Ngày 04/2/2016, Bộ trưởng 12 quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam vừa ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một trong những thỏa thuận thương mại đa quốc gia lớn nhất từ trước đến nay. Đây là bước khởi đầu mở ra cơ hội lớn để hiệp ước thương mại đa quốc gia này trở thành hiện thực. Việc tham gia TTP sẽ có tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế, xã hội của đất nước, nước mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng mang lại không ít thách thức cho nền kinh tế Việt Nam.
Tham gia vào TPP, Việt Nam có nhiều cơ hội và thuận lợi cơ bản, đó là: Mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường xuất khẩu nông sản. Việt Nam sẽ tiếp cận sâu rộng hơn vào hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Trong quan hệ thương mại với các nước TPP, Việt Nam ở vị thế xuất siêu khá lớn, xuất siêu tới 7/11 thị trường của TPP. Điều quan trọng nhất là, thuế nhập khẩu nhiều loại hàng hoá sẽ được giảm xuống 0%, là cú huých mạnh cho xuất khẩu, tác động tích cực đến thu nhập của người dân, cải thiện sức cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu, nâng cao kim ngạch xuất khẩu.
Tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào thị trường tài chính thế giới. Các luồng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam cũng sẽ tăng mạnh, tạo thuận lợi cho hệ thống ngân hàng tăng cường thanh khoản và tiếp cận các nguồn vốn quốc tế với chi phí thấp hơn.
Tham gia TPP chắc chắn thúc đẩy đầu tư của các nước vào Việt Nam. Dòng vốn từ nhiều nước thành viên TPP có trình độ phát triển cao có thể mang lại những lợi ích lan toả đáng kể về công nghệ và kỹ năng quản lý, hay các lĩnh vực dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn. Mức tăng đầu tư sẽ giúp thúc đẩy sự hình thành vốn cố định và tạo cơ hội cho Việt Nam khai thác các lợi thế tiềm năng về nông nghiệp. Các công ty dệt may nội địa và nước ngoài sẽ đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam để tận dụng cơ hội hưởng thuế xuất khẩu thấp vào TPP. Như vậy, ngành dệt may Việt Nam không chỉ nhận ưu đãi từ thị trường Hoa Kỳ, mà còn đạt giá trị gia tăng lớn hơn trong chuỗi cung ứng. Gia nhập TPP sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư, hợp tác với các nước nhằm hiện đại hoá sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Thoả thuận TPP sẽ giảm đáng kể thuế nhập khẩu áp dụng cho các hàng may mặc Việt Nam vào thị trường các quốc gia thành viên, qua đó gia tăng cạnh tranh với hàng hoá tương tự từ các nước khác trong khu vực. Ngoài ra, TPP cũng quy định các hàng hoá Việt Nam phải sử dụng nguyên liệu tự sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các thành viên TPP. Điều này thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như mở rộng quy mô sản xuất của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam.
Bên cạnh những thuận lợi lớn, TPP cũng đặt ra nhiều thách thức lớn, đó là, mặc dù xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhưng cơ cấu hàng xuất khẩu chưa mang tính hiệu quả, chủ yếu xuất khẩu hàng có công nghệ thấp, thâm dụng lao động như hàng may mặc, giày dép, đồ nội thất... Quy mô DN xuất khẩu nhỏ, không thâm nhập được vào hệ thống phân phối chính khiến các DN xuất khẩu trở nên không bền vững, không chi phối được thị trường. Tham gia TPP sẽ tạo ra sức ép về mở cửa thị trường, cạnh tranh đối với các DN Việt Nam. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, nhiều ngành sản xuất và dịch vụ có thể sẽ gặp khó khăn. Ngành chăn nuôi sẽ đối mặt sự cạnh tranh quyết liệt.
Việt Nam cũng sẽ gặp phải thách thức cạnh tranh, có thể dẫn tới phá sản và tình trạng thất nghiệp ở các DN có năng lực cạnh tranh yếu, không được chuẩn bị kỹ cho hội nhập; việc giảm thu ngân sách từ giảm thuế nhập khẩu sau khi thực hiện TPP. Hơn nữa, việc giảm thuế quan có thể khiến luồng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam gia tăng, với giá cả cạnh tranh hơn. Thị phần hàng hoá liên quan tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn.
Các nước tham gia TPP có xu hướng đàm phán nhằm giữ bảo hộ đối với nông sản nội địa. Khi đó, hàng rào phi thuế quan sẽ trở nên phổ biến hơn với yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm, trong khi đây là điểm yếu của sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Hàng nhập khẩu tăng, xuất khẩu không tìm được đường vào thị trường các nước sẽ khiến nông nghiệp đứng trước những khó khăn. Để bảo hộ hàng hoá trong nước, Việt Nam tất yếu cũng sẽ áp dụng các hàng rào phi thuế quan. Nếu rào cản kỹ thuật chưa có hoặc kém, các biện pháp vệ sinh dịch tễ không hiệu quả sẽ khiến Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm chất lượng thấp. Một điểm nữa là, quy tắc xuất xứ hàng hoá trong TPP yêu cầu các sản phẩm xuất khẩu từ một thành viên của TPP sang các thành viên khác phải có xuất xứ nội khối, không sử dụng các nguyên liệu của nước thứ ba ngoài thành viên TPP mới được hưởng ưu đãi thuế suất 0%. Đây là khó khăn đối với DN sản xuất của Việt Nam, nhất là ngành xuất khẩu hàng may mặc và da giày.
Do đó, nhằm mở rộng sản xuất và xuất khẩu, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực từ mở cửa thị trường và sức ép của hàng nhập khẩu, các cơ quan nhà nước và các DN cần phối hợp chặt chẽ ngay từ bây giờ. Về phía các cơ quan nhà nước, cần triển khai các hoạt động nghiên cứu, đánh giá tác động của TPP đối với các lĩnh vực hàng hoá, đầu tư, dịch vụ… để có cơ sở xây dựng và điều chỉnh chính sách dài hạn. Việt Nam cũng cần xây dựng chính sách phát triển các ngành công nghiệp mà Việt Nam dự kiến sẽ có tiềm năng và lợi thế trong khối TPP… và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi cung ứng trong khu vực. Đồng thời, việc xây dựng các chính sách thúc đẩy tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong tất cả các ngành của nền kinh tế thông qua nâng cấp năng lực, công nghệ, hợp tác dài hạn với các đối tác mạnh trong lĩnh vực tương ứng, đa dạng hoá đổi mới sản phẩm cũng là một nhiệm vụ cần thiết.
Các DN Việt Nam, trước tiên cần chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan về hiệp định thông qua việc tích cực tham gia hơn nữa vào quá trình tham vấn với Đoàn đàm phán thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các nhà đàm phán, các học giả để có thể nắm bắt thông tin về Hiệp định, về các cam kết cụ thể trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của mình, từ đó có những biện pháp tận dụng các cơ hội do Hiệp định TPP mang lại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần củng cố, đào tạo, nâng cao trình độ và tay nghề đội ngũ nhân lực, đề ra các mục tiêu và phương thức hướng hoạt động của doanh nghiệp phù hợp với các đòi hỏi của quá trình Hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần tận dụng cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài nhằm tranh thủ lợi thế về vốn, nhân lực và kỹ thuật của các đối tác. Về dài hạn, các doanh nghiệp trong nước cần bám sát lộ trình và các quy định về mở cửa thị trường của Hiệp định TPP nhằm xây dựng kế hoạch đầu tư, sản xuất hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, tận dụng được cơ hội tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực.
Tài liệu tham khảo:
[2]. http://tapchi.vnu.edu.vn/upload/2015/04/1678/1.pdf