Khủng hoảng kinh tế được biết đến bởi sự tác động và ảnh hưởng tiêu cực của nó tới sức sản xuất của nền kinh tế, sự tồn tại cả phát triển của các doanh nghiệp và đời sống mỗi người dân. 5 năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã cho thấy tăng trưởng GDP bị sụt giảm nặng nề. Năm 2009 bị ảnh hưởng lớn nhất bởi khủng hoảng kinh tế, sau đó có phục hồi lại vào năm 2010, nhưng từ 2011 đến nay, tình hình kinh tế vẫn khó khăn, mỗi năm lại giảm xuống. Tốc độ tăng trưởng của những ngành như công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều xuống thấp, nhất là 2012 công nghiệp tăng thấp nhất từ trước đến nay. Kết thúc năm 2013 cũng chưa thấy dấu hiệu phục hồi rõ ràng. Trước thực trạng đó, sáng 20/5/2014 Khoa Kinh tế - QTKD tổ chức Hội thảo khoa học” Khủng hoảng kinh tế tác động đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”. Hội thảo hướng đến mục tiêu xây dựng một diễn đàn thảo luận, hợp tác và trao đổi ý tưởng trên các lĩnh vực:
- Các vấn đề về kinh tế vĩ mô: Đánh giá lại về khủng hoảng kinh tế tại Việt Nam trong thời gian qua.
- Các vấn đề về kinh tế địa phương: Bài toán giải quyết tăng trưởng kinh tế tỉnh Hà Tĩnh.
- Các vấn đề kinh tế vi mô: Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh.
Hội thảo nhận được sự quan tâm nhiệt tình của một số cơ quan ban ngành như: Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND, Sở Kế hoạch Đầu tư, Kho bạc Nhà nước, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp trong tỉnh và đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của Ban Giám hiệu nhà trường cùng các phòng ban liên quan.
Những báo cáo được trình bày tại hội thảo bao gồm: Tác động khủng hoảng kinh tế tới các doanh nghiệp Hà Tĩnh, cơ hội và giải pháp, Gian lận thuế và các biện pháp hạn chế gian lận thuế thu nhập doanh nghiệp; Đánh giá môi trường cạnh tranh Hà Tĩnh, đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp sôi nổi cũng như sự chia sẻ khó khăn trong giai đoạn hiện nay từ phía các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý chức năng trong Tỉnh.
Các ý kiến thảo luận đã đề cập:
- Hà Tĩnh có tới 99% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, xuất phát điểm thấp chủ yếu từ các hộ cá thể, trình độ quản lý, nguồn vốn, nguồn nhân lực còn yếu. Do đó khi khủng hoảng xảy ra các doanh nghiệp không đối phó kịp thời. Khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp vẫn là nguồn vốn, các doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng, trong khi đó ngân hàng có vốn nhưng không cho vay được vì các doanh nghiệp không có tài sản thế chấp, không chứng minh được doanh nghiệp đảm bảo lành mạnh về mặt tài chính,… dẫn đến việc không đáp ứng được yêu cầu khi vay vốn. Mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp vẫn chưa có lời giải đáp: Doanh nghiệp cần vốn nhưng không vay được, còn ngân hàng khó tìm được khách hàng. Những cơ hội trong thời kỳ khủng hoảng khó có thể tận dụng được nếu không có lời giải đáp cho mối quan hệ trên.
- Về chỉ số năng lực cạnh tranh, năm 2012 Hà Tĩnh có sự sụt giảm nghiêm trọng về chỉ số PCI và thứ bậc cạnh tranh trong bảng sắp hạng toàn quốc. Trong tổng số 9 chỉ số cấu thành, chỉ có 2 chỉ số có ý nghĩa tích cực cải thiện PCI của Hà Tĩnh là chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân của tỉnh, và đào tạo lao động. Sự sút giảm hiệu quả hoạt động của hệ thống tư pháp trong việc bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp; chi phí thời gian cao; doanh nghiệp phải gánh chịu nhiều chi phí không chính thức do tình trạng tham nhũng và nhũng nhiễu của các cán bộ công chức là những nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực và làm giảm năng lực cạnh tranh toàn tỉnh.
- Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, các doanh nghiệp Hà Tĩnh phải đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Để các doanh nghiệp Hà Tĩnh thực sự chuyển biến mạnh mẽ, vượt qua khủng hoảng, cần những giải pháp đồng bộ, kịp thời, quyết liệt và bản thân doanh nghiệp phải xác định không phải thu hẹp hay mở rộng sản xuất, kinh doanh mà quan trọng hơn là xác định phải làm gì, làm như thế nào để phù hợp với năng lực của mình, đáp ứng được thị hiếu, nhu cầu của thị trường. Ngoài ra cần phải thực sự quan tâm đến xây dựng thương hiệu và văn hóa doanh nghiệp nhất là trong điều kiện hội nhập. Hà Tĩnh đang đẩy mạnh thu hút nguồn đầu tư nước ngoài doanh nghiệp phải tận dụng tối đa các nguồn lực, năng động, nhạy bén trong kinh doanh, cần phải hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp, tập trung vào các yếu tố nâng cao năng suất lao động, áp dụng và làm chủ khoa học kỹ thuật công nghệ, đa dạng hóa các nguồn vốn để không lệ thuộc vào nguồn vốn của ngân hàng, đẩy mạnh liên doanh liên kết với các đối tác nước ngoài để chuyển giao công nghệ, hình thành các doanh nghiệp mạnh tham gia hội nhập kinh tế, tập trung đầu tư các lĩnh vực tỉnh ưu tiên kêu gọi đầu tư để sự phát triển của mình là sự phát triển bền vững.
Kết thúc hội thảo, GS.TS NGuyễn Văn Đính - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường đã phát biểu chỉ đạo và có những nhận xét đánh giá về các nội dung như chỉ số năng lực cạnh tranh hiện nay của Hà Tĩnh đang bị giảm sút, vấn đề hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và Nhà nước trong việc nộp thuế và những tác động của khủng hoảng kinh tế cũng như các cơ hội mà các doanh nghiệp cần tận dụng.
Các ý kiến đóng góp đã gợi mở ra nhiều nội dung cần nghiên cứu cho cán bộ, giáo viên Khoa Kinh tế - QTKD, cũng như sự hợp tác trong nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến kinh tế với các doanh nghiệp, các sở ban ngành tỉnh trong tương lai.
Một số hình ảnh tại buổi Hội thảo:
Ông Hoàng Trung Thông, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ bàn về hiện trạng các doanh nghiệp Hà Tĩnh hiện nay
Ông Phạm Xuân Tịnh, P.GĐ công ty CP đầu tư và xây dựng số 1 Hà Tĩnh chia sẻ những khó khăn các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng đang phải đối mặt
Ông Phan Thành Biển, P.GĐ Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Tĩnh cung cấp các thông tin về PCI
GS, TS Nguyễn Văn Đính - Hiệu trưởng nhà trường đánh giá thực trạng nền kinh tế trong thời kỳ khủng hoảng và phát biểu chỉ đạo.