Luật Đầu tư công được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 7 vào ngày 18 tháng 6 năm 2014 và sẽ có hiệu lực thi hành bắt đầu từ 01 tháng 01 năm 2015. Luật Đầu tư công ra đời hứa hẹn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư khu vực nhà nước, khắc phục một số hạn chế trong hoạt động này từ trước đến nay.
1. Giới thiệu khái quát Luật Đầu tư công
Luật Đầu tư công bao gồm 108 điều, 6 chương với mục tiêu là hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý Đầu tư công phù hợp với chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là tái cơ cấu Đầu tư công nói riêng; tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán hiện nay, góp phần nâng cao hiệu quả Đầu tư công và từng bước hội nhập, phù hợp với thông lệ quốc tế trong quản lý Đầu tư công.
Luật này quy định việc quản lý và sử dụng vốn Đầu tư công; quản lý nhà nước về Đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động Đầu tư công.
Hoạt động Đầu tư công bao gồm lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định chương trình, dự án Đầu tư công; lập, thẩm định, phê duyệt, giao, triển khai thực hiện kế hoạch Đầu tư công; quản lý, sử dụng vốn Đầu tư công; theo dõi và đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án Đầu tư công.
Lĩnh vực Đầu tư công bao gồm đầu tư vào các chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đầu tư phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; đầu tư và hỗ trợ hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích; đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện theo hình thức đối tác công tư.
Hoạt động quản lý nhà nước về Đầu tư công bao gồm: Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về Đầu tư công; xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch, quy hoạch, giải pháp Đầu tư công; Theo dõi, cung cấp thông tin về quản lý và sử dụng vốn Đầu tư công; Đánh giá hiệu quả hiệu quả Đầu tư công, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về Đầu tư công, việc tuân thủ quy hoạch, kế hoạch Đầu tư công; Xử lí vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động Đầu tư công; Khen thưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thành tích trong hoạt động Đầu tư công; Hợp tác quốc tế về Đầu tư công.
Các hành vi bị cấm trong Đầu tư công, bao gồm 12 khoản như: Quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, không đúng thẩm quyền; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, vụ lợi; Đưa, nhận, môi giới hối lộ; Sử dụng vốn Đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng; Làm giả, làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan; Cố ý báo cáo, cung cấp thông tin không đúng, không trung thực, không khách quan....
Luật Đầu tư công đã được quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2014 và sẽ có hiệu lực thi hành bắt đầu từ 01 tháng 01 năm 2015.
2. Một số tác động dự kiến của Luật Đầu tư công
- Do từ trước đến nay, hoạt động Đầu tư công chưa có một văn bản quy phạm pháp luật thống nhất điều chỉnh, mà được điều chỉnh theo nhiều quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau như: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,... các Nghị định, Thông tư và các quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành,...Do vậy, Luật Đầu tư công ra đời sẽ là một đạo luật thống nhất điều chỉnh việc quản lý, sử dụng nguồn vốn Đầu tư công.
- Khắc phục các tồn tại hạn chế hiện nay, như các quy phạm pháp luật quy định không đầy đủ, không rõ ràng, chồng chéo, mâu thuẫn...; góp phần cải cách các thủ tục hành chính trong quản lý nguồn vốn Đầu tư công; giảm thiểu tối đa các loại văn bản hướng dẫn của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan vẫn bảo đảm việc quản lý và sử dụng vốn Đầu tư công được thống nhất và ngày càng chặt chẽ hơn.
- Luật Đầu tư công là công cụ pháp lý quan trọng để các bộ, ngành và địa phương phải xem xét, cân nhắc kỹ hơn từ khâu phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt chương trình, dự án phải xác định được nguồn vốn và bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành chương trình, dự án theo đúng mục tiêu, tiến độ đã được phê duyệt; khắc phục được tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải hiện nay.
- Đồng thời với các quy định của Luật Đầu tư công sẽ quy định rõ và là công cụ thể theo dõi, đánh giá việc quản lý và sử dụng kế hoạch, chương trình, dự án sử dụng vốn Đầu tư công.
- Với các quy định chặt chẽ, phân định rõ trách nhiệm của từng khâu, từng cấp sẽ góp phần nâng cao vai trò định hướng, tạo tiền đề cho các hoạt động đầu tư phát triển; góp phần củng cố niềm tin của xã hội đối với các cơ quan công quyền nói chung, cơ quan quản lý nhà nước về Đầu tư công nói riêng;
- Góp phần lành mạnh hóa môi trường đầu tư, tạo cơ sở để thu hút đầu tư từ các nguồn vốn khác, đặc biệt sẽ tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư hoặc góp vốn cùng nhà nước đầu tư vào các dự án Đầu tư công; khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn để nhận quyền kinh doanh, khai thác thu lợi các dự án Đầu tư công khi có điều kiện.
- Luật Đầu tư công sẽ góp phần tích cực vào công cuộc chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư.
Như vậy, việc Luật Đầu tư công ra đời đã thống nhất tất cả những hoạt động liên quan đến Đầu tư công về một đầu mối văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh. Với những điều khoản cụ thể trong luật này, dự kiến hoạt động Đầu tư công ở Việt Nam sẽ trở nên có hiệu quả hơn, tránh tình trạng đầu tư còn dàn trải, nhiều thất thoát và lãng phí như hiện nay.
Tài liệu tham khảo
Luật Đầu tư công, số 49/2014/QH13 ngày 18/6/2014