Emotional Quotient (EQ), hay Emotional intelligence (EI), chỉ số cảm xúc, là thuật ngữ xuất hiện lần đầu tiên trong một bài báo của Michael Beldoch năm 1964, sau đó được phát triển thành một hệ thống lí luận đầy đủ trong cuốn sách cùng tên được xuất bản năm 1995 của nhà khoa học Daniel Goleman. Cho đến nay, thuật ngữ EQ ngày càng có ảnh hưởng sâu rộng về mặt nghiên cứu học thuật và trên thực tiễn.
Chỉ số cảm xúc, Emotional Quotient (EQ), được hiểu là một tập hợp các kỹ năng hoặc năng lực của con người có liên quan đến xác định, đo lường và phát triển kỹ năng cảm xúc. Hiểu một cách đơn giản, chỉ số cảm xúc là khả năng nhận ra cảm xúc của bản thân, cảm xúc của những người khác từ đó quản lý cảm xúc bản thân, tác động đến cảm xúc của người khác và thúc đẩy các mối quan hệ xã hội theo hướng tích cực.
Các kỹ năng cảm xúc thường được phân làm năm loại chính:
Thứ nhất, Tự nhận thức. Khả năng một người nhận ra cảm xúc khi nó xảy ra là kĩ năng cốt lõi đầu tiên trong chỉ số cảm xúc. Nhận diện được cảm xúc, xác định nguyên nhân gây ra nó sẽ giúp con người biết cách quản lý chúng.
Thứ hai, Tự điều chỉnh. Trên cơ sở nhận thức cảm xúc, cá nhân sẽ sử dụng một số kỹ thuật tự điều chỉnh để giảm bớt những cảm xúc tiêu cực như tức giận, lo âu hoặc trầm cảm. Tự điều chỉnh thường được thể hiện ở các kĩ năng: Tự kiểm soát, quản lý các xung đột, mâu thuẫn bên trong cá nhân; Duy trì các tiêu chuẩn cá nhân đã đặt ra như sự trung thực, toàn diện…; Ý thức chịu trách nhiệm về hành vi của bản thân; Khả năng thích ứng, xử lý linh hoạt; Đổi mới, cởi mở với những ý tưởng mới.
Thứ ba, Động lực. Động lực được tạo thành từ bên trong cá nhân như ý thức không ngừng phấn đấu để cải thiện hoặc đạt tiêu chuẩn cá nhân đã đặt ra, hoặc các động lực bên ngoài như phấn đấu đạt mục tiêu của nhóm hoặc tổ chức. Đặc biệt là tinh thần lạc quan, theo đuổi mục tiêu liên tục bất chấp khó khăn, thậm chí thất bại.
Thứ tư, Đồng cảm. Một người đồng cảm sâu sắc được thể hiện một số khía cạnh: Hiểu được cảm xúc đằng sau nhu cầu và mong muốn của người khác. Phát triển những người khác, cảm nhận những gì người khác cần để giúp họ tiến bộ và tăng cường khả năng của họ; Khai thác được sự đa dạng của mọi người; Nhận thức các dòng cảm xúc và mối quan hệ quyền lực trong một nhóm.
Thứ năm, Kỹ năng xã hội. Kỹ năng xã hội được thể hiện ở cách giúp người khác quản lý cảm xúc của họ và cách sử dụng nhận thức về cảm xúc của người khác để điều chỉnh, xây dựng và duy trì các mối quan hệ tích cực. Các kỹ năng xã hội hữu ích nhất là Giao tiếp - Gửi thông điệp rõ ràng; Khả năng lãnh đạo - Khích lệ và hướng dẫn mọi người; Quản trị xung đột - Hiểu, đàm phán và giải quyết những bất đồng; Xây dựng các mối quan hệ; Hợp tác - Làm việc với những người khác nhằm đạt được mục tiêu chung; Khả năng làm việc nhóm- Tạo sức mạnh tổng hợp nhóm trong việc theo đuổi mục tiêu tập thể.
Trước khi thuật ngữ EQ ra đời, chỉ số IQ (Intelligent Quoration) thường được coi là yếu tố quyết định thành công. Những người có chỉ số IQ cao được giả thiết là dễ đạt được thành công trong công việc và thành đạt trong cuộc sống hơn những người khác. Tuy nhiên, người ta bắt đầu nhận ra rằng chỉ có trí thông minh cao không đảm bảo tuyệt đối cho sự thành công, và EQ ngày càng có tác động lớn hơn. Theo Daniel Goleman, “Chỉ số IQ chỉ chiếm 25% trong sự thành đạt trong khi đó chỉ số EQ lại chiếm đến 75%”.
EQ thể hiện khả năng của một người hiểu rõ chính bản thân mình cũng như thấu hiểu người khác. Người có EQ cao do vậy dễ thích nghi, dễ xây dựng mối quan hệ lành mạnh với người khác, đồng thời duy trì các mối quan hệ lành mạnh bằng cách kiểm soát tốt cảm xúc của mình và truyền đạt cảm xúc dựa trên tinh thần xây dựng.
Sự kiểm soát tốt cảm xúc đồng thời tác động tích cực đến sức khỏe thể chất. Người ta ước tính rằng hơn 80% các vấn đề sức khỏe của chúng ta liên quan đến căng thẳng (stress). Người có EQ cao có thể đẩy lùi sự căng thẳng chủ yếu bởi vì họ biết tự điều chỉnh để đạt được sự thoải mái về mặt tình cảm.
Trên thực tế, nhiều nghiên cứu học thuật đã chứng minh được mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa chỉ số EQ với hiệu suất công việc và khả năng lãnh đạo. Hơn nữa, tầm quan trọng của EQ đã được nhấn mạnh vì kết quả làm việc tốt hơn có liên quan đến mức độ thành công của các mối quan hệ, sức khỏe tinh thần và thể chất.
Người ta nói rằng “Với IQ, người ta tuyển bạn. Nhưng với EQ, người ta đề bạt bạn”. Ngày nay, các nhà tuyển dụng thường có xu hướng đánh giá rất cao những người cân bằng được cả chỉ số IQ và EQ hay gọi tắt là EI (Emotional Intelligence). Vậy, làm thế nào để có thể tăng EQ của chính bạn và của người khác vượt quá mức tự nhiên? Dưới đây là bốn gợi ý để phát triển EQ:
Thứ nhất, Giảm cảm xúc tiêu cực
Có lẽ không có khía cạnh nào của EQ quan trọng hơn khả năng kiểm soát những cảm xúc tiêu cực của chính mình để những cảm xúc đó không áp đảo và ảnh hưởng đến sự phán xét của chúng ta. Có hai cách cơ bản để đạt được điều này:
Một là, Giảm cá nhân hóa tiêu cực. Khi bạn không đồng ý về hành vi của một ai đó, tránh đi đến một kết luận tiêu cực ngay lập tức. Thay vào đó, hãy nghĩ ra nhiều cách để phán xét tình hình trước khi đưa ra phản ứng. Khi chúng ta tránh cá nhân hóa hành vi của người khác theo ý kiến chủ quan, chúng ta có thể cảm nhận được những biểu hiện của họ một cách khách quan hơn, giảm khả năng hiểu lầm.
Hai là, Giảm nỗi sợ bị từ chối. Một cách hiệu quả để quản lý nỗi sợ bị từ chối của bạn là đưa ra nhiều lựa chọn khác nhau trong các tình huống quan trọng, để nếu có vấn đề gì xảy ra, bạn có các phương án thay thế tương đương trong tương lai, và vì thế bạn sẽ không rơi vào tuyệt vọng.
Thứ hai, Quản lý căng thẳng (stress)
Hầu hết chúng ta trải qua một số áp lực trong cuộc sống, trong công việc. Khi chịu áp lực, điều quan trọng nhất cần lưu ý là giữ cho chúng ta sự thăng bằng và thư giãn. Nếu bạn cảm thấy sợ hãi, chán nản, hoặc nản chí, hãy thử các bài tập aerobic cường độ cao hoặc tự nạp năng lượng cho bản thân. Sự tự tin của bạn cũng sẽ tăng lên cùng với sức sống của cơ thể. Nếu quá căng thẳng, bạn có thể giảm nhiệt độ cơ thể bằng cách đặt nước lạnh lên mặt, bước ra khỏi phòng và hít thở không khí trong lành. Nhiệt độ mát có thể giúp giảm mức độ lo lắng của chúng ta. Đặc biệt, tránh các loại đồ uống chứa chất kích thích có thể gia tăng sự căng thẳng của bạn.
Thứ ba, Bình tĩnh, chủ động khi đối mặt với một người bất đồng quan điểm
Khi gặp một người bất đồng quan điểm, bạn dễ đánh mất sự bình tĩnh và làm hỏng công việc cũng như mối quan hệ với người đó. Dưới đây là ba mẹo nhanh để duy trì chủ động trong những tình huống như thế.
Khi bạn cảm thấy tức giận và khó chịu với ai đó, trước khi bạn nói điều gì đó dẫn đến có thể hối hận sau này, hãy hít một hơi thật sâu và đếm chậm đến mười. Trong hầu hết các trường hợp, vào thời điểm bạn đạt đến mười, bạn sẽ tìm ra một cách tốt hơn để giải quyết vấn đề, để bạn có thể giảm thay vì làm phức tạp vấn đề. Nếu bạn vẫn còn khó chịu sau khi đếm đến mười, hãy dành thời gian chờ thêm nếu có thể và xem lại vấn đề sau khi bạn đã bình tĩnh trở lại.
Một cách khác để giảm phản ứng là cố gắng đặt mình vào vị trí của người đó, ngay cả chỉ trong chốc lát để hiểu được cảm xúc và suy đoán hành động của họ.
Cuối cùng, thể hiện cảm xúc hòa nhã, thân mật. Khả năng thể hiện những cảm xúc hòa nhã, thân mật là điều cần thiết để giảm sự căng thẳng đang diễn ra. Việc chia sẻ cảm xúc hòa nhã, thân mật với ai đó trong một mối quan hệ thích hợp cũng là cách thức hiệu quả để nuôi dưỡng và xây dựng mối quan hệ đó.
Thứ tư, Đúc rút kinh nghiệm từ những thử thách trong cuộc sống
Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng. Cách chúng ta chọn cách chúng ta suy nghĩ, cảm nhận và hành động liên quan đến những thử thách của cuộc sống thường có thể tạo ra sự khác biệt giữa hy vọng và tuyệt vọng, lạc quan so với thất vọng và chiến thắng so với thất bại. Với mọi tình huống khó khăn mà chúng ta gặp phải, hãy đặt câu hỏi như “Bài học ở đây là gì?” “Làm sao tôi có thể học hỏi từ kinh nghiệm này?” “Điều gì quan trọng nhất bây giờ?”. Chất lượng câu hỏi càng cao, chất lượng câu trả lời càng tốt. Trả lời các câu hỏi mang tính xây dựng sẽ giúp chúng ta xây dựng được quan điểm thích hợp để giải quyết những tình huống tương tự sau này.
Trong thế giới luôn kết nối ngày nay, mọi người đều có thể tiếp cận ngay với kiến thức kỹ thuật. Vì vậy, "kỹ năng sống" thậm chí còn quan trọng hơn bởi vì những người sở hữu chỉ số EQ cao sẽ tốt hơn trong việc thấu hiểu, đồng cảm và thương lượng với những người khác. Rèn luyện để sở hữu một chỉ số EQ là quá trình thực hành suốt đời. Ngay cả khi bạn cảm thấy như bạn đã nắm vững các bước này, hãy nhớ tiếp tục tập luyện, và bạn sẽ gặt hái thành công lớn hơn từ EQ cho phần còn lại của cuộc đời bạn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
4.http://www.misa.com.vn/tin-tuc/chi-tiet/newsid/49154/4-thoi-quen-giup-cai-thien-chi-so-EQ.