^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

Những khó khăn và một số biện pháp huy động và sử dụng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo đúng hướng dẫn của Trung ương và có giải pháp, bước đi phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm,  cho đến nay, nhiều địa phương ở Hà Tĩnh đã hoàn thành được tất cả các chỉ tiêu về nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ có 52 xã trong toàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới và không  còn xã dưới 8 tiêu chí. Để các địa phương hoàn thành mục tiêu về đích, cần có sự huy động một lượng lớn các nguồn lực.

NTM1

Tính đến nay, Tổng nguồn vốn huy động trong 5 năm là 42.836  tỷ đồng; trong đó tín dụng là 33.408 tỷ đồng (78%), vốn vay được hỗ trợ lãi vay trên 2.200 tỷ đồng. Đây là một nguồn lực cực kỳ quan trọng giúp các địa phương trong toàn tỉnh thực hiện tốt các tiêu chí để về đích đúng hẹn. Trong quá trình thực hiện, các địa phương cũng đang gặp phải khó khăn nhất định trong việc huy động và sử dụng các nguồn vốn như: Nguồn huy động từ doanh nghiệp còn hạn chế và có khoảng cách lớn nhất so với mục tiêu đề ra. Nguồn ngân sách trực tiếp cho Chương trình cũng đạt thấp so với mục tiêu đề ra.  Bên cạnh đó, nguồn NSTW bố trí cho Chương trình trong những năm qua còn chưa đảm bảo theo cam kết, nguồn vốn hỗ trợ chuyển về còn chậm đã ảnh hưởng tới kế hoạch và tiến độ triển khai thực hiện. Cơ chế lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án chưa rõ ràng và chưa quan tâm tới đặc thù từng địa phương. Tại nhiều địa phương hiện mới chỉ tiến hành ghép vốn đối với các công việc, mục tiêu có cùng nội dung, trong khi điều này lại gây khó trong tổng hợp kết quả đạt được của từng dự án, chương trình từ việc ghép các nguồn vốn của các chương trình, dự án trên địa bàn. Một điểm đáng quan tâm nữa là nguồn lực huy động từ dân cư có xu hướng tăng trong những năm đầu thực hiện nhưng sau đó giảm mạnh. Trong những năm đầu thực hiện, đóng góp của dân cư chủ yếu ở việc hiến đất và tài sản trên đất, nhưng những năm sau đó huy động từ dân cư sẽ giảm tương đối và chỉ tập trung ở hình thức đóng góp ngày công lao động và tiền mặt...

NTM2

Để đảm bảo nguồn lực tài chính cho các địa phương trong toàn tỉnh có thể về đích đúng thời hạn thì trên thực tế, chúng ta cần có một chiến lược kế hoạch huy động cụ thể. Theo đó, một trong những giải pháp nhằm đảm bảo thực hiện tốt việc huy động nguồn lực cho Chương trình là NSTW cần đảm bảo nguồn lực thực hiện Chương trình theo cam kết cũng như đảm bảo nguồn vốn được cấp đúng thời gian để bảo đảm tiến độ thực hiện Chương trình; Rà soát lại các chương trình để tránh sự trùng lắp trong đầu tư, đảm bảo nguồn lực thực hiện Chương trình bởi thực tế hiện nay có nhiều CTMTQG, CTMT có nội dung, hoạt động trùng lắp với CTMTQG xây dựng nông thôn mới. Đối với nguồn NSĐP, các địa phương chủ động sử dụng nguồn thu từ xổ số kiến thiết để đầu tư cho các công trình phúc lợi kinh tế - xã hội trên địa bàn xã theo quy định hiện hành.

Mục đích sử dụng nguồn vốn TDĐT phát triển của Nhà nước rõ ràng theo từng nội dung chương trình nên tránh được việc sử dụng vốn sai mục đích. Nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp và nhân dân đóng góp vào Chương trình nông thôn mới được quyết định sử dụng trên cơ sở lấy ý kiến của người dân nên đảm bảo tính minh bạch, việc sử dụng nguồn lực sẽ phù hợp với nhu cầu người dân

Bên cạnh đó, cần tăng cường nguồn thu cho NSĐP thông qua việc xác định lại nguồn thu phân cấp cho các địa phương trên cơ sở Luật NSNN sửa đổi và thông qua việc rà soát xác định quỹ đất, tạo quỹ đất sạch để thực hiện đấu giá; tăng cường công tác đấu giá quyền sử dụng đất và thu hẹp đối tượng giao đất; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, một số giải pháp khác cũng cần được tiến hành đồng bộ để đảm bảo thực hiện tốt việc huy động nguồn lực cho Chương trình là: Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tiếp cận tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn thông qua việc đơn giản hóa thủ tục hành chính về cho vay, nghiên cứu điều chỉnh linh hoạt đối tượng, phạm vi và điều kiện cho vay, tạo thuận lợi cho người dân trong vay vốn phát triển sản xuất nông nghiệp cũng như đa dạng hóa sản phẩm tín dụng và phát triển bảo hiểm nông nghiệp; Quan tâm cải thiện môi trường đầu tư ở nông thôn thông qua tăng đầu tư từ NSNN cho phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là ở các vùng khó khăn. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người dân nông thôn, gắn với nhu cầu thiết thực của người dân. Từ đó nâng cao khả năng kinh tế của người dân nông thôn nhằm tăng mức đóng góp trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tài liệu tham khảo:

[1]. UBND tỉnh Hà Tĩnh (2014), Báo cáo tình hình thực hiện đầu tư phát triển năm 2013, 2 tháng đầu năm 2014, ước thực hiện quý I/2014 và nhiệm vụ, giải pháp hoàn thành kế hoạch năm 2014.

[2]. http://www.hatinh.gov.vn/tintucsukien/tintrongtinh/Pages/X%C3%A2yd%E1%BB%B1ngn%C3%B4ngth%C3%B4nm%E1%BB%9Bi%E1%BB%9FH%C3%A0T%C4%A9nhK%E1%BA%BFtqu%E1%BA%A3b%C6%B0%E1%BB%9Bc%C4%91%E1%BA%A7uv%C3%A0nh%E1%BB%AFngkh%C3%B3kh%C4%83nc%E1%BA%A7nth%C3%A1og%E1%BB%A1.aspx

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube