^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

Tóm tắt

Giai đoạn 2016-2020 đánh dấu thời kỳ nền kinh tế Việt Nam sẽ có những bước tiến mạnh mẽ trong quá trình hội nhập với nền kinh tế thế giới. Điều này đặt ra cả cơ hội và thách thức đối với hệ thống tài chính Việt Nam. Những cơ hội đến từ hội nhập nếu được tận dụng tốt có thể đưa hệ thống tài chính Việt Nam phát triển tới một tầm cao mới. Tuy nhiên, thách thức được đặt ra cũng không ít. Nếu không vượt qua những thách thức này, hệ thống tổ chức tín dụng ở Việt Nam sẽ phát triển thiếu ổn định, kém hiệu quả và có thể dẫn tới sự sụp đổ của thị trường tài chính Việt Nam. Bài viết tập trung phân tích những cơ hội cũng như thách thức đối với các tổ chức tín dụng Việt Nam trước bối cảnh hội nhập, đồng thời, đưa ra những giải pháp phù hợp đối với sự phát triển bền vững của các tổ chức này trong giai đoạn tới.

Từ khóa: Cơ hội, thách thức, hội nhập, tổ chức tín dụng.

1. Thực trạng các tổ chức tín dụng ở Việt Nam và những cam kết của Việt Nam khi hội nhập kinh tế quốc tế

Tiến trình hội nhập kinh tế sâu rộng của  Việt Nam bắt đầu từ năm 1995 đến năm 2015 có ba cột mốc quan trọng nhất. Thứ nhất, Việt Nam ký hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ vào năm 2000, là bước tập dượt quan trọng để Việt Nam  tham gia sâu rộng hơn vào hội nhập khu vực (tham gia các FTA) và toàn cầu (gia nhập WTO). Thứ hai, Việt Nam tham gia ASEAN và Hiệp định mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), tiếp đến là FTA với các đối tác (ASEAN+) như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc,  New Zealand, và Ấn Độ. Thứ ba, Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO từ năm 2007, chính thức tham gia vào một sân chơi rộng lớn, đặt quan hệ hợp tác sâu rộng hơn cả về thương mại và tài chính với rất nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Kể từ năm 2016, Việt Nam  bước vào cột mốc thứ tư và được coi là giai đoạn hội nhập kinh tế mới. Việt Nam đã ký kết Hiệp định đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào tháng 2/2016. Việt Nam chính thức là thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Cũng từ năm 2016, những Hiệp định thương mại quan trọng như Hiệp định thương mại  Việt Nam - EU, Hiệp định thương mại Việt Nam - Hàn Quốc sẽ bắt đầu có hiệu lực. Việt Nam cũng đang đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bao gồm 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand.

Đến thời điểm cuối năm 2016, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) bao gồm 04 ngân hàng thương mại (NHTM) thuộc sở hữu Nhà nước, 03 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại, 28 ngân hàng thương mại cổ phần (NH TMCP), 02 ngân hàng thuộc khối ngân hàng chính sách; 27 tổ chức tín dụng phi ngân hàng, 01 Ngân hàng Hợp tác xã và 1.147 Quỹ Tín dụng nhân dân; 03 tổ chức tài chính vi mô; 03 ngân hàng liên doanh, 05 ngân hàng 100% vốn nước  ngoài và 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài.  Mạng  lưới các tổ chức tín dụng  không những bao phủ thị trường nội địa mà còn có những bước tiến lớn trong việc phát triển mạng lưới sang một số thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, hệ thống TCTD vẫn đang phải đối mặt với không ít rủi ro và thách thức, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm và thị trường tài chính toàn cầu có những diễn biến phức tạp, khó lường. Cụ thể:

Một là, vốn cho nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc quá nhiều vào khu vực ngân hàng. Tỷ lệ tổng tài sản của hệ thống TCTD/GDP cao hơn nhiều so với các nước có trình độphát triển tương đương trong khu vực, cho thấy khi khu vực ngân hàng không thực hiện được tốt chức năng dẫn vốn thì nền kinh tế tất yếu sẽ bị suy giảm mạnh và ngược lại, hệ thống ngân hàng dễ dàng bị tổn thương khi kinh tế vĩmô bất ổn. Tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ tổng tài sản của hệ thống TCTD/GDP đạt 1,74 lần và tỷ lệ dư nợ tín dụng cho nền kinh tế/GDP đạt xấp xỉ 98,2%. Hệ quả là trong danh mục tài sản của các ngân hàng, chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là hoạt động tín dụng. Mặc dù gần đây chất lượng tín dụng đã từng bước được cải thiện nhưng tỷ lệ nợ xấu còn cao, tiềm ẩn rủi ro tín dụng lớn.

Hai là, hệ số đòn bẩy tài chính gia tăng những năm gần đây cũng chỉ ra quy mô vốn tựcó đang giảm sút tương đối so với tổng tài sản, đặc biệt là khối NHTM nhà nước. Cụ thể, giai đoạn 2011-2015, tài sản có rủi ro của khối NHTM nhà nước tăng trưởng trung bình ở mức 19,4%/năm, cao hơn mức tăng 15,43%/năm của vốn tự có, dẫn đến CAR của khối NHTM nhà nước giảm từ mức 10,8% năm 2011 xuống mức 9,42% hiện nay - gần chạm ngưỡng tối thiểu 9% theo quy định của NHNN, thấp hơn mức bình quân của ASEAN là 10,3%.

Ba là, tỷ lệ cho vay so với vốn huy động (LDR) và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của hệ thống NHTM có xu hướng tăng khá nhanh. Cụ thể, tỷ lệ LDR vào cuối năm 2014 của khối NHTM nhà nước ở mức 86,85%, khối NHTMCP là 59,85% và chưa được cải thiện cho đến cuối 2015. Mặt khác, huy động vốn và cho vay cũng mất cân đối khi tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2015 tăng mạnh hơn tốc độ huy động vốn. Cụ thể, huy động vốn tăng 15,64%  so  với  cuối  năm 2014,  nhưng  tăng  trưởng  tín  dụng đạt đến  17,29%.  Việc  các NHTMCP liên  tục  tăng  lãi  suất cho  thấy,  thanh  khoản  của  hệ thống  ngân  hàng  không  còn được dồi dào như trước đây. Mặc dù Thông tư36/2014/TT-NHNN đã nới tỷ lệ vốn ngắn hạn cho  vay  trung  và  dài  hạn  lên  60%,  nhưng  trước động  thái đẩy  mạnh  sử dụng  vốn  của  các NHTM, rủi ro thanh khoản của hệ thống cũng là điều cần phải tính đến. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tưsố 06/2016/TT-NHNN ngày 27/5/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36 trong đó quy định lộ trình giảm tỷ lệ này xuống 50% từ năm 2017 và 40% từ năm 2018 nhằm kiểm soát rủi ro thanh khoản của toàn hệ thống.

Bốn là, mức trích lập dự phòng rủi ro đạt thấp, chưa phản ánh đúng chất lượng tài sản có rủi ro của TCTD. Điều này hàm ý mức độ an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng sẽ bị đe dọa khi rủi ro diễn ra. 

Đối với dịch vụ ngân hàng, tài chính và cho thuê tài chính, Việt Nam cho phép các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh và ngân hàng 100% vốn nước ngoài được thành lập và hoạt động tại Việt Nam theo Nghị định số 226/2006/NĐ-CP ban hành ngày 28/02/2006 và có hiệu lực kể từ 24/03/2006. Theo đó, điều kiện cấp phép kinh doanh chung cho cả ba loại hình tổ chức này phải đáp ứng một số yêu cầu như có kinh nghiệm hoạt động quốc tế, được các tổ chức xếp loại tín nhiệm quốc tế xếp hạng ở mức có khả năng thực hiện các cam kết tài chính và hoạt động bình thường ngay cả khi tình hình, điều kiện kinh tế biến đổi theo chiều hướng không thuận lợi; đạt được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, các tỷ lệ bảo đảm an toàn theo thông lệ quốc tế… Ngoài ra, phần vốn góp của phía nước ngoài trong liên doanh hiện nay theo quy định là không vượt quá 30% vốn điều lệ.

2. Cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của các tổ chức tín dụng ở Việt Nam

 Cơ hội

Việc hội nhập của đất nước dẫn đến phải mở cửa thị  trường, trong đó có thị trường tài  chính. Mở cửa thị trường tài chính đồng nghĩa với việc Chính phủ  giảm dần sự can thiệp trực tiếp vào thị trường và buộc các chủ thể tham gia thị trường phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Khi đó thị trường sẽ trở nên sôi động hơn, các chi phí giao dịch giảm, các dự  án được ưu tiên nguồn vốn sẽ  phải giảm dần và chuyển sang những khoản đầu  tư  có  lợi  nhuận cao  hơn,  góp phần nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế.

Đối với hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng Việt Nam, giai đoạn mở cửa và hội nhập sẽ đặt ra nhiều cơ hội như sau:

-  Cơ hội lựa chọn dịch vụ ngân hàng đối với khách hàng và lành mạnh hóa các ngân hàng

Đối với các chủ thể là khách hàng, sẽ có nhiều lựa chọn các dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là các dịch vụ  của ngân hàng quốc tế. Hội nhập giúp các doanh nghiệp trong nước có nhiều cơ hội tiếp cận với thị  trường hàng hóa quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu đồng thời cũng buộc các doanh nghiệp phải đổi mới tư duy, nâng cao năng lực và kinh doanh có hiệu quả  hơn. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế  cũng có nhiều cơ hội thâm nhập và xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Việt Nam nên các luồng vốn chu chuyển thông qua hệ thống tài chính, ngân hàng cũng gia tăng. Vì vậy môi trường kinh doanh ngân hàng có mức độ  rủi ro thấp hơn, hoạt động của các ngân hàng sẽ an toàn, lành mạnh và hiệu quả hơn.

-  Cơ hội nâng cao năng lực quản trị, điều hành đối với ngân hàng

Đối với các chủ thể là ngân hàng, sẽ có nhiều cơ hội để nâng cao năng lực quản trị, điều hành, hiệu quả  hoạt động, khả  năng cạnh tranh. Việc hội nhập sâu rộng đồng nghĩa phải mở rộng thị trường dịch vụ  ngân hàng theo cam kết song phương và đa phương. Do đó, sẽ có nhiều ngân hàng nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân  hàng  liên  doanh,  ngân  hàng  con  100%  vốn  nước  ngoài,… trong  hệ  thống  tài chính Việt Nam. Các ngân hàng và các tổ chức tín dụng Việt Nam sẽ có điều kiện học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ  công nghệ  và quản trị  ngân hàng. Sự  tham gia điều hành, quản trị của các nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng trong nước là yếu tố  quan trọng để  cải thiện nhanh chóng trình độ  quản trị  kinh doanh  ở  các ngân hàng trong nước. Các ngân hàng trong nước có nhiều cơ hội nhận được sự  hỗ  trợ  về  tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức mới của các ngân hàng nước ngoài và các tổ chức tài chính quốc tế; hỗ trợ  xây dựng năng lực quản trị  ngân hàng tiên tiến. Bên cạnh đó, các ngân hàng trong nước có khả  năng huy động các nguồn vốn từ  thị trường tài chính quốc tế và sử  dụng vốn có hiệu quả  hơn để giảm thiểu rủi ro và các chi phí cơ hội. Hội nhập tạo động lực thúc đẩy cải cách ngân hàng, thúc đẩy cải cách thể  chế, hoàn thiện hệ  thống pháp luật và năng lực hoạt động của các cơ quan quản lý tài chính.

-  Cơ hội nâng cao năng lực điều hành của Ngân hàng Nhà nước 

Hội nhập quốc tế sẽ  tạo ra cơ hội cho Ngân hàng Nhà nước nâng cao năng lực và hiệu quả  điều hành, thực thi chính sách tiền tệ  độc lập; đổi mới cơ chế  kiểm soát tiền tệ, lãi suất, tỷ  giá dựa trên cơ sở thị trường, tạo ra lực đẩy cho sự  phát triển của  thị  trường tiền tệ. Hệ thống ngân hàng thương mại và thị  trường tiền tệ  hoạt động hiệu quả  và an toàn góp phần quan trọng tạo môi trường hoạt động chính sách tiền tệ hữu hiệu.

 Thách thức 

Bên cạnh những cơ hội, việc Việt Nam hội nhập với thế  giới cũng đặt sự  phát triển của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam trước nhiều thách thức.

-  Đối với Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng

+ Thách thức từ hệ thống pháp luật ngân hàng còn chưa hoàn thiện

Hiện tại, hệ  thống pháp luật ngân hàng còn gây  ra sự  cạnh tranh thiếu lành mạnh, tạo ra sự  phân biệt đối xử  giữa các loại hình tổ  chức tín dụng, giữa các nhóm ngân hàng và  giữa ngân hàng trong nước với ngân hàng nước ngoài. Điều đó cho thấy  hệ  thống  pháp  luật  ngân  hàng  còn  thiếu,  chưa  đồng  bộ  và  chưa  phù  hợp  với thông lệ  quốc tế. Điều này đặt ra thách thức phải sửa đổi, bổ  sung, thay thế  pháp luật ngân hàng nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng theo nguyên tắc không phân biệt đối xử trong quá trình hội nhập.

+ Thách thức từ việc gia tăng rủi ro cho thị trường tài chính

Việc mở cửa thị trường tài chính sẽ làm tăng rủi ro cho thị  trường do các tác động  từ  bên  ngoài, từ thị trường tài chính khu  vực  và  thế  giới. Trong khi, Ngân hàng Nhà nước còn nhiều hạn chế  trong điều hành chính sách tiền tệ  cũng như năng lực giám sát hoạt động,  việc xây dựng và vận hành các công cụ  điều hành chính sách tiền tệ  hiệu quả  là cần thiết. Các khuôn khổ chính sách quản lý thận trọng, thích hợp đảm bảo cho hệ  thống ngân hàng Việt Nam phòng ngừa được các rủi ro và chống đỡ  kịp thời, hiệu quả  với các cú sốc kinh tế, tài chính quốc tế cần được nghiên cứu triển khai.

-  Đối với các Ngân hàng thương mại trong nước

+ Thách thức do áp lực cạnh tranh từ các ngân hàng nước ngoài

Hội nhập buộc Việt Nam phải mở cửa thị trường dẫn đến xuất hiện nhiều ngân hàng nước ngoài với năng lực tài chính tốt, công nghệ, trình độ  quản lý và hệ  thống sản  phẩm  đa dạng  và có chất  lượng cao hơn có  thể  đáp ứng  nhu cầu  đa dạng  của khách hàng.  Lợi thế cạnh tranh đối với các tổ chức tín dụng trong nước có nguy cơ suy giảm khi số  lượng các ngân hàng các nước trong khu vực và thế  giới có tiềm lực mạnh về tài chính, công nghệ và trình độ quản lý tham gia vào thị trường tài chính nội địa ngày càng tăng. Hệ  thống ngân hàng trong bối cảnh hội nhập tài chính ngày càng sâu rộng cần thiết phải duy trì lợi thế cạnh tranh và củng cố  vai trò của hệ  thống ngân hàng Việt Nam  trong bối cảnh áp lực cạnh tranh tăng dần theo lộ trình nới lỏng các quy định đối với các tổ chức tài chính nước ngoài.

+ Thách thức do sự yếu kém của các ngân hàng thương mại trong nước

Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam chưa có một định chế  tài chính nào có phạm vi hoạt động mang tính khu vực và toàn cầu. Hệ thống ngân hàng hiện nay có nhiều loại hình hoạt động và đa dạng về  hình thức sở  hữu, tuy nhiên quy mô và năng lực tài chính còn rất nhỏ bé so với các nước trong khu vực và trên thế  giới. Một số ngân  hàng thương  mại cổ  phần  có  quy  mô  lớn  về nguồn lực, khả  năng quản trị, sức canh tranh tốt, chiếm thị  phần đáng kể  trong khu vực ngân hàng, nhưng vẫn còn đó một số  ngân hàng thương mại cổ  phần có quy mô rất nhỏ, gần như không thể  cạnh tranh hoạt động và trụ vững về  tài chính trong dài hạn. Các định chế  tài chính phi ngân hàng phát triển  ở  mức hạn chế, thiếu các định chế  tài chính vi mô. Các sản phẩm tài chính và dịch vụ  ngân hàng chưa phủ  hết các vùng miền lãnh thổ  và các loại hình sản xuất kinh doanh. Các tổ  chức tín dụng chủyếu tập trung ở  thành phố  và đô thị  lớn. Ở các vùng nông thôn, đô thị  nhỏ  và nhất là vùng sâu, vùng xa, khu vực hẻo lánh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ  có khả  năng tiếp cận  dịch  vụ  ngân  hàng  còn  rất  hạn  chế.  Với  cấu  trúc  như  vậy,  cần  có  sự  cải  cách mạnh mẽ  để  có thể  bảo đảm sự  phát triển lĩnh vực ngân hàng  ổn định, vững mạnh, cạnh tranh được trên thị trường khu vực và toàn cầu. Các ngân hàng thương mại Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức như: Chất lượng nguồn nhân lực trong khu vực  ngân hàng còn nhiều bất cập, số  lượng cán bộ  có kỹ  năng nghiệp vụ  cũng như quản trị  điều hành và hoạch định chính sách tốt còn ít, các chương trình đào tạo còn chưa thật sát với yêu cầu thực tế; Vấn đề đạo đức nghề nghiệp hiện cũng đang là một thách thức lớn; Hệ thống thanh tra giám sát và các quy định an toàn, thận trọng còn có khoảng cách xa với khu vực và thế  giới.

+ Thách thức đến từ rủi ro về khách hàng

Hội nhập quốc tế có thể  mang đến nhiều rủi ro về  khách hàng cho các ngân hàng thương mại hiện có khách hàng là các doanh nghiệp nhà nước làm ăn yếu kém. Việc mở cửa thị trường đặt các doanh nghiệp này trước nguy cơ mất thị phần, kinh doanh thua lỗ, phá sản...; điều này có thể  làm tăng rủi ro cho hoạt động ngân hàng. Bên cạnh đó là năng lực quản trị, quản trị rủi ro chưa được phát triển đầy đủ để giải quyết một cách hiệu quả các rủi ro về thị trường và hoạt động. Hệ thống và chế  độ  báo cáo tài chính, công khai tài chính của các tổ chức tín dụng nội địa vẫn còn thấp, còn có khoảng cách khá xa so với các chuẩn mực quốc tế, nên khó đánh giá chính xác và minh bạch về sự lành mạnh của tổ chức tín dụng.

+ Thách thức tới từ hạ tầng tài chính chưa phát triển đầy đủ: Hạ tầng tài chính phát triển chưa đầy đủ, gồm: công nghệ, hệ  thống thanh toán, thị trường liên ngân hàng.. là thách thức không nhỏ để phát triển một khu vực ngân hàng ổn định.

3. Khuyến nghị chính sách

Để Việt Nam sẵn sàng cho hội nhập kinh tế mới, tận dụng được  các cơ hội và vượt qua các thách thức, về cơ bản vẫn là quyết tâm thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế một cách quyết liệt, đi kèm với cải cách thể chế kinh tế và đổi mới tư duy kinh tế. Theo đó, kinh tế sẽ tăng trưởng theo chiều sâu, cân bằng tiết kiệm đầu tư được xác lập, nền tảng kinh tế vĩ mô lành mạnh, cấu trúc sản xuất được cải thiện, gia tăng khả năng chống đỡ các rủi ro từ bên ngoài. 

Do những điều kiện cho tự do hóa tài chính của Việt Nam vẫn chưa đủ, nên mở cửa  thị  trường  tài  chính  cần  theo  lộ  trình  thận  trọng  và  hợp  lý.  Để  tận  dụng  được những lợi ích và hạn chế những tiêu cực của tự do hóa tài chính, Việt Nam cần tái cấu trúc hiệu quả các ngân hàng trước khi tự do hóa tài chính. Một số vấn đề cần được giải quyết trong giai đoạn tái cấu trúc này là cần nâng cao các quy định về mức độ đủ vốn, xây dựng chiến lược tăng vốn đi kèm với sử dụng vốn hợp lý để bảo đảm phát triển bền vững. Vấn đề nợ xấu cần được giải quyết nhanh chóng, cần có sự phối hợp thực hiện từ nhiều cơ quan nhà nước (Chính phủ, NHNN, Bộ Tài chính), các doanh nghiệp nhà nước và các TCTD. Mức độ sinh lời của hệ thống NHTM cần được cải thiện thông qua đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ; tăng thu từ lãi thông qua tiếp tục mở rộng cấp tín dụng dựa trên một số cơ sở nhất định; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ hiện đại để giảm chi phí giao dịch; tăng cường trau dồi chuyên môn cho ban kiểm soát. Kiểm soát vấn đề thanh khoản cho các NHTM cũng cần được tăng cường, bên cạnh đó, cần gia tăng năng lực quản trị điều hành của các TCTD. Cơ sở hạ tầng của hệ thống tài chính cũng cần được cải thiện như đảm bảo quyền sở hữu tài sản, xây dựng hành lang pháp lý có hiệu quả và tăng cường minh bạch thông tin.

Bên cạnh đó, cần cải thiện mô hình giám sát hệ thống tài chính thông qua các giải pháp: 

-  Cần nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan giám sát. Trước mắt cần xây  dựng  quy  trình  và  tiêu  chí  giám  sát  chung  giữa  các  cơ  quan  giám  sát  chuyên ngành, quy chế xác định khung hợp tác giữa các cơ quan giám sát chuyên ngành như cơ chế chia sẻ, trao đổi thông tin, cùng hợp tác, phân tích, đưa ra cảnh báo, cùng nhau kiến nghị chính sách. 

-  Xác định rõ phạm vi, nhiệm vụ của Nhà nước trong việc tổ chức, hỗ trợ, kiểm soát hoạt động của các tổ chức tham gia thị trường tài chính và dịch vụ tài chín h theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức này không phân biệt thành phần kinh tế, đồng thời củng cố quyền quản lý, giám sát và can thiệp kịp thời của Chính phủ đảm bảo thị trường hoạt động lành mạnh, an toàn, hiệu quả. 

 

Tài liệu tham khảo

1. Anh Khánh (2015), Lộ trình hội nhập tài chính của Việt Nam trong ASEAN, Tạp chí tài chính Việt Nam ngày 16/12/2015.

2. Hồng Chí (2015),  Thị trường bảo hiểm: Chờ  đón cơ hội lớn  từ  TPP, Thời báo Tài chính Việt Nam online.

3. Ngân hàng Nhà nước (2007), Lộ trình mở cửa của hệ thống ngân hàng Việt  Nam trong cam kết gia nhập WTO, Tạp chí ngân hàng (Số 1/2007).

4. Nguyễn Thị Kim Thanh (2010), Định hướng phát triển khu vực ngân hàng đến năm 2020, Tạp chí Ngân hàng số 21/2010.

5. Phùng Khắc Lộc (2008),  Thị trường bảo hiểm Việt Nam sau khi Việt Nam gia nhập WTO, Tạp chí phát triển kinh tế số 213.

 

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube