^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

Tác động của việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) tới kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam

Theo Hiến chương ASEAN có hiệu lực từ 15/12/2008, Cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economics Community – AEC)sẽ được thành lập vào cuối năm 2015, đánh dấu sự hội nhập toàn diện các nền kinh tế 10 nước Đông Nam Á, tạo ra thị trường chung của một khu vực có dân số 600 triệu người và GDP hàng năm khoảng 2.000 tỉ USD.

AEC

Về bản chất, AEC là một tiến trình hội nhập kinh tế khu vực chứ không phải là một thoả thuận hay hiệp định với các ràng buộc. Mục tiêu của AEC là tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên, thúc đẩy dòng chu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, và lao động có tay nghề trong khối.Bốn mục tiêu trụ cột của AEC được tuyên bố bao gồm: (1) thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất; (2) một khu vực kinh tế cạnh tranh; (3) một khu vực phát triển đồng đều; và (4) hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. AEC được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thương mại nội khối với việc hình thành thị trường chung, trong đó hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, và lao động có kỹ năng sẽ được dịch chuyển tự do hơn, giống như trong thị trường nội địa, đồng thời dòng vốn trong khu vực cũng được dịch chuyển tự do hơn. Với việc hình thành thị trường chung như vậy, AEC cũng hướng tới tạo lập một cơ sở sản xuất thống nhất khu vực ASEAN để nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh hơn xuất khẩu ra thị trường toàn cầu. Sau 20 năm gia nhập ASEAN (1995-2015), Việt Nam đã coi ASEAN như một ngôi nhà chung, vì vậy, việc hội nhập sâu hơn vào AEC là lẽ đương nhiên. Khi các mục tiêu của AEC hoàn thành, AEC sẽ mang lại cả những cơ hội và thách thức cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam.

Việc hình thành AEC có thể mang đến cho kinh tế Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng nhiều cơ hội để phát triển, trong đó có thể kể đến 4 cơ hội lớn sau đây.

Thứ nhất, AEC sẽ là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, nhanh chóng bắt nhịp với xu thế và trình độ phát triển kinh tế của khu vực và thế giới. AEC ra đời cùng với việc Việt Nam mở rộng các hiệp định tự do thương mại sẽ tạo động lực giúp các doanh nghiệp mở rộng giao thương, thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, cắt giảm chi phí nhập khẩu, hạ giá thành sản phẩm, tiếp cận các thị trường rộng lớn hơn. Khi AEC hình thành, các doanh nghiệp Việt Nam có thể bán hàng sang các nước ASEAN gần như bán hàng trong nước. Đây là một trong những thuận lợi đối với việc lưu chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp. Hơn nữa, các thủ tục xuất nhập khẩu sẽ đỡ rườm rà hơn và việc cải cách thủ tục xuất xứ, tiến tới cho phép doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thông quan hàng hóa sang các thị trường ASEAN.

Thứ hai, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường trao đổi thương mại, thu hút đầu tư, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực, với hoạt động xuất khẩu thuận lợi hơn nhờ rào cản thuế quan, phi thuế quan được tháo gỡ. Doanh nghiệp còn có thể tận dụng những hiệp định thương mại tự do (FTA) mà ASEAN đã kí kết với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand như ưu đãi thuế quan 0%, cũng như Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) sắp xây dựng. Trong thị trường chung AEC có 12 ngành công nghiệp được ưu tiên hội nhập gồm: sản phẩm từ nông nghiệp, hàng không (vận tải hàng không), ô tô, điện tử ASEAN, thủy sản, y tế, các sản phẩm cao su, dệt may và may mặc, du lịch, các sản phẩm gỗ và dịch vụ logistics cũng như thực phẩm, nông lâm sản.

Thứ ba, Việt Nam có cơ hội lớn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Với việc hình thành AEC, những ưu đãi về tự do di chuyển vốn sẽ gia tăng đầu tư lẫn nhau giữa các nước trong nội khối. Với một thị trường rộng lớn, với một môi trường FDI của các nước ngày càng được cải thiện trong tiến trình để hình thành một môi trường đầu tư chung, việc thu hút đầu tư sẽ có tính cạnh tranh cho toàn khu vực và Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ đó. Đồng thời, môi trường kinh doanh được mở rộng theo hướng minh bạch và bình đẳng hơn sẽ là điều kiện để thu hút đầu tư nước ngoài, không những từ các nước ASEAN mà cả từ các nước ngoài khối, đặc biệt là các nước đối tác thương mại của ASEAN vào Việt Nam để tham gia vào chuỗi giá trị khu vực.

Thứ tư, việc hình thành AEC sẽ tác động tới việc mở rộng thị phần và thay đổi cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam theo chiều hướng tích cực. Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam có điều kiện tốt để dịch chuyển tích cực hơn; chuyển dịch và thay thế dần các mặt hàng có lượng chế tác thấp (như các mặt hàng nông sản) sang mặt hàng tiêu dùng, hàng công nghiệp, nông sản chế biến, mỹ phẩm có giá trị cao và ổn định. Bên cạnh đó, việc hình thành AEC sẽ giúp Việt Nam có thể mở rộng thị phần các hàng hóa của mình trên các thị trường như ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Bên cạnh việc đem lại các cơ hội để phát triển kinh tế, việc hình thành AEC cũng mang lại cho kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng nhiều thách thức, trong số đó có thể kể đến một số thách thức nổi bật như sau.    

Thứ nhất, việc cạnh tranh về dịch vụ đầu tư của các nước ASEAN sẽ dẫn đến một số ngành, doanh nghiệp Việt Nam phải thu hẹp sản xuất, thậm chí rút khỏi thị trường. Thực vậy, hiện nay, đa số doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ, năng lực cạnh tranh hạn chế, các doanh nghiệp Việt Nam đối mặt không ít khó khăn, thách thức trong việc cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Khi AEC được thành lập, các nước trong nội khối sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam nhưng đồng thời Việt Nam cũng phải mở cửa cho hàng hóa cạnh tranh của các nước. Những doanh nghiệp có lợi thế xuất khẩu sẽ ngày càng lớn mạnh hơn, trong khi doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh yếu đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ gặp thách thức nghiêm trọng.

Thứ hai, giữa Việt Nam và các nước ASEAN còn có sự chênh lệch về trình độ phát triển và năng lực cạnh tranh. Sự chênh lệch này thể hiện ở quy mô vốn của nền kinh tế, các doanh nghiệp, trình độ khoa học kỹ thuật, tay nghề lao động,… Những quốc gia có trình độ phát triển kinh tế thấp hơn trong khối như Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự xâm nhập của các nền kinh tế mạnh hơn. Thời điểm cộng đồng ASEAN bắt đầu có hiệu lực vào năm 2015, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu, sản phẩm, dịch vụ, đầu tư của các nước ASEAN, đặc biệt là khi các nước ASEAN loại bỏ các hàng rào phi thuế quan.  Để hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả, đóng góp chung vào xây dựng AEC, có tính cạnh tranh cao, Việt Nam và các nước ASEAN cần có những chính sách phù hợp để thu hẹp khoảng cách phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh hiệu quả hơn.

Thứ ba, Việt Nam đứng trước sức ép rất lớn về cải cách thể chế, tái cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ và năng lực cạnh tranh. Hiện nay, trình độ phát triển của Việt Nam còn kém xa nhiều quốc gia trong ASEAN do vậy, sức ép cải cách đặt ra với Việt Nam là rất lớn. Nền quản lý hành chính lạc hậu, nhiều thủ tục rườm rà gây ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đến năng lực cạnh tranh, chi phí về thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp Việt Nam. Có thể nói, cải cách thể chế, tái cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ khoa học-công nghệ và năng lực cạnh tranh đang là đòi hỏi cấp thiết đặt ra cho Việt Nam khi gia nhập AEC.

Thứ tư, Việt Nam sẽ đối mặt với sự di chuyển lao động, việc làm. Khi AEC trở thành hiện thực vào 2015, sẽ cho phép tự do di chuyển lao động có tay nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia và lao động có tay nghề của ASEAN tham gia vào hoạt động liên quan đến thương mại và đầu tư qua biên giới Việt Nam. Tám ngành nghề lao động dự kiến trong AEC được tự do di chuyển qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, gồm: kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ sư, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch. Trên thực tế, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp và có khoảng cách khá lớn so với các nước trong khu vực. Việt Nam còn thiếu nhiều lao động lành nghề, nhân lực qua đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của trị trường lao động và doanh nghiệp về tay nghề và các kỹ năng mềm khác. Trình độ ngoại ngữ của lao động Việt Nam chưa cao nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập. 

Tóm lại, thời điểm thành lập AEC đang đến gần, Việt Nam cần nhanh chóng chuẩn bị các nguồn lực để có thể đối phó với các thách thức và tận dụng các cơ hội mà AEC mang đến để phát triển nền kinh tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Trung tâm WTO – VCCI Việt Nam (2014), Tóm lược Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)

2. Tổng hợp thông tin tại các trang web như: trungtamwto.vn, cafef.vn, vov.vn, vneconomy.vn...

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube