^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

Nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh theo hướng bền vững

Là một tỉnh có tỉ trọng nông nghiệp chiếm gần 20% trong GDP năm 2014, Hà Tĩnh luôn xác định tầm quan trọng của nông nghiệp đối với tăng trưởng và phát triển của tỉnh. Và nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất nông nghiệp là một trong những yếu tố mang tính quyết định đến phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh.

Hà Tĩnh là một trong sáu tỉnh nằm ở duyên hải Bắc Trung Bộ với tổng diện tích 5.997,18 km2, chiếm khoảng 1,8% tổng diện tích cả nước, có miền núi, đồng bằng và ven biển với hơn 137km đường bờ biển và diện tích đất tự nhiên 599.718 ha, trong đó đất nông nghiệp 476.158 ha, chiếm 79,4%. Dân số tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2014 là 1.227.554 người, trong đó dân số nông thôn 1.044.044 người, chiếm 85,05% là điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Là một tỉnh có tỉ trọng nông nghiệp chiếm gần 20% trong GDP năm 2014, Hà Tĩnh luôn xác định tầm quan trọng của nông nghiệp đối với tăng trưởng và phát triển của tỉnh. Và nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất nông nghiệp là một trong những yếu tố mang tính quyết định đến phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh.

NN1

Hà Tĩnh là tỉnh có cả vùng đồi núi, đồng bằng, ven biển với tổng số lao động nông nghiệp 433.930 người, chiếm 64,19% lao động xã hội, Hà Tĩnh có nhiều thuận lợi để phát triển một nền nông nghiệp theo hướng hiện đại. Là địa phương có dân số đứng thứ 22/63 tỉnh, thành của Việt Nam, số dân hiện tại của Hà Tĩnh hơn 1,3 triệu người. Quy mô lực lượng lao động của tỉnh khá lớn và có xu hướng tăng dần qua các năm: Năm 2009 là 644,76 nghìn người; năm 2011 có 694,79 nghìn người; năm 2014 hơn 701 nghìn người, chiếm hơn 55,9% dân số, phần lớn vẫn là lao động thuộc ngành nông nghiệp. Trong những năm qua, lực lượng lao động cho ngành nông nghiệp của tỉnh có nhiều sự thay đổi về cả số lượng và chất lượng:

- Về số lượng: Hà Tĩnh đang dần đa dạng hóa và lao động đang dần chuyển dịch từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp hoặc dịch vụ. Từ năm 2000, lực lượng lao động tham gia trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm, với mức thay đổi bình quân năm là -1,1%, trong khi đó, số lao động tham gia vào lĩnh vực công nghiệp -  xây dựng và dịch vụ - thương mại tăng với tỷ lệ lần lượt là 6,1% và 7,1%; tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản giảm từ 65,38% năm 2008 xuống còn hơn 57% năm 2014. Tuy vậy, đa số dân cư và lao động vẫn tập trung ở khu vực nông nghiệp - nông thôn. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh Hà Tĩnh có những chính sách đầu tư đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển bền vững ngành nông nghiệp.

- Về chất lượng nguồn lao động: Trong những năm qua, Hà Tĩnh đã chú trọng công tác đào tạo nghề, nâng cao kiến thức về nông nghiệp. Triển khai cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở, trung tâm dạy nghề tại các huyện, thị xã, thành phố tổ chức được 140 lớp/năm đào tạo các nghề nông nghiệp (thú y, bảo vệ thực vật, kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, chuyển giao công nghệ...) cho hơn 9.477 lượt nông dân. Tuy nhiên công tác đào tạo, tập huấn các lớp kĩ thuật canh tác mới, các lớp chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất NN vẫn còn yếu và chưa diễn ra rộng khắp trên toàn tỉnh, chất lượng đào tạo chưa cao. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ kĩ thuật có trình độ cao phục vụ cho sản xuất NN vẫn chưa thực sự được chú trọng. Trong giai đoạn 2011 - 2014, chỉ mới thu hút được 12 sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, 11 thạc sĩ về công tác trong ngành nông, lâm, ngư để quản lý sản xuất nông nghiệp Hà Tĩnh trong giai đoạn tới.

               Nhìn chung, Hà Tĩnh có lợi thế về số lượng lao động đông đảo tham gia trong lĩnh vực nông nghiệp, tuy vậy chất lượng nhân lực khu vực nông nghiệp, còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Số cán bộ nông nghiệp có trình độ cao, có khả năng ứng dụng, chuyển giao kĩ thuật về khoa học công nghệ vào sản xuất chưa nhiều. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân tham gia vào sản xuất các sản phẩm nông sản vẫn mang tính tự phát, chưa được đào tào bài bản, có hệ thống các kiến thức bài bản về sử dụng kĩ thuật mới, chuyển giao công nghệ cao trong sản xuất các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, các sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGap, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường ( đất, nước, không khí,…). Đây là một khó khăn lớn trong quá trình thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành NN tỉnh Hà Tĩnh theo hướng bền vững.

Tài liệu tham khảo:

  1. Ngô Thắng Lợi (2012), Giáo trình Kinh tế phát triển, NXB Đại học Kinh Tế Quốc Dân, Hà Nội.
  2. Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Tĩnh (2014), Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2016 – 2020.
  3. Lê Mậu Lâm, Tăng cường chính sách và nhân lực cho nông thôn, http://nongthonmoihatinh.vn/vi/news/Tin-trong-nuoc/Tang-cuong-chinh-sach-va-nhan-luc-cho-nong-thon-40573/
Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube