^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Hà Tĩnh

Quản trị rủi ro tín dụng là vấn đề khó khăn nhưng rất bức thiết đối với ngân hàng thương mại Việt Nam, thu nhập từ hoạt động tín dụng chiếm từ 60-80% thu nhập của ngân hàng. Với bối cảnh như thế, rủi ro tín dụng luôn là mối quan tâm hàng đầu của các ngân hàng đồng thời quản trị rủi ro tín dụng giữ vị trí trung tâm trong hoạt động quản trị rủi ro của ngân hàng. Trong bài viết này tác giả sẽ nghiên cứu một số vấn đề về rủi ro tín dụng và công tác quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, từ đó đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động này của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian tới.

1. Rủi ro tín dụng và ảnh hưởng của rủi ro tín dụng

Theo uỷ ban Basel (thuộc Ngân hàng Thanh toán quốc tế) thì: “rủi ro tín dụng là khả năng mà khách hàng vay hoặc bên đối tác không thực hiện được các nghĩa vụ của mình theo những điều khoản đã cam kết. Rủi ro thất thoát đối với một ngân hàng là sự vỡ nợ của người giao ước trong hợp đồng, trong đó sự vỡ nợ được xác định là bất kỳ sự vi phạm nghiêm trọng nào đối với nghĩa vụ hợp đồng khi hoàn trả nợ và lãi”

Rủi ro tín dụng luôn tiềm ẩn trong kinh doanh ngân hàng và đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia thậm chí có thể lan rộng trên phạm vi toàn cầu.

*Tác động và hậu quả của rủi ro tín dụng ngân hàng đối với ngân hàng

Khi gặp rủi ro tín dụng tức là ngân hàng không thu được nợ lãi, một phần hoặc toàn bộ nợ gốc tiền vay, nhưng về phía ngân hàng phải có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ gốc và lãi cho số tiền huy động từ các tầng lớp dân cư và các doanh nghiệp khác, điều này làm cho ngân hàng mất cân đối thu chi. Khi không thu được tiền nợ vay dẫn đến vòng quay vốn tín dụng giảm, mất cơ hội kinh doanh, chi phí tăng cao ngoài dự kiến, làm giảm hiệu quả kinh doanh của ngân hàng, nếu rủi ro lớn sẽ mất khả năng thanh khoản làm mất lòng tin của người gửi tiền cũng như người vay và suy giảm tín nhiệm của ngân hàng trên thị trường tiền tệ quốc tế, gây khó khăn trong quan hệ vay vốn nước ngoài, thiết lập quan hệ đại lý vói nước đó, hạn chế năng lực canh tranh. Hiệu quả kinh doanh thấp, ngân hàng không có tiền chi trả lương cho nhân viên, những người có năng lực tốt sẽ ròi khỏi ngân hàng làm cho ngân hàng càng khó khăn thêm.

*Tác động và hậu quả của rủi ro tín dụng ngân hàng đối với toàn bộ nền kinh tế

Hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng liên quan đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, đến tất cả các ngành, các thành phần kinh tế. Trong hoạt động của ngân hàng nguồn thu nhập chủ yếu là từ tín dụng trong đó rủi ro lớn nhất là rủi ro tín dụng. Vì vậy, khi rủi ro túi dụng xẩy ra và trường hợp dẫn đến phá sản thì gây lên tâm lý hoang mang và mọi người sẽ ồ ạt đến rút tiền gửi tại các ngân hàng khác, sẽ gây nên tình trạng khó khăn cho hệ thống các ngân hàng thương mại do mất khả năng thanh toán. Ngân hàng phá sản ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và các tầng lớp dân cư, các doanh nghiệp không có tiền trả lương dẫn đến đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa sự khủng hoảng của các ngân hàng ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế, nó làm cho nền kinh tế bị suy thoái, giá cả tăng, sức mua giảm, thất nghiệp tăng, xã hội mất ổn định. Ngoài ra, rủi ro tín dụng cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới, vì ngày nay nền kinh tế mối quốc gia đều phụ thuộc ngày càng nhiều vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Mặt khác, mối liên hệ tiền tệ, đầu tư giữa các nước phát triển rất nhanh nên rủi ro tín dụng tại một nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nền kinh tế có liên quan.

2. Thực trạng công tác quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh

Trong quá trình hoạt động kinh doanh, ngoài việc thực hiện các hoạt động chính của ngân hàng như: huy động vốn, cho vay và các hoạt động dịch vụ khác…Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh (NHNo&PTNTVN -  Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh) cũng rất quan tâm đến các vấn đề rủi ro nhất là vấn đề rủi ro tín dụng. Trong giai đoạn qua, ngân hàng đã và đang thực hiện một số các văn bản pháp luật của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Ngân hàng nhà nước và của Chính phủ Việt Nam ban hành. Thông qua các quy định trong các văn bản pháp luật này thì Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh đã và đang thực hiện các chính sách quản trị rủi ro tín dụng đối với khách hàng, cụ thể:

üPhân tán rủi ro tín dụng

Nhằm giảm thiểu rủi ro tín dụng ngân hàng đã cho vay bằng cách đa dạng hóa các hình thức cho vay như vay theo hạn mức tín dụng, vay theo dự án sản xuất, vay thế chấp, tín chấp, vay trả góp.., đa dạng hóa đối tượng khách hàng như là các hộ sản xuất, DNTN, tiêu dùng, tiểu thương..,

Bên cạnh đó ngân hàng cũng phân loại cho vay theo kỳ hạn: Ngắn hạn, trung hạn và dài hạn và phân loại theo hình thức đảm bảo như có tài sản đảm bảo và không có tài sản đảm bảo..

üCơ cấu phân bổ tín dụng:

Ngân hàng thực hiện theo thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng như:

Ngân hàng được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa 60%

Ngân hàng phải duy trì tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi ở mức 90%.

üGiới hạn cấp tín dụng

Ngân hàng thực hiện theo thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng;

Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng.

Xem xét cho khách hàng vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định hiện hành.

Quy định rõ mức cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, điều kiện và thủ tục cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đối với từng đối tượng khách hàng, phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, cụ thể như sau:

Tối đa 50 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn; cá nhân và hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có tham gia liên kết trong sản xuất nông nghiệp với hợp tác xã hoặc doanh nghiệp.

Tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm.

Tối đa 300 triệu đồng đối với tổ hợp tác và hộ kinh doanh.

Tối đa 1 tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

üCông tác quản trị

Thực hiện theo đúng quy trình thẩm định, giám sát công tác thẩm định, xác định các phương án, dự án mang lại hiệu quả kinh tế để quyết định cho vay.

Phân tích, sàng lọc khách hàng để tìm ra khách hàng tiềm năng đem lại hiệu quả cho ngân hàng. Kiểm tra, giám sát các khoản tín dụng sau khi giải ngân.

Ngân hàng thực hiện các chính sách theo đúng quy định thông tư 02/2013/TT – NHNN và Thông tư 09/2014/TT-NHNN sửa đổi thông tư 02/2013/TT-NHNN của NHNN Việt Nam như:

Trích lập dự phòng: Tỷ lệ trích lập dự phòng cụ thể đối với từng nhóm nợ như sau: nhóm 1 là 0%, nhóm 2 là 5%, nhóm 3 là 20%, nhóm 4 là 50%, nhóm 5 là 100%.

Xử lý rủi ro:  Thực hiện xử lý rủi ro từ nguồn dự phòng rủi ro đã được trích lập của ngân hàng.

3. Những thuận lợi và khó khăn đối với hoạt động quản trị rủi ro tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh

3.1. Những thuận lợi đối với hoạt động quản trị rủi ro tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh

- Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế thôi thúc Việt Nam mở cửa giao lưu với các nước trên thế giới, nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính của nhân dân tăng cao.

-     Kinh tế Hà Tĩnh ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính của nhân dân trên địa bàn Hà Tĩnh nói chung và nông dân nói riêng ngày càng tăng.

-     NHNo&PTNTVN là ngân hàng chủ chốt của tỉnh Hà Tĩnh, có truyền thống lâu đời với mạng lưới chi nhánh và số lượng khách hàng đông đảo.

-     NHNo&PTNTVN là ngân hàng có thương hiệu nổi tiếng, đáng tin cậy và giữ vai trò chủ đạo trong nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

-     Cơ sở vật chất của Ngân hàng ngày càng được đầu tư hiện đại.

-     Đội ngũ cán bộ nhân viên của ngân hàng thân thiện, nhiệt tình với khách hàng.

3.2. Những khó khăn đối với hoạt động quản trị rủi ro tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh

- Sự cạnh tranh giữa các ngân hàng trên cùng địa bàn về cung cấp dịch vụ tài chính ngày càng gay gắt đòi hỏi ngân hàng phải nâng cao chất lượng các hoạt động của mình trong có có hoạt động quản trị rủi ro tín dụng để được khách hàng tín nhiệm.

-     Thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm ngày càng tăng, khó lường,… gây ảnh hưởng tới hoạt động nông nghiệp, đối tượng khách hàng chính của ngân hàng, do đó khả năng rủi ro tín dụng ngày càng tăng

-     Đối tượng vay của Ngân hàng chưa thực sự đa dạng, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp.

-     Ngân hàng chưa thật sự áp dụng khoa học, kỹ thuật vào các hoạt động của ngân hàng.

-     Hiệu quả kinh doanh an toàn vốn của Ngân hàng còn thấp.

-     Công tác thẩm định của cán bộ ngân hàng còn khó khăn do đặc thù địa bàn hoạt động của ngân hàng khá rộng.

4.  Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh

4.1. Tích cực xử lý nợ xấu và nợ quá hạn

Một dấu hiệu rủi ro tín dụng tại Ngân hàng rất đặc trưng đó là nợ xấu, nợ quá hạn ở mức cao và có xu hướng tăng. Để giảm thiểu rủi ro tín dụng, ngân hàng cần tìm biện pháp hữu hiệu để xử lý nợ xấu và nợ quá hạn nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng. Tuỳ theo từng nguyên nhân mà Ngân hàng đưa ra biện pháp hợp lý để tháo gỡ những khó khăn cho khách hàng cũng như tạo điều kiện cho Ngân hàng thu hồi được vốn vay.

Ngân hàng có thể dùng biện pháp khai thác khách hàng vay: khi khách hàng vay gặp rủi ro mà chưa cần đến cơ quan pháp luật xử lý. Ngân hàng làm tư vấn cho khách hàng đưa ra biện pháp tháo gỡ những khó khăn, chuyển hướng sản xuất kinh doanh, tích cực thu hồi nợ, tiết kiệm chi phí, giải quyết hàng tồn đọng, thậm chí ngân hàng có thể cho khách hàng vay vốn mới để phục hồi lại tình trạng kinh doanh của khách hàng....

Ngân hàng có thể vận dụng xử lý phù hợp vói khách hàng: có thể giảm nợ hoặc cho vay liên vụ thêm thời hạn hoặc có thể hạ lãi suất vay, tạo điều kiện cho khách hàng trả nợ. Tuy nhiên, biện pháp này cũng có mặt trái của nó nên ngân hàng cần đánh giá đúng và chính xác khả năng trả nợ của khách hàng sau này.

Ngoài việc phân nợ thành 5 nhóm nợ theo quy đinh tai Quyết định 493/ĐQ-NHNN, ngân hàng cần phân loại nợ theo nhiều nguyên nhân khác như: phân theo nguyên nhân chủ quan, khách quan, theo khả năng có thể thu hồi, không có khả năng thu hồi, nợ quá hạn có khả năng mất vốn từ đó có cơ sở tìm ra biện pháp khắc phục hạn chế rủi ro được triệt để trong khả năng của mình.

4.2. Nâng cao chất lượng thẩm định

Việc thẩm định các phương án, dự án vay vốn có vai trò hết sức quan trọng trọng cho quyết định cho vay hay không của ngân hàng, là công tác quyết định chủ yếu đến chất lượng tín dụng. Với thực tế hiện nay thì công tác thẩm định chưa thực sự được chú trọng, CBTD mới chủ yếu quan tâm tới tài sản thế chấp, cầm cố của khách hàng mà chưa thực sự quan tâm tới hiệu quả kinh tế của các phương án, dự án vay vốn. Hiện nay việc thẩm định các phương án vay vốn chủ yếu đang dựa trên kinh nghiệm cũng như ý kiến chủ quan của các CBTD. Còn với các dự án kinh doanh do khách hàng hầu như không thể lập dự án vay vốn nên các dự án đều do các CBTD lập thay cho khách hàng dẫn tới công tác thẩm định không mang lại hiệu quả. Với thực trạng như thế đòi hỏi các nhà quản trị ngân hàng tăng cường giám sát công tác thẩm định, xác định các phương án, dự án mang lại hiệu quả kinh tế để quyết định đầu tư chứ không chỉ phụ thuộc vào tài sản đảm bảo. Cần có những yêu cầu chặt chẽ hơn đối với các CBTD trong công tác thẩm định để có thể đánh giá một cách chính xác nhất khả năng mang lại hiệu quả kinh tế của các khoản cho vay.

Việc xây dựng quy trình và công tác thẩm thẩm định đã có nhưng hiệu quả triển khai lại chưa thực sự cao. Công tác thẩm định còn nhiều yếu kém và mang tính hình thức. Điều này đòi hỏi CBTD ngân hàng, những người trực tiếp tham gia thẩm định phải ý thức được tầm quan trọng của công tác thẩm định, từ đó trau dồi kinh nghiệm Thực hiện đầy đủ và nghiêm quy trình tín dụng

4.3. Phân tán rủi ro tín dụng

Trong hoạt động tín dụng, rủi ro là điều khó tránh khỏi. Để thực hiện việc phân tán rủi ro, ngân hàng cần quan tâm đến phương thức sau:

-          Đa dạng hóa phương thức cho vay

Hiện nay, tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam – chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh áp dụng các phương thức cho vay như: hạn mức tín dụng, cho vay thế chấp, tín chấp, cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng.. nhưng chủ yếu ngân hàng áp dụng phương thức cho vay thế chấp tài sản đảm bảo, để phân tán rủi ro ngân hàng nên quan tâm tới các phương thức cho vay khác.

-          Đa dạng hóa khách hàng

Hiện nay ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh chủ yếu cho vay đối với khách hàng là Hộ sản xuất, và chiếm tỷ trọng trên 80%. Điều này có thể dẫn đến rủi ro cho ngân hàng, khi khách hàng không trả được nợ,  để phân tán rủi ro ngân hàng nên quan tâm tới việc mở rộng đối tượng cho vay như cho vay tiêu dùng, cho vay đối tượng buôn bán kinh doanh nhỏ, tìm kiếm khách hàng là các DN vừa và nhỏ trên địa bàn…

-           Cho vay đồng tài trợ

Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam – chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh nên sử dụng cho vay đồng tài trợ đối với các dự án lớn để tăng khả năng thẩm định món vay, san sẻ rủi ro, nếu cho vay nhiều món lớn, lại rủi ro thì xác suất vỡ nợ là rất cao, do đó việc cho vay đồng tài trợ còn có mục đích quan trọng là chia sẻ rủi ro. Giúp mở rộng đối tượng khách hàng và nâng cao uy tín cho ngân hàng: Việc ngân hàng cho vay được các dự án lớn, phức tạp một phần khuếch trương thương hiệu và mở rộng đối tượng khách hàng của ngân hàng, lại tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm cấp tín dụng.

4.4. Kiểm tra và giám sát tín dụng chặt chẽ hơn

Để đảm bảo an toàn trong cho vay, tránh được những RRTD không đáng có CBTD cần thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh và thực hiện dự án của khách hàng để đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Thông qua việc theo dõi vay vốn, CBTD cần lưu ý khách hàng biết kì hạn trả nợ và đôn đốc thu xếp ngân quỹ để trả nợ ngân hàng đúng thời gian thoả thuận. Nếu khách hàng có khó khăn chính đáng không thể trả nợ đúng thời hạn thì CBTD hướng dẫn khách hàng lập giấy xin điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, còn nếu những khó khăn của khách hàng không phải do các nguyên nhân bên ngoài mà là do sự yếu kém của chính họ thì CBTD cần gợi ý, tư vấn cho họ các biện pháp để tháo gỡ khó khăn. Còn nếu khoản vay đã được xác định là “có vấn đề” dù đang còn trong hạn, CBTD cần chuyển khoản vay bộ phận xử lý rủi ro cao để có phương án điều chỉnh khoản vay về trạng thái bình thường trước khi hết hạn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   TS. Nguyễn Thị Mùi (2010), Giáo trình nghiệp vụ ngân hàng thương mại – Học viện tài chính

2.   Peter Rose (2001), Quản trị Ngân hàng thương mại, Nhà xuất bản Tài chính.

3.   Báo cáo tổng kết hoạt động kinh doanh hàng năm của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Hà Tĩnh

4.   Tổng hợp tin tức từ một số website: www.sbv.gov.vn, www.agribank.com.vn,...

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube