^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI VÀO TỈNH HÀ TĨNH- CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC

 

  1. Thực trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Hà Tĩnh

Thời gian vừa qua,  FDI đã và đang là một kênh bổ sung vốn rất quan trọng cho kinh tế Hà Tĩnh, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển và tăng trưởng kinh tế. Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định: “Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư từ ngân sách có hạn và để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và tăng thu ngân sách nhà nước thì nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và FDI có vai trò hết sức quan trọng”. Năm 2022, Hà Tĩnh là tỉnh đứng thứ 9 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Để có được kết quả này, trong thời gian qua, Hà Tĩnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đầu tư như: Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết 87/2018/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ đăng ký thành lập mới hộ kinh doanh và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 22/11/2021 của Bí thư Tỉnh ủy về đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo; Kế hoạch số 338/KH-UBND ngày 20/10/2021 của UBND tỉnh về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chuyển đổi số trong doanh nghiệp hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025… Bên cạnh đó, Hà Tĩnh đã tổ chức hiệu quả các hoạt động truyền thông quảng bá lãnh thổ dưới nhiều hình thức khác như: tổ chức các Hội nghị xúc tiến đầu tư;  Tổ chức các buổi làm việc, khảo sát thực tế với các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư; Đón tiếp và làm việc với nhiều đoàn đối tác, nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu, nghiên cứu, đầu tư vào Hà Tĩnh; Xây dựng cơ sở dữ liệu, các ấn phẩm, tài liệu cho hoạt động xúc tiến đầu tư…

 

 

Về kết quả thu hút vốn đầu tư năm 2023, trên địa bàn Hà Tĩnh, có 69 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký lên đến hơn 16 tỷ USD tập trung vào các lĩnh vực: hạ tầng khu công nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ, thương mại dịch vụ… Theo số liệu của Niên giám thống kê tỉnh Hà Tĩnh (2023), số dự án FDI được cấp phép nhiều nhất thuộc về lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với 37 dự án tương đương với số vốn đăng ký là hơn 13 tỷ đô la Mỹ. Bên cạnh đó, các dự án khác tập trung vào các ngành nghề: Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí, xây dựng, bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác, bận tải, kho bãi, Dịch vụ lưu trú và ăn uống, Hoạt động kinh doanh bất động sản và Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ. Nhiều lĩnh vực thu hút được vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa hiệu quả như: nông nghiệp, lâm sản, thủy sản; Giáo dục và đào tạo; Y tế và hoạt động giúp đỡ xã hội…

Hiện có 11 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư vào Hà Tĩnh, bao gồm các đối tác chủ yếu là: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, Mỹ, Lào, Brunei… Các nhà đầu tư nước ngoài vào Hà Tĩnh chủ yếu là các nhà đầu tư châu Á, chưa có nhiều dự án của các nhà đầu tư đến từ các châu lục khác. Đài Loan có số lượng dự án đầu tư nhiều nhất với 39 dự án, tương đương vốn đăng ký là gần 13 tỷ đô là Mỹ. Đồng thời, Hà Tĩnh cũng là địa phương dẫn đầu về vốn đầu tư của Đài Loan tại Việt Nam.

  1. Cơ hội và thách thức trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Hà Tĩnh

2.1. Cơ hội

Thứ nhất, hoạt động thu hút FDI của Hà Tĩnh diễn ra trong bối cảnh Việt Nam tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường giao lưu, hợp tác với các quốc gia/lãnh thổ trên thế giới. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 16 Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và 2 hiệp định thương mại tự do đang đàm phán. Sự hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng giúp quảng bá hình ảnh của Việt Nam đến các nước đối tác, điều này tạo cơ hội cho các địa phương của Việt Nam có cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, sự giao lưu, học hỏi giữa các quốc gia hỗ trợ Hà Tĩnh trong việc học hỏi kinh nghiệm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các địa phương/quốc gia đã có nhiều thành công trong hoạt động thu hút FDI. Nhờ đó, Hà Tĩnh có thể chọn lọc các bài học kinh nghiệm phù hợp để áp dụng trong quá trình thực hiện tại địa phương.

Thứ hai, khoa học công nghệ ngày càng phát triển hỗ trợ Hà Tĩnh trong việc tiếp cận các thông tin về nhà đầu tư nước ngoài, cũng như thực hiện các hoạt động truyền thông, quảng bá hình ảnh hiệu quả và linh hoạt hơn. Quá trình chuyển đổi số đang diễn ra trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số trong nền kinh tế Việt Nam. Hà Tĩnh có thể áp dụng các kết quả này để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào địa phương.

Thứ ba, Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ sau dịch bệnh Covid-19 và tiếp tục ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư. Theo Tổng cục thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 là 2,58% và đã tăng vọt lên 8,02% năm 2022. Việt Nam đang nhanh chóng khôi phục các hoạt động kinh tế trong nước cũng như thương mại xuyên quốc gia trở thành một điểm cộng rất lớn của Việt Nam trong thu hút vốn FDI.

Thứ tư, tại Việt Nam hiện nay có nhiều tỉnh thành đã thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài như Bắc Ninh, Đà Nẵng, Bình Dương... Tỉnh Nghệ An, cùng khu vực Bắc Trung Bộ và có nhiều điểm tương đồng với Hà Tĩnh cũng đã có những sự đột phá trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong các năm vừa qua. Đây là cơ hội cho Hà Tĩnh có thể học hỏi kinh nghiệm của các địa phương này để áp dụng trong các hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào địa phương.

2.2. Thách thức

Thứ nhất, vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên gây ra một số bất lợi cho Hà Tĩnh trong kêu gọi thu hút đầu tư. Hà Tĩnh nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, không nằm trong vùng kinh tế trọng điểm được ưu tiên phát triển của Việt Nam. Hà Tình có thời tiết và khí hậu khá khắc nghiệt và thường xuyên xảy ra bão lũ. Điều này gây ra tâm lý e ngại cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi tìm hiểu để đầu tư vào Hà Tĩnh.

Thứ hai, đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu đang thiếu ổn định và có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Theo báo cáo của Hiệp hội Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn giảm 12% trong năm 2022 do ảnh hưởng của của các cuộc khủng hoảng đa tầng đang diễn ra trên toàn thế giới. Điều nay gây ra các khó khăn cho việc thu hút FDI vào các quốc gia, các địa phương, trong đó có Hà Tĩnh.

Thứ ba, sự cạnh tranh thu hút FDI không chỉ diễn ra giữa các quốc gia mà còn diễn ra giữa các địa phương trong cùng một quốc gia. Hà Tĩnh gặp một số bất lợi hơn về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng... so với nhiều địa phương khác trong cả nước. Điều này tạo ra một số bất lợi cho Hà Tĩnh trong cạnh tranh thu hút FDI vào địa phương.

Thứ tư, môi trường đầu tư tại Việt Nam nói chung, Hà Tĩnh nói riêng còn thiếu tính ổn định. Hệ thống pháp luật liên quan đến thu hút đầu tư còn thiếu đồng bộ, đã dẫn đến tình trạng vướng mắc trong quá trình thực thi. Các quy định của pháp luật về thủ tục, hồ sơ, giấy tờ còn phức tạp, một số quy định chưa rõ ràng, dẫn đến nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau, gây khó khăn trong việc tìm hiểu và thực hiện của nhà đầu tư.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Tổng cục thống kê, Cục Thống kê Hà Tĩnh (2023), Niên giám thống kê tỉnh Hà Tĩnh năm 2022, Nhà xuất bản Thống kê
  2. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh (2023), Báo cáo tình hình tình hình phát triển của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh
  3. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định về việc phê duyệt quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội.
  4. Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh (2019-2022), Chương trình xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh năm 2019-2022.

 

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube