Vũ Quang là huyện miền núi của tỉnh Hà Tĩnh, được thành lập năm 2000. Qua 17 năm xây dựng và phát triển, điều kiện kinh tế - xã hội huyện Vũ Quang đã đạt được nhiều thành tựu nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, Vũ Quang vẫn đang thuộc diện huyện miền núi có điều kiện kinh tế khó khăn của cả nước. Trong bài viết này tác giả trình bày một số nội dung: Phân tích thực trạng phát triển kinh tế huyện Vũ Quang, chỉ ra những khó khăn, hạn chế tác động đến tình hình kinh tế của huyện; Trên cơ sở đó tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn huyện Vũ Quang.
Vũ Quang là huyện miền núi biên giới, nằm phía Tây Bắc của tỉnh Hà Tĩnh, được thành lập theo Nghị định 27/2000/NĐ-CP ngày 04/8/2000 của Chính phủ.
Vũ Quang là huyện miền núi, có 62.284 ha diện tích tự nhiên, khi mới thành lập huyện có 35.877 nhân khẩu (hiện nay gần 30.000 nhân khẩu) gồm 12 đơn vị hành chính trực thuộc. Địa hình của huyện bị chia cắt nhiều bởi hệ thống sông suối, núi đồi trùng điệp và thung lũng sâu tạo thành các kiểu địa hình khác nhau. Huyện có diện tích đồi núi chiếm 90% tổng diện tích tự nhiên, diện tích đất bằng và thung lũng hẹp chiếm 10%. Về kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn, chưa thực sự tương xứng với tiềm năng sẵn có của địa phương. Cụ thể: thu ngân sách năm 2016 là 35 tỷ đồng, chỉ đạt 50,7% kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế theo giá hiện hành năm 2016 đạt: 1.851,78 tỷ đồng. Vì vậy, để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn, góp phần vào sự phát triển bền vững của huyện Vũ Quang thì việc phân tích thực trạng phát triển kinh tế và đề xuất các giải pháp là điều hết sức cần thiết.
Trong giai đoạn 2010 - 2015, nền kinh tế huyện có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,82%, trong đó ngành nông nghiệp tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 11,60%/năm, ngành dịch vụ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 20%, ngành công nghiệp - TTCN tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 18%.
Giá trị sản xuất trên địa bàn huyện không ngừng tăng, năm 2013 đạt 1.020,6 tỷ đồng, bằng 121,99% so với cùng kỳ năm 2012, tốc độ tăng trưởng trung bình cả giai đoạn 13,82%; Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 19,434 triệu đồng/người/năm, tăng 30,82% (+4,579 triệu đồng) so với năm 2012 và tăng 64,33% (+7,608 triệu đồng) so với năm 2011. Năm 2015, giá trị sản xuất các ngành kinh tế đạt 1.592 tỷ đồng (đạt 11,36% so với kế hoạch đề ra), giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác đạt 59,8 triệu đồng/ha (tăng 19,76%). Năm 2016, giá trị sản xuất các ngành kinh tế theo giá hiện hành đạt: 1.851,78 tỷ đồng bằng 99,4% KH năm 2016.
Như vậy có thể thấy mặc dù huyện Vũ Quang có tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt, giá trị sản xuất của các ngành kinh tế tăng lên qua các năm, tuy nhiên đó là những con số rất hạn chế, chưa thực sự tương xứng với tiềm năng sẵn có của địa phương.
Bảng 1.1: Tình hình phát triển kinh tế huyện Vũ Quang giai đoạn 2011 - 2015
ĐVT: Tỷ đồng
|
Năm 2011 |
Năm 2013 |
Năm 2015 |
|||
Ngành/ lĩnh vực |
Giá trị |
Tỷ trọng (%) |
Giá trị |
Tỷ trọng (%) |
Giá trị |
Tỷ trọng (%) |
1. Nông, lâm nghiệp và thủy sản |
310,754 |
39.24 |
484,900 |
47.51 |
690,434 |
43.36 |
Nông nghiệp |
251,862 |
81.05 |
406,269 |
83.78 |
608,571 |
88.14 |
Lâm nghiệp |
53,041 |
17.07 |
69,012 |
14.23 |
73,193 |
10.60 |
Thủy sản |
5,851 |
1.88 |
9,621 |
1.99 |
6,670 |
0.97 |
2. Công nghiệp – Xây dựng |
236,225 |
29.83 |
255,871 |
25.07 |
359,124 |
22.55 |
3. Dịch vụ |
244,926 |
30.93 |
279,856 |
27.42 |
542,835 |
34.09 |
Tổng giá trị |
791,905 |
100 |
1020,627 |
100 |
1592,393 |
100 |
(Nguồn: Báo cáo của UBND huyện Vũ Quang năm 2011, năm 2013, năm 2015).
Nhìn vào bảng ta thấy: Giá trị sản xuất tất cả các ngành kinh tế của huyện Vũ Quang đều tăng lên qua các năm.
Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản huyện Vũ Quang tăng lên qua các năm. Năm 2013, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 484,9 tỷ đồng (theo giá hiện hành), chiếm 47,51% tổng giá trị kinh tế. Năm 2014, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản cả năm đạt 578,45 tỷ, tăng 9,13% KH và tăng 19,29% so với năm 2013. Trong đó: Nông nghiệp 498,454 tỷ đồng; lâm nghiệp 74,064 tỷ đồng, thủy sản 5,933 tỷ đồng. Năm 2015, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 690,434 tỷ đồng, tăng 9,61% KH và tăng 18% so với cùng kỳ. Năm 2016, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 729,831 tỷ đồng, bằng 86,1% KH, tăng 8,7% so cùng kỳ năm trước.
Như vậy, ta có thể thấy, từ năm 2011 đến năm 2016 giá trị sản xuất chung của ngành Nông – Lâm – Thủy sản tăng lên qua các năm, tuy tốc độ tăng trưởng chưa thực sự tương xứng với tiềm năng tuy nhiên đó vẫn là một kết quả đáng ghi nhận. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất ngày càng được nông dân hưởng ứng, năng suất, sản lượng sản phẩm và hiệu quả lao động ngày một cao. Cụ thể:
- Ngành sản xuất nông nghiệp
+ Trồng trọt
Năm 2012, nhiều chỉ tiêu trong nông nghiệp đều vượt kế hoạch và tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt 10.026 tấn, bằng 98% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2015, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch và tăng cao so với cùng kỳ năm 2014.
Năm 2016, đầu vụ thời tiết diễn biến không thuận lợi, rét đậm, rét hại kéo dài làm ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất vụ Xuân gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất cây lúa, cây ngô. Tuy nhiên, các loại cây trồng khác về cơ bản đều vượt diện tích, năng suất và sản lượng khá cao nên nhìn chung vẫn đạt kế hoạch đề ra. Năm 2017 thực sự là một năm khó khăn đối với nền nông nghiệp của huyện Vũ Quang khi cây trồng chủ lực là cây lúa, cây ngô phải chịu nhiều thách thức từ thiên tai, sâu bệnh. Vào đầu tháng 4/2017, mưa lớn trên diện rộng tại địa bàn huyện khiến cho nhiều hecta lúa, ngô bị hư hại, không thể hồi phục. Tính đến tháng 6/2017, nhiều hecta lúa trên địa bàn huyện mất trắng do sắp đến ngày thu hoạch thì bị bệnh đạo ôn tấn công hư hại.
Mặc dù, thời gian qua lĩnh vưc trồng trọt của huyện gặp nhiều khó khăn, thách thức ở các cây trồng chủ lực là lúa, ngô… nhưng xét tổng thể phát triển chung thì giá trị sản xuất kinh tế trong lĩnh vực trồng trọt vẫn tăng lên qua các năm.
+ Chăn nuôi
Ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện từ năm 2011 đến năm 2016 phát triển ổn định và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp. Tổng đàn gia súc gia cầm được duy trì, chất lượng tổng đàn từng bước được nâng lên.
Năm 2012, tổng số trâu là 4.956 con, bò là 7.343 con, lợn 15.905 con, gia cầm 163.070 con, hươu 806 con. Năm 2015, tập trung phát triển các sản phẩm chăn nuôi chủ lực: bò, lợn, gà; Đến nay, tổng số bò là 9.518 con, bằng 115,6% so với cùng kỳ ; tổng số lợn là 26.443 con, bằng 123,3% so với cùng kỳ, tổng số gia cầm 265.000 con, bằng 104,45% so với cùng kỳ. Năm 2015, toàn huyện tích cực vận động người dân tham gia vào xây dựng nông thôn mới, đặc biệt phát triển nuôi lợn có hỗ trợ kinh phí chuồng trại, vì vậy người dân tham gia nuôi lợn số lượng lớn ngày càng nhiều. Nhiều hộ gia đình trước chỉ nuôi một vài con thì thời điểm này đã nuôi đến vài chục con lợn.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2016 đầu năm 2017, giá thịt lợn hơi, thịt bò, thịt me giảm mạnh, vì vậy, các hộ chăn nuôi trong toàn huyện gặp rất nhiều khó khăn. Như vậy, có thể thấy trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi của huyện Vũ Quang tăng nhanh số lượng nhưng chất lượng lại chưa đáp ứng đảm bảo cho kinh tế nông nghiệp của huyện phát triển. Nguyên nhân thực tế, do không có quy hoạch cụ thể, không có các trang bị về nên trồng cây gì, nuôi con gì, số lượng như thế nào mà chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi theo phong trào nên đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.
- Ngành lâm nghiệp
Năm 2012, trồng mới được 25,2 vạn cây phân tán. Khai thác gỗ rừng trồng 57.750 m3/550 ha. Quy hoạch trồng cao su tiểu điền 6.065 ha (trong đó theo QĐ 723 của UBND tỉnh là 5.734 ha, quy hoạch bổ sung 2.331 ha). Trồng cao su tiểu điền đạt 100 ha (Chủ yếu ở các xã Đức Lĩnh và Hương Minh). Công tác tuần tra, tuyên truyền bảo vệ rừng được quan tâm chỉ đạo triển khai tới tận thôn xóm, nhưng do ý thức của một số người dân còn thấp nên vẫn xảy ra 6 vụ cháy rừng tại địa bàn các xã Đức Hương, Đức Liên, Đức Giang, Đức Bồng, Đức Lĩnh) Với diện tích 4 ha trong đó có 2,7 ha rừng trồng. Đến nay độ che phủ rừng toàn huyện đạt trên 70%.
Tuy nhiên, thực tế rừng ở huyện Vũ Quang rừng chủ yếu là rừng mới trồng, độ che phủ còn thấp, động vật thực vật quý hiếm trong rừng đã cạn kiệt do sự khai thác lâm sản trái phép, tận diệt thiên nhiên diễn ra từ lâu. Rừng trồng chủ yếu do người dân trồng trên đồi của gia đình như gỗ keo, gỗ thông, cao su… mới được trồng trong thời gian ngắn nên giá trị kinh tế chưa cao.
-Thuỷ sản
Diện tích sông suối mặt nước của huyện khá lớn (2.416,35 ha), nên việc tận dụng nguồn nước mặt để nuôi thả cá, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn có nhiều thuận lợi. Năm 2011, giá trị sản lượng ngành nuôi trồng thủy sản đạt 5.851 triệu đồng, chiếm 1,88% giá trị sản lượng ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Năm 2015, giá trị sản lượng đạt 6.670 triệu đồng, tăng 819 triệu đồng so với năm 2011. Năm 2016, với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 138 ha bằng cùng kỳ năm 2015, sản lượng đạt 71 tấn. Tuy nhiên, do điều kiện địa hình của huyện nên người dân chủ yếu đánh bắt thủy sản tự nhiên bằng cách ngăn dòng chảy của sông. Việc này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp nhất là vào mùa mưa dễ gây ngập úng diện rộng, vào mùa khô nhiều khu vực không đủ nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Như vậy, có thể thấy, lĩnh vực nông - lâm - thủy sản của huyện Vũ Quang đã đạt được một số thành tựu nhưng cũng gặp phải rất nhiều khó khăn, hạn chế như đã phân tích cụ thể trong từng ngành riêng lẻ ở trên.
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng đang từng bước thích ứng với cơ chế thị trường. Nhiều doanh nghiệp được thành lập, và đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị công nghệ, máy móc mới. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu như: cát, sỏi, đá các loại, quần áo may sẵn, gỗ xẻ, gạch nung, sản phẩm mộc dân dụng,… tuy nhiên quy mô còn nhỏ lẻ và giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao.
Năm 2015, toàn huyện có 220 doanh nghiệp, 345 hợp tác xã, 432 tổ hợp tác sản xuất kinh doanh; giá trị sản xuất ngành Công nghiệp - Xây dựng đạt 359,124 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh là 25.570 triệu đồng tăng 6,61% so với cùng kỳ 2014. Năm 2016, giá trị sản xuất ngành Công nghiệp – Xây dựng đạt 471,553 tỷ đồng, bằng 127,2% KH, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2015.
Tuy có gia tăng về giá trị sản xuất qua các năm, nhưng quy mô và năng lực sản xuất công nghiệp - xây dựng còn nhỏ, lẻ; chất lượng và chủng loại hàng hóa chưa đa dạng và tính cạnh tranh chưa cao.
Ngành thương mại - dịch vụ phát triển khá, đóng góp trên 30% trong cơ cấu kinh tế. Năm 2015, có 1029 hộ hoạt động trong lĩnh vực thương mại, tăng 46 hộ so với cùng kỳ năm trước; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ ước đạt 178,285 tỷ đồng, tăng 74,14% so với cùng kỳ. Năm 2016, giá trị Thương mại - dịch vụ đạt 650,398 tỷ đồng, bằng 101% KH, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2015.
Thực tế, hiện nay đã thực hiện xã hội hóa một số chợ là trung tâm thương mại trên địa bàn huyện. Tuy nhiên hiệu quả của công tác này chưa cao do cá nhân, doanh nghiệp tham gia xã hội hóa chưa thực sự quan tâm đến sự phát triển bền vững mà đang đặt nặng vấn đề lợi ích kinh tế trước mắt. Ví dụ điển hình là chợ Bộng tại xã Đức Bồng, đến nay đã đưa vào hoạt động một thời gian nhưng vẫn có đến hơn 50% các ki ốt chưa có người thuê vì giá thành cao. Dịch vụ vận tải cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, khối lượng luân chuyển hàng hoá nhất là vận tải hàng hóa thời gian qua phát triển mạnh.
Tuy thương mại, dịch vụ có tốc độ phát triển nhanh nhưng nhìn chung hoạt động của các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh còn nhiều hạn chế như về quy mô, năng lực, trình độ quản lý và khả năng thích ứng với cơ chế thị trường chưa cao.
Với tình hình phát triển kinh tế ở huyện Vũ Quang trong thời gian qua, cho thấy, sự quản lý kinh tế tại huyện Vũ Quang còn nhiều yếu kém, chạy theo thành tích, phong trào mà chưa thực sự quan tâm đến vấn đề quy hoạch, chưa quan tâm đến việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Ở các hình thức sản xuất, kinh doanh còn mang tính chộp giật, manh mún, nhỏ lẻ, làm theo phong trào mà chưa chú ý đến sự phát triển bền vững. Vì vậy, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:
Tài liệu tham khảo
[1]. Ngô Thị Hương Thảo, (2016), Một số giải pháp phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Luận văn tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành QTKD, Đại học Bách Khoa Hà Nội
[2]. Phòng NN&PTNT Vũ Quang, Tái cơ cấu nông nghiệp Vũ Quang năm 2014, huyện Vũ Quang.
[3] UBND huyện Vũ Quang, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội huyện Vũ Quang năm 2013, huyện Vũ Quang.
[4] UBND huyện Vũ Quang, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội huyện Vũ Quang năm 2014, huyện Vũ Quang.
[5] UBND huyện Vũ Quang, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội huyện Vũ Quang năm 2015, huyện Vũ Quang.
[6] UBND huyện Vũ Quang, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội huyện Vũ Quang năm 2016, huyện Vũ Quang.