^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Lý thuyết lợi thế so sánh của David Ricardo trong thương mại quốc tế - Thực tiễn ở Việt Nam

David.Ricardo là đại biểu xuất sắc của kinh tế chính trị tư sản cổ điển. Phần lớn các tài sản vô giá ông để lại xuất phát từ kiến thức kinh tế thực tế, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ. Một tác phẩm chủ đạo có giá trị to lớn và mang tầm ảnh hưởng quan trọng cho đến nay của Ricardo là lý thuyết lợi thế so sánh.

Nội dung cơ bản của lý thuyết lợi thế so sánh

Lý thuyết này được phát triển dựa trên quan điểm lơi thế tuyệt đối của Adam Smith. Theo đó, Ricardo đã nhấn mạnh: Những nước có lợi thế tuyệt đối hoàn toàn hơn hẳn các nước khác, hoặc bị kém lợi thế tuyệt đối so với các nước khác trong sản xuất mọi sản phẩm, thì vẫn có thể và vẫn có lợi khi tham gia vào phân công lao động và thương mại quốc tế bởi vì mỗi nước có một lợi thế so sánh nhất định về sản xuất một số sản phẩm và kém lợi thế so sánh nhất định về sản xuất các sản phẩm khác. Bằng việc chuyên môn hoá sản xuất và xuất khẩu sản phẩm mà nước đó có lợi thế so sánh, mức sản lượng và tiêu dùng trên thế giới sẽ tăng lên, kết quả là mỗi nước đều có lợi ích từ thương mại. Như vậy lợi thế so sánh là cơ sở để các nước buôn bán với nhau và là cơ sở để thực hiện phân công lao động quốc tế.

Lý thuyết của Ricardo được xây dựng trên một số giả thiết: Mọi nước có lợi về một loại tài nguyên và tất cả các tài nguyên đã được xác định; Các yếu tố sản xuất dịch chuyển trong phạm vi 1 quốc gia; Các yếu tố sản xuất không được dịch chuyển ra bên ngoài; Mô hình của Ricardo dựa trên học thuyết về giá trị lao động; Công nghệ của hai quốc gia như nhau; Chi phí sản xuất là cố định; Sử dụng hết lao động (lao động được thuê mướn toàn bộ); Nền kinh tế cạnh tranh hoàn hảo; Chính phủ không can thiệp vào nền kinh tế; Chi phí vận chuyển bằng không; Phân tích mô hình thương mại có hai quốc gia và hai hàng hoá.

Liên hệ thực tiễn Việt Nam

Từ việc nghiên cứu lý thuyết lợi thế so sánh của Ricardo, Việt Nam đã xác định được lợi thế của mình là trong sản xuất nông nghiệp và sản xuất những mặt hàng sử dụng nhiều lao động. Việt Nam chủ yếu tâp trung xuất khẩu những mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, cao su, những mặt hàng thô sơ chưa qua sơ chế (dầu thô, than đá..) và sau này là những mặt hàng sử dụng nhiều lao động như dệt may, giầy dép… Xuất phát từ những lợi thế rất rõ mà Việt Nam đang có là vị trí địa lý thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp với trên 9 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó có hai vùng đồng bằng phì nhiêu là vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, là những vùng trồng lúa được xếp vào loại tốt nhất của thế giới; có vùng đất đồi núi bao la có thể phát triển cây công nghiệp và rừng; có bờ biển dài tới 3.200 km, cùng với diện tích mặt nước lớn khác có thể phát triển thuỷ sản. Lợi thế về tài nguyên thiên nhiên phong phú bao gồm tài nguyên đất, nước, biển, rừng, sinh vật, khoáng sản và du lịch. Lợi thế về nguồn lao động dồi dào.

Nhưng với chiến lược đổi mới phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, Việt Nam sẽ cần có một bước chuyển rất căn bản: mở rộng lợi thế so sánh ra nhiều mặt hàng, nhóm hàng có giá trị cao. Muốn vậy phải kết hợp đồng thời nhiều yếu tố: vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên sẵn có và nguồn nhân lực phong phú, trong đó nguồn nhân lực là một yếu tố rất quan trọng cho việc thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong bối cảnh phát triển hiện nay, bởi nó tạo ra bước nhảy vọt về năng suất. Hiện tại lợi thế so sánh cấp thấp (sản xuất ra sản phẩm sử dụng nhiều yếu tố lao động, giá trị gia tăng thấp) đang là một nhân tố quan trọng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Nhưng nếu chỉ đơn thuần dựa vào lợi thế này thì Việt Nam khó có khả năng thay đổi và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu công nghiệp ở mức độ cao hơn. Mặt khác, điều kiện tự do của AFTA, cùng với sự phát triển nhiều loại hình công nghệ mới, sẽ hướng các công ty xuyên quốc gia đầu tư vào những nước có các điều kiện và lợi thế sản xuất cấp cao hơn (gọi là lợi thế động bao gồm vốn, công nghệ cao, nhân công trình độ cao, cơ sở hạ tầng hiện đại…).. Hơn nữa, giá cả của các loại hàng hoá và dịch vụ được sản xuất ra chủ yếu dựa trên lợi thế về điều kiện sản xuất cấp thấp luôn rẻ hơn so với các mặt hàng chế biến dựa trên lợi thế về các điều kiện sản xuất cấp cao hơn. Vì vậy Việt Nam nên hướng tới sử dụng công nghệ hiện đại, lao động có trình độ chuyên môn cao để sản xuất hàng xuất khẩu tránh phải chịu thiệt thòi về giá hàng xuất khẩu (giá trị gia tăng thấp).

Tài liệu tham khảo:

1. GS.TS. Đỗ Đức Bình & PGS.TS. Ngô Thị Tuyết Mai (đồng chủ biên) , Giáo trình Kinh tế quốc tế, NXB ĐH Kinh tế quốc dân 2012.

2. http://vi.wikipedia.org

3. http://voer.edu.vn/

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube