^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Cơ hội và thách thức của thị trường bán lẻ Việt Nam khi gia nhập TPP

            Cùng với các cơ hội mang lại cho phát triển kinh tế từ việc mở cửa, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều nguy cơ. Trong đó, giảm sút năng lực cạnh tranh và quá trình thôn tính của các doanh nghiệp nước ngoài là những hiện tượng được dự đoán cả trong ngắn và dài hạn.

TPP là hiệp định thỏa thuận thương mại tự do được đàm phán giữa các nước thuộc khu vực Thái Bình Dương, với mục tiêu mở cửa thị trường với hàng hóa và dịch vụ, xóa bỏ thuế quan và dỡ bỏ mọi rào cản thương mại, tạo cú hích phát triển mới ở từng nền kinh tế tham gia lẫn toàn bộ các mối quan hệ hợp tác giữa họ với nhau. Hiệp định này có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bán lẻ Việt Nam nói riêng. Hội nhập TPP đồng nghĩa với việc sẽ có rất nhiều thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức đi kèm đối với thị trường bán lẻ của chúng ta. Bởi trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn, mọi thứ ở đất nước họ đang trở nên bão hòa và buộc họ phải tìm các thị trường mới ở nước ngoài để mở rộng. Châu Á chính là một trong những thị trường bán lẻ nhiều tiềm năng của Thế Giới như  Myanmar, Lào và Việt Nam. Theo báo cáo về “Mức độ sôi động của các thị trường bán lẻ khu vực châu Á – Thái Bình Dương 2014” do CBRE công bố, Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ tiềm năng được đánh giá cao vào bậc nhất khu vực do cơ cấu dân số trẻ và sức mua ngày càng được cải thiện nhờ tầng lớp trung lưu bành trướng mạnh mẽ. Do đó thị trường bán lẻ Việt Nam có thể được coi là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài khi Việt Nam gia nhập TPP.

            Cơ hội cho thị trường bán lẻ Việt Nam khi gia nhập TPP:

- Thị trường sẽ sôi động, đa dạng hơn rất nhiều vì một số mặt hàng được nhập khẩu nhiều do xóa bỏ rào cản về thuế. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng đầu tư vào thương mại hàng hóa, dệt may, thương mại điện tử vì các nước đã có nhất trí xóa bỏ thuế quan đối với các mặt hàng này.

- Tham gia TPP là cơ hội để Việt Nam gia nhập vào các chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, nhất là chuỗi cung ứng hàng điện tử, công nghệ cao (do các nước TPP chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu); cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, không quá dựa vào thị trường Trung Quốc và Đông Á.

- Các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam có thể dễ dàng gia nhập vào thị trường các quốc gia TPP hơn. Việt Nam sẽ được tiếp cận thị trường dịch vụ của các nước đối tác thuận lợi hơn, với ít các rào cản và điều kiện hơn.  Tuy nhiên điều này rất khó vì các thị trường của các quốc gia TPP đã bị chính các quốc gia họ khai thác rất nhiều và khi thị trường trong nước bão hòa, các doanh nghiệp nước họ buộc phải mở rộng thị trường sang các nước khác tiềm năng hơn.

- Nếu cạnh tranh được thì các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam sẽ làm chủ và có thể phát triển mạnh mẽ nhờ thâu tóm lại các doanh nghiệp bán lẻ nhỏ trong nước và các  doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam làm ăn không hiệu quả. Tập đoàn Casino - đơn vị sở hữu Big C Việt Nam cho biết có thể bán chuỗi siêu thị này trong năm 2016 nhằm tái cơ cấu các khoản nợ. Tuy nhiên liệu doanh nghiệp Việt có nắm bắt được cơ hội này hay không hay lại để rơi vào tay của các nhà đầu tư  nước ngoài như Metro (Một tập đoàn bán lẻ của Đức bị mua lại bởi Tập đoàn Berli Jucker (BJC) Thái Lan).

Thách thức cho thị trường bán lẻ:

 Các doanh nghiệp trong nước sẽ chịu sức ép cạnh tranh rất lớn., nếu không cẩn thận sẽ bị thâu tóm thị trường bởi các doanh nghiệp nước ngoài. Vì khi đạt được các thỏa thuận TPP các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đổ vốn vào một thị trường bán lẻ tiềm năng như Việt Nam. Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), thị trường bán lẻ Việt Nam đạt doanh thu trên 80 tỷ USD trong năm 2014 và có thể lên tới 100 tỷ USD vào năm 2016. Với tiềm năng đó, Việt Nam đã trở thành thị trường đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ. Tính tới thời điểm này, Co.opmart, BigC và Metro được xem là 3 nhà bán lẻ hàng đầu, chưa kể thêm những chuỗi cửa hàng hiện đại, nhưng chỉ có Co.opmart là doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, sự xuất hiện ồ ạt của các thương hiệu bán lẻ nước ngoài được ví như một làn sóng đang quét qua thị trường bán lẻ Việt Nam. Cụ thể: Tập đoàn bán lẻ lớn nhất của Thái Lan Central Group  đã khai trương chuỗi siêu thị Robinsons Department Store ở Hà Nội. Tiếp theo đó, vào đầu năm 2015, Tập đoàn này đã mua lại 49% cổ phần công ty sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Trước Nguyễn Kim, thương hiệu bán lẻ điện máy phía Bắc là Trần Anh cũng đã bán hơn 38% cổ phần cho đại gia bán lẻ điện máy Nhật Bản là Nojima. Tại Thành phố Hồ Chí Minh Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) hoàn tất thương vụ mua cổ phần cao ốc phức hợp Diamond Plaza (TP HCM) và chính thức điều hành tòa nhà từ đầu năm 2015, …

            Trên đây là một số cơ hội cũng như thách thức cho thị trường bán lẻ Việt Nam khi hội nhập, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cần có định hướng và bước đi đúng đắn, có các chiến lược trước mắt và lâu dài để cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1].http://baotintuc.vn/kinh-te/thi-truong-ban-le-viet-nam-nhieu-co-hoi-truoc-nguong-tpp-20151229113019182.htm.

[2].http://nld.com.vn/kinh-te/ban-le-trong-nuoc-no-luc-vuot-qua-thach-thuc-20160223223608765.htm

[3].http://nld.com.vn/kinh-te/thi-truong-ban-le-ngay-cang-nong-20150418215219182.htm.

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube