^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Phân tích tài chính theo hệ thống CAMELS

 

Hệ thống CAMELS là hệ thống xếp hạng, giám sát tình hình ngân hàng của Mỹ và được coi là chuẩn mực đối với hầu hết các tổ chức trên toàn thế giới khi đánh giá hiệu quả, rủi ro của các ngân hàng nói riêng và các tổ chức tín dụng (TCTD) nói chung.


  1. Nguồn gốc hệ thống CAMELS

Hệ thống đánh giá CAMELS do Cục Quản lý các tổ hợp tín dụng Hoa Kỳ (National Credit Union Administration - NCUA) xây dựng và được thông qua năm 1987, song không chỉ có Hoa Kỳ mà còn có nhiều nước trên thế giới áp dụng. Sau khủng hoảng kinh tế châu Á 1997, hệ thống CAMELS được Quỹ Tiền tệ Quốc tế và nhóm Ngân hàng Thế giới khuyến nghị áp dụng ở các nước bị khủng hoảng như một trong các biện pháp để tái thiết khu vực tài chính. Hệ thống đánh giá này được sử dụng bởi ba giám sát ngân hàng liên bang (Cục Dự trữ Liên bang, Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) và Văn phòng kiểm soát tiền tệ (OCC) và các cơ quan giám sát tài chính khác để cung cấp các thông tin ngân hàng tại một thời điểm.

Mô hình đánh giá CAMELS chủ yếu dựa trên các yếu tố tài chính, thông qua thang điểm để đánh giá tình trạng vững mạnh của các tổ chức tài chính. Ban đầu, việc đánh giá dựa trên 5 tiêu chí: vốn (C), chất lượng tài sản (A), quản lý (M), lợi nhuận (E) và mức thanh khoản của tổ chức tài chính (L). Thành phần thứ sáu - mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường của ngân hàng (S), đã được bổ sung vào năm 1997.

Hiện nay, một số quốc gia trên thế giới đã tiên phong trong việc điều chỉnh hệ thống phân tích, đánh giá các TCTD trên cơ sở của mô hình CAMELS bằng cách bổ sung thêm các yếu tố phi tài chính vào hệ thống phân tích, điển hình trong số đó là Nhật Bản.

  1. Các tiêu chí đánh giá

* Capital Adequacy - Mức độ an toàn vốn

Mức độ an toàn vốn thể hiện số vốn tự có để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Các chỉ tiêu cụ thể được sử dụng để phân tích mức độ an toàn vốn gồm:

- Cơ cấu vốn, tập trung vào mức độ quan trọng tương đối của vốn cấp 1, vốn cấp 2;

- Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu CAR = [(Vốn cấp I + Vốn cấp II)/ (Tài sản có điều chỉnh rủi ro)] * 100%;

- Chất lượng cổ đông có ảnh hưởng lớn;

- Hệ số đòn bẩy tài chính L = Tổng nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu;

- Hệ số tạo vốn nội bộ ICG (internal capital generation) = Lợi nhuận không chia/ Vốn cấp 1;

- Tỷ lệ vốn trên tổng tài sản = Vốn chủ sở hữu/ Tổng tài sản;

- Chất lượng và khả năng tài chính của các cổ đông;

- Sự tham gia của các cổ đông trong ban giám đốc và quyền biểu quyết;

- Những thay đổi trong cơ cấu vốn góp;

- Chỉ số vốn dự trữ = Dự trữ mất vốn thực tế/ Dự phòng mất vốn điều chỉnh theo CAMELS.

* Asset quality - Chất lượng tài sản có

Quy mô, cơ cấu và chất lượng tài sản có quyết định sự tồn tại và phát triển của ngân hàng. Chất lượng tài sản có là chỉ tiêu tổng hợp nói lên chất lượng quản lý, khả năng thanh toán, khả năng sinh lời và triển vọng bền vững của một ngân hàng. Để đánh giá chất lượng tài sản có, người ta sử dụng một số chỉ tiêu sử dụng để phân tích như:

- Danh mục cho vay/ Tổng tài sản = Dự nợ tín dụng/ Tổng tài sản có;

- Tốc độ tăng trưởng tín dụng = (Dư nợ tín dụng cuối kỳ - Dư nợ tín dụng đầu kỳ)/ Dư nợ tín dụng cuối kỳ;

- Tỷ lệ nợ xấu / tổng dư nợ;

- Tỷ lệ nợ quá hạn / tổng dư nợ;

- Tỷ lệ dự phòng = Lợi nhuận trước thuế, khấu hao và dự phòng/ Dự phòng tổn thất nợ;

- Tỷ lệ chi phí dự phòng= Dự phòng tổn thất nợ/ Dư nợ bình quân;

- Khả năng bù đắp nợ xấu= Dự phòng tổn thất nợ/ Nợ xấu;

- Tỷ lệ nợ xấu = Nợ xấu/ Tổng tài sản;

- Tỷ lệ đầu tư tài sản cố định = Giá trị tài sản cố định/ Vốn tự có;

* Management - Khả năng quản lý

Quản lý ngân hàng là tạo ra hệ thống các hoạt động thống nhất, phối hợp và liên kết các quá trình lao động của các cán bộ nhân viên từ các phòng ban đến hội đồng quản trị trong ngân hàng, nhằm đạt được mục tiêu kinh doanh ở mỗi thời kỳ đã xác định, trên cơ sở giảm thiểu các chi phí về nguồn lực. Nói đến chất lượng và năng lực quản lý là nói đến yếu tố con người trong bộ máy quản lý và hoạt động, thể hiện ở các nội dung:

Đề ra được các chính sách kinh doanh đúng đắn và có hiệu quả; Xây dựng các thủ tục quản lý, điều hành các quy trình nghiệp vụ hợp lý, sát thực và đúng pháp luật; Tạo lập được cơ cấu tổ chức hợp lý, vận hành hiệu quả; Giảm thiểu rủi ro về đạo đức trong hệ thống quản lý.

Ngoài ra, chất lượng và năng lực quản lý còn thể hiện ở khả năng nắm bắt kịp thời những tình huống bất lợi, nhận biết sớm các nguy cơ rủi ro tiềm ẩn đe doạ sự an toàn của ngân hàng để đưa ra những biện pháp đối phó kịp thời; Tình hình tuân thủ đầy đủ luật pháp cũng như các quy chế hoạt động, hiệu quả kinh doanh và mức lợi nhuận thu được tăng lên, duy trì được khả năng thanh toán, sức cạnh tranh và vị thế của ngân hàng trên thị trường ngày một nâng cao, ngân hàng luôn phát triển bền vững trước những biến động trong và ngoài nước.

* Earnings – Thu nhập

Đây là nhân tố quan trọng của việc phân tích doanh thu và chi phí, bao gồm cả mức độ hiệu quả của hành động và chính sách lãi suất cũng như các kết quả hoạt động tổng quát được đo lường bằng các chỉ số. Cụ thể hơn, lợi nhuận là chỉ số quan trọng nhất để đánh giá công tác quản lý và các hoạt động chiến lược của nhà quản lý thành công hay thất bại. Lợi nhuận sẽ dẫn đến hình thành thêm vốn, đây là điều hết sức cần thiết để thu hút thêm vốn và sự hỗ trợ phát triển trong tương lai từ phía các nhà đầu tư. Lợi nhuận còn cần thiết để bù đắp các khoản cho vay bị tổn thất và trích dự phòng đầy đủ. Bốn nguồn thu nhập chính của ngân hàng là:

Thu nhập từ lãi

Thu nhập từ lệ phí, hoa hồng

Thu nhập từ kinh doanh, mua bán

Thu nhập khác

Một số chỉ tiêu sử dụng để phân tích thu nhập bao gồm:

- ROA = Lợi nhuận ròng dành cho cổ đông thường / Tổng tài sản;

- ROE = Lợi nhuận ròng dành cho cổ đông thường / Vốn cổ phần thường;

- Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) = (Thu lãi cho vay và đầu tư chứng khoán – Chi lãi tiền gửi và nợ khác)/ Tổng tài sản sinh lời bình quân;

- Tỷ lệ thu nhập ngoài lãi cận biên (NNIM) = (Thu ngoài lãi – Chi trả ngoài lãi)/ Tổng tài sản sinh lời bình quân;

- Chênh lệch lãi suất = Thu từ lãi/TS sinh lãi bình quân – Chi trả lãi/ Nợ phải trả bình quân;

- Tỷ suất chi phí hoạt động vốn = (Lãi nợ vay + Lãi tiền gửi)/ Tổng tài sản bình quân;

- Chỉ số chi phí hoạt động = Các chi phí hoạt động/ Tổng tài sản bình quân;

- Chỉ số tự lực hoạt động OSS = Tổng thu nhập tài chính/ Tổng chi phí tài chính;

- Chỉ số tự lực tài chính FSS = Tổng thu nhập tài chính/ (Tổng chi phí tài chính + Chi phí vốn + Chi phí hoạt động + Dự phòng rủi ro);

* Liquidity - Khả năng thanh khoản

Khả năng thanh khoản là một tiêu chuẩn cơ bản để đánh giá chất lượng và sự an toàn trong quá trình hoạt động của một ngân hàng. Có hai nguyên nhân giải thích tại sao thanh khoản lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngân hàng. Thứ nhất, cần phải có thanh khoản để đáp ứng yêu cầu vay mới mà không cần phải thu hồi những khoản cho vay đang trong hạn hoặc thanh lý các khoản đầu tư có kỳ hạn. Thứ hai, cần có thanh khoản để đáp ứng tất cả các biến động hàng ngày hay theo mùa vụ về nhu cầu rút tiền một cách kịp thời và có trật tự. Do ngân hàng thường xuyên huy động tiền gửi ngắn hạn (với lãi suất thấp) và cho vay số tiền đó với thời hạn dài hạn (lãi suất cao hơn) nên ngân hàng về cơ bản luôn có nhu cầu thanh khoản rất lớn. Khả năng thanh khoản được đánh giá dựa trên các chỉ tiêu như:

- Tỷ lệ thanh toán của tài sản = tài sản thanh khoản/ tổng tài sản;

- Hệ số đảm bảo tiền gửi = tài sản thanh khoản/ tổng tiền gửi;

- Hệ số thanh khoản ngắn hạn = tài sản thanh khoản/ tổng nợ ngắn hạn;

- Tỷ lệ dư nợ cho vay và tiền gửi = tổng dư nợ cho vay / tổng tiền gửi;

* Sensitivity to market risks - Mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường

Các tài sản mà các ngân hàng nắm giữ chủ yếu là các tài sản chính, chúng thường rất nhạy cảm với những biến động thị trường và gây ra những rủi ro nhất định. Hầu hết, các tài sản của ngân hàng đều có liên quan đến rủi ro thị trường ở các mức độ khác nhau, chủ yếu liên quan đến các tài sản có sự nhạy cảm trước biến động về lãi suất, tỷ giá hoặc những thay đổi giá cả trên thị trường tài chính. Nếu trong cơ cấu tài sản của ngân hàng có một tỷ lệ lớn những tài sản nhạy cảm với các yếu tố này, có thể báo hiệu một khả năng dễ tổn thương của ngân hàng đó. Hơn nữa, nếu một ngân hàng tham gia vào hoạt động kinh doanh ngoại hối, chứng khoán ở nước ngoài thì mỗi biến động trên thị trường tài chính thế giới sẽ tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh của ngân hàng đó. Do vậy, khi đánh giá sự an toàn hoạt động của ngân hàng trong điều kiện hiện nay, cần tính đến cả những yếu tố nước ngoài trong cơ cấu tài sản của ngân hàng. Rủi ro thị trường được đánh giá dựa trên những yếu tố:

- Độ nhạy của thu nhập của tổ chức tài chính hoặc giá trị kinh tế vốn của mình để thay đổi bất lợi về lãi suất, tỷ lệ trao đổi nước ngoài, giá hàng hóa, giá cổ phiếu;

- Khả năng quản lý để xác định, đo lường, giám sát, và kiểm soát tiếp xúc với rủi ro thị trường của tổ chức;

- Bản chất và phức tạp của tiếp xúc với rủi ro lãi suất phát sinh từvị trí không giao dịch;

- Nếu thích hợp, tính chất và độ phức tạp của tiếp xúc với rủi ro thị trường phát sinh từ các hoạt động kinh doanh, hoạt động quản lý tài sản, và ngoài nước;

Như vậy, kết quả phân tích, đánh giá trên sẽ giúp các nhà phân tích chia hệ thống TCTD theo thang điểm từ 1 đến 5. Các ngân hàng với xếp hạng 1 hoặc 2 được coi là có tình hình tài chính tốt, mối quan tâm giám sát cao, trong khi các ngân hàng với các xếp hạng 3, 4 hoặc 5 có mức độ tài chính xấu, không ổn định và mối quan tâm giám sát tài chính kém.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Peter S.RoseQuản trị Ngân hàng thương mạiNhà xuất bản Tài chính, 2001.

[2]. PTS. Nguyễn Văn Tiến, "Quản trị rủi ro trong kinh doanh ngân hàng", Học viện ngân hàng, 2007.

[2]. Các trang web:

     https://www.sbv.gov.vn

 http://vneconomy.vn

 https://www.gso.gov.vn

 

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube