^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Hoàn thiện tiêu chuẩn về vốn theo Hiệp ước vốn Basel II tại các ngân hàng thương mại ở Việt Nam

Áp dụng Hiệp ước vốn Basel II là một trong những yêu cầu cấp thiết của các tổ chức tín dụng nói chung và các ngân hàng thương mại ở Việt Nam nói riêng nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả trong hoạt động kinh doanh. Trong những năm qua, Ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng như các ngân hàng thương mại đã nổ lực thực hiện một số tiêu chuẩn theo Basel II, đặc biệt là tiêu chuẩn về vốn. Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được, việc tuân thủ tiêu chuẩn về vốn theo Basel II tại các đơn vị này bộc lộ nhiều hạn chế và cần có biện pháp khắc phục trong giai đoạn tiếp theo.

Từ khóa: Basel II, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Ngân hàng thương mại, tiêu chuẩn về vốn

1. Ngân hàng thương mại và Hiệp ước vốn Basel II

Ngân hàng thương mại là trung gian tín dụng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính quốc gia và hoạt động của các tổ chức này có tác động rất lớn đến sự phát triển của nền kinh tế. Chính vì vậy, hiệu quả, lành mạnh, ổn định và an toàn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại là một trong những yêu cầu cấp thiết đối với bất kì quốc gia nào. Tuy nhiên, kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ tín dụng khiến các ngân hàng thương mại phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, đặc biệt là rủi ro tín dụng - là loại rủi ro có thể gây ra tổn thất cho ngân hàng khi khách hàng vay vốn không thực hiện được nghĩa vụ tài chính theo đúng cam kết.

Trên thế giới, Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (Basel Committee on Banking Supervision - BCBS) được thành lập vào năm 1974 tại thành phố Basel, Thụy Sĩ bởi một nhóm các ngân hàng trung ương và cơ quan giám sát. Ủy ban được ra đời sau một loạt các cuộc khủng hoảng tiền tệ quốc tế và thị trường ngân hàng với việc tổ chức các cuộc thảo luận về những vấn đề xoay quanh sự hợp tác quốc tế nhằm giám bớt khoảng cách trong hoạt động giám sát ngân hàng, nâng cao chất lượng công tác giám sát hoạt động ngân hàng trên toàn thế giới. Một trong những thành công trong quá trình hoạt động của Ủy ban Basel là xây dựng và đưa ra các chỉ tiêu đánh giá mức độ an toàn, hiệu quả trong hoạt động ngân hàng được thể hiện trong Hiệp ước về vốn của Basel (The Basel Capital Accord) nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của các ngân hàng, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh doanh có thể đe dọa đến sự ổn định về tài chính không chỉ ở quốc gia mà còn ở phạm vi quốc tế. Basel I ra đời năm 1996 với các chỉ tiêu giúp chuẩn hóa hoạt động ngân hàng trong trào lưu toàn cầu hóa nhằm củng cố sự ổn định của toàn bộ hệ thống ngân hàng quốc tế nhất là khi rủi ro tín dụng xảy ra gây tác động xấu đến hoạt động ngân hàng và thiết lập một hệ thống ngân hàng quốc tế thống nhất, bình đẳng nhằm giảm cạnh tranh không lành mạnh giữa các ngân hàng quốc tế. Để khắc phục những hạn chế của Basel I, ngày 26/6/2004, bản Hiệp ước quốc tế về vốn Basel mới (Basel II) đã chính thức được ban hành. Ngoài các mục đích như Basel I, Basel II còn hướng đến việc đẩy mạnh việc chấp nhận các thông lệ nghiêm ngặt hơn trong lĩnh vực quản lý rủi ro. Hiệp ước vốn Basel II đã được xây dựng trên cơ sở vững chắc gồm ba trụ cột. Trụ cột 1 là các qui định về vốn đã kết hợp cả rủi ro hoạt động vào công thức tính vốn tối thiểu với mức an toàn vốn tối thiểu (CAR) là 8%; Trụ cột 2 liên quan đến hoạt động thanh tra giám sát và trụ cột 3 là các nguyên tắc kỉ luật thị trường. Ngoài việc yêu cầu ngân hàng thương mại phải duy trì một lượng vốn đủ lớn, để đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, Ủy ban Basel đã đề ra 25 nguyên tắc cơ bản về giám sát ngân hàng hữu hiệu. Từ khi ra đời và được áp dụng, các hiệp ước Basel thực sự đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của ngân hàng thương mại. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, mặc dù khủng hoảng tài chính có ảnh hưởng rất lớn đến tình hình hoạt động của các ngân hàng thương mại trên thế giới, tuy nhiên, đối với các ngân hàng thương mại ở nhiều nước trên thế giới tuân thủ theo các qui định của Basel đã giúp bản thân các ngân hàng và hệ thống ngân hàng thương mại ở các nước đó hoạt động minh bạch, đảm bảo vốn, phòng ngừa nhiều rủi ro nhất là rủi ro tín dụng.

2. Thực trạng áp dụng qui định về vốn theo Hiệp ước vốn Basel II tại các Ngân hàng thương mại ở Việt Nam

Cùng với yêu cầu của tiến trình hội nhập, Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp lý, hướng tới các qui chuẩn quốc tế. NHNN đã bắt đầu triển khai áp dụng qui chuẩn Basel II, bước đầu thí điểm tại 10 ngân hàng hàng thương mại (NHTM) cổ phẩn Việt Nam, cụ thể: BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Techcombank, ACB, VPBank, MB, Maritime Bank, Sacombank và VIB. Sau năm 2018, các chuẩn mực của Basel II sẽ được áp dụng vào toàn bộ các ngân hàng trong hệ thống. Để chuẩn bị cho việc triển khai Basel II, trong những năm qua, các ngân hàng thương mại đã từng bước tuân thủ đầy đủ các qui định do NHNN ban hành liên quan đến các nội dung cơ bản sau:

v Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR)

Bảng 1. Qui định tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu giai đoạn 2005 - 2017

STT

CAR hợp nhất (%)

CAR riêng lẻ (%)

Ngày áp dụng

1

8

-

15/05/2005

2

9

9

01/10/2010

(Nguồn: Quyết định 457/2005/QĐ-NHNN ngày 19/04/2005; Thông tư 13/2010/TT-NHNN ngày 25/05/2010; Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014  )

 

Các ngân hàng thực hiện yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Quyết định 457/2005/QĐ-NHNN ngày 19/04/2005 về việc Qui định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Trong đó, CAR ở mức 8% được áp dụng thống nhất cho tất cả các ngân hàng mà không tính đến sự khác biệt trong phạm vi, qui mô cũng như rủi ro của các ngân hàng. Trong giai đoạn 2006-2008, vốn tự có của các NHTM đã gia tăng nhanh chóng nhờ sự thuận lợi của môi trường kinh doanh cũng như sự bùng nổ của thị trường chứng khoán. Song làn sóng chuyển đổi từ NHTM cổ phần nông thôn sang NHTM cổ phần đô thị và việc thành lập mới một số ngân hàng trong giai đoạn này đã khiến cho hệ số an toàn vốn trong hệ thống ngân hàng có nhiều bất ổn. Theo Nghị định 141/2006/NÐ-CP ngày 22/11/2006 về ban hành danh mục mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng thì đến cuối năm 2010 các NHTM cổ phần phải đạt mức vốn pháp định tối thiểu là 3.000 tỷ VND. Do phải gấp gáp tăng vốn theo Nghị định 141/2006/NÐ-CP, đồng thời do tác động của chính sách kích cầu cũng như việc thực hiện nới lỏng tiền tệ của NHNN nên tín dụng tại các NHTM đã tăng đột biến. Ðiều này dẫn đến tổng tài sản có rủi ro của các NHTM tăng lên và kết quả các NHTM trong nhóm trên đều có xu hướng sụt giảm tỷ lệ an toàn vốn.

Trước những bất cập của các qui định trước và tính cấp thiết của công tác quản trị rủi ro tín dụng, ngày 25/5/2010, NHNN đã ban hành Thông tư 13/2010/TT-NHNN (Thông tư 13) qui định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của các NHTM. Thông tư 13 nêu rõ yêu cầu nâng tỷ lệ an toàn vốn từ 8% lên 9% với qui định cụ thể tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu hợp nhất và riêng lẻ. Bên cạnh đó, việc ra đời của Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 (Thông tư 36) qui định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã tạo lập chuẩn mực mới về quản trị, an toàn hoạt động ngân hàng. Thông tư 36 chỉ rõ qui định về CAR vẫn duy trì mức tối thiểu 9%, tuy nhiên, có sự điều chỉnh trong cách tính so với qui định ở thông tư 13, đảm bảo yêu cầu chặt chẽ đối với tiêu chuẩn an toàn vốn tối thiểu trong hoạt động kinh doanh của NHTM.

 

Bảng 2. CAR bình quân của nhóm 5 NHTM cổ phần Việt Nam có tổng tài sản lớn nhất giai đoạn 2010 – 2015(*)

Năm

2010

2011

2012

2013

2014

2015

CAR (%)

9,91

12,74

11,29

11,73

11,36

11,38

 

(*) Gồm: BIDV, Vietcombank, Vietinbank, ACB, MB

(Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2015 các ngân hàng)

v Quản trị rủi ro tín dụng

Nhằm góp phần ngăn ngừa rủi ro tín dụng, NHNN đã ban hành nhiều văn bản qui định về việc phân loại các khoản nợ giúp các NHTM và NHNN theo dõi các khoản nợ để có những biện pháp kịp thời hạn chế rủi ro xảy ra. Các ngân hàng thương mại ở Việt Nam phân loại nợ thành 5 nhóm: Nợ đủ tiêu chuẩn, Nợ cần chú ý, Nợ dưới tiêu chuẩn, Nọ nghi ngờ và Nợ có khả năng mất vốn theo qui định hiện hành dựa vào thời gian quá hạn trả nợ. Ngoài ra, các khoản nợ ở nợ nhóm Nợ dưới tiêu chuẩn, Nợ nghi ngờ và Nợ có khả năng mất vốn được xếp và nhóm Nợ xấu. Đồng thời, qui định trích lập dự phòng rủi ro được đưa ra như một biện pháp giúp NHTM bù đắp tổn thất do rủi ro tín dụng gây ra.

 

Bảng 3. Phân loại nhóm nợ và Tỷ lệ trích lập dự phòng

STT

Nhóm nợ

Tỷ lệ trích lập dự phòng (%)

1         

Nhóm 1 – Nợ đủ tiêu chuẩn

0

2         

Nhóm 2 – Nợ cần chú ý

5

3         

Nhóm 3 – Nợ dưới tiêu chuẩn

20

4         

Nhóm 4 – Nợ nghi ngờ

50

5         

Nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn

100

 

(Nguồn: Quyết định số 22/VBHN-NHNN của NHNN ngày 04/06/2014)

Tại Việt Nam, năm 2012 là năm bắt đầu bùng nổ nợ quá hạn dẫn đến rủi ro tín dụng cao do hậu quả của việc tập trung rủi ro trong đầu tư tín dụng của các năm trước đó, khi các NHTM cạnh tranh tăng trưởng thị phần tín dụng nhanh quá mức kiểm soát, nhiều khoản vay được phê duyệt dựa theo nhu cầu khách hàng hơn là dựa trên các nguyên tắc cấp tín dụng, giao khoán lương thưởng theo chỉ tiêu dư nợ cho cán bộ tín dụng. Đồng thời, sự tuân thủ qui trình cấp tín dụng tại một số NHTM có những thời điểm chưa thực sự tuân thủ nghiêm túc, một số khoản vay có giá trị lớn được phê duyệt để đầu tư chéo, ngoài ngành theo chỉ đạo của cấp lãnh đạo hoặc của cổ đông. 

Trước thực trạng trên, NHNN đã ban hành Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 Quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập 

dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thay thế Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22 tháng 4 năm 2005 về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD đã đưa ra những qui định chặt chẽ hơn trong việc phân loại các nhóm nợ. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng tài sản, các NHTM chú trọng vào việc kiểm soát chất lượng và xử lý nợ xấu. Các ngân hàng đã tiến hành đánh giá lại chất lượng tài sản, khả năng thu hồi, giá trị nợ xấu. Không chỉ vậy, các ngân hàng còn rà soát, đánh giá lại chất lượng các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu của các tổ chức tín dung khác. Trên cơ sở đó, các ngân hàng tất toán, chuyển nhượng, giảm dần qui mô đầu tư vào các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như kinh doanh bất động sản, thủy sản. Đối với trái phiếu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực khác, các ngân hàng đã đánh giá lại thực trạng tài chính của doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hoặc trích lập dự phòng rủi ro theo qui định. Ngoài ra, các NHTM cổ phần cũng từng bước giảm dần qui mô các hoạt động kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các ngân hàng đã từng bước chuyển dịch mô hình kinh doanh theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào tín dụng thông qua đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, liên kết với các công ty bảo hiểm, chứng khoán nhằm gia tăng nguồn thu từ phí. Các ngân hàng tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng truyền thống và phát triển nhanh các dịch vụ ngân hàng hiện đại thông qua việc cập nhật, áp dụng hệ thống công nghệ thông tin. Đáng lưu ý, theo quy định tại Thông tư 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 và Thông tư 09/2014/TT-NHNN ngày 18/03/2014, kể từ 01/01/2015 các tổ chức tín dụng (TCTD) đã thực hiện tham chiếu kết quả phân loại nợ đối với từng khách hàng từ Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) để phân loại lại nhóm nợ của khách hàng theo nhóm nợ cao nhất nếu khách hàng đó đang vay ở nhiều TCTD.

Đối với hoạt động cho vay, Thông tư 13 hạn chế việc tham gia vào các hoạt động liên quan đến kinh doanh chứng khoán và kinh doanh bất động sản của các NHTM. Thông tư 36 ra đời qui định chặt chẽ hơn giới hạn cấp tín dụng: tỷ lệ sử dụng tối đa nguồn ngắn hạn cho trung - dài hạn; giới hạn góp vốn, mua cổ phần; tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi qui định NHTM. Hệ số rủi ro của tài sản có được chia theo 5 mức: 0%, 20%, 50%, 100% và 150%. Hơn nữa, Tỷ lệ cho vay so với huy động (LDR) của các NHTM chỉ được duy trì ở mức 80% - 90% và tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn tối đa 60%.

 

3. Một số hạn chế trong việc áp dụng tiêu chuẩn vốn theo Hiệp ước Basel tại các ngân hàng thương mại Việt Nam và định hướng giải pháp cho thời gian tới

Không thể phủ nhận những tác động tích cực khi áp dụng Basel II đối với hệ thống ngân hàng, tuy nhiên, các NHTM cũng gặp một số khó khăn, hạn chế khi tiến hành đáp ứng các tiêu chuẩn của Hiệp ước nhất là tiêu chuẩn về vốn, cụ thể như sau:

- Chỉ tiêu an toàn vốn của toàn bộ NHTM Việt Nam đạt trên mức 9%. Mặc dù vậy,  mức an toàn vốn trên 9% chưa phản ánh được mức đủ vốn của hệ thống NHTM. Cách tính hệ số vốn an toàn theo Thông tư 13 và Thông tư 36 bộc lộ một số bất cập. Phần mẫu số trong công thức tính hệ số an toàn vốn do NHNN quy định mới chỉ xác định rủi ro tín dụng chứ chưa tính đến rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động và chưa đầy đủ các yếu tố theo chuẩn Basel II.

- Hệ số đòn bẩy tài chính gia tăng những năm gần đây cũng chỉ ra quy mô vốn tự

có đang giảm sút tương đối so với tổng tài sản, đặc biệt là khối NHTM nhà nước. Đáng lưu ý, giai đoạn 2011-2015, tài sản có rủi ro của khối NHTM nhà nước tăng trưởng trung bình ở mức 19,4%/năm, cao hơn mức tăng 15,43%/năm của vốn tự có, dẫn đến CAR của khối NHTM nhà nước giảm từ mức 10,8% năm 2011 xuống mức 9,42% và đến thời điểm hiện tại gần chạm ngưỡng tối thiểu 9% theo quy định của NHNN.

- Tỷ lệ cho vay so với vốn huy động (LDR) và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của hệ thống NHTM khá cao trong giai đoạn qua. Mặc dù Thông tư 36/2014/TT-NHNN đã nới tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn lên 60%, nhưng trước động thái đẩy mạnh sử dụng vốn của các NHTM cùng với tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 06/2016/TT-NHNN ngày 27/5/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36 trong đó quy định lộ trình giảm tỷ lệ này xuống 50% từ năm 2017 và 40% từ năm 2018 nhằm kiểm soát rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản của toàn hệ thống.

 Ngoài ra, hoạt động tuân thủ kỷ luật thị trường liên quan đến công bố và minh bạch thông tin trong hệ thống ngân hàng Việt Nam bộc lộ một số tồn tại, hạn chế: Còn khá nhiều mảng số liệu chưa được theo dõi trên hệ thống; Chất lượng thông tin kế toán tài chính còn thấp, số liệu chưa đầy đủ, chưa kịp thời, chưa minh bạch, chưa đánh giá hợp lý giá trị của tài sản, công nợ, vốn chủ sở hữu của NHTM; Chất lượng thông tin của kế toán quản trị và của thông tin thống kê còn nhiều hạn chế so với yêu cầu về thông tin phục vụ quản trị theo thông lệ quốc tế. Vấn đề công khai thông tin tài chính vẫn chưa được thực hiện sâu rộng.

Trước yêu cầu cấp thiết phải áp dụng các tiêu chuẩn về vốn của Basel II trong hoạt động của NHTM đồng thời khắc phục các hạn chế, tốn tại nêu trên, bản thân NHTM và NHNN có thể áp dụng đồng bộ một số giải pháp sau:

- Các NHTM điều chỉnh danh mục đầu tư để đạt được CAR theo yêu cầu theo tiêu chuẩn về vốn quốc tế được qui định trong Basel II. Ngoài ra, để tăng nguồn vốn tự có NHTM cần tiếp tục phát huy hiệu quả từ kênh huy động vốn bằng việc phát hành cổ phiếu thu hút các nhà đầu tư. Chẳng hạn, VIB đã sớm tìm được cổ đông chiến lược là Common Wealth Bank of Australia (CBA) – Ngân hàng bán lẻ số 1 tại Úc và là ngân hàng đầu thế giới với trên 100 năm kinh nghiệm giúp VIB là một trong 10 NHTM được NHNN lựa chọn, là nhóm NH đầu tiên để tuân thủ Basel II tại Việt Nam.

- Các ngân hàng buộc phải xây dựng các quy chế, quy trình cũng như một bộ máy quản lý và kiểm soát rủi ro nội bộ để đáp ứng theo chuẩn Basel II. Hệ thống quản trị rủi ro cần được xây dựng và đảm bảo vận hành xuyên suốt từ hội sở đến khu vực, các chi nhánh, phòng giao dịch và điểm giao dịch.

- Nâng cao việc minh bạch hoá thông tin, lành mạnh hoá hoạt động kinh doanh ngân hàng, giảm khoảng cách với các thông lệ quốc tế liên quan đến chế độ kế toán và quản lý rủi ro, đẩy nhanh quá trình hội nhập của hệ thống ngân hàng Việt Nam

- Nguồn nhân lực được xem là một khó khăn, thách thức lớn của các NHTM Việt Nam bởi hiện nay chất lượng nguồn nhân lực của các ngân hàng còn chưa đồng bộ, cán bộ quản lý còn thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức về quản lý, đặc biệt còn rất ít cán bộ từng được trải nghiệm triển khai ứng dụng Basel II. Nâng cao năng suất lao động, gắn kết nhân viên và quản trị rủi ro là nền tảng nhằm đạt các mục tiêu tăng trưởng doanh thu bền vững với việc cung cấp dịch vụ ngân hàng vượt trội.

4. Kết luận

 

Xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng và an toàn trong hoạt động kinh doanh của thị trường tài chính nói chung và thị trường ngân hàng nói riêng là một trong những mục tiêu quan trọng của NHNN Việt Nam trong giai đoạn hiện nay để đáp ứng yêu cầu hội nhập. Vì vậy, việc áp dụng Basel II là việc làm cần thiết để thực hiện mục tiêu này. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng Việt Nam còn yếu và thị trường tài chính, thị trường ngân hàng tại Việt Nam còn non trẻ so với các nước phát triển trên thế giới khiến việc áp dụng các quy định chuẩn trong Basel II trở thành áp lực và thách thức với nhiều ngân hàng. Điều này dẫn đến cần có sự nỗ lực lớn và hợp tác tích cực từ mỗi ngân hàng trong hệ thống dưới sự điều hành, quản lý, giám sát của NHNN để đảm bảo lộ trình áp dụng Basel II tại Việt Nam trong thời gian tới.  

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. TS. Đinh Xuân Cường, TS. Nguyễn Trúc Lê (2014), “Đòn bẩy để các ngân hàng thương mại tiếp cận Hiệp ước vốn Basel II”, Tạp chí khoa học - Đại học quốc gia Hà Nội.

2. TS. Hoàng Xuân Quế (2005), Giáo trình Nghiệp vụ ngân hàng trung ương, Nhà xuất bản thống kê.

3. TS. Phạm Thị Hồng Vân (2016), Ảnh hưởng của Hiệp ước Basel II đến hoạt động tín dụng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam, Hội thảo khoa học quốc tế - Phát triển bền vững thị trường tài chính Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Nhà xuất bản dân trí.

4. Basel Committee on Banking Supervision (2005), Basel II: International Convergence of Capital Measurement and Capital Standards: A Revised Framework, http://www.bis.org.

5. Ngân hàng nhà nước Việt Nam (2005), Quyết định số 457/2005/QĐ-NHNN ngày 19/04/2005 việc Qui định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

6. Ngân hàng nhà nước Việt Nam (2005), Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/04/2005 về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD.

 7. Ngân hàng nhà nước Việt Nam (2005), Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 25/05/2010 ) qui định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của các NHTM.

 8. Ngân hàng nhà nước Việt Nam (2013), Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 qui định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập 

dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động 

của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước.

9. Ngân hàng nhà nước Việt Nam (2014), Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 qui định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

10. Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP quân đội (2015), Báo cáo thường niên.

 

 

 

 

 

 

 

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube