Nuôi tôm ở tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian qua được khẳng định là nghề sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế ở các vùng nông thôn và ven biển, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo... Tuy nhiên việc phát triển nuôi tôm thời gian qua chủ yếu quan tâm đến mục tiêu kinh tế, tập trung lợi ích trước mắt, ít quan tâm định hướng phát triển lâu dài và bền vững.
Theo số liệu đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh, tổng diện tích nuôi mặn, lợ thì diện tích nuôi tôm ngày càng tăng năm 2014 là 2064 ha, đến năm 2016 tăng thêm 136 ha. Trong cơ cấu nuôi tôm, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng chiếm tỷ trọng cao hơn, năm 2014 chiếm 70,25% nhưng đến 2016 chiếm tới 80,32%.
Những năm trước phương thức nuôi, chủ yếu là quảng canh (QC), quảng canh cải tiến (QCCT) và bán thâm canh (BTC) nên năng suất và hiệu quả còn thấp. Nhưng mấy năm gần đây, việc áp dụng phương thức nuôi công nghiệp (CN), công nghệ cao (CNC) mà đặc biệt là năm 2015 diện tích nuôi tôm nuôi thâm canh công nghiệp (gồm nuôi công nghệ cao trên cát và nuôi ao đất thâm canh) tăng lên đáng kể, năm 2014 chỉ có 442 ha đến năm 2015 là 820 ha góp phần tăng sản lượng nuôi đem lại hiệu quả cao trong NTTS.
Hiện nay, việc nuôi tôm sú chủ yếu theo hướng quảng canh sinh thái, đây là hướng nuôi trồng bền vững, phù hợp khả năng đầu tư của người nông dân; người nuôi có lãi khoảng 40 - 50 triệu đồng/ha. Diện tích nuôi tôm sú ngày càng giảm do người nuôi chuyển dần sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Năm 2016, diện tích nuôi tôm thẻ thâm canh công nghiệp 725 ha (DT nuôi tôm trên cát 386 ha, Nuôi ao đất thâm canh: 339 ha), nuôi BTC, nuôi QCCT 1.042 ha; Nuôi tôm trên cát ngày càng khẳng định thế mạnh với nhiều mô hình nuôi nổi bật, là đầu kéo phát triển nghề nuôi tôm trên toàn tỉnh, nhiều hộ có lãi từ 500 - 700 triệu đồng/ha, cá biệt có những cơ sở nuôi có lãi từ 1 - 2 tỷ đồng/ha/năm. Nuôi tôm ao đất thâm canh tiếp tục phát huy hiệu quả với nhiều vùng nuôi, nhiều hộ nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao; mỗi mô hình nuôi tôm thâm canh ao đất có lãi từ 100 - 200 triệu đồng/ha, cá biệt có những cơ sở nuôi có lãi từ 400 - 500 triệu/ha.Tuy nhiên, năm 2016 do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển nên dịch bệnh phát sinh tăng cao, tôm chậm lớn, tỷ lệ sống thấp, tôm chết sớm không rõ nguyên nhân làm giảm năng suất, sản lượng tôm nuôi.
Là lĩnh vực sản xuất hàng hoá có giá trị kinh tế cao nên nuôi tôm thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia, tạo thành nghề mới ở nông thôn. Góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động nông nhàn trong nông thôn với nguồn thu nhập khá cao và ổn định góp phần xoá đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, những lợi ích mà nghề nuôi tôm đem lại thì nghề nuôi tôm hiện còn nhiều tồn tại, hạn chế như việc nuôi trồng vẫn còn tiến hành theo kinh nghiệm, thiếu sự am hiểu cặn kẽ kỹ thuật nuôi nên năng suất nuôi còn thấp; trình độ nghề nuôi trồng còn ở mức thấp, chủ yếu là các hình thức nuôi BTC và QCCT; chưa chú ý bảo vệ môi trường, một số vùng nuôi đã gây ô nhiễm môi trường nước mặt, làm chế độ thủy văn thay đổi, hạ thấp mức nước ngầm. Môi trường nuôi còn tiềm ẩn nhiều các yếu tố gây bệnh. Việc sử dụng thuốc thú ý thủy sản trong nuôi trồng còn phổ biến, điều này làm cho dư lượng kháng sinh trong các sản phẩm tôm nuôi cao; chưa có nhiều mô hình nuôi hiệu quả và bền vững, đặc biệt chưa có mô hình nào được công nhận là mô hình thực hành nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, đồng thời để nuôi tôm ở tỉnh Hà Tĩnh phát triển bền vững cần thực hiện các giải pháp sau:
- Quá trình nuôi phải theo chủ trương và định hướng của tỉnh (quá trình nuôi bảo đảm đúng kỹ thuật, chỉ nên nuôi tôm một vụ trong năm để ao có thời gian nghỉ, tạo môi trường ổn định cho vụ nuôi sau đạt hiệu quả). Đặc biệt, tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi chủ đạo, phương thức nuôi tăng thâm canh và bán thâm canh, giảm dần diện tích nuôi quảng canh cải tiến theo hướng bền vững và áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến.
- Đẩy mạnh áp dụng quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, phát triển mô hình nuôi thân thiện với môi trường (nuôi sạch, nuôi sinh thái). Một số mô hình nuôi mà các hộ nên học hỏi đó là: mô hình nuôi tôm sú sạch bệnh, nuôi tôm thâm canh đạt năng suất cao của một số hộ ở Thạch Bàn, Thạch Khê, Thạch Bằng, Kỳ Thư; mô hình nuôi sinh thái hiệu quả và bền vững ở vùng ĐBSCL hiện nay mà các hộ nuôi có thể áp dụng như nuôi tôm sinh thái trong ruộng lúa, nuôi tôm sinh thái trong đầm nuôi quảng canh gồm đất rừng và đất chuyển đổi từ nông nghiệp.
- Bảo vệ môi trường trong phát triển nuôi tôm: Phải lựa chọn vùng nuôi trồng thủy sản hợp lý thuận lợi cho cấp nước mặn, nước ngọt, xử lý chất thải và thoát nước giữa các vùng nuôi hạn chế lan truyền dịch bệnh giữa các đầm nuôi. Khi bố trí diện tích khu nuôi, cần có hệ thống ao lắng tương xứng để bảo đảm cấp, thay nước khi cần thiết, cần có khu vực chứa bùn thải trong quá trình cải tạo ao để tránh ô nhiễm môi trường ao nuôi. Giảm tối đa sử dụng thức ăn nhân tạo, nên sử dụng loại thức ăn có hệ số chuyển đổi thấp, các thức ăn được mua và chế biến ở các cơ sở tin cậy, có giấy phép hoạt động, sử dụng phân hữu cơ, vi sinh, nghiêm cấm sử dụng các loại thuốc ngoài danh mục Nhà nước cho phép. Giảm thiểu sử dụng hóa chất, chỉ sử dụng hóa chất cho phép khi thực sự cần thiết, nghiêm cấm sử dụng hóa chất cấm trong nuôi tôm. Trong quá trình nuôi sử dụng công nghệ nuôi ít thay nước. Sử dụng riêng biệt hệ thống cấp thoát nước để tránh tự làm ô nhiễm nguồn nước và lây lan dịch bệnh. Không được xả nước nuôi trực tiếp ra bãi cát hay xuống biển mà nước thải phải được tập trung vào hồ chứa và xử lý trước khi xả ra môi trường. Ngoài ra có các chất cặn lắng (thức ăn thừa, chất bài tiết và xác chết sinh vật nuôi, sinh vật phù du, các loài tảo đáy) cũng phải được quản lý và xử lý tốt.
Phát triển bền vững là xu thế tất yếu, là vấn đề sống còn trong tiến trình phát triển của xã hội loài người, vì vậy đã được đã được toàn thể thế giới quan tâm. Và trở thành một mục tiêu quan trọng gắn liền với việc phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh của từng địa phương. Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, thời gian qua lĩnh vực nuôi tôm đã và đang đóng góp đáng kể cho nền kinh tế, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động. Tuy nhiên, việc phát triển nuôi tôm vẫn còn một số vấn đề hạn chế làm hiệu quả nghề nuôi tôm giảm sút, môi trường ô nhiễm, dịch bệnh tràn lan, sản phẩm nuôi bị mất an toàn vệ sinh thực phẩm... Do đó, để phát triển bền vững nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh góp phần bảo vệ môi trường cần thực hiện đồng bộ những giải pháp trên.
Tài liệu tham khảo
1. Dự án VIE/0/021 (2004), Phát triển bền vững kỷ yếu hội nghị toàn quốc lần thứ nhất.
2. Phan Văn Khải (năm 2002), Phát triển đất nước nhanh và bền vững, Nxb Chính trị Quốc gia - Hà Nội.
3. Cục thống kế Hà Tĩnh: Niên giám thống kê tỉnh Hà Tĩnh năm 2014, năm 2015, Nxb Thống kê.
4. Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh, gồm các báo cáo: Báo cáo sơ kết chương trình phát triển NTTS năm 2010 – 2015; Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện kế hoạch năm 2014, 2015, 2016.
5. Viện Quốc tế về phát triển bền vững (IISD) và Trung tâm quốc tế về thương mại và phát triển bền vững (ICTSD) thực hiện năm 2003, Dự án nghiên cứu “Mở rộng nuôi tôm trên cát tại Việt Nam – cơ hội và thách thức”.