^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Xây dựng và phát triển bền vững thương hiệu bưởi Phúc Trạch- huyện Hương Khê

Tóm tắt

Bưởi Phúc Trạch trồng ở Hương Khê cho chất lượng quả ngon nổi tiếng, được xếp vào hạng nhất trong tất cả các giống bưởi hiện đang trồng ở Việt Nam. Giá tri kinh tế mà bưởi Phúc Trạch mang lại là rất lớn cho người dân Hương Khê. Có thể nói đây là cây xóa đói giảm nghèo cho người dân một huyện miền núi thường xuyên gặp những rủi ro về thiên tai. Tuy nhiên, hầu hết các hộ nông dân chỉ sản xuất nhỏ lẻ và chưa xây dựng và phát triển được thương hiệu bưởi Phúc Trạch. Vì thế việc bảo hộ và xây dựng thương hiệu bưởi Phúc Trạch- huyện Hương Khê được triển khai từ năm 2014- đây chính là bước ngoặt quan trọng để xây dựng và phát triển bền vững thương hiệu bưởi Phúc Trạch- huyện Hương Khê.Bài viết nhằm đánh giá quá trình xây dựng và phát triển bền vững thương hiệu bưởi Phúc Trạch- huyện Hương Khê

Từ khóa: Xây dựng, phát triển, bền vững, thương hiệu, Phúc Trạch

  1. Tình hình chung

Bưởi Phúc Trạch trồng ở Hương Khê cho chất lượng quả ngon nổi tiếng, được xếp vào hạng nhất trong tất cả các giống bưởi hiện đang trồng ở Việt Nam. Giá bưởi Phúc Trạch giao động từ  50.000 - 100.000đ/quả ngay tại vườn, và đã đưa lại nguồn thu nhập quan trọng cho người dân Hương Khê. Có thể nói đây là cây xóa đói giảm nghèo cho người dân một huyện miền núi thường xuyên gặp những rủi ro về thiên tai. Tỉnh Hà Tĩnh đã xác định cây bưởi Phúc Trạch là một trong 15 sản phẩm chủ lực của tỉnh (Quyết định số 853/QĐ-UBND ngày 27/3/2012), đã đưa mục tiêu phát triển, mở rộng diện tích trồng Bưởi Phúc Trạch vào Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

Theo kết quả thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê, hiện nay toàn huyện Hương Khê có khoảng 1300 ha diện tích bưởi, Trong đó, 70% diện tích đã cho quả. Năng suất bình 20 tấn/ha (400 cây/ha, 50kg/cây), tổng sản lượng hàng năm toàn huyện là 20.000 tấn. Tuy nhiên những năm mất mùa sản lượng chỉ đạt 7000 – 10000 tấn. Ngoài ra có 5% sản lượng bưởi từ vùng phụ cận được mang về tiêu thụ tại Hương Khê.

Sơ đồ 1: Các kênh cung ứng bưởi Phúc Trạch

 

 

 

 

Nguồn: UBND huyện Hương Khê

Chất lượng bưởi Phúc Trạch là kết quả của sự hài hòa các yếu tố chính hàm lượng đường tổng số ≥ 7,46% , độ Brix ≥ 10,0, hàm lượng axít hữu cơ thấp vừa phải (0,26 – 0,79%) và đi kèm vị the rất nhẹ. Sự kết hợp các yếu tố này đã tạo nên vị ngọt thanh dễ chịu, chua nhẹ và để lại dư vị sau ăn khá lâu. Bưởi được trồng trên 20 xã của huyện Hương Khê, gồm: Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô, Lộc Yên, Hương Liên, Hương Trà, Gia Phố, Hương Giang, Hương Thủy, Phú Phong, Hương Xuân, Hương Vĩnh, Phú Gia, Hương Long, Hương Bình, Hòa Hải, Phúc Đồng, Hà Linh, Phương Điền, Phương Mỹ. Nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu bưởi Phúc Trạch, UBND tỉnh Hà Tĩnh và Sở Khoa học & Công nghệ đã đề xuất triển khai dự án “Quản lý chỉ dẫn địa lý “Phúc Trạch” dùng cho sản phẩm bưởi của huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh”- một trong những dự án nhằm xây dựng và phát triển bền vững thương hiệu bưởi Phúc Trạch.

  1. Thành tựu đạt được

Qua gần 02 năm triển khai dự án, thương hiệu bưởi Phúc Trạch đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.

2.1. Chiến lược truyền thông

 Thúc đẩy chiến lược quảng bá bưởi Phúc Trạch trên các phương tiện: truyền hình, sách báo, tờ rơi, website, băng-rôn, gian hàng... Có kế hoạch quảng bá sản phẩm bưởi Phúc Trạch một cách rõ ràng và hiệu quả và thường xuyên.

Trên cơ sở mẫu logo CDĐL đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ, Sở KH&CN đã phối hợp với UBND huyện Hương Khê thuê đơn vị thiết kế hệ thống tem, nhãn với các tiêu chí cụ thể, phản ánh được những đặc trưng về sản phẩm; Mẫu thiết kế ngoài việc phải đảm bảo về mặt mỹ thuật, còn phải tạo sự thuận tiện trong việc quản lý, sử dụng và truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm từ vườn sản xuất đến tay người tiêu dùng. Mẫu thiết kế tem, nhãn được lấy ý kiến góp ý từ những người sản xuất, thu gom, tác nhân thương mại, tiêu dùng, các nhà khoa học và các nhà quản lý.

Hệ thống tem nhãn là công cụ quan trọng không thể thiếu đối với hoạt động quản lý và sử dụng CDĐL bao bì cho quả bưởi mang CD ĐL Phúc Trạch được thiết kế như sau :

  • Tem nhãn: Logo CDĐL bưởi Phúc Trạch, có dòng Hội sản xuất và kinh doanh bưởi Phúc Trạch xếp theo hình bán nguyệt ôm lấy nửa phần phía trên của logo. Chữ Đặc sản Hương Khê – Hà Tĩnh xếp theo hình bán nguyệt ôm lấy nửa phần dưới của Logo. Chữ MS là viết tắt mã số của hộ. Hộ ghi mã số của hộ vào nhãn mác. Hiệp hội cung cấp cho mỗi hộ sản xuất, kinh doanh một mã số riêng.

 

 

 

 

 

Các hình thức thể hiện màu khác nhau của mẫu thiết kế tem

 

 

  • Nhãn mác gắn trên túi lưới :

                                     

 

  • Bao bì, túi đựng: Hệ thống bao bì, túi đựng bao gồm túi đựng (bằng giấy và nilon) và thùng các tông được thiết kết phù hợp với sản phẩm, đảm bảo tính mỹ thuật để thu hút khách hàng, ngoài ra có sự khác biệt, rễ nhận diện để thuận lợi trong việc quản lý và kiểm soát sản phẩm khi đưa ra thị trường.

      - Mẫu thiết kế túi xách, thùng cactong (bằng giấy):

 

 

2.2. Xác định các kênh phân phối bưởi Phúc Trạch

Sơ đồ 2: Sơ đồ cấu trúc các kênh hàng tiêu thụ bưởi Phúc Trạch

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn: Sở Khoa học & Công nghệ

 

  • Kênh đi thành phố Vinh

Đây là kênh tiêu thụ chủ yếu của bưởi Phúc Trạch, chiếm tới 45% sản lượng bưởi toàn huyện. Kênh này được thực hiện chủ yếu bởi những người thu gom tại Hương Khê mang bưởi bán buôn tại Thành phố Vinh hoặc một số chủ buôn từ thành phố Vinh vào thu mua tại ga Hương Phố, Ga Phúc Trạch. Bưởi từ tác nhân này bán cho người bán buôn tại thành phố Vinh. Và từ đây bưởi được phân phối đến người tiêu dung thông qua hệ thống bán lẻ. Những người tiêu dùng mua ít phục vụ nhu cầu cho gia đình sẽ mua bưởi thông qua hệ thống bán lẻ, người tiêu dùng mua nhiều để làm quà biếu mua bưởi trực tiếp tại người bán buôn.

  • Kênh đi Đồng Hới

            Kênh Đồng Hới tiêu thụ 25% sản lượng bưởi Phúc Trạch. Do mức thu nhập của người dân, thị trường này chỉ tiêu thụ bưởi loại 3, tức có trọng lượng quả ≤ 0,7 kg/quả hoặc có một số khiếm khuyết về hình dạng quả, màu sắc vỏ quả. Các chủ thu gom mua bưởi tại vườn, tiến hành phân loại, loại 1 và loại 2 bán cho chủ buôn mang ra thị trường Vinh, Hà Tĩnh…, bưởi loại 3 bán cho các chủ buôn mang đi thị trường Đồng Hới. Địa điểm giao dịch của các chủ buôn mang bưởi đi Đồng Hới là Ga Hương Phố. Sau đó bưởi được vận chuyển theo đường tàu hỏa về ga Đồng Hới. Địa điểm bán buôn của kênh này là chợ Đồng Hới. Bưởi từ đây được phân phối đến mạng lưới bán lẻ rồi đến người tiêu dùng. Do mức thu nhập người tiêu dùng, kênh này chỉ tiêu thụ bưởi loại 3, giá rẻ. Nó đóng vai trò tiêu thụ những loại bưởi mà các kênh khác khó tiêu thụ.

  • Kênh đi thành phố Hà Tĩnh

            Thị trường Hà Tĩnh không có đầu mối giao thông như thành phố Vinh nên sức tiêu thụ chỉ chiếm khoảng 20 % sản lượng bưởi Phúc Trạch. Các chủ buôn mua bưởi từ người thu gom tại Hương Khê mang về bán cho các chủ buôn tại chợ thành phố Hà Tĩnh  hoặc bán cho các cửa hàng hoa quả lớn trong thành phố. Bưởi từ đây được phân phối đến người bán lẻ hoặc bán trực tiếp đến người tiêu dùng. Đối tượng người tiêu dùng ở thị trường này có hai loại:

            Loại có thu nhập cao: Là người dân thành phố, khối cơ quan, khách về địa phương công tác và người mua làm quà biếu. Người Hà Tĩnh có người nhà làm việc tại Hà Nội rất nhiều và đây là đối tượng khách hàng tiêu thụ phần lớn thị trường bưởi Phúc Trạch tại Hà Tĩnh. Đối tượng khách hàng này yêu cầu chất lượng cao và họ cũng sẵn sàng trả giá cao, có thể lên tới 70000 – 80000 đ/quả. Đây là đối tượng khách hàng hiệp hội cần hướng tới.

            Loại có thu nhập thấp: là người dân ngoại thành thành phố. Bưởi được bán tại các chợ lẻ để phục vụ người dân có thu nhập thấp. Tại đây chỉ tiêu thụ được bưởi loại 3, rẻ tiền. Sức tiêu thụ thấp, một ngày một người bán lẻ chỉ tiêu thụ được 10 – 15 quả.

  • Kênh tại Hương Khê

            Kênh Hương Khê tiêu thụ 8% sản lượng bưởi Phúc Trạch. Kênh này có hai hệ thống phân phối:

             Phân phối thông qua hệ thống bán lẻ đến tay người tiêu dùng tại Hương Khê (chiếm 3%).

             Người tiêu dùng mua sản phẩm trực tiếp từ người sản xuất ngay tại vườn (5% sản lượng bưởi). Hình thức phân phối này khá phổ biến ở những xã có danh tiếng: Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Đô, Lộc Yên. Đối tượng người tiêu dùng trong hình thức phân phối này chủ yếu khối cơ quan mua làm quà, khách du lịch qua đường. Yếu tố chất lượng được khách hàng đặt lên hàng đầu. Người tiêu dùng vào tận vườn để mua được bưởi Phúc Trạch có chất lượng đích thực. Trước khi mua bưởi được kiểm tra chất lượng rất kỹ càng, người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao gấp đôi so với giá bán buôn. Nếu bưởi loại 1 giá bán cho người thu gom là 30000 đ/quả thì đối tượng khách hàng này có thể mua tới 60000 đ – 70000 đ/quả. Đây là phương thức tiêu thụ và đối tượng khách hành mà hiệp hội cần hướng tới. Sản phẩm bưởi của hiệp hội vừa đảm bảo chất lượng vừa có bao bì đẹp thích hợp cho việc làm quà đối ngoại. Với việc tiêu thụ sản phẩm bưởi phương thức này làm giảm chi phí trung gian, giá bán sản phẩm cao, đồng thời quảng bá rộng rãi hình ảnh và thương hiệu sản phẩm trực tiếp tới người tiêu dùng.

  • Kênh đi thành phố Hà Nội

            Người Hà Nội tiêu dùng bưởi Phúc Trạch thông qua việc gửi làm quà là chủ yếu. Hệ thống phân phối bưởi Phúc Trạch tại Hà Nội còn rất ít chỉ khoảng 2% sản lượng. Một vài chủ thu gom có phương tiện vận chuyển chở bưởi từ Hương Khê ra phân phối tại thị trường bán lẻ tại phố Hà Nội (Cửa hàng siêu thị). Một số chủ thu gom, không có phương tiện vận chuyển, gửi bưởi ra Hà Nội theo phương tiện xe chở khách.

 

2.3.Hiệu quả kinh tế - xã hội

- Thông qua dự án, giúp cơ quan quản lý, và người dân nắm vững kỹ thuật, kỹ năng và kiến thức điều hành. Danh tiếng và uy tín của sản phẩm sẽ được đảm bảo, ổn định và được pháp luật bảo vệ trên thị trường. Giá trị sản phẩm bưởi Phúc Trạch được tăng lên rõ rệt (tăng 20.000-27.000đ/quả), quyền lợi của người tiêu dùng được đảm bảo.

 

Bảng 3. Giá bưởi tại hộ sản xuất trước và trong giai đoạn có dự án

 

Giai đoạn trước dự án

Giai đoạn có dự án

 

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Giá bưởi (đ/quả)

30.000

30.000

50.000

53.000

 

Nguồn: Niên giám thống kê Hà Tĩnh

- Nâng cao danh tiếng, uy tín, tăng khả năng cạnh tranh lưu thông sản phẩm Bưởi Phúc Trạch trên thị trường trong nước và cả thị trường quốc tế. Thiết lập được kênh tiêu thụ sản phẩm ổn định, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm đặc sản. Góp phần khôi phục và phát triển vùng sản xuất bưởi Phúc Trạch thực sự giữ vai trò là một sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp, nông thôn của tỉnh và giúp nông dân làm giàu trên mảnh đất của mình.

  1. Kết luận

Qua gần 02 năm triển khai dự án xây dựng và phát triển thương hiệu bưởi Phúc Trạch, bưởi Phúc Trạch đã đat được nhiều thành tựu to lớn và dần khẳng định được vị thế của mình trên thị trường,tuy nhiên sản phẩm Bưởi Phúc Trạch có thời gian thu hoạch ngắn, có 1 vụ/năm  nên có một số nội dung gặp khó khăn khi triển khai, đặc biệt là duy trì kênh tiêu thụ. Đề nghị UBND huyện Hương Khê tiếp tục quan tâm chỉ đạo tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí, con người để các hộ gia đình sản xuất và kinh doanh bưởi Phúc Trạch tiếp tục hoạt động có hiệu quả trong thời gian tới. Thêm vào đó, hiện nay, chất lượng bưởi Phúc Trạch đang có dấu hiệu thoái hóa, không ổn định, nên hoạt động kiểm soát chất lượng gặp nhiều khó khăn. Cần phải tăng cường công tác bảo tồn nguồn gen, thực hiện các biện pháp kỹ thuật để duy trì và nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.Kính đề nghị các cấp, các ngành hỗ trợ triển khai các chương trình, dự án bảo tồn nguồn gen, thực hiện các biện pháp kỹ thuật để duy trì và nâng cao chất lượng của sản phẩm

 

Tài liệu tham khảo

 

  1. UNBD huyện Hương Khê, Báo cáo tình hình kinh tế trang trai từ năm 2011 đến 2015
  2. Sở Khoa học & Công nghệ (2015) , Báo cáo tổng kết dự án bưởi Phúc Trạch
  3. Niên giám thống kê Hà Tĩnh (2015), Nhà xuất bản Thống kê
Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube