Trong xu hướng phát triển nuôi trồng thủy sản hiện nay, hàu được xem là đối tượng nuôi tiềm năng lớn và có vai trò quan trọng cho phát triển nuôi biển. Huyện Kim Sơn có vị trí địa lý và đặc điểm tự nhiên thuận lợi cho hoạt động phát triển kinh tế nói chung và hoạt động nuôi trồng thủy sản nói riêng.
Trong số các loài thủy sản đang được chú trọng phát triển, hàu giống là một trong những sản phẩm nhận được sự quan tâm lớn của địa phương xuất phát từ việc nắm bắt được xu thế phát triển chung của thị trường và tận dụng lợi thế cạnh tranh từ tự nhiên. Nghề nuôi hàu giống đang mở ra cơ hội làm giàu rất lớn cho người dân vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn phải đối diện với một số khó khăn dẫn đến tỷ lệ thành công chưa cao, chưa khai thác hết được hiệu quả tiềm năng vốn có của vùng.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Kim Sơn, năm 2023 toàn huyện có gần 300 cơ sở nuôi hàu giống tập trung ở các xã Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung và Thị trấn Bình Minh; tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện lên đến hơn 4.370 ha; bình quân sản lượng nuôi trồng thủy sản của huyện đạt khoảng 28.000 tấn/năm; sản lượng hàu giống đạt 12,5 tỷ con/năm, đảm bảo chất lượng đáp ứng một phần nuôi tại địa phương và xuất bán cho các tỉnh lân cận như Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Phòng. Doanh thu từ nghề nuôi hàu giống trên địa bàn huyện đạt 350 tỷ đồng, nhiều hộ nuôi hàu giống có thu nhập từ 800 triệu đồng đến một tỷ đồng/vụ.
Huyện Kim Sơn có gần 400 cơ sở nuôi hàu giống: Kim Trung gần 200, Kim Đông gần 100, Kim Hải gần 100 còn lại là thị trấn Bình Minh. Mỗi cơ sở có từ 1ha trở lên để nuôi với gần 1 vạn chùm/xách giá thể (trung bình mỗi chùm/xách khoảng 280 mảnh giá thể).
Lực lượng lao động nuôi hàu giống có độ tuổi dao động từ 20 - 74 tuổi, trong đó từ dưới 30 tuổi chiếm 14%; từ 30 - 50 tuổi chiếm 54%; còn lại là trên 50 tuổi chiếm 32%. Đây là nhóm tuổi có đầy đủ các yếu tố trong quá trình sản xuất như kinh nghiệm, kiến thức và sự chịu khó, có vốn đầu tư sản xuất.
Mặc dù số tiền đầu tư ban đầu khá lớn, nhưng nhìn chung thời gian thu hồi vốn lại khá nhanh, chỉ khoảng 02 năm là đã có thể lấy lại vốn ban đầu. Với thời gian thu hồi vốn nhanh, lợi nhuận trung bình năm/1000m2 của các hộ nuôi hàu giống rất cao. Mỗi năm mỗi cơ sở sản xuất thu lợi nhuận khoảng từ 20 đến 25 triệu đồng/1000m2 sau khi trừ các phi chí liên quan.
Nghề nuôi hàu giống đang mở ra cơ hội làm giàu rất lớn cho người dân vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn phải đối diện với một số khó khăn dẫn đến tỷ lệ thành công chưa cao, chưa khai thác hết được hiệu quả tiềm năng vốn có của vùng. Cụ thể, công tác quản lý sản xuất và dịch vụ giống còn nhiều hạn chế như các cơ sở dịch vụ giống thủy sản còn nhỏ lẻ, thiếu sự gắn kết và trách nhiệm với người nuôi; việc đầu tư hạ tầng cơ sở, đặc biệt là hệ thống hạ tầng xử lý nước sạch chưa đồng bộ, hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản còn nhiều bất cập.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất hàu giống tại huyện Kim Sơn chủ yếu mang tính tự phát nên kỹ thuật nuôi trồng của các hộ dân còn nặng tính kinh nghiệm, thiếu áp dụng các tiến bộ khoa học và các quy trình sản xuất hiện đại; người tham gia sản xuất chưa được đào tạo bài bản và thống nhất trong bối cảnh nghề nuôi hàu giống chỉ mới xuất hiện gần đây tại huyện Kim Sơn; và hiện nay địa phương vẫn chưa có điều chỉnh quy hoạch, chỉ đạo chuyển đổi nghề nuôi trồng thủy hải sản trên địa bàn.
Thứ nhất, Tổ chức các lớp đào tạo trang bị cho người dân những kiến thức cơ bản về đặc tính của giống hàu, cách lựa chọn giống đảm bảo chất lượng, quy trình sản xuất hàu giống, những dịch bệnh có thể mắc phải cũng như yêu cầu để đảm bảo vệ sinh môi trường của cơ sở sản xuất.
Thứ hai, Tập trung đẩy mạnh phát triển nuôi trồng, chế biến ngao, hàu theo hướng hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, giảm dần xuất khẩu sản phẩm thô và sơ chế, nâng cao tỷ trọng chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến và thị trường tiêu thụ như sản phẩm làm sẵn, ăn liền.
Thứ ba, Tổ chức có hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm tới các tỉnh, thành phố trên cả nước và xuất khẩu nước ngoài. Để phát triển thị trường tiêu thụ ngao, hàu trong bối cảnh mới, các tỉnh ven biển có vùng sản xuất ngao, hàu cần cần xây dựng chiến lược phát triển theo hình thức chú trọng hợp tác, liên kết sản xuất, gắn với thị trường tiêu thụ; giảm chi phí trong quá trình sản xuất, đẩy mạnh chế biến tinh, nâng cao chất lượng sản phẩm và làm tốt công tác quảng bá sản phẩm.
Thứ tư, Tập trung tăng cường sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân các quận huyện có sản xuất nông nghiệp trong phân công trách nhiệm, thường xuyên tổ chức đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất sản phẩm chủ lực.
Tài liệu tham khảo
Lê Xuân Sinh, 2010. Giáo trình Kinh tế thuỷ sản. NXB Đại học Cần Thơ.
Lê Xuân Sinh, Nguyễn Thanh Long và Đỗ Minh Chung, 2010. Nghề lưới kéo ven bờ ở ĐBSCL.