Thông thường một doanh nghiệp với chiến lược tổng thể thường có các yếu tố như sứ mệnh, giá trị cốt lõi, tầm nhìn. Chiến lược thường được văn bản hóa, để trong đầu của người lãnh đạo doanh nghiệp hay chỉ viết ra các ý chính của chiến lược đó. Và để chia sẻ với tất cả mọi người trong doanh nghiệp được dễ dàng, thì có một cách vẽ trực quan nhất, dễ hiểu nhất đó là bản đồ chiến lược. Bản đồ chiến lược đang trở nên ngày càng quan trọng hơn, vì nó rất trực quan để diễn đạt chiến lược của doanh nghiệp. Vậy bản đồ chiến lược là gì?
Bản đồ chiến lược: giúp mô tả chiến lược của tổ chức theo trình tự logic và toàn diện thể hiện mối quan hệ nhân quả. Nó mô tả phương thức tổ chức tạo ra giá trị. Bản đồ chiến lược còn cung cấp mối liên hệ còn thiếu giữa việc hoạch định và triển khai chiến lược, đồng thời là cẩm nang mô tả, đo lường và kết nối các tài sản vô hình để có được hiểu quả hoạt động vượt trội. Nội dung của bản đồ chiến lược thể hiện rõ qua mô hình bản đồ chiến lược dưới đây:
Ở đây, có 4 tầng: Tài chính, khách hàng, quy trình và học hỏi & phát triển (con người) có mối quan hệ nhân quả, được nối với nhau bằng các mủi tên. Nếu xuất phát từ con người, được trang bị bởi vốn nhân lực (kỹ năng, đào tạo, nhân lực), vốn thông tin (hệ thống, mạng, cơ sở dữ liệu) và vốn tổ chức (văn hóa, kết nối, …) thì tạo ra được kết nối. Thứ nhất là kết nối họ công việc với nhau, thứ hai là kết nối CNTT, thứ ba là kết nối chiến lược làm thay đổi tổ chức. Từ con người, tạo được sự kết nối, dẫn đến hệ quả là những quy trình sẽ tốt lên, từ đó tạo ra những sảm phẩm / dịch vụ và làm cho khách hàng hài lòng hơn, làm cho tài chính tốt hơn. Nhân là con người, quả là tài chính. Những yếu tố về tài chính là những yếu tố trễ, những yếu tố về con người là những yếu tố sớm vì có thể can thiệp hàng ngày.
Mô hình bản đồ chiến lược nhìn chung là như vậy, nhưng để thể hiện nó phù hợp với chiến lược của bản thân doanh nghiệp không phải là điều dễ dàng. Đối với tập đoàn FPT cũng vậy. Để “đẻ” ra được những bản đồ chiến lược phiên bản đầu tiên cho tập đoàn và 7 công ty con, toàn bộ lãnh đạo các cấp của FPT đã họp lên họp xuống, mỗi tuần ít nhất 1 lần, trong vòng gần nửa năm. Bản đồ chiến lược phác họa quá trình tạo ra các giá trị và kết quả kinh doanh mong muốn thông qua mối quan hệ nhân - quả giữa các mục tiêu. Bản đồ này gồm 4 yếu tố, trong đó, 2 yếu tố bên ngoài (Tài chính, Khách hàng) được cân bằng với 2 yếu tố bên trong (Quy trình nội bộ, Học tập - phát triển). Tất cả những định hướng phát triển cũng như cách đạt được chiến lược của FPT đều được thể hiện rất rõ trên bản đồ
Bản đồ chiến lược của FPT được chia thành 3 mảng: Sản phẩm mới làm thay đổi FPT (Transforming FPT), Cải tiến lĩnh vực kinh doanh hiện tại (Innovating Current Business) và Quản trị hiệu quả (Operating Excellence). Trên bản đồ có các thẻ điểm gồm bộ mục tiêu chiến lược, chỉ tiêu đo lường và kế hoạch hành động tương ứng. Tất cả các chỉ số đều được thể hiện bằng màu sắc: Xanh (đạt từ 100% trở lên), Vàng (đạt từ 80-99%), Đỏ (từ 20-80%) và Tím (dưới 20%). Điểm đặc biệt của Bản đồ chiến lược là cho phép lãnh đạo nắm được tình hình hoạt động tới công ty cháu và thấp hơn nữa. Chẳng hạn,nếu một chỉ số của Công ty cháu mà “Đỏ” thì chỉ số đó của công ty Mẹ cũng “Đỏ” theo.“Lãnh đạo chỉ cần lướt qua, cứ chỗ nào “Đỏ” là click vào xem chi tiết vì sao “Đỏ”, “Chú” nào “đỏ” thì phải giải trình nguyên nhân và nêu các hành động xử lý, khắc phục phòng ngừa” – Tổng Giám đốc FPT Bùi Quang Ngọc chia sẻ. Điều này khác với cách quản lý trước kia, nếu công ty con có 5 công ty cháu, trong đó có 3 công ty không hoàn thành kế hoạch nhưng công ty con vẫn hoàn thành thì lãnh đạo Tập đoàn không thể biết được (do đã hoàn thành thì không phải giải trình). Như vậy nhờ bản đồ chiến lược, người chủ tập đoàn FPT có thể nắm vững hoạt động của từng công ty con, công ty cháu, điều đó sẽ góp phần rất lớn vào việcđảm bảo được sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
Tài liệu tham khảo: