Trong xu hướng tự do hóa thương mại, các nước đã và đang tiến hành giảm và tiến tới loại bỏ nhiều rào cản đối với thương mại. Tuy nhiên, các rào cản phi thuế quan, đặc biệt các là tiêu chuẩn kỹ thuật đang phát triển và được sử dụng như những công cụ hữu hiệu để bảo hộ cho sản xuất trong nước.
Tiêu chuẩn kỹ thuật là những quy định về tiêu chuẩn vệ sinh, đo lường, an toàn lao động, bao bì đóng gói, đặc biệt là các tiêu chuẩn như vệ sinh thực phẩm, vệ sinh phòng dịch đối với động thực vật tươi sống… mà một nước áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu nhằm bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, động thực vật và sinh thái...
Theo nghĩa hẹp, TBT chủ yếu lấy qui định kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp quy định WTO làm các biện pháp kỹ thuật nòng cốt.
Theo nghĩa rộng, TBT bao gồm: Các quy định về tiêu chuẩn chất lượng (Các yêu cầu, qui định đối với sản phẩm; Các thủ tục đánh giá, giám định về chất lượng sản phẩm); Tiêu chuẩn về an tòan cho người sử dụng (Các quy định về nhãn mác, đóng gói, ký hiệu mã sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ...); Tiêu chuẩn về lao động và trách nhiệm xã hội (Bộ tiêu chuẩn chung là Bộ SA8000, là công cụ quản lý, giúp các công ty, tổ chức chứng nhận đánh giá điều kiện sản xuất và làm việc; Quy định về bảo vệ môi trường (Hệ thống ISO14001:2000, xem xét vấn đề về bảo vệ môi trường trong sản xuất sản phẩm, tạo sản phẩm xanh, sạch).
Về nguyên tắc, TBT là rất cần thiết và hợp lý, nhằm bảo vệ lợi ích quan trọng liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng, môi trường, an ninh xã hội. Tuy nhiên, những qui định này có thể không giống nhau giữa các quốc gia đặc trưng khác nhau của mỗi nước (đặc biệt về điều kiện địa lý, trình độ phát triển, nhu cầu thương mại và tài chính…) cũng như các mục tiêu phát triển khác nhau (bảo vệ lợi ích công cộng, cam kết xã hội, thúc đẩy thương mại…), vì thế nhiều nước đã khéo léo sử dụng các công cụ này một cách thiên lệch giữa các công ty trong và ngoài nước nhằm hạn chế hàng hoá nhập khẩu của các nước khác không đạt tiêu chuẩn và giảm tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu. Theo đó, tiêu chuẩn kỹ thuật bị biến thành công cụ cạnh tranh có lợi cho nước chủ nhà trong quan hệ thương mại quốc tế, vì thế các biện pháp kỹ thuật này còn được gọi với cái tên “các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (Technical Barriers to Trade - TBT)”.
Năm 1995, thế giới có khoảng 400 quy định liên quan đến TBT, nhưng giai đoạn 2009-2011, trung bình 1.500 quy định rào cản được đưa ra hàng năm. Năm 2011, TBT các nước đưa ra liên quan đến vấn đề bảo vệ sức khỏe hoặc an toàn con người lên đến 782 quy định, chiếm gần 50% trong số 1.684 quy định được ban hành; Năm 2012 có 1.571 hàng rào kỹ thuật mới thì đến hết năm 2013, các nước thành viên WTO đã xây dựng và ban hành 17.418 quy định mang tính hàng rào kỹ thuật thương mại và số lượng không ngừng gia tăng trong các năm 2014, 2015. Trong các thành viên của WTO, Hoa Kỳ và EU là 2 nước và khu vực áp dụng các rào cản kỹ thuật nhiều nhất so với các nước khác trên thế giới. Trong đó, mặt hàng thủy sản xuất khẩu được đánh giá là gặp phải nhiều rào cản kỹ thuật nhất vì người tiêu dùng ở các quôc gia này ngày càng quan tâm tới tính bền vững cho môi trường và xã hội. Vì thế, các nước phát triển đã đề ra quá nhiều các quy định, tiêu chuẩn khiến cho thủy sản nước ngoài khó thâm nhập vào thị trường nước mình, dựng lên một hàng rào bảo hộ vô hình đối với sản xuất trong nước. Ngoài Mỹ và EU, Nhật Bản… cũng đang sử dụng ngày càng nhiều các tiêu chuẩn kỹ thuật như một công cụ bảo hộ thương mại. Chính sách bảo hộ nông nghiệp của EU được đánh giá ở mức cao nhất trên thế giới, với nhiều rào cản kỹ thuật như: SPS/TBT, Luật thực phẩm, Luật về chất lượng sản phẩm, giám sát và kiểm tra chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, Luật bảo hộ sức khỏe người tiêu dùng, kiểm tra chất độc hại và dư lượng kháng sinh… Những rào cản kỹ thuật này đã đẩy các nhà xuất khẩu vào thế bị động và gia tăng chi phí, mất nhiều thời gian để tiếp cận với các thị trường.
Đối với Việt Nam, xuất khẩu là một trong những động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế nhưng đang gặp phải rào cản lớn từ các tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Theo thống kê của Bộ Công thương, rào cản thương mại đối với hàng xuất khẩu Việt Nam áp dụng cho nhiều loại mặt hàng, trong đó chủ yếu tập trung vào các nhóm hàng nông, lâm, thủy sản. Nhiều mặt hàng nông thủy sản xuất khẩu của Việt Nam vấp phải các hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt từ các thị trường nhập khẩu chính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Mexico... Điển hình như Luật nông nghiệp 2014 của Hoa Kỳ; Các tiêu chuẩn về dư lượng các chất cấm và các chất hạn chế sử dụng trong thủy sản của EU… Trong bốn tháng đầu năm 2015, cả nước đã có 36 lô tôm xuất khẩu bị ba thị trường nhập khẩu chính là Mỹ, EU và Nhật Bản trả về do có chứa chất cấm (hóa chất, kháng sinh), bằng 40% so với con số của cả năm 2014. Riêng thị trường Mỹ trả về 25 lô, bằng hơn 50% so với cả năm 2014. Về các mặt hàng nông sản, Ủy ban châu Âu và Nhật Bản cũng đã nhiều lần đưa ra các cảnh báo đối với các mặt hàng rau, củ quả của Việt Nam, điển hình là mặt hàng tiêu, thanh long, mướp đắng, gạo, .. thậm chí gỗ làm bao bì đóng hàng xuất khẩu cũng vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này đã làm uy tín của nông sản, hàng hóa của Việt Nam trên thị trường quốc tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong xu hướng chung của tự do thương mại khi thuế suất thuế nhập khẩu bằng 0, xuất khẩu của Việt Nam trong các năm tiếp theo sẽ gặp phải nhiều khó khăn do các nước dựa trên sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ, sẽ sử dụng ngày càng nhiều hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu. Để vượt qua được rào cản này đòi hỏi các cơ quan chức năng và doanh nghiệp Việt Nam phải có giải pháp cụ thể.
Về phía các cơ quan chức năng:
- Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia từ đó thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu môi trường trong nước và nâng cao sức cạnh tranh, uy tín doanh nghiệp khi tham gia hội nhập quốc tế.
-Tham gia rà soát hiệp định, xây dựng tiêu chuẩn quốc tế và tận dụng quyền nhận xét các quy định và tiêu chuẩn quốc tế.
- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của nước nhập khẩu để doanh nghiệp chủ động các điều kiện nhằm vượt rào cản. Hiện nay, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã đưa vào vận hành Hệ thống thông báo tự động về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, một hệ thống trên internet để thông báo các tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật của các thành viên WTO.
- Phát huy vai trò của hiệp hội ngành nghề sản xuất của Việt Nam, như: Hiệp hội Tôm-cá, Hiệp hội May mặc, Hiệp hội Giày da, Hiệp hội Cà phê…
Về phía các doanh nghiệp:
- Thường xuyên cập nhật thông tin về các tiêu chuẩn kỹ thuật mới từ các nước nhập khẩu.
- Chủ động đầu tư, đổi mới công nghệ, xây dựng quy trình sản xuất chế biến đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm môi trường, từ đó giảm giá thành sản xuất, mặt khác nâng cao chất lượng để đáp ứng được các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.
-Triển khai áp dụng các hệ thống quản lý tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe, môi trường.
- Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước, giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các tổ chức đa quốc gia, các thành phần kinh tế.
Như vậy, những hàng rào kỹ thuật là rất nhiều và sẽ còn nhiều nữa trong tương lai. Để đáp ứng các quy định này, các nhà quản lý và doanh nghiệp phải nắm chắc các quy định này để từ đó quan tâm chất lượng sản phẩm và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng được thương hiệu và uy tín cho các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, đồng thời từng bước xây dựng bộ hàng rào kỹ thuật ở chính quốc gia mình để vừa xuất khẩu hàng hóa một cách an toàn, vừa nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của hàng nội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế: Lý thuyết và thực tiễn, PGS.TS.Nguyễn Hữu Khải, TS.Đào Ngọc Tiến, ThS.Đỗ Ngọc Kiên, 2012.
2. http://www.trungtamwto.vn/wto
3. http://www.dostkhanhhoa.gov.vn/