Phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ (NHBL) là xu thế tất yếu và là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển nếu NHTM muốn tồn tại, phát triển trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường tài chính hiện nay.
1. Quan niệm về phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ
Dịch vụ NHBL là việc cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng tới từng cá nhân riêng lẻ, hộ gia đình, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua mạng lưới chi nhánh hoặc là việc khách hàng có thể tiếp cận trực tiếp với sản phẩm dịch vụ ngân hàng thông qua phương tiện thông tin, điện tử viễn thông.
Phát triển dịch vụ NHBL là sự gia tăng về số lượng các dịch vụ cung cấp, mạng lưới hoạt động và các tiện ích của sản phẩm, nâng cao chất lượng của từng loại hình dịch vụ nhằm thỏa mãn tốt nhất nhu cầu của các các chủ thể trong xã hội.
2. Các chỉ tiêu đánh giá sự phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ của NHTM
a. Chỉ tiêu định lượng
- Số lượng khách hàng và thị phần
Số lượng khách hàng càng đông, thị phần càng lớn thì chứng tỏ ngân hàng đã phát triển tốt dịch vụ NHBL và ngược lại. Các NHTMCP có yếu tố Nhà nước như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank trong những năm qua tập trung đẩy mạnh phát triển NHBL, qua đó thị phần bán lẻ trong tổng hoạt động chung của các NH ngày càng tăng. Đối với các NHTMCP khác như ACB, SHB, Techcombank, HD, MB, VPBank… thì định hướng của các ngân hàng này hầu hết là ngân hàng bán lẻ, vì vậy số lượng khách hàng, thị phần bán lẻ là yếu tố quan trọng đánh giá sự phát triển của mình, ngân hàng nào tăng trưởng số lượng khách hàng tốt, thị phần tăng chứng tỏ hoạt động bán lẻ của ngân hàng đó hiệu quả.
- Tăng trưởng của các dịch vụ NHBL
Để đánh giá được quy mô phát triển dịch vụ NHBL, các NHTM thường sử dụng một số chỉ tiêu như: Tăng trưởng dư nợ tín dụng, tăng trưởng số dư vốn huy động, tăng trưởng số lượng thẻ phát hành và doanh số thanh toán thẻ, doanh thu từ thu phí dịch vụ NHBL... Các chỉ tiêu này gia tăng trong nhiều năm thể hiện một sự tăng trưởng ổn định và hiệu quả của hoạt động dịch vụ NHBL.
- Số lượng các kênh phân phối
Mạng lưới các kênh phân phối tạo điều kiện hướng dẫn người dân tiếp cận với các dịch vụ của ngân hàng dễ dàng, nhờ đó mà ngân hàng thu hút được nhiều khách hàng hơn. Trên thị trường hiện nay, Agribank là ngân hàng có hệ thống các kênh phân phối lớn nhất, có ở tất cả 64 tỉnh thành trong cả nước. Các NHTMCP khác trung bình có khoảng 300 đến 1200 chi nhánh và điểm giao dịch trên toàn quốc.
- Tỷ trọng lợi nhuận từ dịch vụ NHBL trên Chi phí dịch vụ NHBL
Tỷ lệ Lợi nhuận từ dịch vụ/ Chi phí dịch vụ NHBL càng lớn thì công tác dịch vụ NHBL càng hiệu quả.
Hiện nay, hầu hết các NHTM tại Việt Nam đang áp dụng quản lý vốn tập trung, toàn bộ nguồn vốn được quản lý tập trung tại Hội sở, Hội sở áp dụng cơ chế định giá điều chuyển vốn nội bộ FTP (Fund Transfer Pricing). Giá điều chuyển vốn nội bộ FTP là lãi suất mua vốn và bán vốn giữa Hội sở và Chi nhánh. Lãi suất mua vốn là mức lãi suất Hội sở trả cho Chi nhánh áp dụng cho các khoản thuộc phạm vi tính lãi điều chuyển vốn nằm bên tài sản Nợ. Lãi suất bán vốn là mức lãi suất Hội sở thu của Chi nhánh áp dụng cho các khoản mục thuộc phạm vi tính lãi điều chuyển vốn nằm bên tài sản Có. Thông qua việc mua bán vốn này, Chi nhánh hưởng các mức chênh lệch:
Chênh lệch đối với cho vay (NIMCV) = Lãi suất cho vay khách hàng - Lãi suất mua vốn từ Hội sở.
Chênh lệch đối với huy động vốn (NIMHĐV) = Lãi suất bán vốn cho Hội sở - Lãi suất thực tế trả cho khách hàng.
Hội sở xây dựng cơ chế mua bán vốn tập trung FTP đảm bảo nguyên tắc chi nhánh luôn nhận được mức lợi nhuận dương khi thực hiện hai nghiệp vụ huy động và cho vay vốn. Các chênh lệch trên càng cao chi nhánh càng có lợi.”
Chi nhánh căn cứ vào giá mua bán vốn FTP của Hội sở xây dựng lãi suất huy động phù hợp cho từng thời kỳ, đảm bảo mức lãi suất huy động không vượt trần nhà nước quy định, đồng thời đảm bảo hiệu quả kinh doanh của Chi nhánh.”
Để phân tích lợi nhuận và chi phí dịch vụ, các NHTM chủ yếu sử dụng phương pháp chi phí bình quân, đánh giá chênh lệch đầu vào đầu ra.
Lợi nhuận
dịch vụ NHBL
= Lợi nhuận từ bán
vốn huy động cho Hội sở
+ Lợi nhuận từ
chênh lệch lãi vay
+ Thu nhập khác
(các khoản phí dịch vụ)
Chi phí
dịch vụ NHBL
=Lãi trả cho nguồn huy động
+
Chi phí khác
- Sản phẩm bán chéo
“Bán chéo là việc cung cấp cho khách hàng hiện tại những sản phẩm, dịch vụ bổ sung, hay nói cách khác là bán nhiều dịch vụ cho một khách hàng. Mục đích của bán chéo sản phẩm là khai thác tối đa lợi nhuận của một khách hàng mang lại cho NHTM bằng cách thỏa mãn phần lớn nhu cầu về các dịch vụ ngân hàng cho họ.
Hiện nay, các NHTM đang tích cực kết hợp với công ty bảo hiểm để tăng cơ hội bán sản phẩm. Khi đó, NHTM trở thành đại lý của công ty bảo hiểm, thực hiện phân phối gói sản phẩm bảo hiểm qua NH đến tay người tiêu dùng. Ngân hàng sẽ thu hút được tiền gửi, thu phí bảo hiểm chi trả qua thẻ… Công ty bảo hiểm tăng doanh thu khi khách hàng mua bảo hiểm tăng. Khách hàng của ngân hàng muốn tham gia bảo hiểm của công ty bảo hiểm sẽ được hưởng các tiện ích như tiết kiệm thời gian thanh toán phí bảo hiểm, được tư vấn ngay tại NHTM.
b. Chỉ tiêu định tính
- Tính đa dạng của dịch vụ
Để đáp ứng được đầy đủ và thỏa mãn nhu cầu của mọi tầng lớp khách hàng, NHTM cần đa dạng hóa các dịch vụ của mình, không ngừng cải tiến sản phẩm dịch vụ sao cho phù hợp với khách hàng nhất. Dịch vụ NHBL của NHTM sẽ lớn mạnh không ngừng với số lượng khách hàng tìm đến ngày càng tăng nhanh, lợi nhuận tăng lên, đồng thời phân tán được rủi ro.
- Chất lượng dịch vụ
NHTM nào có thể phục vụ và thỏa mãn khách hàng của mình một cách chuyên nghiệp nhất, với những thủ tục đơn giản và an toàn nhất sẽ là NHTM đi đầu trong hoạt động bán lẻ. Dịch vụ NHTM có tính tiện ích cao, đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu cần thiết hàng ngày thì sẽ được khách hàng lựa chọn, sử dụng nhiều. Ngân hàng trực tuyến và thẻ thanh toán đang là các dịch vụ đa tiện ích nhất hiện nay mà NHTM cung cấp.
Như vậy, sự phát triển dịch vụ NHBL của NHTM được đánh giá qua các chỉ tiêu định tính và các chỉ tiêu định lượng. Sự phát triển của dịch vụ NHBL sẽ làm tăng uy tín thương hiệu của NH, tăng quy mô, tốc độ huy động vốn, chất lượng hoạt động tín dụng… Từ đó, mục tiêu lợi nhuận của NHTM tăng lên, năng lực cạnh tranh của ngân hàng được nâng cao.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Phan Thị Thu Hà (2013), Giáo trình Ngân hàng Thương mại, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân.
[2]. Peter S. Rose (2001), Quản trị Ngân hàng Thương mại, Nhà xuất bản Tài chính Hà Nội.
[3]. Frederic S. Mishkin (2001), Tiền tệ ngân hàng và Thị trường tài chính, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.