Với Nguồn tài nguyên du lịch dồi dào cho việc phát triển du lịch, Hà Tĩnh cần lựa chọn định hướng phát triển phù hợp với nhu cầu và lợi thế của địa phương
Hà Tĩnh, vùng đất có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú với nhiều bãi biển đẹp, di tích, danh thắng nổi tiếng, sản phẩm ẩm thực rất đặc trưng và đặc biệt những làn điệu ví, giặm và ca trù đằm thắm, độc đáo luôn làm say đắm đối với mỗi du khách xa gần khi đặt chân đến. Tuy nhiên, để khai thác tốt các tiềm năng đó thì Hà Tĩnh cần phải xác đinh được đâu là quan điểm hay định hướng trong việc phát triển du lịch.
Phát triển du lịch Hà Tĩnh phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của cả nước, định hướng quy hoạch phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ, với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các ngành kinh tế khác.
Phát triển du lịch Hà Tĩnh trên bình diện tổng thể, trong mối liên kết với các địa phương, các ngành và liên kết vùng. Nó phải bảo đảm với tốc độ nhanh, ổn định và bền vững một cách toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội, môi trường và quốc phòng, an ninh gắn với việc bảo tồn thiên nhiên, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá Hà Tĩnh. Đến năm 2015, tổng số lượt khách du lịch đạt gần 1,6 triệu lượt người (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh). Ngoài ra, phát triển du lịch phải gắn với lợi ích cộng đồng dân cư, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống nhân dân tiến tới làm giàu; gắn với giữ vững quốc phòng, an ninh góp phần ổn định chính trị, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội khu vực biên giới, hải đảo.
Phát triển du lịch Hà Tĩnh theo hướng bền vững gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Hà Tĩnh cũng như giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường.
Phát triển du lịch Hà Tĩnh trong mối liên hệ vùng, cả nước và quốc tế với việc khai thác đồng thời cả khánh nội địa và quốc tế trong đó ưu tiên thu hút dòng khách quốc tế đến và kiểm soát khách ra nước ngoài.
Phát huy thế mạnh về vị trí quan trọng của tỉnh và của hệ thống các cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính để tăng cường hợp tác phát triển du lịch với CHDCND Lào và qua đó với các nước khác trong khu vực.
Tăng cường liên kết với các địa phương, đặc biệt là các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Trung du miền núi phía Bắc để khai thác nguồn khách nội địa từ các địa phương trên.
Phát triển đồng thời du lịch văn hóa, du lịch biển, du lịch sinh thái và du lịch biên giới trong đó chú trọng phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm nền tảng, tiền đề phát triển các loại hình du lịch khác.
Hà Tĩnh có thể phát triển nhiều loại hình du lịch. Tuy nhiên với lợi thế phát triển du lịch văn hóa di sản, đặc biệt trong giai đoạn phát triển có nhiều sự kiện trọng đại, du lịch Hà Tĩnh cần khai thác các giá trị văn hóa để góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, nâng cao tính đặc thù cho các sản phẩm du lịch tự nhiên khác.
Phát triển du lịch Hà Tĩnh theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm để từng bước hòa nhập với phát triển du lịch khu vực và cả nước
Cùng với xu thế phát triển du lịch chung cả nước, phát triển du lịch Hà Tĩnh giai đoạn mới cần theo hướng chuyên nghiệp, có chất lượng vừa hiện đại vừa dân dã. Hiện đại trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; dân dã để bảo đảm tính dân tộc đại chúng, phù hợp với nhu cầu của cộng đồng dân cư Hà Tĩnh.
Bên cạnh đó, phát triển du lịch Hà Tĩnh cần có trọng tâm, trọng điểm tránh dàn trải bảo đảm khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch và các yếu tố nguồn lực khác.
Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển du lịch; phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về du lịch của các địa phương, các thành phần kinh tế trên địa bàn Hà Tĩnh.
Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa trong hoạt động du lịch cũng chính là xã hội hóa trong các ngành. Phát triển du lịch luôn tạo hướng mở cho các ngành, các thành phần xã hội tham gia vào quá trình đầu tư, phát triển du lịch.
Phát huy hiệu quả tính liên ngành và khu vực trong tổ chức không gian du lịch và xây dựng sản phẩm du lịch. Mọi phương án phát triển du lịch cần có sự phối kết hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp và đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội Hà Tĩnh trước mắt và lâu dài.
Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại
Đặc biệt quan tâm đến đồng bào vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, núi cao biên giới, từng bước thực hiện xã hội hóa phát triển du lịch để phát huy nội lực từ sức mạnh tổng hợp của toàn dân.
Huy động các nguồn lực xã hội trong phát triển du lịch thông qua việc tăng cường hiệu quả liên kết giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân. Tăng cường liên doanh liên kết, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Hợp tác công tư được thúc đẩy là giải pháp phát triển nhanh và bền vững.
Để góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng, từng bước phát triển du lịch tỉnh Hà Tĩnh ngang tầm các tỉnh khác trong khu vực, cần thiết phải dựa trên hệ thống quan điểm phát triển chung mang tính chiến lược lâu dài và các quan điểm cụ thể.
Tài liệu tham khảo:
[1]. Nguyễn Minh Tuệ (2011), Địa lý Du lịch Việt Nam, Nhà xuất bản GD
[2]. Tổ chức lãnh thổ du lịch Việt Nam, PGS.PTS. Vũ Tuấn Cảnh (chủ trì), PGS.PTS. Lê Thông, PTS. Nguyễn Minh Tuệ, PTS. Đặng Duy Lợi, đề tài NCKH, Hà Nội, 1991
[3] Phạm Côn Sơn, Làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam. Nxb Văn hóa dân tộc, 2004
[4] Lê Bá Thảo, Thiên nhiên Việt Nam, NXB Giáo dục, 2001
[5] Nhất Thanh, Vũ Văn Khiếu, Phong tục làng xóm Việt Nam. Nxb Phương Đông, 2005