo tại phòng giao dịch NHCSXH huyện Hương Khê

Tổ chức tài chính vi mô là tổ chức tài chính hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, với chức năng chủ yếu là sử dụng vốn tự có, vốn vay và nhận tiết kiệm để cung cấp một số dịch vụ tài chính, ngân hàng nhỏ, đơn giản cho các hộ gia đình, cá nhân thu nhập thấp. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, phát huy vai trò của một trong những tổ chức tài chính vi mô tiên phong, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Hương Khê đã thể hiện vai trò to lớn trong công tác xóa đói, giảm nghèo đặc biệt là trong chính sách tín dụng đối với hộ nghèo có hiệu quả thiết thực, góp phần ổn định và phát triển kinh tế xã hội, khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về chương trình quốc gia xoá đói giảm nghèo.

1. Kết quả đạt được giai đoạn 2013 – 2015

Thông qua quá trình cung cấp các dịch vụ tài chính, tổ chức tài chính vi mô thực hiện vai trò quan trọng trong hoạt động huy động tiết kiệm, tái phân bổ tiết kiệm cho đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi thương mại và hàng hóa, dịch vụ giúp giảm nghèo đói, tăng thu nhập. Đồng thời, về khía cạnh xã hội, hoạt động của tổ chức tài chính vi mô tạo cơ hội cho hộ gia đình, cá nhân có thu nhập thấp tiếp cận dịch vụ tài chính, tăng cường sự tham gia của họ vào cuộc sống cộng đồng và tăng cường năng lực xã hội của họ. Theo số liệu thống kê của Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Hương Khê (PGD NHCSXH), sau 13 năm hoạt động PGD NHCSXH huyện đã góp phần giúp cho hơn 1000 hộ thoát khỏi ngưỡng nghèo đói theo chuẩn mực của Bộ Lao động Thương binh xã hội và hàng ngàn hộ khác đang vươn lên thoát nghèo trong những chu kỳ sản xuất tới.

Với mô hình hiện tại PGD NHCSXH huyện Hương Khê đã thực hiện cho vay thông qua 04 tổ chức Hội là hội Nông dân, hội Phụ nữ, hội Cựu chiến binh và hội Đoàn thanh niên nhận ủy thác.

Về phía PGD NHCSXH huyện Hương Khê

Trong những năm qua, PGD NHCSXH huyện Hương Khê đã phục vụ tốt chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và đặc biệt là chương trình xoá đói giảm nghèo. Đáp ứng nguồn vốn kịp thời phục vụ hộ nghèo phát triển sản xuất và chăn nuôi….PGD huyện đã góp sức cùng các ban ngành, đoàn thể xã hội và bà con nông dân nghèo trong huyện làm hạ tỷ lệ hộ nghèo đói. Công tác cho vay hộ nghèo uỷ thác qua các tổ chức Hội đã đạt được những kết quả như sau:

Bảng 1: Tình hình hoạt động cho vay hộ nghèo tại PDG NHCSXH huyện Hương Khê giai đoạn 2013 – 2015

Chỉ tiêu ĐVT Năm 2013 Năm 2014 Năm 2015
Dư nợ Trđ 61.797,87 78.829,20 65.269,67
Doanh số cho vay Trđ 22.956,67 20.203,00 15.152,00
Doanh số thu nợ Trđ 2.925,34 3.171,67 28.711,53
Hệ số sử dụng vốn % 17,55 22,38 22,47
Vòng quay vốn tín dụng Vòng 0,06 0,05 0,40
Nợ quá hạn Trđ 653,87 516,36 342,85
Tỷ lệ nợ quá hạn % 1,06 0,66 0,53

(Nguồn: Báo cáo kết quả cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại PGD NHCSXH huyện Hương Khê năm 2013, 2014, 2015)

Đối tượng được thụ hưởng tín dụng chính sách luôn được xét duyệt đúng với những quy định do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ định theo từng chương trình tín dụng, được quy định trong Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, trong giai đoạn này, Hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức tu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4.800.000 đồng/người/năm) trở xuống.

Việc cho vay hộ nghèo uỷ thác từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội đã đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội của đồng vốn tín dụng ưu đãi: Vốn vay ưu đãi của Nhà nước được công khai, dân chủ và được gắn kết với các chương trình hoạt động của các Hội đoàn thể. Hơn nữa, qua việc thực hiện chương trình uỷ thác cho vay, Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) được hưởng hoa hồng và các cấp Hội được nhận phí uỷ thác, khoản tiền này tuy không lớn nhưng cũng là nguồn động viện cho cán bộ Tổ TK&VV, cán bộ tổ chức Hội cũng như bổ sung kinh phí hoạt động cho tổ chức Hội. Việc quản lý vốn tín dụng được coi trọng, sát sao góp phần nâng cao hiệu quả và đảm bảo an toàn vốn của Nhà nước. Phương thức uỷ thác bán phần qua các Hội đoàn thể đã huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội để đưa đồng vốn tín dụng ưu đãi đến với người dân tại các thôn, xóm, cụm dân cư trong điều kiện màng lưới và lực lượng cán bộ của ngân hàng còn hạn chế.

Về phía hộ nghèo

Hoạt động cho vay hộ nghèo của PGD NHCSXH huyện Hương khê đã góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện. Đời sống vật chất cũng như tinh thần của hộ nghèo được nâng lên một tầm mới. Tỷ lệ hộ thoát nghèo ngày một tăng, mức dân trí được nâng lên, trình trạng cho con em bỏ học giảm đi rất nhiều. Hộ nghèo được tiếp cận vá sử dụng các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe nhiều hơn… Hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ nghèo được đầu tư hơn về công cụ, thiết bị, máy móc, thức ăn chăn nuôi đảm bảo, chất lượng hơn rất nhiều…

Hoạt động cho vay hộ nghèo của PGD NHCSXH huyện Hương Khê đã thực hiện xã hội hóa, góp phần xây dựng nông thôn mới, gắn bó vói chính quyền. Các đoàn thể tập hợp được hội viên ngày càng nhiều, lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư…và hướng dẫn cho hộ nghèo biết sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi…theo hướng chuyển dịch cơ cấu trên địa bàn mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, tạo điều kiện cho hộ nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Về phía xã hội

Việc ra đời của PGD NHCSXH huyện Hương Khê là một chủ trương sang suốt của Đảng, phù hợp với lòng dân. Do nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp. Kết quả đạt được của PGD huyện đã tạo long tin và ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân, đặc biệt là các đối tượng hộ nghèo rất phấn khởi và ngày càng tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Hoạt động cho vay đối với hộ nghèo của PGD NHCSXH huyện Hương Khê đã góp phần tích cực chống tệ nạn cho vay nặng lãi, rượu chè, cờ bạc trên địa bàn huyện. Mức dân trí được nâng lên trong thấy, tình trạng sinh đẻ không kế hoạch, tình trạng bỏ học ở con em hộ nghèo giảm mạnh. Đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần được nâng lên đã góp phần nâng cao được tinh thần trách nhiệm, ý thức cộng đồng của hộ nghèo từ đó công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường,… được thực hiện tốt hơn. PGD NHCSXH huyện Hương Khê đã góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo và an sinh xã hội, đưa chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần phát triển kinh tế nói chung, đặc biệt đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

2. Hạn chế

- Tỷ lệ thoát nghèo: Tỷ lệ hộ nghèo được vay vốn của Ngân hàng vẫn còn thấp so với tổng hộ nghèo trên toàn huyện. Tỷ lệ hộ thoát nghèo trong các năm qua luôn tăng và đạt được nhiều kết quả tốt song tỷ lệ thoát nghèo trong tổng số hộ nghèo được vay vốn, và trong tổng số hộ nghèo của huyện vẫn còn rất thấp.

- Tỷ lệ nợ quá hạn: Tuy có chiều hướng giảm tích cực song vẫn còn chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ. Hiện tượng phát sinh nợ quá hạn do nguyên nhân hộ vay bỏ đi khỏi địa phương có chiều hướng gia tăng, công tác quản lý hộ vay tại các địa phương còn gặp phải một số vướng mắc: như một số hộ đi khỏi địa phương dài ngày nhưng không nắm được, khi nợ đến hạn mới phát hiện ra, dẫn đến khó khăn trong thu hồi nợ.

- Lãi tồn đọng: Tỷ lệ lãi tồn trong công tác thu hồi vẫn còn cao. Cho vay hộ nghèo là chương trình cho vay với lãi suất rất thấp cho nên khả năng trả được khoản lãi cho vay của hộ nghèo là cao, nguyên nhân ở đây chủ yếu là do ý thức, tinh thân tự giác của hộ nghèo, vì thế, Ngân hàng cần tìm ra các giải pháp thiết thực để thu hồi đầy đủ, hạn chế tình trạng lãi tồn.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay đối với hộ nghèo tại PGD NHCSXH huyện Hương Khê

- Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch tín dụng: Tổ chức thực hiện nghiêm túc Quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng của Tổng Giám đốc, chấp hành định mức Quỹ an toàn chi trả, nâng cao hệ số sử dụng vốn, phân bổ chỉ tiêu vốn, đôn đốc các đơn vị cơ sở giải ngân vốn nhanh chóng, kịp thời, không để tồn đọng, gây lãng phí.

Đơn vị cần tăng cường và mở rộng cho vay hộ nghèo. PGD huyện phối hợp cùng các cơ quan chính quyền khuyến khích, giúp đỡ các hộ nghèo đủ điều kiện vay vốn của Ngân hàng nhưng còn chưa tận dụng để phát triển tình kinh tế của mình. Nguồn ngân sách cấp cho vay hộ nghèo còn dư thừa rất cao, tỷ lệ hộ nghèo không sử dụng vốn trên địa bàn còn lớn, vì thế Ngân hàng cần thực hiện các chương trình khuyến khích hộ nghèo mạnh dạn vay vốn để đâu tư sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống.

-  Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Tổ TK&VV:  Bên cạnh tập huấn thường xuyên và tập huấn bổ sung về nghiệp vụ ủy thác, Ban quản lý Tổ cần phải được trang bị thêm về kiến thức quản lý và kỹ năng làm việc: Ghi chép sổ sách, điều hành các cuộc họp Tổ, giao tiếp với Ngân hàng...;  Ban quản lý Tổ cũng cần tăng cường theo dõi, quản lý chặt địa bàn để biết rõ hoàn cảnh của từng hộ vay; tổ chức sinh hoạt Tổ thường xuyên như đã qui định trong quy ước của Tổ. Thông qua các buổi sinh hoạt Tổ giúp thành viên chia sẻ kinh nghiệm để sử dụng vốn tốt hơn, đồng thời giúp cho Ban quản lý Tổ thu lãi dễ dàng hơn, tăng cường sự gắn bó giữa các tổ viên với tổ viên, với Ban quản lý Tổ TK&VV. Nâng cao chất lượng của việc bình xét cho vay: Bình xét chính xác hộ vay vừa đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, đồng thời bảo toàn được nguồn vốn, tránh được hiện tượng sử dụng vốn sai mục đích. Vì vậy nâng cao chất lượng bình xét cho vay là vấn đề mà Ban quản lý Tổ TK&VV và các Hội đoàn thể nhận ủy thác cần hết sức chú trọng. Phối hợp tốt và chịu sự quản lý của Trưởng thôn: Trưởng thôn là người đại diện chính quyền tại địa bàn thôn và đã được NHCSXH ủy thác việc tuyên truyền phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi, giám sát việc bình xét cho vay và sử dụng vốn vay, xử lý nợ bị rủi ro trên địa bàn thôn... Vì vậy Ban quản lý Tổ TK&VV cần phải phối hợp tốt với Trưởng thôn và phải chịu sự quản lý của Trưởng thôn trong quá trình thực hiện các hoạt động ủy nhiệm của Tổ mình quản lý.

Ngoài ra, đơn vị có thể sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau để nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động nói chung và hiệu quả đối với hoạt động cho vay đối với người nghèo trong giai đoạn tiếp theo

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. PGD NHCSXH huyện Hương Khê,  Báo cáo thường niên PGD NHCSXH huyện Hương Khê năm 2013.
  2. PGD NHCSXH huyện Hương Khê,  Báo cáo thường niên PGD NHCSXH huyện Hương Khê năm 2014.
  3. PGD NHCSXH huyện Hương Khê,  Báo cáo thường niên PGD NHCSXH huyện Hương Khê năm 2015.
  4. PGD NHCSXH huyện Hương Khê, Bảng cân đối tài khoản kế toán của PGD NHCSXH huyện Hương Khê năm 2014.
  5. PGD NHCSXH huyện Hương Khê, Bảng cân đối tài khoản kế toán của PGD NHCSXH huyện Hương Khê năm 2015.
  6. PGD NHCSXH huyện Hương Khê, Báo cáo kết quả cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại PGD NHCSXH huyện Hương Khê năm 2013.
  7. PGD NHCSXH huyện Hương Khê, Báo cáo kết quả cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại PGD NHCSXH huyện Hương Khê năm 2014.
  8.  PGD NHCSXH huyện Hương Khê, Báo cáo kết quả cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại PGD NHCSXH huyện Hương Khê năm 2015.
Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube