Ra quyết định là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà quản trị. Quyết định quản trị có thể có ảnh hưởng đến vấn đề rất quan trọng của tổ chức hoặc có thể ảnh hưởng đến vấn đề thứ yếu hơn. Tuy nhiên, tất cả các quyết định đều có ảnh hưởng, dù lớn hay nhỏ đến kết quả hoạt động của của tổ chức. Vì vậy, yêu cầu đối với những nhà quản trị đó là họ cần phải phát triển được những kỹ năng, phương pháp ra quyết định hiệu quả. Có thể nói chất lượng các quyết định quản trị chính là thước đo đánh giá tính hiệu quả của những nhà quản trị đối với tổ chức. Bản chất của quyết định quản trị đó là hành vi sáng tạo của nhà quản trị nhằm định ra chương trình và tính chất hoạt động của tổ chức để giải quyết một vấn đề đã chín muồi, trên cơ sở sự hiểu biết các quy luật vận động khách quan của hệ thống bị quản trị và việc phân tích các thông tin của hệ thống đó.
Về mặt lý thuyết cũng như thực tế cho thấy rằng chất lượng, hiệu quả và hiệu lực của các quyết định quản trị của nhà quản trị phụ thuộc rất lớn vào phương pháp ra quyết định. Không thể có một quyết định tốt nếu như không sử dụng các phương pháp khoa học để tạo ra nó. Vậy làm thế nào để các nhà quản trị có thể đưa ra các quyết định đúng đắn, sáng suốt và phù hợp? Trong thực tế, các nhà quản trị có thể sử dụng 6 phương pháp phổ biến để ra quyết định sau đây:
1. Phương pháp chuyên quyền
Đây là phương pháp nhà quản trị tự quyết định hoàn toàn và sau đó thông báo quyết định đó tới nhân viên của mình. Khi nhà quả trị đưa ra một quyết định có tính khác biệt, họ tìm cách tuyên truyền về quyết định đó tới nhân viên nhưng không lôi cuốn họ vào các thảo luận hay được họ thừa nhận.
2. Phương pháp phán quyết cuối cùng
Trong phương pháp phát biểu cuối cùng, nhà quản trị cho phép nhân viên thảo luận và đề nghị giải pháp cho vấn đề. Nhà quản trị có thể lưu ý hoặc không lưu ý đến những đề nghị này khi ra quyết định. Nhà quản trị có thể đưa ra các tình huống để nhân viên thảo luận một cách thẳng thắn, cởi mở nhưng ở cuối cuộc thảo luận nhà quản trị phải tự đưa ra quyết định cuối cùng.
3. Phương pháp nhóm tri thức
Phương pháp nhóm tinh hoa có sự tham gia của nhà quản trị và ít nhất một người khác vào việc ra quyết định mà không cần tham khảo ý kiến của những người khác. Nhà quản trị đưa ra giải pháp, ra quyết định và trình bày trước những nhân viên khác, thậm chí có thể trình bày về cơ sở đưa ra quyết định trước nhân viên.
4. Phương pháp cố vấn
Trong phương pháp này, nhà quản trị ở vị trí của một nhà tham vấn. Nhà quản trị đưa ra một quyết định ban đầu thăm dò và trình bày quyết định đó để cả nhóm thảo luận và đưa ra ý kiến. Sau đó, nhà quản trị xem xét cẩn thận và công khai các ý kiến của nhóm trước khi ra quyết định. Thông thường, nhà quản trị sẽ có một quyết định sơ bộ và sau đó trình bày quyết định đó trước nhóm để cùng thảo luận. Nhà quản trị sẵn sàng tiếp thu những ý kiến của nhân viên khác nhưng họ phải là người đưa ra quyết định cuối cùng thông qua việc xem xét một cách kỹ lưỡng và thẳng thắn từ các cách nhìn khác.
5. Phương pháp luật số đông
Phương pháp này đề cao tính dân chủ trong đó tất cả các thành viên trong nhóm đều tham gia vào tiến trình quyết định thông qua việc mỗi thành viên đều được quyền biểu quyết bình đẳng. Theo phương pháp này, các thành viên trong nhóm sẽ bỏ phiếu biểu quyết cho quyết định đưa ra và quyết định nhận được đa số phiếu sẽ trở thành quyết định chính thức cuối cùng.
6. Phương pháp đồng thuận
Đây là phương pháp trong đó tất cả các nhân viên cùng đưa ra quyết định. Một quyết định không thể nào đạt được nếu chưa được tất cả các nhân viên tán thành. Phương pháp này có thể mang lại những quyết định chất lượng cao nhờ các đề xuất đa dạng và mang tính xây dựng nhưng có thể tốn nhiều thời gian. Đồng thuận rất khó đạt được vì đòi hỏi mọi thành viên của nhóm phải đồng ý với quyết định cuối cùng. Sự nhất trí hoàn toàn không phải là mục tiêu bởi vì rất khó đạt được, nhưng mỗi thành viên của nhóm nên sẵn sàng chấp nhận ý kiến của nhóm trên cơ sở tính hợp lý và tính khả thi. Khi tất cả các thành viên nhóm đều nhận thức được điều này có nghĩa là nhà quản trị đã đạt được sự đồng thuận.
Mỗi phương pháp ra quyết định quản trị đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Vì vậy, nhà quản trị cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp ra quyết định này để có thể đưa ra các quyết định đúng đắn, sáng suốt và phù hợp nhất.
Tài liệu tham khảo