Chỉ trong vài năm gần đây, các trung tâm thương mại ở Việt Nam mọc lên ngày càng nhiều cả về quy mô lẫn số lượng nhưng phần lớn các trung tâm thương mại vẫn phải chịu cảnh thua lỗ, gian hàng ảm đạm, khách đến xem hàng là chủ yếu chứ không có nhu cầu mua sắm,… Do đó, nhiều trung tâm thương mại buộc phải đóng cửa để tái cấu trúc và thay đổi phương hướng kinh doanh nhằm thích nghi với hoàn cảnh mới.
Trung tâm thương mại (shopping center hay shopping mall) là loại hình tổ chức kinh doanh thương mại hiện đại, đa chức năng, bao gồm tổ hợp các loại hình cửa hàng, cơ sở hoạt động dịch vụ; hội trường, phòng họp, văn phòng cho thuê…được bố trí tập trung, liên hoàn trong một hoặc một số công trình kiến trúc liền kề; đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích kinh doanh, trang bị kỹ thuật và trình độ quản lý, tổ chức kinh doanh; có các phương thức phục vụ văn minh, thuận tiện đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt động kinh doanh thương nhân vầ thoả mãn nhu cầu về hàng hoá, dịch vụ của khách hàng.
Tại Việt Nam, trung tâm thương mại là một loại hình bán lẻ mới, hiện đại và cao cấp, thường được xem như là “các siêu thị hàng hiệu”. Tuy nhiên, thực tế hoạt động kinh doanh của các trung tâm thương mại nước ta không hiệu quả, nhiều trung tâm lớn, vốn đầu tư cao, có vị trí đắc địa đều phải tạm ngừng hoạt động hay thậm chí là đóng cửa.
Mới đây nhất, ngày 2/1, trung tâm thương mại Keangnam Landmark nằm trên đường Phạm Hùng, Hà Nội đột ngột dừng hoạt động khiến cho các chủ cửa hàng đang kinh doanh tại trung tâm bị buộc phải chuyển hết đồ ra ngoài ngay trong đêm 3/1.
Thực tế, nhìn lại các năm gần đây, “Đóng cửa hàng loạt" là thực trạng đang diễn ra tại nhiều trung tâm thương mại tại Hà Nội và TP.HCM như trung tâm Thương mại Hàng Da Galleria, Grand Plaza (Trần Duy Hưng, Hà Nội) phải đóng cửa vì ế ẩm, chủ đầu tư và khách thuê không thống nhất được giá cả và các loai phí dịch vụ. Hoặc, trung tâm thương mại Mipec Tower - 229 Tây Sơn, Hà Nội buộc phải nhượng lại 4 sàn thương mại (khoảng 20.000m2) cho tập đoàn Lotte.
Tràng Tiền Plaza sau hơn 1 năm đi vào hoạt động cũng rơi vào tình cảnh luôn vắng khách, nhiều gian hàng phải giảm giá siêu sốc tới 50% nhưng vẫn không thu hút được khách hàng, kết quả đến giữa năm 2014, trung tâm này phải tạm thời đóng cửa 4 tháng để tái cấu trúc.
Nguyên nhân của hiện tượng này là do đâu?
Thứ nhất: nhiều trung tâm thương mại mọc lên, cạnh tranh tăng cao.
Việc xây dựng nhiều hơn các trung tâm thương mại của các chủ đầu tư trong và ngoài nước với quy mô lớn đã khiến cho cạnh tranh giữa các trung tâm thương mại khốc liệt, cạnh tranh giữa những người bán cao.
Theo báo cáo mới nhất của CBRE công bố ngày 6/1/2015, trong năm 2014, thị trường mặt bằng bán lẻ đã có 5 dự án đã gia nhập thị trường, cung cấp thêm 55.058 m2 diện tích cho thuê , giúp tăng tổng diện tích cho thuê bán lẻ trên toàn thị trường TP. Hà Nội lên 625.000 m2, với 18 trung tâm thương mại, 3 trung tâm thương mại tổng hợp, và 8 sảnh bán lẻ.
Thứ hai: Ảnh hưởng của suy thoái và khủng hoảng kinh tế đến ngân sách tiêu dùng của khách hàng.
Kinh tế suy thoái và khủng hoảng liên tục và kéo dài từ 2008 đến nay do nhiều lý do khách quan của các yếu tố quốc tế và nội tại của nền kinh tế Việt Nam đã làm cho sức mua bình quân của người tiêu dùng vốn đã nhỏ và yếu (thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.000 - 1.200 USD/năm) thì thêm yếu hơn hoặc không thể tăng trưởng. Vì vậy, người tiêu dùng có tâm lý "thắt chặt hầu bao", dành cho phần tiết kiệm nhiều lên khiến cho việc kinh doanh của các trung tâm thương mại gặp khó khăn.
Ngoài ra, do tâm lý của người Việt Nam, vẫn thích những loại hình bán lẻ theo kiểu "chợ truyền thống", nên việc kinh doanh các mặt hàng xa xỉ ở các trung tâm thương mại thực tế chỉ dành cho một bộ phận người tiêu dùng rất nhỏ. Trong khi, những khách hàng có tiền mua sắm hàng hiệu, chịu chi, thích hàng “chất” hiếm khi chọn mua ở shopping mall. Thay vào đó, những khách hàng này có xu hướng mua hàng xách tay, mua hàng trực tuyến ở nước ngoài và nhờ người quen mua với giá hợp lý và gửi về Việt Nam.
Thứ ba: Thương mại điện tử và bán hàng trực tuyến phát triển nhanh.
Với sự phát triển mạnh mẽ của hình thức bán hàng qua mạng và các trang web mua sắm cùng lợi thế có nguồn hàng hóa đa dạng, giá cả phong phú nên sự lựa chọn của người tiêu dùng trở nên thoải mái hơn, cách mua hàng và trải nghiệm mua hàng mới mẻ và thuận tiện hơn.
Khác với 4 năm trước, hàng xách tay hoặc việc mua hàng ở những trang TMĐT trên thế giới còn xa lạ. Giờ đây, yếu tố này hưởng mạnh mẽ đến trung tâm thương mại do xu hướng mua hàng trực tuyến tại các website thương mại điện tử lớn ở nước ngoài và chuyển hàng về Việt Nam, các website mua hộ, thương mại điện tử nội địa, các mô hình kinh doanh theo kiểu bán hàng online quy mô nhỏ phát triển mạnh, rất nhiều nguồn hàng xách tay giá hợp lý, chất lượng ổn nên đã chiếm được lòng tin nhiều hơn của một bộ phận người tiêu dùng. Người tiêu dùng bắt đầu thay đổi thói quen, thay đổi nhận thức, thay đổi cuộc sống số nên khách hàng chuộng mua hàng trực tuyến hơn.
Thứ tư: Nhiều trung tâm thương mại chưa có chiến lược marketing thu hút khách hàng và hỗ trợ khách hàng.
Vì chi phí đầu tư cho gian hàng, giá thuê mặt bằng ở các trung tâm thương mại còn cao nên hàng hóa đưa vào kinh doanh tại đây thường bị đội giá lên và ở mức phân khúc cao cấp, mặc dù nhiều trung tâm thương mại đã chủ động hỗ trợ giảm giá thuê cho chủ cửa hàng nhưng vẫn không hiệu quả, khiến cho người bán hàng tại trung tâm thương mại trông chờ vào sự may rủi của những khách hàng vãng lai.
Theo dự báo của Bộ Công thương, đến năm 2020, kênh bán lẻ hiện đại tại Việt Nam sẽ nâng tỷ lệ lên 45%. Số trung tâm thương mại và trung tâm mua sắm cũng tăng lần lượt lên 180 và 157 điểm. Như vậy, để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh và khó khăn như hiện nay đòi hỏi các trung tâm thương mại phải có các biện pháp tái cấu trúc, định hướng kinh doanh phù hợp với thị hiếu tiêu dùng và gần gũi với khả năng chi trả của các chủ hàng.
Tài liệu tham khảo