^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

DU LỊCH NÔNG NGHIỆP - HÌNH THỨC DU LỊCH BỀN VỮNG TẠI HÀ TĨNH: TIỀM NĂNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG GIẢI PHÁP

Tóm tắt           

            Tại Hà Tĩnh, du lịch nông nghiệp đã được biết đến và triển khai từ năm 2008. Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp ở Hà Tĩnh còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Việc kết hợp khai thác tài nguyên tự nhiên và xây dựng nét đẹp văn hóa làng xã phục vụ du lịch chưa được quan tâm đúng mức nên chưa tạo dựng được hình ảnh đặc trưng riêng của từng địa phương cũng như sự liên kết giữa các địa phương để hình thành nên hệ thống du lịch nông nghiệp toàn tỉnh.

            Trong bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu đánh giá tiềm năng của địa phương nhằm đưa ra phương hướng phát triển mô hình du lịch nông nghiệp vì sự phát triển bền vững tại Tỉnh Hà Tĩnh thông qua việc: (i). Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Hà Tĩnh. (ii). Đánh giá khả năng phục vụ du lịch của ngành nông nghiệp Hà Tĩnh. (iii). Một số đề xuất để xây dựng và phát triển thành công mô hình du lịch nông nghiệp tại Hà Tĩnh.

 

Từ khóa: Du lịch nông nghiệp, phát triển bền vững, mô hình du lịch nông nghiệp, tiềm năng phát triển. 


1. Đặt vấn đề

Du lịch nông nghiệp là một thuật ngữ chỉ hoạt động tham quan trang trại hoặc các quá trình sản xuất nông nghiệp, kinh doanh nông nghiệp với mục đích nhận thức, sở thích, giáo dục hoặc nghỉ dưỡng, bao hàm trong đó cả tài nguyên nông nghiệp, tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn . 

Du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch tạo ra sản phẩm phục vụ du khách chủ yếu dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, tài nguyên của du lịch nông nghiệp là tất cả những thứ liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp như: tài nguyên tự nhiên (đất, nước, thời tiết, khí hậu...), tài nguyên nhân văn (con người, văn hóa, phong tục tập quán, phương thức sản xuất, kỹ thuật canh tác, kinh nghiệm, sản phẩm...). Không gian tổ chức các hoạt động du lịch nông nghiệp cho du khách là trang trại, đồng ruộng, vườn cây, rừng trồng, ao nuôi, cơ sở thuần dưỡng động vật, vườn ươm thực vật... của hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp... Các chủ thể tham gia tổ chức du lịch nông nghiệp là tất cả những người có thu nhập chủ yếu từ hoạt động sản xuất nông nghiệp và gọi chung là nông dân (chủ hộ, nhà vườn, chủ rừng, chủ trang trại, chủ cơ sở, hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác xã, chủ doanh nghiệp nông nghiệp...) và các doanh nghiệp du lịch hoặc các tổ chức liên quan đến du lịch cùng liên kết với nông dân trong việc thiết kế, xây dựng, bán và thực hiện các chương trình du lịch nông nghiệp. Khách du lịch có thể tham gia cùng người nông dân trong quá trình gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch cây trồng, vật nuôi trên đồng ruộng, trong trang trại để tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống nhà nông, học hỏi, thư giãn, giải trí, rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên. Người nông dân thông qua du lịch để quảng bá sản phẩm nông nghiệp của mình và cải thiện thu nhập từ nông nghiệp nhờ du lịch.

Chính vì vậy, du lịch nông nghiệp có vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững kinh tế xã hội địa phương vì: Du lịch nông nghiệp tạo cơ hội nâng cao thu nhập cho nông dân và người dân địa phương; Góp phần khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên; Giúp người dân địa phương gia tăng giá trị sản xuất sản phẩm nông nghiệp; Tạo cơ hội trong việc mở những mô hình kinh doanh mới từ những tài nguyên cũ đã có sẵn của địa phương; Hình thành mô hình kinh doanh hộ gia đình, giúp giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, đưa con em thoát ly quay trở về làm việc tại địa phương; Tạo công ăn việc làm và thu nhập thêm cho người hưu trí; Là điểm đến phục vụ cho việc học tập cách thức cũng như kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, tìm hiểu văn hóa cộng đồng cho các đối tượng khách khác nhau; Là một trong những phương pháp gián tiếp tác động đến việc bảo vệ môi trường tự nhiên, chuẩn hóa và nâng cao chất lượng quỹ đất...1 Đặc biệt, du lịch nông nghiệp giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao nhận thức, dân trí cho người dân, đặc biệt là nông dân vùng sâu, vùng xa; bên cạnh đó, du lịch nông nghiệp còn góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy và phục dựng những giá trị vật chất cũng như tinh thần của người dân địa phương như các truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, lễ hội, các loại hình nghệ thuật, làng nghề thủ công truyền thống thông qua hoạt động tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm của du khách.

Du lịch nông nghiệp ở nước ta bắt đầu được hình thành từ năm 2006 do, Tổ chức Hợp tác Phát triển giữa những người sống ở nông thôn Hà Lan (Agriterra) đã thông qua Hội Nông dân Việt Nam tài trợ hơn 300.000 euro để phát triển Dự án Du lịch nông nghiệp tại 3 tỉnh Lào Cai, An Giang và Tiền Giang, với mục tiêu “phát triển cộng đồng địa phương, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nông thôn” đã đem lại hiệu quả đáng kể và được nhân rộng phát triển tại nhiều nơi như Hà Giang, Sơn La, Yên Bái và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Hà Tĩnh là một tỉnh nông nghiệp với điều kiện về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tài nguyên văn hóa và tiềm năng nông nghiệp phù hợp để phát triển du lịch nông nghiệp. Hà Tĩnh cũng đã xây dựng một số điểm du lịch nông nghiệp tại các huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê... tuy nhiên hiệu quả khai thác và khả năng thu hút khách du lịch chưa cao.

2. Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp của tỉnh Hà Tĩnh

 

Theo Larry Dwyer và Chulwon Kim, để một điểm đến du lịch có được lợi thế cạnh tranh thường dựa  trên 6 nhóm yếu tố: Nguồn lực sẵn có, nguồn lực nhân tạo, các yếu tố hỗ trợ, quản lý điểm đến, các điều kiện thực trạng, các yếu tố cầu. Mô hình này được thể hiện trong sơ đồ:

Sơ đồ 1. Mô hình tích hợp năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch

Như vậy, qua sơ đồ có thể thấy năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch phụ thuộc vào yếu tố tài nguyên du lịch và những yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh khác. Vì vậy, để xây dựng được lợi thế cạnh tranh Du lịch Nông nghiệp Hà Tĩnh cần phân tích tài nguyên du lịch và đánh giá các yếu tố tạo nên tiềm năng phát triển Du lịch Nông nghiệp của tỉnh Hà Tĩnh nhằm đưa ra được các chiến lược chính xác và cụ thể trong quy hoạch và phát triển. Trong công bố “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030” đã chỉ rõ: “ Phát triển du lịch Hà Tĩnh theo hướng bền vững gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; giữ vững quốc phòng, an ninh, an toàn xã hội, giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường”. Và “Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển du lịch, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về du lịch của các địa phương, các thành phần kinh tế trên địa bàn Hà Tĩnh.” Trên cơ sở đó, việc quy hoạch và phát triển Du lịch Nông nghiệp được xem là một trong những hướng lựa chọn đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch bền vững gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về du lịch của địa phương, các thành phần kinh tế trên địa bàn Hà Tĩnh. Xây dựng Hà Tĩnh trở thành điểm đến Du lịch Nông nghiệp của miền trung nói riêng và cả nước nói chung.

Hà Tĩnh là một tỉnh thuộc vùng duyên hải Bắc Trung Bộ, có điều kiện tự nhiên, tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú và đặc sắc. Đồng thời, Hà Tĩnh có vị trí đặc biệt quan trọng, là cầu nối của hai miền Nam - Bắc và là điểm đầu mối giao thông quan trọng trên trục hành lang Đông – Tây kết nối với nước bạn Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan. Đây là vị trí rất thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế, thương mại và dịch vụ du lịch. Với vị trí địa lý thuận lợi như trên, Hà Tĩnh được xác định là một điểm dừng quan trọng, có tính chất trung chuyển trên tuyến du lịch xuyên Việt cũng như đến với một số quốc gia trong khu vực.

Hà Tĩnh có hệ thống sông, suối, hồ có giá trị thủy lợi và giao thông thủy trong địa bàn tỉnh. Một số sông suối kết hợp với địa hình đồi núi tạo nên những khu cảnh quan đẹp, có giá trị cao trong việc xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái. Tính từ phía Bắc đến phía Nam tỉnh Hà Tĩnh có 12 sông chính, trong đó có nhiều sông có thể phát triển du lịch như sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố, sông La, sông Nghèn, sông Rào Cái, sông Trí... tạo nên những vùng nông nghiệp trù phú, mang đậm bản sắc làng quê với truyền thống văn hóa lâu đời, những làng nghề truyền thống, có khả năng đáp ứng những yêu cầu trong phát triển Du lịch Nông nghiệp. Ngoài những sông kể trên, Hà Tĩnh còn có một hệ thống các hồ tự nhiên và nhân tạo có giá trị lớn đối với đời sống sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh. Trong đó có một số hồ rất có giá trị đối với hoạt động du lịch như hồ Kẻ Gỗ, hồ Thượng Tuy, hồ Mộc Hương, hồ Sông Rác, hồ Rào Trổ, hồ Cù Lây, Cửa Thờ-Trại Tiểu...

Hà Tĩnh có diện tích rừng khoảng 302.763 ha, có nhiều loại thực, động vật quý hiếm. Đặc biệt, Hà Tĩnh có khu rừng nguyên sinh Vũ Quang, khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ với nhiều loài động, thực vật quý hiếm có giá trị du lịch và phục vụ nghiên cứu khoa học. Hà Tĩnh còn có những cảnh quan tuyệt đẹp như Núi Hồng, Đèo Ngang, Khu sinh thái Rào Rồng... Núi Hồng không chỉ đẹp ở sự kỳ vĩ đã từng được mệnh danh là Hoan châu đệ nhất danh lam mà còn được biết đến bởi hệ thống chùa chiền như Chùa Thiên Tượng, Chùa Chân Tiên, Chùa Hương Tích và truyền thuyết về nàng công chúa Diệu Thiện... Đèo Ngang hấp dẫn vì có các công trình nhân tạo đồ sộ như Hoành Sơn Quan, một di tích được xây dựng ở đỉnh đèo từ năm 1883, dưới thời vua Minh Mạng hay luỹ Lâm Ấp dài hơn 30km từ mũi Độc Ngưu đến Xuân Sơn - Vọng Liệu được xây dựng từ thời vua Lâm Ấp để chống quân Tần. 

Hà Tĩnh có bờ biển dài 137 km, với 4 cửa sông lớn là cửa Hội, cửa Sót, cửa Nhượng và cửa Khẩu, tạo ra vùng nước lợ và bãi ngập mặn khoảng 6.000 ha, có cấu trúc đất đai, độ mặn thích hợp để nuôi trồng các loại thủy hải sản khác nhau... Đồng thời, các cửa lạch cũng là những địa điểm thích hợp để xây dựng các bến, cảng cá. Dọc theo vùng biển Hà Tĩnh có một số đảo nhỏ có cảnh quan đẹp, rất thuận lợi cho tàu thuyền đánh cá cư trú, du khách tham quan và thưởng ngoạn. Nơi đây còn có những làng chài và làng nghề truyền thống lâu đời đã nổi tiếng khắp cả nước như làng chài Cẩm Nhượng, nước mắm Nhượng Bạn, Xuân Phú,... Bên cạnh đó, với vị trí và địa hình thuần lợi trong việc xây dựng cảng  cảng biển, mở rộng giao lưu quốc tế như cảng Xuân Hải, cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương tạo ra tiềm năng lớn trong việc phát triển toàn diện kinh tế và du lịch biển. Ngoài ra, Hà Tĩnh có nhiều bãi biển đẹp đã được quy hoạch và đầu tư như Thiên Cầm, Xuân Thành, Đèo Con, Xuân Hải, Thạch Hải, Cửa Sót...

Hệ thống di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn Hà Tĩnh có giá trị to lớn và là nguồn tài nguyên vô giá cho phát triển du lịch với khoảng trên 400 di tích, danh thắng với đủ các loại hình: di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ và di tích danh thắng, trong đó có 40 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Ngoài ra, Hà Tĩnh còn có nhiều di vật, cổ vật có giá trị và danh lam thắng cảnh độc đáo.

Bảng 1. Các di tích lịch sử - văn hóa Hà Tĩnh được xếp hạng cấp quốc gia 

Số thứ tự

Di tích

Số lượng

1

Di tích khảo cổ

01

2

Di tích văn hóa- lịch sử

35

3

Di tích kiến trúc

01

4

Di tích thắng cảnh

03

Tổng cộng

40

 

Hà Tĩnh có hơn 45 làng nghề trong đó có một số làng nghề nổi tiếng như Mộc Thái Yên, Rèn Trung Lương, Nón Phù Việt, Gốm Cẩm Trang...; 108 lễ hội dân gian với các loại hình: lễ hội nông nghiệp, lễ hội tôn giáo và lễ hội văn hóa khác. Nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc như ví dặm, đồng dao, ca trù, ví phường vải, hò chèo cạn...

            Bên cạnh đó, Hà Tĩnh còn là địa phương có nhiều lễ hội truyền thống, lễ hội dân gian đặc sắc được liệt kê ở bảng 2.

Bảng 2. Một số lễ hội chính trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

 

Stt

Tên lễ hội

Thời gian, địa điểm

1

Hội đền Chiêu Trưng

3/5 âm lịch. Xã Thạch Kim, Thạch Hà

2

Hội Mỹ Dương

17/12 âm lịch. Xã Xuân Mỹ, Nghi Xuân

3

Hội Nhượng bạn

30/6 âm lịch. Xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên

4

Hội Phan Xá

7 - 15/1 âm lịch. Huyện Nghi Xuân

5

Lễ hội chùa Hương Tích

18/2 âm lịch. xã Thiên Lộc, Can Lộc.

6

Lễ Tống Trùng

Tháng 2 âm lịch. Xã Tiên Điền, Nghi Xuân

7

Lễ Xuân Điển

4 - 8/1 âm lịch. Làng Phan Xá, xã ích Hậu, Can Lộc

8

Lễ hội Đô đài và trò "Đình đụn"

Ngày 12/1 âm lịch. Đền Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ - phường Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh

9

Lễ hội tế Lục vị Tổ sư truyền nghề

07 tháng Giêng hàng năm. Khu di tích Tiên Sơn - Phường Trung Lương, TXHồng Lĩnh

10

Lễ hội đền Chế Thắng phu nhân và tục dâng bánh chưng thờ ngày Tết

Ngày 12/2. Đền Hải Khẩu, Kỳ Ninh, Huyện Kỳ Anh.

11

Hội lễ đền Thái Yên

Mùa xuân, Làng Thái Yên, Đức Thọ

12

Kỷ niệm ngày hy sinh 10 nữ Anh hùng tại Ngã ba Đồng Lộc

Ngày 24/7, Ngã ba Đồng Lộc, Can Lộc

Hà Tĩnh có nhiều món ăn ngon mang đặc trưng ẩm thực vùng Trung Bộ. Cư dân của vùng đất này sáng tạo nhiều món ngon như bún Đức Thọ, Hến Sông La, Bánh bèo Hà Tĩnh, cá  tràu nướng la sim Hương Khê, Cu đơ…. Đây cũng là một yếu tố quan trọng để thu hút khách du lịch.

            3. Khả năng phục vụ du lịch của ngành nông nghiệp Hà Tĩnh.

Với diện tích đất tự nhiên 599.718 ha, trong đó đất nông nghiệp 476.158 ha, chiếm 79,4%; 137 km bờ biển và 24.781 ha diện tích đất, mặt nước; dân số đến nay là khoảng 1.3 triệu người, trong đó dân số nông thôn chiếm trên 80%.                     Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn ở một số địa phương, tăng cường tính liên kết và ứng dụng công nghệ cao, bước đầu được thực tế kiểm chứng có hiệu quả. Nông nghiệp ngày càng thể hiện vai trò “trụ đỡ” cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh. Kết quả giai đoạn 2011 – 2015 Hà Tĩnh xây dựng mới được 7.311 mô hình sản xuất áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong sản xuất nông nghiệp, tốc độ tăng mô hình sản xuất đạt trên 47,31%, bình quân tăng 644 mô hình/năm.

 

Bảng 3. Phân loại mô hình sản xuất nông nghiệp Hà Tĩnh

 

Theo quy mô sản xuất

Theo lĩnh vực sản xuất

Theo mức độ ứng dụng KHCN

Quy mô lớn

Quy mô vừa

Quy mô nhỏ

Tr. Trọt

Ch. Nuôi

Nuôi trồng TS

Khai thác TS

Lâm nghiệp

Nông lâm KH

TTCN,  TMDV

ĐN giống

KĐN giống

Số lượng

762

661

5924

1776

3878

605

101

30

464

475

650

563

Tỷ lệ

(%)

10

9

81

24.3

53.3

8,2

0,4

1,3

6,3

6,3

53,6

46,4

Ngoài ra, có một số địa phương có tỷ lệ số mô hình nông nghiệp bình quân cao đạt trên 100 hộ dân như Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn...

            Bảng 4. Tỉ lệ bình quân số mô hình sản xuất/100 hộ dân tính theo địa phương trong toàn tỉnh

TT

Địa phương (huyện, thành phố, thị xã)

Mô hình sản xuất

1

Vũ Quang

11,83

2

Hương Khê

4,55

3

Hương Sơn

3,98

4

Đức Thọ

1,1

5

Nghi Xuân

1,29

6

Lộc Hà

1,31

7

Can Lộc

1,58

8

Cẩm Xuyên

1,41

Hà Tĩnh có 7/14 hàng hóa chủ lực mà địa phương có lợi thế so sánh, những loại hàng hóa này đã tăng nhanh về quy mô, chất lượng, sức cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng cao, hướng đến một nền nông nghiệp bền vững như: lợn, tôm, bò, hươu, rau củ quả, cam, bưởi Phúc Trạch.

Chăn nuôi lợn chất lượng cao: Đã thu hút được số lượng lớn doanh nghiệp vào đầu tư; chuyển giao sản xuất giống lợn siêu nạc Thái Lan, ứng dụng quy trình nuôi công nghiệp; thực hiện tái cơ cấu đàn lợn giống theo hướng tạo dòng sản phẩm đồng nhất, có năng suất, chất lượng; phát triển nhanh gia trại, trang trại quy mô lớn liên kết với doanh nghiệp.

Chăn nuôi bò: chuyển từ nuôi kiêm dụng sang nuôi thâm canh, đẩy mạnh chương trình Zê bu hóa dàn bò, đã hình thành với 781 mô hình chăn nuôi bò thịt, trong đó 32 mô hình đồng nhất về giống, quy trình nuôi, 41 mô hình liên kết với doanh nghiệp

Chăn nuôi hươu: Hình thành 91 mô hình hộ gia đình quy mô trên 10 con/hộ,  xây dựng Trung tâm hươu giống Quốc gia tại huyện Hương Sơn; sản xuất bước đầu một số sản phẩm thực phẩm chức năng và rượu từ nhung hươu.

Nuôi tôm: phát triển nhanh về quy mô, có 218 mô hình, trong đó có 4 doanh nghiệp, 13 HTX và 19 THT.

Sản xuất rau củ quả: Với việc chuyển giao công nghệ cao từ nước ngoài về sản xuất rau củ quả trên cát hoang hóa ven biển, bãi bồi ven sông và tổ chức chuỗi liên kết sản xuất, đã hình thành 77 mô hình sản xuất với quy mô trên 90 ha trong đó có 44 tổ hợp tác, 17 hợp tác xã, 16 hộ gia đình;

Cam chất lượng cao: Tổ chức sản xuất giống cam từ mắt ghép tại các vườn đạt chuẩn, đã được đồng nhất về giống chất lượng cao, bảo tồn quỹ gen cam Bù đặc sản với 3.294 ha.

Bưởi Phúc Trạch: Xây dựng vùng chỉ dẫn địa lý, chuyển giao thành công kỹ thuật thâm canh, phương pháp thụ phấn bổ sung, bao quả trên diện rộng, đã phục hồi vườn bưởi; diện tích trồng mới tăng nhanh đạt 1.100 ha, tăng 412 ha so với năm 2010, hình thành mới 254 mô hình.

Với các tài nguyên kể trên, Hà Tĩnh có nhiều cơ hội để phát triển du lịch nông nghiệp, cụ thể:

Tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, mang đặc trưng của vùng Bắc Trung Bộ với hệ thống sông ngòi dày đặc, khí hậu nóng ẩm, đồng bằng đan xen đồi núi... nên Hà Tĩnh có thể đa dạng hóa trong phát triển nông nghiệp với nhiều loại cây trồng đặc trưng và hệ thống vườn cây ăn quả, bảo tồn rừng nguyên sinh, mở rộng diện tích rừng nhân tạo, từ đó có thể phát triển du lịch nông nghiệp kết hợp với việc tham quan, học tập, tìm hiểu về hệ sinh vật, thực vật, cách làm nông nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên của Hà Tĩnh...

Hệ thống các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, bao gồm các di tích lịch sử có giá trị, các làng nghề truyền thống, các nét đẹp văn hóa làng quê, các phong tục tập quán và hình thức giải trí, văn nghệ dân gian... kết hợp với tiềm năng về tự nhiên, tạo cơ sở cho việc xây dựng và phát triển du lịch nông nghiệp và các loại hình du lịch khác.

Hà Tĩnh có nhiều thế mạnh nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa, thủy sản, hoa quả và lâm sản. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp ngày càng đa dạng, nhiều sản phẩm nông nghiệp được ứng dụng khoa học công nghệ mới cho sản lượng và chất lượng cao. Loại hình trang trại ngày càng được mở rộng góp phần thúc đẩy hình thức du lịch nông nghiệp phát triển.

Bên cạnh đó, các điều kiện phục vụ cho việc phát triển du lịch nông nghiệp của Hà Tĩnh còn tồn tại một số hạn chế:

Nguồn nhân lực dành cho phát triển du lịch nông nghiệp nhìn chung còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Người nông dân chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, nghiệp vụ du lịch, các kĩ năng cơ bản về tổ chức kinh doanh du lịch, đặc biệt là du lịch nông nghiệp. Một số người người hoạt động trong lĩnh vực du lịch vẫn chưa nhận thức được tiềm năng, vai trò, tầm quan trọng, cũng như xu hướng và nhu cầu của du khách đối với du lịch nông nghiệp.

Việc phục dựng, bảo tồn, duy trì và phát huy các loại hình văn hóa phi vật thể truyền thống của địa phương nhằm bảo tồn những nét đẹp văn hóa và phục vụ du lịch chưa được chính quyền và nhân dân thực sự chú trọng. Mặc dù đã có một số địa phương quan tâm và xây dựng những chương trình hành động cụ thể nhưng vẫn chưa thiết thực và chưa hiệu quả.

Sản xuất nông nghiệp hiện đại đang dần thay thế sản xuất nông nghiệp truyền thống, trong khi nhóm khách quan tâm đến du lịch nông nghiệp ngoài việc muốn tìm hiểu dây chuyền, công nghệ sản xuất hiện đại còn có nhu cầu tìm hiểu và trải nghiệm làm nông nghiệp truyền thống và muốn mua những sản phẩm nông nghiệp truyền thống làm quà lưu niệm.

Các điều kiện về cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, việc quảng bá hình ảnh, tạo điểm nhấn riêng, hình thành những nét đặc trưng trong sản xuất nông nghiệp và văn hóa cộng đồng chưa đáp ứng được các yêu cầu của phát triển du lịch. Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở lưu trú, tham quan còn yếu. Các hình thức và phương tiện quảng bá cho du lịch nông nghiệp còn hạn chế.

Việc đầu tư cho phát triển du lịch nông nghiệp đang ở dạng tự phát, manh mún, nhỏ lẻ. Việc quy hoạch và định hướng tổ chức phát triển du lịch nông nghiệp từ chính quyền, người dân địa phương, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch đang có sự hạn chế, đặc biệt là việc liên kết còn rời rạc, chưa được thực hiện nhằm phát huy các thế mạnh sẵn có của du lịch nông nghiệp Hà Tĩnh.

            3. Một số đề xuất để xây dựng và phát triển thành công mô hình Du lịch Nông nghiệp tại Hà Tĩnh

            Thứ nhất: Xác định các thế mạnh trọng tâm của tỉnh về du lịch nông nghiệp, từ đó đầu tư có trọng điểm nhằm tạo hiệu quả đối với phát triển du lịch nông nghiệp. Lựa chọn quy hoạch các địa phương có thế mạnh trong việc phát triển nông nghiệp, đồng thời có khả năng phát triển những giá trị văn hóa cộng đồng, làng nghề truyền thống, các phong tục tập quán cổ xưa, các lễ hội... để ưu tiên đầu tư thành vùng du lịch nông nghiệp trọng điểm của tỉnh. Cụ thể: Quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp theo 4 vùng du lịch chính của tỉnh:

            Vùng trung tâm: Thành phố Hà Tĩnh và các huyện Lộc Hà, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên. Xây dựng tuyến du lịch tham quan trải nghiệm du lịch nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và tìm hiểu lịch sử, với một số điểm du lịch chính như Ngã ba Đồng Lộc, khu Nghỉ dưỡng Vinpearl Cửa Sót Hà Tĩnh, Dự án rau củ quả an toàn công nghệ cao Thạch Văn, Khu du lịch sinh thái Đồng Nôi, Biển Thiên Cầm, làng chài Cẩm Nhượng, trại bò giống Bình Hà...

            Vùng du lịch phía nam: gồm toàn bộ Huyện Kỳ Anh. Đây là vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, có thể kết hợp du lịch nông nghiệp, tham quan di tích lịch sử kết hợp với tìm hiểu cơ hội và thị trường đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Ở khu vùng này có thể phát triển các điểm du lịch tham quan cảng biển; tham quan và trải nghiệm mô hình nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản; tìm hiểu các khu công nghiệp; tham quan Hoành Sơn Quan và Lũy Lâm Ấp để tìm hiểu lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc...

            Vùng du lịch phía Tây: gồm hai huyện Hương Khê và Vũ Quang. Có thể xây dựng tuyến du lịch nông nghiệp và du lịch sinh thái, trải nghiệm với các trang trạng trồng cam, bưởi, chè,...vườn quốc gia Vũ Quang. Có thể theo đường Hồ Chí Minh để đi thăm Quảng Bình, theo đường 12 để sang nước bạn Lào và các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan.

            Vùng du lịch phía Bắc: gồm Thị xã Hồng Lĩnh, các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn. Đây là vùng có thế mạnh phát triển du lịch nông nghiệp hơn so với những vùng khác, vừa là cửa ngõ kết nối Hà Tĩnh với các nước như Lào, Thái Lan, vừa là vùng nông nghiệp trù phú. Thuận lợi trong việc xây dựng các điểm du lịch như thăm nhà lưu niệm Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, đền chợ Cửi, nhà lưu niệm Trần Phú, nhà thờ Phan Đình Phùng, đền thờ Nguyễn Biểu, làng mộc Thái Yên, làng đóng thuyền Trường Xuân, làng rượu Đức Thanh Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông, tham quan trang trạng nuôi hươu, vườn cam Bù...

            Thứ hai: Đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển du lịch nông nghiệp dựa trên việc mở rộng các loại hình đào tạo, mở các lớp tập huấn ngắn hạn, kết hợp với việc học hỏi và phổ biến kinh nghiệm về phát triển du lịch nông nghiệp trong nước và thế giới cho các nông hộ, chủ trang trại làm du lịch.

            Thứ ba: Nâng cao chất lượng và phát triển đa dạng hơn nữa các sản phẩm du lịch nông nghiệp. Kết hợp các loại hình du lịch gắn liền với hệ sinh thái sông, núi, rừng, đồng quê và văn hóa, tín ngưỡng. Xây dựng các sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc thù, tạo lợi thế so sánh của tỉnh Hà Tĩnh so với các tỉnh khác. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các mô hình nông nghiệp thành công như mô hình Rau củ quả ở Thạch Văn, mô hình nuôi hươu ở Hương Sơn, mô hình nông thôn mới ở Nghi Xuân, tái quy hoạch khu du lịch sinh thái Đồng Nôi thành khu du lịch sinh thái kết hợp thực nghiệm và trải nghiệm làm nông nghiệp... nhằm tạo những khu du lịch nông nghiệp trọng điểm của tỉnh.

            Thứ tư: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế và hệ thống chính sách cũng như các ưu đãi nhằm thu hút hơn nữa việc đầu tư vào phát triển du lịch nông nghiệp. Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, đẩy mạnh việc quảng bá xúc tiến du lịch nông nghiệp. Xây dựng các liên kết và bán liên kết với các cá nhân, tổ chức du lịch, với các tổ chức nông nghiệp trong địa bàn Hà Tĩnh, trong nước và ngoài nước nhằm tạo môi trường năng động, cập nhật giống, kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệp trong việc làm nông nghiệp và phát triển du lịch nông nghiệp.

            Thứ năm: Phát triển mô hình du lịch nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư và sự phát triển toàn diện kinh tế xã hội. Ưu tiên phát triển các vùng nông nghiệp gắn liền với làng nghề thủ công truyền thống và các di sản văn hóa địa phương nhằm đa dạng hóa các loại hình du lịch, xây dựng một điểm đến, đa trải nghiệm nhằm thu hút du khách cũng như nhà đầu tư.

            Thứ sáu: Xây dựng các tuyến du lịch nông nghiệp bền vững gắn liền với các điểm đến du lịch nhân văn và du lịch sinh thái. Xây dựng các khu nông nghiệp, vườn thực nghiệm cho khách du lịch có thể trải nghiệm làm nông nghiệp thực tế, phát triển các sản phẩm nông nghiệp địa phương thành các sản phẩm du lịch như quà tặng, quà lưu niệm, đặc sản địa phương... Trong đó, đặc biệt khuyến khích phát triển các khu thực nghiệm trồng cây ngắn ngày, cây ăn quả, các loại hoa... nhằm tạo cho du khách sự hứng thú, say mê và muốn quay trở lại xem các sản phẩm, thành quả mình làm ra. Đây cũng là một trong những cách tạo thu hút du khách quay trở lại với điẻm đến du lịch.

            Thứ bảy: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá hình ảnh cho du lịch nông nghiệp Hà Tĩnh nhằm xây dựng thương hiệu để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

 

Taì liệu tham khảo

            1. Cục Thống kê tỉnh Hà Tĩnh (2011- 2015), Niên giám thống kê tỉnh Hà Tĩnh 2011, 2012, 2013, 2014, 2015.

            2. Nguyễn Văn Đính (2012), “Du lịch Hà Tĩnh: Tiềm năng, phương hướng, mục tiêu và giải pháp phát triển trong thời gian tới”, Văn hóa Nghệ An.

            3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh (2012), Quy hoạch phát triển ngành du lịch Hà Tĩnh giai đoạn đến 2020, định hướng 2030.

            4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh (2016), Website du lịch Hà Tĩnh http://dulichhatinh.com.vn

            5. Văn phòng điều phối nông thôn mới Hà Tĩnh(2016). Báo cáo đánh giá kết quả 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 và nhiệm vụ giải pháp đẩy mạnh thực hiện Chương trình MTQG và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

            6. Christine Tew (2010), Importance of Agritourism for agripreneur goal accomplishment, Thesis of Faculty of the Graduate School University of Missouri, pp.5-20.

            7. Kim, C., Dwyer, L. 2003. Destination compatitiveness and bilateral tourism flows between Australia and Korea. Journal of Tourism Studies 14(2), 55-67.

            8. Wolfe, K., and Bullen. (2009). “Agritourism, your way: A how – to guide for successful agritourism enterprises.” University of Georgia's Center for Agribusiness and Economic Development and North Carolina State Cooperative Extension Service's Business of Agritourism Program Series.n.d. Accessed 9 July 2014. Available from http://www.clemson.edu

 

                        

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube