Chất lượng nông sản thấp, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và tính lỏng lẻo trong liên kết làm giảm giá trị và thu nhập từ sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Tăng cường mối liên kết theo chuỗi giá trị nông sản, mở rộng quy mô sản xuất là hướng đi góp phần khắc phục các nhược điểm của nông sản Việt Nam.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển nông nghiệp theo mô hình chuỗi giá trị đang là xu hướng nổi bật trên thế giới. Sự liên kết giữa các tổ chức kinh tế với nhau, giữa các tổ chức kinh tế với cơ sở sản xuất, hộ nông dân... để phát huy thế mạnh, nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng tính cạnh tranh và từng bước nâng cao đời sống người nông dân. Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với việc xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi phù hợp cho nông nghiệp Việt Nam.
Chuỗi giá trị mô tả toàn bộ những hoạt động cần thiết để đưa một sản phẩm hay dịch vụ từ khái niệm, đi qua các công đoạn sản xuất khác nhau (liên quan đến việc kết hợp giữa chuyển hóa vật chất và đầu vào các dịch vụ sản xuất khác nhau), đưa đến người tiêu dùng sau cùng, và bố trí sau sử dụng (Kaplinsky 1999; Kaplinsky & Morris 2001) . Một chuỗi giá trị tồn tại khi tất cả những người tham gia trong chuỗi đều hoạt động để tạo ra tối đa giá trị trong toàn chuỗi. Các tác nhân trong chuỗi phải cùng nhau chuyển từ trạng thái cạnh tranh lẫn nhau sang cùng hợp tác, có chung tầm nhìn, chiến lược và mục tiêu cùng chia sẻ lợi nhuận và rủi ro. Một chuỗi giá trị được hình thành không phải để đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi nhu cầu của người tiêu dùng ở tất cả các phân khúc thị trường mà là để đáp ứng nhu cầu của một nhóm người tiêu dùng với yêu cầu cụ thể.
Trong thời gian qua, mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp Việt Nam ngày càng trở nên đa đạng hơn. Không chỉ có nông dân cần liên kết mà ngay cả các doanh nghiệp, tác nhân trong chuỗi sản xuất hàng hóa nông nghiệp cũng có nhu cầu và tham gia tích cực vào chuỗi giá trị.
Nông dân tiến hành tổ chức hành động tập thể theo quy trình sản xuất chung gắn với mô hình cánh đồng lớn. Hộ nông dân liên kết lại bằng cách vào tổ hợp tác, hợp tác xã .Sản xuất trong cánh đồng mẫu lớn, trong tổ hợp tác, nông dân giảm được ngày công lao động, giảm chi phí sản xuất do tất cả đều được cơ giới hóa. Không chỉ vậy, nông dân cũng được nâng cao trình độ sản xuất thông qua các buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất… Từ đó gắn kết giữa nông dân và nông dân ngày càng bền chặt. Nhờ vào liên kết, nông dân mới có khả năng xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể, tiến đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, quản lý về chất lượng sản phẩm để gia tăng giá trị, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường đối với các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn, chất lượng. Nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam ngày càng có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế như: bưởi Năm Roi bưởi Da Xanh, nhãn lồng Hưng Yên, nho Ninh Thuận…
Song song với sự liên kết giữa nông dân, liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp đã hình thành và củng cố, từ đó xây dựng kênh tiêu thụ mới trong chuỗi giá trị thông qua loại bỏ bớt tác nhân trung gian giữa người sản xuất và doanh nghiệp, rút ngắn độ dài của kênh tiêu thụ nông sản. Sản xuất lớn tạo cơ sở để nông dân liên kết với những doanh nghiệp có khả năng chế biến sâu, bán sản phẩm trực tiếp, có thương hiệu đến người tiêu dùng thông qua các hệ thống phân phối trong và ngoài nước; hoặc liên kết với những doanh nghiệp chứng minh được họ đã liên kết, là một phần hữu cơ của một chuỗi hàng hóa nào đó trong các khía cạnh về chất lượng, thương hiệu, rủi ro… Đã có nhiều doanh nghiệp tiêu thụ, xuất khẩu gạo liên kết với nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu thông qua hợp đồng tiêu thụ, cung ứng vật tư, hỗ trợ kỹ thuật... Mối liên kết này đã bắt đầu mở rộng ra với nhiều cây trồng khác như trên rau, cây ăn quả và cây công nghiệp (như ngô, lạc, mía, chè, cà phê…), hợp tác, liên kết, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, cung cấp dịch vụ công, nhất là đào tạo nghề nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp có uy tín không chỉ trong nước mà trên thị trường quốc tế như: Cà phê Trung Nguyên, VinaTea…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện việc phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị nông sản ở nước ta vẫn còn hạn chế, tỷ lệ thành công trong liên kết theo chuỗi giá trị thấp, tiến độ triển khai khá chậm, nhiều mô hình gặp khó khăn xuất phát từ nhiều nguyên nhân:
Một là, Sản phẩm nông sản Việt Nam có tính cạnh tranh thấp.
Trong những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy quá trình tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu để phát triển bền vững. Tuy nhiên, thói quen canh tác lạc hậu của phần lớn nông dân vẫn không thay đổi. Diện tích ruộng đất còn manh mún gây cản trở cho việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Các mô hình sản xuất lớn trong nông nghiệp chỉ là bước đi ban đầu, rất chập chững dẫn đến khó khăn để chuyển đổi nhanh sang nền nông nghiệp hàng hóa có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, việc đáp ứng yêu cầu chất lượng nông sản sạch từ khâu nuôi trồng, để có nguồn nguyên liệu chế biến nhiều, chất lượng tốt và đồng đều đối với nông sản Việt Nam hiện còn rất yếu. Đó là chưa kể, nông sản Việt Nam luôn có giá thấp hơn hàng cùng loại của các nước khác, do quá chú trọng về số lượng, nên bỏ qua điều rất quan trọng là xây dựng thương hiệu nhằm đáp ứng đầu ra cho nông sản.
Chất lượng sản phẩm thấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến hình thức chuỗi giá trị phổ biến đối với hầu hết sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như lúa gạo, thịt, cà phê, rau quả… là theo mô hình thứ ba. Nông sản Việt Nam thường buộc phải xuất khẩu dưới dạng thô hoặc sơ chế, dẫn đến người tiêu dùng nước ngoài rất ít, thậm chí không biết đó là nông sản Việt Nam.Trên thực tế, chừng nào chuỗi giá trị nông sản này còn tồn tại, thì sản phẩm nông sản Việt Nam chưa thể thoát khỏi vị trí cuối bảng trong chuỗi giá trị nông sản thế giới.
Hai là, Mối liên kết trong chuỗi giá trị nông sản còn lỏng lẻo.
Việc hình thành được chuỗi liên kết để kiểm soát chặt từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, trên cơ sở tổng thể quy hoạch phát triển nông nghiệp, với sự tham gia tích cực của 4 nhà (doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học và Nhà nước) chưa có hiệu quả. Mối liên kết trong chuỗi giá trị còn lỏng lẻo, đặc biệt là mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để tạo ra các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa lớn còn yếu. Nguyên nhân chính là tiềm lực tài chính của cả doanh nghiệp và hộ nông dân còn hạn chế. Hộ nông dân thường có tình trạng sản xuất mang tính chộp giật, không lâu dài. Doanh nghiệp thiếu vốn cần thiết để tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nhất là công đoạn sản xuất, mà chủ yếu tham gia vào khâu thu gom, sơ chế và tiêu thụ, không quan tâm đến toàn chuỗi sản xuất. Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa nông sản luôn là khâu yếu nhất, do thiếu sự liên kết giữa nông dân và DN thu mua, phân phối. Trong thực tế hiện nay, các DN xuất khẩu trong nước ít tổ chức mạng lưới phân phối chính thống, mà thường dựa vào mạng lưới thu mua của tư thương, dẫn tới việc giá nông sản trồi sụt bấp bênh.
Ba là, Vai trò của Nhà nước trong chuỗi giá trị nông sản còn mờ nhạt.
Thời gian qua, các địa phương đã ký kết và thực hiện nhiều chương trình hợp tác, nhưng kết quả còn nhiều hạn chế do nhiều nguyên nhân như thiếu một cơ chế pháp lý rõ ràng và mô hình chỉ đạo, điều phối liên kết vùng chưa thực sự hiệu quả; việc liên kết mới chủ yếu giữa chính quyền với chính quyền, thông qua ký kết các chương trình hợp tác, thiếu ràng buộc trách nhiệm pháp lý; mối liên kết giữa sản xuất - chế biến - tồn trữ và tiêu thụ nông sản còn nhiều hạn chế.
Chuỗi giá trị có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, nhất là nước ta đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là xuất khẩu; do đó nông dân hoặc các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp… nếu không liên kết sẽ khó cạnh tranh. Vì vậy, cần phải thực hiện liên kết giữa các bên để đủ năng lực đưa các sản phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế thông qua một số biện pháp chính sau:
Thứ nhất, Tiến hành sản xuất lớn
Phát triển nông nghiệp sản xuất lớn cho phép thực hiện mô hình chuỗi giá trị nông sản dưới sự liên kết mạnh mẽ giữa nông dân và hợp tác xã, nông dân và doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, tăng cường đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, giảm chi phí giá thành và tạo ra những sản phẩm tốt đáp ứng đòi hỏi về an toàn thực phẩm, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp theo hướng bền vững, tính cạnh tranh cao… Một trong những mô hình sản xuất lớn hiệu quả trong chuỗi giá trị nông nghiệp là gắn hoạt động sản xuất - kinh doanh nông nghiệp của các hợp tác xã với quá trình xây dựng nông thôn mới và hoàn thiện cơ chế chính sách cho hợp tác xã; liên kết và nâng cao kỹ năng cho nông dân.
Thứ hai, Tăng cường đầu tư nghiên cứu thị trường
Một chuỗi giá trị nông sản muốn tồn tại và phát triển bền vững phải có thị trường tiêu thụ ổn định. Tuy nhiên hiện nay nông dân và các nhà sản xuất của chúng ta thường không nắm đủ các thông tin thị trường. Cùng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế trong các lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp, các nhà sản xuất cần tập trung nghiên cứu thị trường, nhất là tại các vùng trọng điểm tiêu thụ hàng và vùng sản xuất hàng, nắm bắt khối lượng mặt hàng đang và sắp sản xuất, thời điểm thu hoạch, chiều hướng giá cả lên xuống... để liệu định sản xuất của chuỗi giá trị. Về lâu dài, Nhà nước cần có dự báo chiến lược sản xuất các sản phẩm nào để có biện pháp đồng bộ từ tổ chức nông dân sản xuất đến việc tạo thị trường. Nhà nước không nên để mặc cho dân tự phát sản xuất, dẫn đến sự ứ đọng hàng hoá như hiện nay.
Thứ ba, Tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị
Để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, cần đổi mới sản xuất nông nghiệp thông qua việc tăng cường hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt.
Thứ tư, Tăng cường vai trò của Nhà nước
Nhà nước cần đổi mới thể chế, nâng cao năng lực điều phối giữa các khâu và các tác nhân tham gia chuỗi nông sản hiệu quả và bền vững;
Nhà nước thể hiện rõ vai trò của mình trong “4 nhà” thông qua việc ban hành chính sách khuyến khích phát triển, hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, cụ thể:
- Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao nhằm từng bước hiện đại hóa ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng, tạo giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam.
- Có chính sách hợp lý, có cơ chế về thuế sử dụng đất, hạn điền… để doanh nghiệp an tâm đầu tư, sản xuất - kinh doanh.
- Có chính sách ưu đãi về mặt tài chính để thực hiện sản xuất lớn trong nông nghiệp như: Doanh nghiệp mua máy cày, máy cấy, máy san ủi đồng ruộng, máy tưới tiêu, xây kho chứa lúa, máy xay xát, chế biến lúa gạo… thì được vay vốn trung hoặc dài hạn với lãi suất ưu đãi. Về đất, Nhà nước nên cho thuê 50 năm với mức ưu đãi được miễn tiền thuê đất 15 năm đầu…
Trong xu hướng toàn cầu hóa nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt khi nước ta tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp nước nhà, đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Phát triển nông nghiệp bền vững, thực hiện có hiệu quả chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản… là một hướng đi đúng nhằm tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường cho nông sản Việt Nam, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng tính cạnh tranh và từng bước nâng cao đời sống người nông dân.