^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Thương mại điện tử và xu hướng phát triển ở Việt Nam

Tóm tắt: Thế giới đang ngày càng bùng nổ về mạng máy tính, con người có thể nhanh chóng giao tiếp và kết nối với nhau dễ dàng hơn thông qua nhiều loại dich vụ trên Internet. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho thương mại điện tử ngày càng phát triển hơn. Hiện nay, Thương mại điện tử đã trở thành một phương thức giao dịch quen thuộc của các công ty thương mại lớn trên thế giới và đang ngày càng phát triển tại Việt Nam.

Thương mại điện tử là gì?

Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), “TMĐT bao gồm việc sản xuất, quảng cáo, bán hàng và phân phối sản phẩm được mua bán và thanh toán trên mạng Internet, nhưng được giao nhận một cách hữu hình, cả các sản phẩm giao nhận cũng như những thông tin số hoá thông qua mạng Internet”

Theo Ủy ban Thương mại điện tử của Tổ chức Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) định nghĩa: "Thương mại điện tử liên quan đến các giao dịch thương mại trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa các nhóm (cá nhân) mang tính điện tử chủ yếu thông qua các hệ thống có nền tảng dựa trên Internet." Các kỹ thuật thông tin liên lạc có thể là emailEDIInternet và Extranet có thể được dùng để hỗ trợ thương mại điện tử.

Theo Ủy ban châu Âu: "Thương mại điện tử có thể định nghĩa chung là sự mua bán, trao đổi hàng hóa hay dịch vụ giữa các doanh nghiệp, gia đình, cá nhân, tổ chức tư nhân bằng các giao dịch điện tử thông qua mạng Internet hay các mạng máy tính trung gian (thông tin liên lạc trực tuyến). Thật ngữ bao gồm việc đặt hàng và dịch thông qua mạng máy tính, nhưng thanh toán và quá trình vận chuyển hàng hay dịch vụ cuối cùng có thể thực hiện trực tuyến hoặc bằng phương pháp thủ công."

Có rất nhiều các phát biểu khác nhau về thương mại điện tử nhưng nhìn chung các khái niệm đều giống nhau ở bản chất của hoạt động thương mại điện tử - Đó là việc tiến hành một phần hay toàn bộ hoạt động kinh doanh bằng các phương tiện điện tử; hoặc chính là việc mua bán sản phẩm hay dịch vụ thông qua internet và các phương tiện điện tử khác. Các giao dịch này bao gồm tất cả các hoạt động như: giao dịch, mua bán, thanh toán, đặt hàng, quảng cáo và giao hàng… 

Lợi ích của thương mại điện tử

Thương mại điện tử đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội. Cụ thể:

Đối với doanh nghiệp: Thương mại điện tử giúp doanh nghiệp tăng khả năng mở rộng thị trường, giảm chi phí tiếp thị, bán hàng và cung ứng, giúp cải thiện hệ thống phân phối của doanh nghiệp, giảm chi phí thông tin, chi phí quản lý và thời gian xử lý giấy tờ, tăng cường mối liên hệ với khách hàng dễ dàng hơn thông qua việc giao tiếp thuận tiện trên mạng Internet,…

Đối với người tiêu dùng: Thương mại điện tử giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn về sản phẩm, dịch vụ, giảm thiểu thời gian mua hàng và chi phí đi lại, tạo cơ hội mua được sản phẩm với giá bán thấp hơn, tiếp cận được nhiều thông tin hơn,…

Đối với xã hội: Thương mại điện tử kích thích phát triển công nghệ thông tin góp phần vào sự chuyển dịch và hội nhập kinh tế cảu đất nước.

Xu hướng thương mại điện tử tại Việt Nam

Hiện nay theo thông tin từ Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin thì ngành thương mại điện tử Việt Nam đang có mức tăng trưởng vào khoảng 25% và lượng doanh nghiệp đầu tư và lĩnh vực này ngày càng nhiều. Hàng loạt website thương mại điện tử được mọc ra càng nhiều. Các quỹ đầu tư và tập đoàn thương mại điện tử nước ngoài cũng tích cực mua cổ phần, bỏ tiền đầu tư cho các sàn và các trang web thương mại điện tử trong nước.

Thị trường thương mại điện tử đang ngày càng trở nên nhộn nhịp hơn khi nhiều tân binh mới như Shopee, SIdeal.vn,v.v… đã bắt đầu tham gia cuộc đua cạnh tranh với các sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Tiki, Sendo, Zalora…, Cạnh tranh ngày càng khốc liệt vì thế các trang web thương mại điện tử kinh doanh lâu năm như Hotdeal.vn, muabannhanh.com, chotot.vn… cũng tăng cường mở rộng ngành hàng, dịch vụ giao – nhận, thanh toán. Năm 2018, xu hướng thương mại điện tử tại Việt Nam được dự đoán tiếp tục tăng trưởng và phát triển theo các xu hướng sau:

Xu hướng 1: Số lượng người dùng ứng dụng di động gia tăng

Với sự phát triển của Internet, 3G và các thiết bị di động, đặc biệt là smartphone cùng hàng ngàn thẻ ngân hàng phát hành mỗi ngày. Báo cáo của eMarketer, một hãng nghiên cứu đến từ Mỹ vào năm 2015 cho thấy, Việt Nam là thị trường bùng nổ của smartphone (điện thoại thông minh) với 30% dân chúng sử dụng. Thời gian online trên thiết bị di động cũng chiếm tới 1/3 ngày của người tiêu dùng Việt Nam.

Năm 2017, Việt Nam có hơn 34 triệu người sử dụng smartphone (dữ liệu từ Facebook và Tencent). Trong đó, 29% người mua hàng thực hiện giao dịch online thông qua mobile platform (Theo Global web Index, 2017). Vì vậy, xu hướng thương mại điện tử trên nền tảng di động là điều tất yếu.

Xu hướng 2: Cuộc cạnh tranh về giá

Số lượng cửa hàng bán hàng trực tuyến ngày một gia tăng và giá sản phẩm là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Sự bùng nổ về Internet giúp người tiêu dùng nhanh chóng tiếp cận được nhiều nguồn thông tin, nhiều nhà cung cấp và có nhiều lựa chọn khi mua hàng, đồng thời nhiều trang thương mại điện tử mới cũng như nhiều nhà bán lẻ mới gia nhập vào thị trường thương mại điện tử tạo nên sự cạnh trnah ngày càng cao và giá cả trở thành một lợi thế cạnh tranh lớn để các doanh nghiệp, các nhà cung cấp thu hút khách hàng.

Xu hướng 3: Sự bùng nổ của thương mại qua mạng xã hội (social commerce)

Một xu hướng tất yếu khi nhu cầu của thương mại mạng xã hội, mua hàng trực tuyến qua các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram hay Zalo đang ngày một gia tăng. Khảo sát của Brandsvietnam cho thấy năm 2017 tại Việt Nam có  tới 66% người mua hàng trực tuyến  đã mua hàng qua Facebook, còn năm 2016 là 47%, cho thấy chỉ tính riêng mạng xã hội Facebook đã chiếm trên một nửa giao dịch mua hàng trên Internet của người tiêu dùng. Thực tế, người Việt Nam dành nhiều thời gian trên mạng xã hội và bị tác động bởi các bài đăng về sản phẩm của shop hay các quảng cáo. Xu hướng này khiến doanh thu qua Facebook, Instagram và Zalo gia tăng đáng kể trong thời gian vừa qua.

Xu hướng 4: Thanh toán khi giao hàng vẫn là phương thức thanh toán phổ biến

Thương mại điện tử cung cấp cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn thanh toán: Thanh toán thông qua ngân hàng, thanh toán trước khi nhận hàng, thanh toán khi nhận hàng, thanh toán bằng ví điện tử,…Tuy nhiên, tại Việt Nam hình thức thanh toán khi giao hàng vẫn là phương thức thanh toán chủ yếu nhất. Cụ thể, ở Việt Nam, COD (thanh toán khi giao hàng) hiện nay vẫn đang chiếm tỉ lệ cao trong các phương thức được khách hàng lựa chọn là 88% sử dụng. Lý do là bởi thói quen dùng tiền mặt và phương thức này tạo ra cảm giác an toàn hơn cho người tiêu dùng, giúp họ phòng tránh được các rủi ro mất hàng, hàng lỗi hay không nhận được hàng đúng chất lượng từ bên bán hàng.

Thực tế, phương thức vận hành quá trình mua hàng trực tuyến đã có một số tiến bộ và cải thiện đối với trải nghiệm người tiêu dùng. Tuy nhiên, những vấn đề về huỷ đơn hàng vẫn còn cao tại Việt Nam. Theo khảo sát của Brandsvietnam có tới 36% người dùng đã từng huỷ đơn hàng trực tuyến và lý do lớn nhất cho việc huỷ đơn hàng là “thay đổi quyết định” (chiếm 33%). Như vậy, các đơn hàng bị huỷ là do cảm giác của người tiêu dùng.

Mặc dù thanh toán khi nhận hàng là phương thức thanh toán chủ yếu trong giao dịch thương mại điện tử ở Việt Nam nhưng đây lại là một trong những vấn đề lớn nhất cản trở sự phát triển của thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam. Người tiêu dùng sẽ cảm thấy thoải mái và an tâm hơn khi thanh toán bằng tiền mặt nhưng sự phát triển của thương mại điện tử sẽ đạt đến một bước tiến mới khi một phương thức thanh toán mới và hiện đại hơn, đem lại sự thoải mái tiện lợi cho người dùng cũng như giảm thiểu tỉ lệ huỷ đơn đối, được triển khai thành công.

Tài liệu tham khảo:

  1. http://www.brandsvietnam.com/
  2. https://vi.wikipedia.org/
Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube