^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Mô hình hợp tác công - tư (Public Private Partnership) và 5 điều kiện để dự án được đầu tư theo hình thức này tại Việt Nam

Mô hình hợp tác công tư (PPP) là việc Nhà nước và Nhà đầu tư cùng phối hợp thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở hợp đồng dự án nhằm kết hợp được những điểm mạnh của cả hai khu vực này. Việc thực hiện mô hình PPP đang còn khá mới mẻ đối với Việt Nam. Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành nghị định của Chính phủ quy định một số điều khoản về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Hiện tại có 5 hình thức PPP phổ biến đó là:

  • Xây dựng-Chuyển giao (BT: Build – Transfer): Trong các mô hình này, chính quyền đứng ra ký hợp đồng với 1 đối tác tư nhân để thiết kế và xây dựng 1 công trình đáp ứng các yêu cầu. Khi công trình hoàn thành, chính quyền sẽ chịu trách nhiệm vận hành và bảo dưỡng công trình đó.
  • Xây dựng-Cho thuê-Chuyển giao (BLT: Build – Lease – Transfer ): Mô hình này tương tự như Xây dựng-Chuyên giao, chỉ khác là sau khi hoàn thành, công trình được giao cho chính quyền thuê lại. Khi tiền thuê đã được thanh toán đủ công trình được chuyển giao cho phía chính quyền mà không yêu cầu thêm chi phí nào. Chính quyền có trách nhiệm vận hành trong thời gian thuê công trình.
  • Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao (BOT: Build – Operate – Transfer) là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để thiết kế và xây dựng 1 công trình kết cấu hạ tầng. Sau đó, nhà đầu tư vận hành và bảo dưỡng công trình trong một thời hạn nhất định. Hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho Nhà nước, Nhà nước chịu trách nhiệm tiếp tục vận hành công trình.
  • Xây dựng – chuyển giao – vận hành (BTO: Build – Transfer – Operate) Là mô hình đầu tư được ký kết giữa nhà đầu tư và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước nhưng nhà đầu tư vẫn giữ quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận.
  • Xây dựng – sở hữu – vận hành (BOO; Build – Own - Operate) Trong mô hình này, Nhà nước nhượng quyền cho một đơn vị tư nhân cấp tài chính, xây dựng, vận hành và bảo trì một dự án. Đơn vị này có quyền sở hữu dự án trong thời gian hoạt động của dự án.

Hợp tác công – tư (PPP) là sự hợp tác giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân trong mối quan hệ kinh tế của việc thực hiện một dự án đầu tư, hợp tác công – tư ở đây có thể hiểu là Nhà nước chuyển giao quyền lợi, trách nhiệm theo những mức độ khác nhau của một dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho khối tư nhân. Phần lớn nguồn vốn được tài trợ bởi Nhà đầu tư còn phần tham gia của Nhà nước không vượt quá 30% tổng mức đầu tư của Dự án, trừ trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định. 

kt2

Theo Nghị định của Thủ tướng Chính phủ mới ban hàph thì dự án được lựa chọn thực hiện theo hình thức đối tác công tư phải đáp ứng đầy đủ 5 điều kiện:

            - Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

            - Phù hợp với lĩnh vực đầu tư theo quy định.

            - Có khả năng thu hút và tiếp nhận nguồn vốn thương mại, công nghệ, kinh nghiệm quản lý của nhà đầu tư.

            - Có khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên tục, ổn định, đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.

            - Có tổng vốn đầu tư từ 20 tỷ đồng trở lên, trừ dự án đầu tư theo hợp đồng O&M và dự án công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

            Dự án chưa có trong quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương phải được bộ, ngành, UBND cấp tỉnh xem xét bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

            Dự án đáp ứng các điều kiện quy định nêu trên có khả năng thu hồi vốn từ hoạt động kinh doanh được ưu tiên lựa chọn.

            Bên cạnh đó, nghị định cũng quy định cụ thể vốn chủ sở hữu và vốn huy động của nhà đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư chịu trách nhiệm góp vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn khác để thực hiện dự án theo thỏa thuận tại hợp đồng dự án. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư. Đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu được xác định theo nguyên tắc lũy tiến từng phần. Cụ thể, đối với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 15% của phần vốn này; đối với phần vốn trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10% của phần vốn này.

            Vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án không tính vào tổng vốn đầu tư để xác định tỷ lệ vốn chủ sở hữu. Dự án khác do nhà đầu tư thực hiện để thu hồi vốn đã đầu tư vào công trình dự án BT phải đáp ứng yêu cầu về vốn chủ sở hữu (nếu có) theo quy định của pháp luật.

 Tài liệu tham khảo:

http://vi.wikipedia.org

http://vneconomy.vn



Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube