^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

KINH NGHIỆM CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG NỀN KINH TẾ CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á VÀ BÀI HỌC RÚT RA CHO VIỆT NAM

 

          Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nội dung cơ bản là quá trình chuyển đổi số, đã và đang làm thay đổi phương thức hoạt động của con người, mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm. Tại khu vực Đông Nam Á, một số quốc gia tuy còn gặp một số hạn chế nhất định nhưng đã đạt được nhiều thành công trong quá trình chuyển đổi số trong nền kinh tế. Bài viết này nghiên cứu những kinh nghiệm chuyển đổi số trong nền kinh tế của Singapore và Thái Lan, từ đó rút ra một số bài học có giá trị tham khảo đối với việc phát triển kinh tế số ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

  1. Kinh nghiệm chuyển đổi số trong nền kinh tế của một số quốc gia Đông Nam Á

1.1. Singapore

          Thời gian qua, Singapore thực hiện nhiều giải pháp khác nhau, trong đó tập trung vào việc xây dựng cơ chế, chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và chuẩn bị đầy đủ điều kiện phát triển kinh tế số.

          Thứ nhất, xây dựng cơ chế, chính sách. Singapore đã triển khai Kế hoạch tổng thể iN2015 với nội dung chuyển đổi: “một quốc gia thông minh, một thành phố toàn cầu được cung cấp bởi Infocomm”. Quốc gia thông minh được xây dựng với nhiều tính năng quan trọng hỗ trợ cá nhân, chính phủ và doanh nghiệp, tập trung vào 3 nội dung chính là kết nối, thu nhập và thấu hiểu. Năm 2013, cơ quan khoa học – công nghệ và nghiên cứu (A*STAR) đã cho ra đời chương trình Technology Adoption Program (TAP) có trị giá 51 triệu USD. Chương trình này đã giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nỗ lực hơn trong việc chuyển đổi khoa học – công nghệ số. Năm 2019, cơ quan Phát triển Truyền thông thông tin Singapore (IMDA – Infocomm Media Development Authority) đã triển khai các chương trình như “5G Inovation”. Mục đích nghiên cứu các chương trình này là để đánh giá những tác động của 5G lên nền kinh tế, vấn đề an ninh mạng nhằm đưa ra những chính sách, quy định phù hợp trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới và phát triển. Nhằm bảo đảm hạ tầng số của nền kinh tế, Singapore ban hành Luật an ninh mạng năm 2018, Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân. Việc này vừa tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thu thập, sử dụng, chia sẽ dữ liệu cá nhân, đồng thời giúp tăng cường bảo vệ hạ tầng thông tin quan trọng, bảo vệ dữ liệu của cá nhân, doanh nghiệp.

          Thứ hai, chuẩn bị nguồn nhân lực cho kinh tế số. Singapore đặc biệt chú ý xây dựng, phát triển các chuyên gia công nghệ số và đội ngũ các nhà lãnh đạo số trong các doanh nghiệp. Singapore tích cực xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao, trang bị các kỹ năng số cho lực lượng lao động hiện có. Bên cạnh đó, Singapore đã chú trọng phát triển nhân lực ngành công nghệ thông tin với việc tập trung vào đào tạo liên tục và chú trọng đào tạo các kỹ năng mới cho nhân lực ngành này, tăng cường đào tạo lãnh đạo chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ

          Thứ ba, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, Singapore xây dựng kế hoạch toàn diện hỗ trợ các doạnh nghiệp chuyển đổi số trên diện rộng và hỗ trợ chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực. Khi xây dựng các kế hoạch chuyển đổi số, chính phủ Singapore luôn dành nguồn ngân hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng năng lực số ở từng giai đoạn cụ thể. Các doanh nghiệp Singapore cũng nhận được sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ cho các giải pháp công nghệ được phê duyệt để số hóa.

1.2. Thái Lan

Thái Lan được xem là một điển hình về chuyển đổi số ở khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, Thái Lan đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nhằm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 sẽ đưa tỷ lệ đóng góp của vào GDP quốc gia của nền kinh tế số lên 30%. Trong thời gian qua, Thái Lan đã thực hiện nhiều chính sách ưu tiên phát triển chuyển đổi số trong nền kinh tế.

Thứ nhất, xây dựng chính sách Thái Lan số. Năm 2014, Thái Lan công bố “Thái Lan 4.0” là mô hình kinh tế nhằm chuyển đổi Thái Lan từ nền kinh tế được định hướng bởi công nghiệp sang nền kinh tế được định hướng bởi công nghệ cao. Nền kinh tế này được thúc đẩy bởi công nghệ, sáng tạo và đổi mới. Trọng tâm của nó là thay đổi từ sản xuất sản phẩm sang cung cấp dịch vụ. Chính phủ Thái Lan đưa ra “Chính sách Thái Lan số” với mong muốn xây dựng một xã hội và nền kinh tế số, giúp Thái Lan có thể trở thành “nhà lãnh đạo số”.

Thứ hai, thành lập Quỹ Phát triển kinh tế và xã hội số (Quỹ kinh tế số) với mục đích là hỗ trợ, phát triển nền kinh tế số ở Thái Lan, trước mặt tập trung phát triển, nâng cấp hạ tầng viễn thông của Thái Lan. Quỹ hoạt động dựa trên tài trợ kinh phí từ ngân sách hàng năm của Chính phủ, từ 50% phí cấp phép của Ủy ban Phát thanh và Viễn thông quốc gia và các nguồn khác.

Thứ ba, xây dựng khung pháp lý cho phát triển số. Thái Lan đã đề xuất và xây dựng luật riêng về phát triển số trên cơ sở hợp nhất của ba luật là Luật xúc tiến kinh tế và xã hội số, Luật về Quỹ phát triển kinh tế và xã hội số, Luật về Ủy ban Kinh tế và Xã hội số. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng đã soạn thảo, sửa đổi, ban hành mới 8 dự thảo luật có liên quan đến phát triển số: Luật tội phạm máy tính (sửa đổi), Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật xúc tiến kinh tế số, Luật phát triển kinh tế và xã hội số, Luật an ninh mạng, Luật giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật quản lý phát thanh và viễn thông (sửa đổi), Luật về Cơ quan phát triển giao dịch điện tử. Những văn bản pháp luật nêu trên là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện các mục tiêu kinh tế số và là một phần của chính sách kinh tế số của Thái Lan.

Thứ tư, thành lập các cơ quan chuyên trách, hỗ trợ phát triển số. Trong Luật phát triển số nêu rất rõ về việc thành lập Ủy ban Kinh tế số do Thủ tướng làm chủ tịch và Cơ quan xúc tiến kinh tế và xã hội số. Mục tiêu của cơ quan này là xúc tiến, hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp số, hỗ trợ các chủ thể trong nền kinh tế ứng dụng công nghệ số để mang lại lợi ích cho nền kinh tế.

  1. Bài học rút ra cho phát triển chuyển đổi số trong nền kinh tế của Việt Nam

Một là, cần có sự thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò và nội hàm của kinh tế số trong xây dựng và hoạch định chính sách phát triển của đất nước. Từ sự nhận thức được đúng đắn, các nước nghiên cứu đã hình thành các chiến lược toàn diện và cơ quan chuyên trách nền kinh tế số. Qua đó, các quốc gia này có thể định hướng chính xác chính sách phát triển kinh tế số, đồng thời phân bổ nguồn lực hợp lý và hiệu quả để triển khai trong thực tế.   

Hai là, cần hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho phát triển kinh tế số.  Quy hoạch ngành về ứng dụng công nghệ thông tin cần được công bố để làm cơ sở ban hành các chuẩn trao đổi thông tin giữa các cơ quan, đơn vị. Từ đó, tạo sự liên kết, đồng bộ trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển hạ tầng. Điểm chung của các quốc gia được nghiên cứu là đều xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số. Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số cần được xây dựng trên cơ sở đặt ra các mục tiêu rõ ràng, chỉ rõ vai trò của các cơ quan, ban, ngành trong việc phối hợp xây dựng xã hội số, kinh tế số. 

Ba là, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng số. Kinh nghiệm các nước cho thấy để phát triển kinh tế số thì phải đầu tư vào kết cấu hạ tầng số vì nền kinh tế số dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Cần khẩn trương triển khai hiệu quả các mạng lưới băng thông rộng quốc gia tốc độ cao, các trung tâm dữ liệu và cơ sở dữ liệu. Với các nước có nguồn lực tài chính công còn hạn chế, cần có các chính sách cụ thể để thúc đẩy, thu hút nhiều hơn nữa khu vực tư nhân vào đầu tư cho phát triển hạ tầng số.

          Bốn là, đầu tư phát triển nguồn nhân lực số. Việt Nam cần đặc biệt chú ý xây dựng, phát triển các chuyên gia công nghệ số và đội ngũ các nhà lãnh đạo số trong các doanh nghiệp. Cần trang bị cho người dân kỹ năng số cơ bản thông qua việc chuẩn hóa giáo dục khung kỹ năng số, đưa kiến thức, kỹ năng số vào các chương trình giảng dạy các bậc phổ thông và đại học. Đối với lực lượng lao động phổ thông hiện có, Việt Nam cần quan tâm đổi mới giáo dục, đào tạo bồi dưỡng để tái đào tạo lực lượng lao động hướng tới đáp ứng yêu cầu của công nghệ số.    

  1. Kết luận

          Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới, đều rất coi trọng chuyển đổi số trong nền kinh tế, coi đây là bước phát triển mới, mô hình kinh tế mới trong tương lai và đưa ra các giải pháp để chuyển đổi sang kinh tế số. Hiện nay các quốc gia Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan đều đạt được những thành công nhất định trong việc phát triển chuyển đổi số trong nền kinh tế. Bài viết đã nghiên cứu kinh nghiệm của hai quốc gia này và rút ra một số bài học có thể áp dụng để phát triển nền kinh tế số của Việt Nam trong thời gian tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Thông tin và Truyền thông (2021), Báo cáo xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2030, Việt Nam
  2. PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng (2020), Kinh nghiệm một số nước ASEAN về phát triển kinh tế số và tham khảo cho Việt Nam, truy cập tại: Kinh nghiệm một số nước ASEAN về phát triển kinh tế số và tham khảo cho Việt Nam (hdll.vn)
  3. TS. Phạm Mạnh Hùng – TS. Bùi Khắc Linh (2021), Giải mã bí quyết chuyển đổi số của Singapore - Bài 2: Cách Singapore bịt lỗ hổng kỹ năng cho số đông nhân lực, truy cập tại: Cách Singapore bịt lỗ hổng kỹ năng cho số đông nhân lực - VietNamNet
  4. TS. Bùi Kim Thanh – ThS. Lê Minh Hằng (2020), Phát triển kinh tế số tại Thái Lan và những gợi ý cho Việt Nam, truy cập tại https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/817243/phat-trien-kinh-te-so-tai-thai-lan-va-nhung-goi-y-cho-viet-nam.aspx
  5. Worldbank (2019), The Digital Econ-omy in Southeast Asia: Strengthening the Foundarations for Future Growth, http://docu-ments1.worldbank.org

 

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube