^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

TÁC ĐỘNG CỦA CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 TỚI ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC

 

  1. Khái niệm

- Nhân lực

Nhân lực là nguồn lực trong mỗi con người, trong đó có cả nguồn lực hiện hữu và nguồn lực tiềm năng. Nó thể hiện ra ngoài bởi khả năng làm việc, nó bao gồm sức khỏe, trình độ, tâm lý, ý thức, mức độ cố gắng, sức sáng tạo, lòng say mê,….

- Đào tạo nhân lực

Đào tạo nhân lực là những hoạt động có tổ chức nhằm đảm bảo sự ổn định và nâng cao chất lượng của đội ngũ lao động trong sản xuất kinh doanh. Đào tạo là việc trau dồi kỹ năng, tri thức, nghiệp vụ chuyên môn, kinh nghiệm thực hành, năng lực cá nhân để đáp ứng được những yêu cầu thực tế trong cuộc sống và công việc thông qua quá trình rèn luyện và học tập một cách có hệ thống.

- Khái niệm cách mạng công nghiệp 4.0

Thế giới đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp và đang trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu như cách mạng công nghiệp lần thứ nhất là cơ khí hóa với máy chạy bằng thủy lực và hơi nước, thì cách mạng công nghiệp lần thứ hai sử dụng động cơ điện và dây chuyền lắp đặp, sản xuất hàng loạt, tiếp đến là kỷ nguyên máy tính và tự động hóa trong cách mạng công nghiệp lần thứ ba, và hiện nay là các hệ thống liên kết thế giới thực và ảo của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự hội tụ của một loạt các công nghệ mới xuất hiện dựa trên nền tảng kết nối và công nghệ số và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Các công nghệ, lĩnh vực mới có thể kể đến như: Internet kết nối vạn vật (IoT); Cơ sở dữ liệu tập trung (Big data); Trí tuệ nhân tạo (AI); Năng lượng tái tạo/ Công nghệ sạch (Renewable energy/ Clean tech); Người máy (Robotics); Công nghệ in 3D (3D printing); Vật liệu mới (graphene, skyrmions, bio-plastic,...); Blockchain; Kết nối thực ảo (Virtual/Augmented Reality); Thành phố thông minh (Smart cities); Công nghệ màng mỏng (Fintech); Các nền kinh tế chia sẻ (Shared economics); v.v.

  1. Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 tới đào tạo nguồn nhân lực

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tác động tới tất cả các ngành, lĩnh vực trên diện rộng. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động tới đào tạo nguồn nhân lực trên nhiều phương diện.

2.1. Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải thay đổi phương thức đào tạo nhất là phương pháp đào tạo ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.

Yêu càu nhanh chóng thay đổi tiêu chuẩn thành tiêu chuẩn Giáo dục 4.0. Trong đó, dạy học 4.0 gồm nhiều hình thức học tập mới (cả trực tiếp và trực tuyến), thời gian và địa điểm học tập không bị ràng buộc, có sự thay đổi phù hợp với đối tượng học, cung cấp nhiều kỹ năng phù hợp hơn. Quá trình dạy cần chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất và phát triển năng lực người học (tổ chức nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp); chuyển phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng cả số lượng, chất lượng và hiệu quả; chuyển từ chỉ chú trọng giáo dục nhân cách nói chung sang kết hợp giáo dục nhân cách với phát huy tốt nhất tiềm năng cá nhân; chuyển từ quan niệm cứ có kiến thức là có năng lực sang quan niệm kiến thức chỉ là yếu tố quan trọng của năng lực. Việc học cần chuyển từ học thuộc, nhớ nhiều sang hình thành năng lực vận dụng, thích nghi, giải quyết vấn đề, tư duy độc lập. Tuy nhiên, điều kiện cho sự thay đổi này ở các trường đào tạo hiện nay vẫn rất hạn chế, việc đổi mới phương pháp dạy – học còn chậm; hạ tầng công nghệ thông tin còn lạc hậu.

2.2. Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên.

Cho dù khoa học công nghệ có phát triển hiện đại đến đâu thì cũng không thể thay thế được hoàn toàn vai trò của người dạy. Trong những năm gần đây, đội ngũ giáo viên trong các trường đã được chuẩn hóa về bằng cấp chuyên môn, đa số có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ. Tuy nhiên, kiến thức thực tiễn và năng lực nghiên cứu khoa học của một bộ phận giảng viên còn hạn chế. Trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, học viên có thể tự tìm kiếm tri thức, kỹ năng thông qua mạng Internet. Do đó, nếu giảng viên không thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ thì sự tác động này sẽ làm mất dần vai trò chủ đạo của người dạy.

2.3. Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến chương trình đào tạo.

Chương trình đào tạo hiện nay vẫn chưa được linh hoạt, nội dung chưa phù hợp với nhu cầu và xu thế thị trường lao động cách mạng công nghiệp 4.0. Các trường đại học thực hiện hoạt động đào tạo theo hai hướng: một mặt phải đáp ứng tính định hướng xã hội, mặt khác đào tạo cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên, áp lực đối với các trường đại học càng lớn khi chương trình đào tạo vừa đáp ứng tính chuyên môn cao trong lĩnh vực nhất định, vừa đáp ứng tính liên ngành và các kỹ năng khác không thể thiếu, như: khả năng suy nghĩ có hệ thống, khả năng tổng hợp, khả năng liên kết giữa thế giới thực và ảo, khả năng sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng hợp tác liên ngành… Trong bối cảnh kiến thức về công nghệ thay đổi rất nhanh, việc trang bị cách thức tự học và ý thức học tập suốt đời càng quan trọng hơn kiến thức của chương trình đào tạo.

  1. Kết luận

Như vậy, cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo áp lực lớn trong hoạt động đào tạo đối với các trường đại học, từ xây dựng chương trình đào tạo, cập nhật nội dung chương trình cho đến đào tạo kỹ năng cho người học để đáp ứng yêu cầu công việc. Cách mạng công nghiệp 4.0 với những công nghệ mới, làm thay đổi nền tảng sản xuất, phát sinh thêm nhiều ngành nghề mới, đồng thời đặt ra những yêu cầu mới về năng lực nhân sự. Đây là một thách thức lớn đối với giáo dục đại học Việt Nam. Vì vậy, các trường đại học ở Việt Nam cần phải nhận thức được những thách thức này, từ đó, có chiến lược phù hợp cho việc phát triển khoa học, công nghệ, thay đổi phương thức đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất để đào tạo ra nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao trong thời kỳ kỹ thuật số.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Tạp chí Tự động hóa ngày nay, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bối cảnh, các xu hướng lớn và những sản phẩm điển hình, Số 5/2016.
  2. Vũ Thế Bình, “Ứng dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp du lịch”, Tạp chí Du lịch, số 1/2018, tr.38.
  3. Trần Xuân Cầu, Mai Quốc Chánh (2012), Giáo trình Kinh tế nguồn nhân lực, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân.
  4. Trần Kim Dung (2009), Quản trị nguồn nhân lực, NXB Thống Kê, Hà Nội.
  5. Nguyễn Vân Điềm, Nguyễn Ngọc Quân (2012), Giáo trình Quản trị nhân lực, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân.
Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube