Nền kinh tế Việt Nam những năm gần đây chủ yếu tập trung vào các chính sách quản lý tổng cầu. Có nhiều ý kiến còn cho rằng, chúng ta thậm chí đang lạm dụng và phụ thuộc khá nhiều vào nhóm chính sách này. Mặc dù không thể phủ nhận vai trò tích cực của các chính sách quản lý tổng cầu trong việc hạn chế hậu quả từ cuộc đại suy thoái giai đoạn 2008 – nay. Tuy nhiên, mặt trái của chúng lại gây ra sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế và lạm phát cao. Phải chăng đã đến lúc nền kinh tế Việt Nam nên sử dụng chính sách trọng cung như một sự thay thế hiệu quả cho chính sách tổng cầu. Trong bài viết này sẽ góp phần giới thiệu một số nội dung cơ bản của chính sách trọng cung và đặt trong tương quan so sánh với chính sách quản lý tổng cầu để xem xét vấn đề.
1. Lý thuyết trọng cung
Lý thuyết kinh tế học trọng cung (supply – side economics) là lý thuyết kinh tế quan tâm đến các yếu tố quyết định sản lượng tiềm năng của nền kinh tế và sự thay đổi của nó theo thời gian. Hay nói cách khác, kinh tế học trọng cung chú trọng đến các biện pháp nâng cao năng lực sản xuất, đẩy đường cung AS dịch chuyển sang phải, nâng cao tốc độ tăng trưởng tiềm năng, từ đó có thể nâng cao tốc độ tăng trưởng thực tế mà không gây ra ảnh hưởng lạm phát cao.
Nhìn trên đồ thị, khi nguồn lực sản xuất được cải thiện khiến tổng cung AS dịch chuyển sang AS’ thì sản lượng sẽ gia tăng tương ứng từ mức Y ban đầu sang Y’, trong khi mức giá cả không những không tăng lên mà còn giảm từ P về P’. Điều này cho thầy ưu điểm nổi bật của chính sách trọng cung so với chính sách tổng cầu, đó là kiểm soát được lạm phát trong khi vẫn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
2. So sánh lý thuyết trọng cung với lý thuyết quản lý tổng cầu
Lập luận của kinh tế học trọng cung cho rằng, tạo ra sự khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, cầu về hàng hóa sẽ tăng theo. Các chính sách cơ bản của lý thuyết trọng cung là miễn giảm thuế, tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển để nâng cao năng lực sản xuất, dỡ bỏ rào cản gia nhập ngành, cổ phần hóa DNNN, cải thiện môi trường kinh doanh, cổ vũ cạnh tranh và tự do hóa thương mại… nhằm thúc đầy các doanh nghiệp gia tăng sản xuất, giảm chi phí và giá cả hàng hóa từ đó tăng sức mua và tạo ra tăng trưởng kinh tế.
Cơ sở của lý thuyết tổng cầu chủ yếu dựa trên lập luận của J.M. Keynes trong cuốn “Lý thuyết chung về việc làm, lãi suất và tiền tệ” rằng, trong ngắn hạn, không phải lúc nào tổng cầu/ tổng chi tiêu cũng bằng đúng với năng lực sản xuất của nền kinh tế. Dvậy, cần can thiệp vào nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để bình ổn sản lượng và việc làm. Nếu nền kinh tế đang có mức chi tiêu thấp hơn năng lực sản xuất, cần sử dụng chính sách tài khóa mở rộng (tăng chi tiêu chính phủ/ giảm thuế) và chính sách tiền tệ mở rộng (tăng cung tiền/ giảm lãi suất) để thúc đầy tăng trưởng.
Như vậy, cả chính sách trọng cung và chính sách trọng cầu đều hướng tới mục tiêu kích thích tổng cầu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Sự khác nhau của hai loại chính sách này là sự lựa chọn các công cụ sử dụng và kênh truyền dẫn tác động tới nền kinh tế. Chính sách tổng cầu muốn nhấn mạnh việc mở rộng tổng cầu thông qua việc chính phủ gia tăng chi tiêu của mình (G) hoặc bơm thêm sức mua cho khu vực tư nhân và hộ gia đình bằng cách cắt giảm thuế, phí hoặc tăng cung tiền. Trong khi chính sách trọng cung lại tập trung vào việc cải thiện cơ sở nền tảng của nền kinh tế, làm gia tăng sản lượng, giảm chi phí và giá cả, từ đó làm tăng sức mua của khu vực tư nhân và tăng tổng cầu.
3. Khái quát quá trình sử dụng chính sách trọng cung và chính sách quản lý tổng cầu trên thế giới
Kinh tế học trọng cung tuy mới hình thành từthập niên 1970, nhưng ngay lập tức đã được sử dụng ởMỹtrong thời kỳ cầm quyền củaRegan,Bush Cha,Bush Con, ởAnhdưới thờiThatcher, ởNew Zealandtrong những năm 1984-1993, ởNhật Bảndưới thờiKoizumi. Những cuộc cải cách kinh tế ở nhiềumới nổi như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore những năm 1990s cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng của kinh tế học trọng cung. Chính sách trọng cung thực hiện việc phát triển các yếu tố sản xuất thông qua một số biện pháp như giảm các loại thuế phí, dỡ bỏ rào cản thương mại, dỡ bỏ chính sách điều tiết ngành và tư nhân hóa (cổ phần hóa) các doanh nghiệp nhà nước. Thậm chí một vài quốc gia còn thu hẹp chính sách trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp xã hội, dỡ bỏ các điều luật ngăn cản việc sa thải nhân công nhằm hạn chế việc người lao động ỷ lại vào sự bảo bọc của chính phủ, khuyến khích họ nỗ lực tìm việc. Đồng thời thực thi chính sách ưu đãi thuế khi đầu tư vào các lĩnh vực nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo nghề nhằm nâng cao năng suất lao động. Chính sách trọng cung đã tạo dựng được giai đoạn phát triển ở mức cao và liên tục cho các quốc gia theo đuổi từ giữa thập niên 1980s cho đến đại suy thoái kinh tế 2008 – 2009.
Chính cuộc đại suy thoái kinh tế thế giới 2008 – 2009 đã khiến nhiều chính phủ các nước quyết định quay trở lại với chính sách kích cầu. Lý thuyết quản lý tổng cầu trước đó đã được áp dụng phổ biến tại các nền kinh tế trên thế giới giai đoạn 1950s đến 1970s. Tuy nhiên, khi các biện pháp kích thích tổng cầu được sử dụng trong thời gian dài mà không đi đôi với cải thiện tổng cung sẽ khiến nền kinh tế lâm vào tình trạng lạm phát cao và bất ổn, hạn chế về tăng trưởng dài hạn. Tình trạng này đã diễn ra trong thực tế ở các nền kinh tế phát triển như Anh, Mỹ, Pháp,… những năm 1970s khi chính sách quản lý tổng cầu gặp thất bại. Tương tự như vậy, ở một loạt các quốc gia đang phát triển như Brasil, Mexico, Ấn Độ, Đài Loan, Malaysia, Indonesia, Thailand ,… với các biện pháp bảo hộ ngành sản xuất trong nước thì sau một thời gian tăng trưởng nhất định cũng dần rơi vào trì trệ hoặc khủng hoảng. Sau thời gian dài bảo hộ, các ngành sản xuất trong nước vẫn không phát triển, trong khi các biểu hiện của nền kinh tế ngầm như trốn thuế, buôn lậu, hàng giả,… lại gia tăng. Đồng nội tệ sau đó cũng buộc phải phá giá do lạm phát cao đẩy giá hàng sản xuất trong nước lên cao hơn hàng bên ngoài.
KẾT LUẬN
Chúng ta đều ghi nhận, tổng cầu và tổng cung luôn có mối quan hệ trực tiếp và tương tác lẫn nhau và tác động đến sản lượng kinh tế. Việc lựa chọn áp dụng loại chính sách nào giữa trọng cung và quản lý tổng cầu phụ thuộc vào hiện trạng và giai đoạn phát triển của từng nền kinh tế. Tuy nhiên, các chính sách tổng cầu thường được đánh giá chỉ mang lại hiệu quả trong ngắn hạn và giải quyết các vấn đề trước mắt, mỗi quốc gia muốn phát triển bền vững và ổn định cần chú trọng hơn đến các chính sách gia tăng sản lượng, phát triển năng lực sản xuất của nền kinh tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. PGS.TS. Vũ Kim Dũng, PGS.TS. Nguyễn Văn Công (2011), Giáo trình Kinh tế học vĩ mô,NXB Đại học Kinh tế quốc dân.
2. Phạm Thế Anh (2013), “Cần hơn các chính sách trọng cung”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, tháng 4/2013.
3. Phạm Thế Anh, Đinh Tuấn Minh, “Những chính sách trọng cung nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn”, http://www.vnep.org.vn/Upload/.
4. Bùi Trinh (2014), “Trọng cung – chính sách có tầm nhìn xa”, Thời báo Ngân hàng, tháng 5/2014