^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

Tình hình xuất khẩu ngành hàng giày dép của Việt Nam

  1. Đặt vấn đề

Kể từ năm 1998, giày dép luôn là một trong những mặt hàng xuất khẩu nằm trong nhóm vượt mức tỷ USD của Việt Nam, đồng thời với các lợi thế nguồn nhân công, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư của nhà nước, Việt Nam cũng trở thành một trong những địa điểm hấp dẫn các thương hiệu giày dép quốc tế về đặt nơi sản xuất, thay thế cho thị trường Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Dù được đánh giá là một trong những ngành hàng truyền thống có thế mạnh nhưng đứng trước những thay đổi và yêu cầu mới từ thế giới, ngành sản xuất giày dép tại Việt Nam đã bộc lộc nhiều hạn chế trong khả năng tự chủ nguồn cung nguyên phụ liệu hay năng lực tự sản xuất các mặt hàng có giá trị cao,... Do đó, tạo ra những khó khăn trong vận hành kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất giày dép và ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu của Việt Nam.

  1. Tình hình xuất khẩu hàng giày dép tại Việt Nam hiện nay

Giày dép là một trong những ngành công nghiệp xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang xếp thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu giày dép, chiếm 10% tổng lượng xuất khẩu toàn thế giới và có mặt hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cụ thể:

+ Về giá trị xuất khẩu giày dép

Bảng 1: Kim ngạch xuất khẩu hàng giày dép của Việt Nam giai đoạn 2020 – 2023

Nội dung

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam (tỷ USD)

282,63

336,16

371,85

354,67

Kim ngạch xuất khẩu hàng giày dép của Việt Nam (tỷ USD)

16,79

17,75

23,89

20,24

Trong đó: Kim ngạch xuất khẩu giày dép của doanh nghiệp FDI

13,25

14,00

17,89

16,3

Tăng trưởng KNXK giày dép năm này so với năm trước (%)

-8,3

5,72

34,59

-15,28

Tỷ trọng kim ngạch  xuất khẩu giày dép trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (%)

5,94

5,28

6,42

5,71

Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu giày dép của doanh nghiệp FDI (%)

78,91

78,87

74,88

80,53

Nguồn: Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan

Trước năm 2020, xuất khẩu giày dép của Việt Nam đã không ngừng gia tăng, đến năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến tình hình xuất khẩu bị gián đoạn, kim ngạch xuất khẩu giảy dép giảm xuống 8,3% so với năm trước. Dù vậy, năm 2020 cũng là năm đầu tiên Việt Nam xuất khẩu vượt mức 10% tổng sản lượng giày dép của toàn thế giới. Từ năm 2021, nền kinh tế hồi phục dần ở nhiều quốc gia, chuỗi sản xuất quốc tế được khôi phục làm hoạt động xuất khẩu giày dép tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, đến năm 2023, do ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế thế giới, các thị trường chính của giày dép Việt Nam như Mỹ, EU ở trong tình trạng lạm phát cao, lượng hàng tồn kho lớn, ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu giày dép tại các thị trường này, do vậy các doanh nghiệp Việt khó tìm kiếm đơn hàng và làm tốc độ tăng trường của ngành giảm 15,28% vào năm 2023 tương ứng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 20,24 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 5,71% so với tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc. Tính riêng giai đoạn 2020 - 2023, kim ngạch xuất khẩu giày dép trung bình đáp ứng hơn 10% giá trị tổng cầu nhập khẩu giày dép của toàn thế giới, tương ứng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng giày dép chiếm khoảng 6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Hiện nay, Việt Nam là nước xuất khẩu giày dép lớn thứ 2, chỉ đứng sau Trung Quốc.

Mặt khác, dù là nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu cao của ngành lại chủ yếu đến từ khối doanh nghiệp FDI, giá trị xuất khẩu do doanh nghiệp trong nước tạo ra đang thấp, chỉ chiếm tỷ trọng xấp xỉ từ 20 đến 25%. Điều này cho thấy hiệu quả thương mại quốc tế của ngành đang phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp nước ngoài, do đó nếu không quản lý tốt thì hiệu quả thu được từ hoạt động xuất khẩu sẽ không bền vững trong tương lai. Ngoài ra, dù là sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cao nhưng thặng dư thương mại của giày dép lại không lớn, nguyên nhân là tỷ lệ nguyên phụ liệu để gia công, sản xuất ra sản phẩm giày dép các loại còn chiếm tỷ trọng cao, theo thống kê của Bộ Công thương, tỷ lệ nguyên phụ liệu chiếm tới từ 68% đến 75% trong tổng giá thành, trong khi đó tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam mới chỉ đạt xấp xỉ 40% đến 45%. Điều này cho thấy việc sản xuất các sản phẩm giày dép tại Việt Nam vẫn còn phụ thuộc lớn vào nguồn cung bên ngoài, doanh nghiệp trong nước chưa chủ động sản xuất đủ nguyên phụ liệu, đặc biệt nguồn nguyên  liệu cao cấp lại chỉ có 20 doanh nghiệp trong nước có khả năng cung ứng nên gây nhiều bất lợi cho việc chủ động hoạt động sản xuất giày dép nhằm phục vụ yêu cầu xuất khẩu.

+ Về thị trường xuất khẩu giày dép

Bảng 2: Kim ngạch xuất khẩu hàng giày dép Việt Nam sang một số thị trường chủ yếu (tỷ USD)

Thị trường

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Mỹ

6,30

7,44

9,6

7,16

EU

4,26

4,04

5,8

4,91

Trung Quốc

2,07

1,60

1,7

1,87

Nhật Bản

0,85

0,81

1,1

1,05

Khác

3,31

3,86

5,69

5,25

Tổng

16,79

17,75

23,89

20,24

Nguồn: Hiệp hội da giày – túi xách Việt Nam, Tổng cục Hải quan

Hàng giày dép Việt Nam chủ yếu xuất khẩu vào 4 thị trường chính là Mỹ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản, tổng giá trị xuất khẩu vào 4 thị trường này tính chung cả giai đoạn 2020-2023 đạt trung bình trên 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đặc biệt riêng thị trường Mỹ đã chiếm tỷ trọng xấp xỉ từ 35% đến hơn 41% trong tổng giá trị xuất khẩu hàng giày dép mỗi năm – là thị trường xuất khẩu số 1 của nước ta. Nhìn chung, hầu hết 4 thị trường chính đều là các thị trường khó tính, có yêu cầu cao về chất lượng, mẫu mã cũng như tiêu chuẩn xuất xứ và môi trường chặt chẽ.

  1. Một số khó khăn đối với xuất khẩu hàng giày dép của Việt Nam

Bên cạnh một số lợi thế để sản xuất giày dép như chi phí lao động cạnh tranh, môi trường kinh doanh ổn định, độ mở ngoại thương cao... thì các doanh nghiệp xuất khẩu giày dép ở Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, cụ thể:

Thứ nhất, xu thế phát triển bền vững từ các thị trường nhập khẩu đặt ra tiêu chuẩn các sản phẩm giày dép Việt Nam nếu muốn nhập khẩu vào Mỹ hay EU cần phải đáp ứng các yêu cầu về chất thải, điều kiện làm việc của người lao động hay môi trường. Đặc biệt một trong các thị trường chính của Việt Nam là Châu Âu với quy định mới về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon theo lộ trình áp dụng vào năm 2030, khi đó, yêu cầu mới sẽ tạo ra thách thức lớn cho doanh nghiệp sản xuất giày dép vì đặc trưng của ngành này là có lượng phát thải lớn trong quá trình sản xuất, vì vậy nếu tự doanh nghiệp không kịp thay đổi để thích ứng thì hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp rủi ro và đánh mất thị trường trên quốc tế... Do đó, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu giày dép ở Việt Nam cần phải nhanh chóng xanh hóa trong mọi quy trình, minh bạch chuỗi cung ứng để đáp ứng các điều kiện xuất khẩu mới và tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

Thứ hai, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh các sản phẩm xuất khẩu giày dép của Việt Nam vẫn chưa cao, đồng thời giá trị xuất khẩu đang phụ thuộc lớn vào khối doanh nghiệp FDI với tỷ lệ lên tới 80% tổng giá trị xuất khẩu. Mặt khác, dù là nước xuất khẩu giày dép thứ 2 thế giới nhưng nguyên phụ liệu để sản xuất giày dép vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu từ bên ngoài, theo Bộ Công thương mỗi năm nước ta nhập khẩu trung bình 300 triệu USD nguyên phụ liệu, chỉ tập trung cho dòng sản phẩm trung bình-khá, do đó làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng tới tính chủ động và hiệu quả cũng như tiến độ sản xuất các đơn hàng. Ngoài ra, sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ nước ngoài dẫn đến tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm giày dép Việt Nam chỉ đạt khoảng 40-45% gây ra khó khăn trong việc đáp ứng tiêu chuẩn để được hưởng các lợi ích xuất khẩu như cắt giảm thuế quan từ một số các hiệp định thương mại như EVFTA. Hơn nữa, dù là nước được nhiều hãng giày dép lớn như Nike hay Adidas lựa chọn là nơi đặt công xưởng sản xuất chính, nhưng phần lớn các yếu tố cung ứng đầu vào cho các công ty này lại do các doanh nghiệp FDI thực hiện, khiến cho Việt Nam không tận dụng được hết các lợi thế sau khi thu hút được sự đầu tư của các thương hiệu lớn trong ngành.

Thứ ba, sản phẩm giày dép là ngành hàng thời trang nên cần được thay đổi mẫu mã và kiểu dáng thương xuyên nhưng doanh nghiệp sản xuất giày dép Việt Nam lại chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên không có đủ nguồn lực để đầu tư thiết kế. Do đó, ở Việt Nam chưa có thương hiệu mạnh trong ngành giày dép để xuất khẩu ra nước ngoài. Điều này làm giảm tỷ suất lợi nhuận của ngành do hạn chế về sản xuất và xuất khẩu đối với nhóm mặt hàng có giá trị cao.

  1. Một số giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu ngành hàng giày dép của Việt Nam

Thứ nhất, đầy mạnh chuyển đổi số và thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp. Nếu thực hiện chuyển đổi số tốt sẽ giúp các doanh nghiệp giày dép minh bạch hóa chuỗi cung ứng, cải thiện chi phí quản lý và nâng cao năng suất lao động hiệu quả, từ đó đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu hiện nay. Để làm được điều này, các doanh nghiệp trong nước cần chú trọng đổi mới công nghệ như vận dụng các công nghệ in 3D, laser 3D nhằm giảm chu kỳ sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu, thân thiện với môi trường, thực hiện quản lý, mở rộng thị trường nguồn cung, xây dựng và tiêu chuẩn hóa quy trình sản xuất - cung ứng, đẩy mạnh tự động hóa, nghiên cứu xu hướng, mở rộng hoạt động tiếp thị, đặc biệt là thực hiện quảng bá trên các kênh thương mại điện tử. Bên cạnh áp dụng các máy móc, thiết bị hiện đại, doanh nghiệp cũng cần chú trọng đổi mới cách thức quản lý và vận hành doanh nghiệp, thực hiện đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, khả năng sử dụng máy móc, thiết bị trong quá trình sản xuất và gia công cho người lao động.

Thứ hai, phát triển công nghiệp phụ trợ, đáp ứng nguồn nguyên vật liệu từ trong nước. Hiện nay, các sản phẩm phụ trợ sản xuất trong nước chủ yếu là các mặt hàng thâm dụng lao động như mút xốp, miếng đệm lót giày, hộp đựng giày, đũa chống giày, sắt lót đế, keo dán, phom giày... còn các loại nguyên liệu kỹ thuật cao, quan trọng như đế, lót thì trong nước hầu như chưa sản xuất được. Mặc dù đã có nhà máy sản xuất giày hoàn chỉnh nhưng sản lượng và chất lượng đều chưa hoàn thiện. Vì vậy, để chủ động sản xuất, các doanh nghiệp giày dép trong nước cần xây dựng chuỗi liên kết, cung ứng đầu vào bằng cách tăng cường liên kết theo ngành, đối với các doanh nghiệp sản xuất nội địa cần tích cực chuyển đổi, nâng cao năng lực quản trị và vận hành để có đủ năng lực cùng hợp tác, tham gia vào chuỗi cung ứng  với các doanh nghiệp FDI đang đặt tại trong nước.

Thứ ba, nâng cao chất lượng hàng giày dép. Giày dép là nhóm mặt hàng thời trang, do đó không chỉ là chủ yếu làm theo đơn đặt hàng và gia công, các doanh nghiệp trong ngành cần phối hợp với nhau để xây dựng được thương hiệu sản phẩm có giá trị, như vậy mới chủ động trong tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần có các chính sách hỗ trợ về vốn, kinh nghiệm, kỹ thuật, quản trị cho các doanh nghiệp giày dép tại Việt Nam.

Kết luận

Giày dép là ngành đóng góp đáng kể cho kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tuy nhiên, dù đã có những thành tựu, giày dép Việt Nam vẫn tồn tại nhiều vấn đề cần được quan tâm giải quyết như chưa có sản phẩm thương hiệu mạnh, sự thiếu hụt về nguồn cung, trình độ công nghệ và giá trị thặng dư thương mại còn thấp,... Thời gian tới, giày dép sẽ là một trong những ngành phải đối mặt với cuộc cải cách lớn do sự thay đổi trong xu thế sản xuất và tiêu dùng sản phẩm trên thế giới, do đó, các doanh nghiệp giày dép Việt Nam cần phải nhanh chóng tái cấu trúc hệ thống quản lý, tổ chức lại phương thức vận hành sản xuất - bán hàng nhằm có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất xanh - bền vững trong tình hình mới.

Tài liệu tham khảo:

Bộ Công thương (2023), Báo cáo xuất khẩu Việt Nam 2022, NXB Hồng Đức, Hà Nội.

Đặng Văn Phòng (2023), Ngành da giày hướng tới giải pháp trung và dài hạn, Tạp chí Công thương điện tử, từ https://tapchicong thuong.vn/bai-viet/nganh-da-giay-huong-toi-giai-phap-trung-va-dai-han-108093.htm

Thái Bình (2024), Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 68,45% kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong năm 2023, từ https://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/ pages_r/l/ chi-tiet-tin? dDocName =MOFUCM300353

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube