^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Champa để phát triển du lịch tại các tỉnh miền trung Việt Nam

Các tỉnh miền Trung Việt Nam được xem là vùng có nguồn tài nguyên khá đa dạng và phong phú để phát triển các hoạt động du lịch.  Một trong những tiềm năng lớn cho phát triển du lịch của các tỉnh miền Trung Việt Nam là những di sản, giá trị vật thể và phi vật thể của văn hóa Chăm trên  vùng đất này. Vấn đề được đặt ra ở đây là cần phải khai thác như thế nào để đạt được kết quả tối ưu đối với các giá trị văn hóa Chăm để phát triển du lịch tại Các tỉnh miền Trung Việt Nam. Trong bài báo này, tác giả tập trung phân tích hiện trạng khai thác tiềm năng văn hoá Chăm trong  hoạt động du lịch văn hóa Champa tại các tỉnh miền Trung Việt Nam và đề xuất một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá Champa để phát triển du lịch tại các tỉnh miền Trung Việt Nam.


 

1.      Hiện trạng khai thác tiềm năng văn hóa Chăm trong hoạt động du lịch của các tỉnh miền Trung 

Trong những năm gần đây, sản phẩm văn hóa Chăm cung ứng cho hoạt động du lịch ở các tỉnh miền Trung đã được lưu ý.Thời gian qua đã có hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài nước tìm đến các làng nghề thủ công truyền thống của người Chăm như: làng gốm Bàu Trúc, làng dệt Mỹ Nghiệp ở Ninh Thuận để tham quan. Vào các dịp lễ hội Katê hàng năm, các tháng Ramađan (người Chăm ở Ninh Thuận quen gọi là Ramưwan) ở Ninh Thuận đã thu hút hàng vạn du khách tham dự, chiêm ngưỡng tháp Chăm, âm nhạc, vũ đạo và ác nghi lễ cúng tế thần thánh... Ngoài ra, một số nhà khoa học nước ngoài đi theo hình thức tour du lịch để nghiên cứu văn hóa Chăm ở các tỉnh miền Trung .Những hoạt động du lịch văn hóa Chăm ở các tỉnh miền Trung đang được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng một số ban ngành liên quan của các tỉnh. Tuy nhiên những cố gắng đó vẫn còn nhiều hạn chế trên nhiều lĩnh vực, nhất là chưa có một chiến lược và hành động cụ thể để có thể khai thác hữu hiệu tiềm năng văn hóa Chăm cho sự phát triển du lịch của tỉnh các tỉnh miền Trung. Theo nghiên cứu, có một số nguyên nhân của sự hạn chế và chưa tương xứng trong việc khai thác, phát huy giá trị văn hóa Chăm trong du lịch ở các tỉnh miền Trung, cụ thể đó là

- Các tỉnh miền Trung chưa có tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch văn hóa Chăm . Tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch với sản phẩm là văn hóa Chăm thể hiện trên nhiều mặt như: quy hoạch tổng thể, thiết kế các tour chuyên biệt, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá hoạt động, sự phối kết hợp với các địa phương... Rõ ràng, để có thể phát huy thế mạnh của văn hóa Chăm trong du lịch ở các tỉnh miền Trung cần có tầm nhìn và được thể hiện trong một quy hoạch tổng thể. Du lịch văn hóa Chăm không chỉ đem lại lợi ích cho hoạt động du lịch, cho người Chăm ở địa bàn tham gia du lịch, mà còn góp phần bảo tồn và giới thiệu văn hóa Chăm rộng rãi trong và ngoài nước. Chính vì vậy, tính chuyên nghiệp trong du lịch văn hóa Chăm là điều cần thiết cho việc khai thác tiềm năng du lịch lớn lao này.

 

- Các tỉnh miền Trung  chưa có sự đầu tư thỏa đáng cho việc khai thác và phát huy giá trị văn hóa trong phát triển du lịch của vùng. Sản phẩm du lịch văn hóa Chăm vẫn còn khá nghèo nàn và đơn điệu, chưa thu hút du khách nhất là sự quay lại lần sau của du khách. Những sản phẩm văn hóa Chăm, chỉ là phần phụ trong các hoạt động du lịch, chưa phải là du lịch văn hóa. Rõ ràng, chưa có sự đầu tư về nguồn vốn, nguồn lực tương xứng thì du lịch văn hóa Chăm khó trở thành thế mạnh của hoạt động du lịch ở các tỉnh miền Trung. 

2. Một số giải pháp phát triển du lịch văn hóa Champa tại các tỉnh miền Trung Việt Nam

- Giải pháp về bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch

Tài nguyên du lịch nhân văn chậm bị phá hủy hơn so với tài nguyên du lịch tự nhiên nhưng tài nguyên du lịch nhân văn lại không có khả năng tự phục hồi. Đầu tư, tôn tạo và bảo tồn nguồn tài nguyên du lịch nhân văn đối với du lịch văn hóa Champa là một việc làm hết sức cần thiết. Muốn làm được điều này cần có sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương, có sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương. Đặc biệt chú trọng công tác bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội truyền thống, các loại hình nghệt thuật dân gian để phục vụ hoạt động du lịch. Giữ gìn cảnh quan, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Champa, bảo vệ môi trường hiện hữu. Quá trình khai thác gắn với việc bảo tồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn. Đặc biệt hạn chế mức thấp nhất các hoạt động khai thác dịch vụ gây xâm hại đến văn hóa bản sắc truyền thống của văn hóa Champa cũng như đến môi trường và các đa dạng sinh học vốn có.

Bảo vệ, tôn tạo và phát huy truyền thống văn hóa vốn có của văn hoá Champa. Quản lý nghiêm ngặt các hoạt động kinh doanh du lịch có liên quan đến tác động văn hóa truyền thống. Quy hoạch lại mạng lưới dân cư sao cho phù hợp để khai thác được hết tài nguyên du lịch trên cơ sở bảo tồn và tôn tạo nó. Cân đối hài hòa việc khai thác tài nguyên với bảo tồn trong hoạt động du lịch.

-  Huy động nguồn vốn, xúc tiến quảng bá hoạt động du lịch

Huy động vốn từ nhiều nguồn để đầu tư cho phát triển du lịch, chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng. Cùng với sự tăng trưởng của khách du lịch, nhu cầu về cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch cũng ngày càng cao cho nên cần thu hút các nguồn vốn khác đầu tư kinh doanh du lịch. Xây dựng cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư du lịch, đẩy mạnh hợp tác liên doanh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển du lịch, đồng thời khuyến khích đầu tư hạ tầng tiến tới xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch để huy động tối đa các nguồn vốn trong xã hội. Tuyên truyền quảng bá là một hoạt động hết sức quan trọng dể đưa hoạt động du lịch phát triển. In ấn, phát hành nhiều sách tập gấp, đĩa CD bằng nhiều thứ tiếng với nội dung về các tour du lịch miền Trung, các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán…của văn hóa Champa để giới thiệu cho khách du lịch.

-  Đào tạo phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao

Vấn đề con người và trình độ nghiệp vụ là vấn đề hết sức quan trọng có ý nghĩa then chốt đối với sự phát triển của ngành du lịch nhất là du lịch văn hóa. Ngành du lịch đòi hỏi trình độ nghiệp vụ, phong cách và thái độ của người trực tiếp tiếp xúc với khách du lịch rất cao đặc biệt là các hướng dẫn viên du lịch và thuyết minh viên tại các điểm tham quan. Do đó phải tăng cường công tác đào tạo, kết hợp đào tạo trong nước với đào tạo ở nước ngoài thông qua hợp tác quốc tế về du lịch. Đào tạo lại nguồn nhân lực hiện có, chuẩn bị một lực lượng lao động có trình độ tri thức cao ngang tầm với nhiệm vụ và phù hợp với nền kinh tế tri thức, làm nòng cốt cho hoạt động. Trước mắt ưu tiên tuyển dụng các sinh viên tốt nghiệp đại học khoa văn hóa, du lịch, lịch sử và cần đánh giá kết hợp với đào tạo lại để củng cố và nâng cao kiến thức cho các hướng dẫn viên và thuyết minh viên.

-  Liên kết các điểm, tuyến du lịch khác với du lịch văn hóa Champa

Sự hợp tác, liên kết giữa cơ quan chức năng trong việc phát triển du lịch sẽ tạo điều kiện thuận lợi để khai thác các sản phẩm du lịch văn hóa đạt hiệu quả cao hơn, trong đó đặc biệt chú trọng đến sự liên kết giữa các địa phương có tài nguyên du lịch với các công ty lữ hành trong việc xây dựng, phát triển các tour du lịch văn hóa.

-  Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch, chú trọng củng cố bộ máy quản lý nhà nước về du lịch tại các khu du lịch trọng điểm của các tỉnh có điểm du lịch văn hóa Champa hấp dẫn. Nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước trong việc kiểm tra hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đặc biệt trong khâu dịch vụ khách đảm bảo đáp ứng nhu cầu tối thiểu của khách. Cần có các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hiện tượng bán hàng không đúng quy định, chèo kéo, bắt chẹt khách…tại các điểm tham quan du lịch gây ấn tượng không tốt đối với du khách. Tăng cường công tác thanh tra nhằm phát hiện những yếu tố tiêu cực trong quản lý để phát huy và tìm ra những hạn chế yếu kém trong quá trình quản lý cũng như các cơ chế chính sách chưa phù hợp để điều chỉnh, đồng thời phát hiện và ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực trong quá trình khai thác, quản lý và phát triển tài nguyên du lịch để xử lý nghiêm các vi phạm.

-  Đa dạng hóa sản phẩm du lịch

Đa dạng hóa sản phẩm du lịch là một trong những giải pháp quan trọng nhất để thu hút khách du lịch. Nhìn chung sản phẩm du lịch của các tỉnh miền Trung còn đơn điệu chưa khai thác được các giá trị văn hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống tạo thành những sản phẩm du lịch đặc sắc. Vấn đề cần quan tâm là phát triển thêm nhiều loại hình du lịch đặc trưng của các địa phương, tạo thành những tour liên kết với nhau, nhiều sắc thái khác nhau tạo ra sự mới lạ và thích thú cho du khách có như vậy mới giữ khách được lâu và đón khách quay lại. Tính thời vụ trong du lịch văn hóa phụ thuộc vào đặc điểm của sản phẩm du lịch văn hóa. Vấn đề không chỉ là ở chỗ mở mang xây dựng thêm các sản phẩm du lịch cho du khách trong những lúc chính vụ mà còn phải xây dựng các chương trình du lịch để các địa phương vẫn có thể thu hút được du khách trong thời gian không chính vụ. Tăng cường xây dựng các chương trình tham quan giải trí vào thời gian không chính vụ để nâng cao số lượng khách trong thời gian này. Một số biện pháp để đa dạng hóa sản phẩm du lịch trong cùng một khu du lịch khác nhau như du lịch lễ hội, tham quan tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc, văn hóa của khu di tích; du lịch nghiên cứu về di tích.

-  Nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng

Nhằm đảm bảo các điều kiện hạ tầng kỹ thuật để phát triển du lịch, tạo lập năng lực cơ bản để đáp ứng yêu cầu phục vụ cho các mục tiêu phát triển. Chú trọng xây dựng và thực hiện đồng bộ việc phát triển các ngành liên quan. Đảm bảo xây dựng hoàn chỉnh các tuyến giao thông để du khách tiếp cận được dễ dàng các văn hóa. Khuyến khích đầu tư, nâng cấp các công trình kiến trúc, ban quản lý các điểm văn hóa, cơ sở lưu trú, các chỗ vui chơi giải trí.

3. Kiến nghị và kết luận

Văn hóa Champa là một trong những nền văn hóa ra đời tương đối sớm ở Việt Nam. Champa đã để lại một nền văn hóa hết sức đồ sộ, đó là một điều mà người dân Việt Nam đáng tự hào và nuôi dưỡng. Văn hóa Champa thật sự có tiềm năng để phát triển loại hình du lịch văn hóa. Tuy nhiên trong những năm gần đây việc khai thác du lịch tại các điểm có di tích văn hóa Champa còn nhiều bất cập. Do vậy đề nghị Chính phủ, bộ kế hoạch đầu tư và Bộ văn hóa thể thao du lịch bố trí kế hoạch vốn ngân sách đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng du lịch và các dự án du lịch lớn để khai thác có hiệu quả hơn nữa nguồn tài nguyên du lịch nhân văn. Đề nghị Bộ văn hóa thể thao và du lịch xem xét và xác định được tầm quan trọng việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Champa để khai thác và quảng bá phục vụ du lịch. Đối với các tỉnh có nền văn hóa Champa cần đẩy nhanh thời gian phê duyệt các dự án phát triển du lịch đặc biệt là các dự án có tầm quan trọng chiến lược. Đối với các địa phương cần bám sát các chủ trương của ban ngành cũng như đưa ra các phương án đề xuất lên trên để lãnh đạo ban ngành nắm rõ hơn tình hình du lịch của địa phương.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cao Xuân Phổ., 1988, Điêu khắc Chàm, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

2. Hồ Xuân Tịnh, 2001, Di tích Chăm ở Quảng Nam, Nxb. Đà Nẵng.

3. Lê Đình Phụng, 2005, Tìm hiểu lịch sử nghệ thuật Tháp Chămpa, Nxb. Văn hóa Thông tin & Viện Văn hóa, Hà Nội.

4. Lê Xuân Diệm, Vũ Kim Lộc, 1996, Cổ vật Champa, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

5. Ngô Văn Doanh, 1994, Tháp cổ Champa – huyền thoại và sự thật, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

6.  Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn DốpVăn hóa Chăm, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991.

7. Vũ Khánh, 2009, Người Chăm, Thông Tấn, Hà Nội.

 

7. http://www.danangtimes.vn/Portals/0/Docs/6792240-ĐỊNH%20HƯỚNG%20BẢO%20TỒN%20CÁC%20ĐỀN%20THÁP%20CHĂM%20PA.pdf

 

 

 

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube