Tóm tắt: Các chuẩn mực kế toán về tài sản cố định của Việt Nam và quốc tế còn có khá nhiều điểm khác biệt lớn. Điển hình việc tính toán giá trị hiện tại của TSCĐ không được thể hiện trên BCTC tại thời điểm lập báo cáo. Điều này khiến cho việc sử dụng các thông tin trên BCTC của Việt Nam trở nên thiếu minh bạch hơn, tính hữu ích của thông tin mang lại là chưa cao. Với xu hướng hội nhập kinh tế như hiện nay, Việt Nam cần có phương hướng để cập nhật linh hoạt hơn các VAS so với IAS về TSCĐ.
Từ khóa: IAS, VAS, TSCĐ, chuẩn mực kế toán, giá trị hợp lý
Việt Nam lựa chọn mô hình xây dựng hệ thống chuẩn mực kế toán quốc gia đó là lựa chọn vận dụng có chọn lọc những chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS/IFRS) phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, yêu cầu và trình độ quản lý nền kinh tế Việt Nam đồng thời sửa đổi, bổ sung hoặc thêm bớt từng nội dung quy định trong từng chuẩn mực lựa chọn áp dụng.
Từ năm 2000 đến 2005, Bộ Tài Chính đã soạn thảo và ban hành 26 chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và các thông tư hướng dẫn kèm theo. Trong đó, có bốn chuẩn mực kế toán liên quan đến tài sản cố định (TSCĐ) bao gồm Chuẩn mực số 03 – Tài sản cố định hữu hình (VAS 03), Chuẩn mực số 04 – Tài sản cố định vô hình (VAS 04), Chuẩn mực số 05 – Bất động sản đầu tư (VAS 05) và Chuẩn mực số 06 – Thuê tài sản (VAS 06). Bốn chuẩn mực này được xây dựng dựa trên bốn chuẩn mực kế toán quốc tế lần lượt là IAS 16 – Property, plant and Equipment, IAS 38 – Intangible assets, IAS 40 – Investment property và IAS 17 - Leases. Rõ ràng, bốn VAS nói trên đã phần nào phù hợp với đặc điểm quản lý kinh tế Việt Nam và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, song so sánh với bốn IAS thì vẫn tồn tại những điểm khác biệt khá lớn. Việc kế toán và quản lý TSCĐ là hết sức quan trọng đối với doanh nghiệp, do đó trong thời gian tới Việt Nam cần có phương hướng giảm bớt sự khác biệt này nhằm xích lại gần hơn, hòa hợp hơn giữa các chuẩn mực kế toán nói trên để phù hợp với quá trình mở cửa nền kinh tế.
Trong phạm vi bài viết sẽ bàn về những khác biệt của các IAS và VAS về TSCĐ, nêu lên một số lí giải và định hướng nhằm giảm bớt những khác biệt đó để phù hợp hơn với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
1. Những khác biệt chủ yếu của chuẩn mực kế toán quốc tế và chuẩn mực kế toán Việt Nam về tài sản cố định
Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) về tài sản cố định cơ bản vẫn tôn trọng và tuân thủ các IAS, song do một số nguyên nhân nên vẫn tồn tại những khác biệt nhất định, cụ thể:
Về đánh giá tổn thất tài sản, VAS không đề cập đến đánh giá tổn thất tài sản, trong khi IAS cho rằng khi giá trị thuần có thể thu hồi được của tài sản thấp hơn giá trị ghi sổ thì giá trị ghi sổ nên ghi giảm theo giá trị thuần có thể thực hiện được.
Về khái niệm giá trị hợp lý, ở đoạn 5 của VAS 03 và đoạn 6 của VAS 04 có đề cập đến “Giá trị hợp lý: là giá trị tài sản có thể được trao đổi giữa các bên có đầy đủ hiểu biết trong sự trao đổi ngang giá”. Những đối với bất động sản đầu tư, VAS 05 không đề cập đến khái niệm giá trị hợp lý. Trong khi đó ở đoạn 2 của IAS 40 nêu rõ: “Giá trị hợp lý: là giá của một tài sản có thể được trao đổi giữa các bên có đầy đủ hiểu biết và thiện chí trong một giao dịch khách quan và độc lập giữa các bên”.
Về vấn đề đánh giá lại TSCĐ, VAS chưa có quy định cho phép đánh giá lại tài sản cố định theo giá trị hợp lý tại thời điểm báo cáo như IAS. Cụ thể, trong việc xác định giá trị sau ghi nhận ban đầu, Trong khi đó VAS 03, 04 chỉ cho phép sử dụng phương pháp giá gốc thì IAS 16, 38 cho phép sử dụng Phương pháp chuẩn (Phương pháp giá gốc) hoặc Phương pháp thay thế (Phương pháp đánh giá lại) để xác định giá trị tài sản.Tài sản được ghi nhận theo giá trị đã đánh giá lại, giá trị này được xác định bằng giá trị hợp lý tại thời điểm đánh giá lại trừ số khấu hao lũy kế và các khoản lỗ do giá trị tài sản bị tổn thất. Còn VAS 03 chỉ cho phép đánh giá lại tài sản cố định là bất động sản, nhà xưởng và thiết bị trong trường hợp có quyết định của Nhà nước, đưa tài sản đi góp vốn liên doanh, liên kết, chia tách, sáp nhập doanh nghiệp và không được ghi nhận phần tổn thất tài sản hàng năm. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc kế toán các tài sản, làm giảm tính trung thực, hợp lý của BCTC và chưa phù hợp với IAS/IFRS.
Việc ghi nhận chi phí liên quan đến TSCĐ vô hình ở giai đoạn nghiên cứu (Chi phí nghiên cứu, chi phí quảng cáo chuẩn bị trước khi doanh nghiệp hoạt động) cũng có điểm khác biệt giữa VAS 04 và IAS 38. Trong khi IAS yêu cầu các khoản chi phí này phải được ghi nhận ngay vào chi phí phát sinh trong kì thì VAS ghi nhận là chi phí kinh doanh trong kì và phân bổ dần trong thời gian tối đa 3 năm. Cụ thể hơn, theo VAS 04 mục 46 thì chi phi liên quan đến TSCĐ vô hình phải được ghi nhận là chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ (nếu chi phí thấp) hoặc ghi nhận vào chi phí trả trước (nếu chi phí lớn).
Về tiêu chuẩn giá trị tài sản, IAS 16, 38 không quy định định mức giá trị tối thiểu để ghi nhận TSCĐ còn VAS 03, 04 quy định thêm về thời gian trên 1 năm, giá trị theo quy định hiện hành.
Về thời gian sử dụng của TSCĐ vô hình, VAS 04 mục 54 quy định thời gian sử dụng của TSCĐ vô hình là xác định và không quá 20 năm, trong khi IAS 38 phát biểu là cần được xem xét cả không xác định và xác định.
Như vậy đối với TSCĐ, VAS dù được xây dựng dựa trên nền tảng của IAS/IFRS song vẫn tồn tại những điểm khác biệt nhất định và đâu là những nguyên nhân nào tạo ra những điểm khác biệt trên.
2. Lí giải những khác biệt chủ yếu của chuẩn mực kế toán quốc tế và Việt Nam về tài sản cố định
IAS/IFRS được soạn thảo, ban hành sau đó được cập nhật sửa đổi, trong khi VAS chưa có sự cập nhật linh hoạt này. Đơn cử như đối với IAS 1, Tháng 01 năm 1975, Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) công bố rộng rãi IAS 1 “Công bố các nguyên tắc kế toán”. Tháng 7/1996, đưa ra bản dự thảo trưng cầu ý kiến E53 “Trình bày các Báo cáo tài chính”. Bản dự thảo nhất trí rằng nên trình bày và hiển thị không chỉ báo cáo thu nhập, mà còn các báo cáo khác như bảng cân đối, báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu và báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Tháng 8/1997 IAS 1 “ Trình bày các Báo cáo tài chính” ra đời thay thế cho IAS 1(1975), IAS 5 “Thông tin đính kèm theo báo cáo tài chính” và IAS 13 “Trình bày về tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn. Đến ngày 1/7/1998, IAS 1(1997) có hiệu lực thi hành. Sau đó, IAS 1 còn được sửa đổi vào 12/2003, 8/2005, 6/2007 để xem xét lại các vấn đề về tính minh bạch của thông tin kế toán, và bổ sung tính so sánh của thông tin kế toán trên các BCTC. Gần đây nhất lần sửa đổi năm 2007 tập trung giải quyết sự công bố về nguồn vốn của doanh nghiệp. Hiện nay, áp dụng IAS 1 có hiệu lực ngày 01/01/2009. VAS 01 – Chuẩn mực chung được ban hành theo Quyết định số 165/2002/QĐ-BTC ngày 31/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính đến nay chưa sửa đổi lần nào.
IAS/IFRS cho phép sử dụng các xét đoán và ước tính kế toán nhiều hơn so với VAS, dẫn đến IAS/IFRS yêu cầu khai báo thông tin liên quan đến sử dụng xét đoán và ước tính kế toán nhiều hơn.
Sự khác nhau về cơ sở đo lường và sử dụng các ước tính kế toán của IAS/IFRS và VAS tạo ra phần lớn những điểm khác biệt nêu ở mục 1. Cụ thể, IAS/IFRS ngày càng hướng tới đo lường tài sản dựa trên cơ sở giá trị hợp lý nhằm đảm bảo tính liên quan của thông tin kế toán đối với các đối tượng sử dụng, trong khi đó giá gốc vẫn là cơ sở đo lường chủ yếu được qui định bởi VAS. Việc sử dụng nhiều ước tính kế toán bị VAS cho rằng tạo ra nhiều sự không chắc chắn do đó tính phù hợp của thông tin trên BCTC từ việc tuân thủ VAS mang lại là chưa cao.
Xuất phát điểm cũng như mức độ phát triển của nền kinh tế Việt Nam so với các nền kinh tế lớn như Mỹ, các nước EU có sự khác biệt rất lớn, do đó thị trường vốn của Việt Nam chưa thực sự liên thông với thị trường vốn thế giới. IAS/IFRS là xây dựng hệ thống các chuẩn mực kế toán hoàn toàn thị trường và hỗ trợ thị trường vốn, một hệ thống chuẩn mực kế toán phục vụ cho lợi ích chung, chất lượng cao, dễ hiểu và có thể áp dụng trên toàn thế giới, nhằm giúp những người tham gia vào các thị trường vốn khác nhau trên thế giới ra quyết định kinh tế. Do vậy, định hướng phát triển của VAS để phục vụ cho các nhà đầu tư trên thị trường vốn không mạnh như IAS/IFRS; nhu cầu của Việt Nam về một hệ thống kế toán phức tạp và hợp lý như IAS/IFRS để phục vụ thị trường vốn là chưa cấp bách. Ngoài ra, ở Việt Nam hiện nay, nhiều đối tượng sử dụng BCTC chưa có nhu cầu thực sự đối với thông tin tài chính chất lượng cao vì thông tin tài chính chỉ đóng vai trò thứ yếu trong việc ra quyết định của họ.
Ở Việt Nam, Nhà nước có vai trò kiểm soát kế toán về phương pháp đo lường, đánh giá, soạn thảo và trình bày báo cáo; việc soạn thảo, ban hành các chuẩn mực kế toán và các hướng dẫn thực hiện phải do các cơ quan nhà nước thực hiện và được đặt trong các bộ luật hoặc các văn bản pháp lý dưới luật. Trong khi đó, tại các quốc gia phát triển IAS/IFRS, các cơ sở, nguyên tắc kế toán không quy chiếu vào chế độ kế toán quốc gia; việc kiểm soát của Nhà nước được thực hiện thông qua việc giải thích mục tiêu, nguyên tắc kế toán, phương pháp đo lường, đánh giá, soạn thảo và trình bày BCTC; chuẩn mực, nguyên tắc kế toán thường được thiết lập bởi các tổ chức tư nhân chuyên nghiệp, điều đó cho phép chúng trở nên dễ thích ứng với thực tiễn và sáng tạo hơn, và phần lớn các nguyên tắc này không được quy định trực tiếp trong các văn bản luật.
Những nguyên nhân trên lí giải phần nào sự khác biệt giữa các IAS và VAS về TSCĐ, cũng là căn cứ để tìm phương hướng nhằm dần rút ngắn khoảng cách giữa các chuẩn mực kế toán này.
3. Phương hướng phát triển chuẩn mực kế toán Việt Nam phù hợp hơn với chuẩn mực kế toán quốc tế về tài sản cố định
Với xu hướng mở cửa nền kinh tế, hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới thì hệ thống kế toán Việt Nam cần được điều chỉnh bởi một hệ thống chuẩn mực kế toán mang tính linh hoạt, cập nhật cao hơn với các chuẩn mực kế toán quốc tế. Từ những nguyên nhân trên, những phương hướng để phát triển VAS phù hợp hơn với IAS về TSCĐ có thể đề cập đến bao gồm:
VAS cần được cập nhật một cách thường xuyên hơn với IAS, sửa đổi một cách linh hoạt hơn để thích ứng với mức độ phát triển nhanh của yêu cầu quản lý nền kinh tế Việt Nam từng bước hội nhập kinh tế quốc tế. Với 26 chuẩn mực kế toán Việt Nam đã được ban hành thì cần liên tục hoàn thiện, cập nhật các thay đổi nhằm phù hợp hơn với IAS, cũng là phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới về hội tụ chuẩn mực kế toán quốc tế.
Việc sử dụng nhiều hơn các ước tính kế toán sẽ khiến VAS tiến gần hơn với IAS. Giá trị hợp lý được sử dụng thì giá trị của tài sản trên BCTC sẽ được phản ánh một cách liên quan hơn đến tình hình tài chính của đơn vị, thông tin BCTC mang lại sẽ hữu ích hơn đối với người dùng.
IAS có chuẩn mực kế toán về Tổn thất tài sản (IAS 36 – Impairement of assets) trong khi VAS hoàn toàn không đề cập đến vấn đề này. Do đó,Việt Nam cần nghiên cứu, soạn thảo và ban hành chuẩn mực này theo đặc điểm của nền kinh tế nước ta, có như vậy việc xác định nguyên giá của TSCĐ mới có sự thống nhất với IAS.
Việc tăng cường tính minh bạch của thông tin kế toán cũng sẽ làm thay đổi môi trường kế toán và văn hóa kinh doanh của Việt Nam, từ đó việc sử dụng các ước tính kế toán sẽ dễ được áp dụng hơn trong các VAS. Đồng thời khi tính minh bạch cao thì tính hữu ích của thông tin do BCTC cung cấp cho người dùng cũng sẽ tăng lên. Chẳng hạn như thị trường giao dịch tài sản cần phải minh bạch và hoạt động để có thể sử dụng giá trị hợp lý làm cơ sở đo lường giá trị tài sản…
Việt Nam cần đầu tư hơn nữa cho đội ngũ phân tích, soạn thảo chuẩn mực, cần có kinh phí cho việc đào tạo đội ngũ nhân viên kế toán bởi lẽ việc áp dụng IAS/IFRS là điều không hề đơn giản.
Kết luận
Có thể thấy rằng, VAS và IAS/IFRS vẫn còn tồn tại một khoảng cách đáng kể ảnh hưởng đến quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Việc áp dụng các IAS thực sự là một thách thức về mức độ phát triển của thị trường, trình độ, năng lực của kiểm toán viên, kế toán viên và cả các nhà đầu tư trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, việc kế toán theo VAS xích lại gần hơn với IAS về TSCĐ thì sẽ cần một khoảng thời gian dài nữa mới có thể thực hiện được và đòi hỏi nỗ lực từ các doanh nghiệp và đặc biệt là những người làm công tác tài chính kế toán.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tài chính, 26 Chuẩn mực kế toán Việt Nam, NXB Lao động 2013.
2. Ngân hàng thế giới – The World Bank, 2008, Ebook-Các chuẩn mực kế toán quốc tế.
3. GS.TS.NGND Ngô Thế Chi, TS Trương Thị Thủy, Giáo trình Chuẩn mực kế toán quốc tế, NXB Tài chính 2010.