^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Tiêu chí đánh giá loại hình kiểm toán hoạt động

Kiểm toán hoạt động là loại kiểm toán nhằm để xem xét và đánh giá về tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả của các hoạt động được kiểm toán. Tính kinh tế là sự tiết kiệm các nguồn lực. Hay đây còn gọi là nguyên tắc tối thiểu, nghĩa là đạt được mục tiêu nhất định cần dung một lượng nguồn lực ít nhất. Tính hiệu lực là khả năng về mức độ hoàn thành các nhiệm vụ và mục tiêu đã xác định của đơn vị. Tính hiệu quả là việc đạt được kết quả cao nhất với một nguồn lực nhất định, hay đây còn gọi là nguyên tắc tối đa.

Có rất nhiều lĩnh vực khác nhau cần phải kiểm tra và theo dõi về tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả nên đối tượng của kiểm toán hoạt động cũng rất phong phú và đa dạng. Chúng không chỉ giới hạn trong lĩnh vực tài chính mà còn có thể bao gồm nhiều lĩnh vực mà còn có thể bao gồm nhiều lĩnh vực và hoạt động khác như việc đánh giá cơ cấu tổ chức, một phương án kinh doanh, một quy trình công nghệ, một hệ thống máy tính, hay một loại tài sản, thiết bị mới đưa vào hoạt động… Việc xác định các tiêu chuẩn, chuẩn mực để đánh giá về tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả của các hoạt động là việc làm khó khăn, việc lượng hóa các mặt trên thành các tiêu chuẩn để đánh giá là việc làm mang nặng tính chủ quan. Các tiêu chí kiểm toán thường sẽ khác nhau giữa cuộc kiểm toán này và cuộc kiểm toán khác. Khi lựa chọn tiêu chí kiểm toán hoạt động, kiểm toán viên (KTV) phải bảo đảm được rằng chúng có liên quan, hợp lý và khả thi và tiêu chí phải được thảo ra dưới dạng các câu hỏi đảm bảo yêu cầu là các câu hỏi mang đặc điểm sự kiện thực tế và nhằm mô tả hay đo đếm được tình hình thực tế cần kiểm toán. Nếu trong kiểm toán tài chính, các thông lệ kế toán được chấp nhận rộng rãi thường được sử dụng như các tiêu chí đánh giá khi thực hiện kiểm toán thì kiểm toán hoạt động lại không có một hệ thống tiêu chí tương tự như vậy.

Chính vì vậy, KTV kiểm toán hoạt động phải thiết lập các tiêu chí kiểm toán phù hợp cho từng cuộc kiểm toán cụ thể. Có thể nói tiêu chí kiểm toán quyết định đến việc có thực hiện và thực hiện thành công được cuộc kiểm toán hoạt động hay không. Nếu tiêu chí kiểm toán không được thiết lập, KTV sẽ không có cơ sở để so sánh với thực tế của hoạt động được kiểm toán nhằm đưa ra các phát hiện, đánh giá và kiến nghị kiểm toán, nghĩa là không có kết quả của cuộc kiểm toán hoạt động.

Tuy nhiên, tiêu chí của nhiều cuộc kiểm toán chưa được định hình, thiết lập ngay từ khi lựa chọn chủ đề kiểm toán để định hướng và chắc chắn rằng sẽ thu thập được thông tin, bằng chứng kiểm toán nhằm đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực. Dẫn đến một số cuộc kiểm toán mục tiêu đặt ra thì lớn nhưng kết quả thu lại không tương xứng do thông tin, bằng chứng không thu thập đủ để đánh giá. Nhiều đề cương, hướng dẫn, quy trình kiểm toán không nêu rõ các tiêu chí kiểm toán và cách thiết lập tiêu chí kiểm toán; đặc biệt các kế hoạch kiểm toán của các cuộc kiểm toán chỉ đề cập đến nội dung đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực nhưng chưa có các tiêu chí kiểm toán cụ thể hay hướng dẫn việc thiết lập các tiêu chí cũng như việc sử dụng các tiêu chí kiểm toán để tiến hành kiểm toán. Hoặc, một số tiêu chí kiểm toán được thiết lập trong các quy trình kiểm toán, đề cương hướng dẫn kiểm toán hoặc do kiểm toán viên thiết lập trong quá trình kiểm toán chưa tham khảo ý kiến chuyên gia hoặc ý kiến của đơn vị được kiểm toán nên chưa sát đúng, chưa thật sự gắn với nội dung. Việc thiết lập tiêu chí kiểm toán chủ yếu dựa vào các tiêu chuẩn, định mức có sẵn hay các qui định trong các văn bản pháp quy nhưng chưa kiểm chứng các tiêu chuẩn, định mức hay các quy định này có phù hợp với thực tiễn hay không nên kết luận, kiến nghị kiểm toán nhiều khi không thỏa đáng, thiếu thực tiễn và khó đạt được sự thống nhất của đơn vị được kiểm toán.

Để nâng cao chất lượng loại hình kiểm toán hoạt động chúng ta cần:Hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện tốt loại hình kiểm toán hoạt động. Xây dựng các chuẩn mực, hướng dẫn riêng cho kiểm toán hoạt động phù hợp với thông lệ quốc tế, tuân thủ pháp luật Việt Nam và bao quát các đặc thù của kiểm toán hoạt động. Xây dựng và ban hành các hướng dẫn cụ thể cho kiểm toán hoạt động như: Xây dựng và ban hành hướng dẫn khung cho kiểm toán hoạt động (lựa chọn chủ đề, lập kế hoạch kiểm toán...); xây dựng và ban hành Sổ tay kiểm toán hoạt động. Xây dựng, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kiểm toán hoạt động. Kiểm toán hoạt động đòi hỏi cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của KTV.Một KTV kiểm toán hoạt động cần có trình độ học vấn tốt và có kinh nghiệm trong công việc điều tra/đánh giá. Các đặc điểm cá nhân (khả năng phân tích, tính sáng tạo, khả năng lĩnh hội, kỹ năng về xã hội, đức tính chính trực, óc phán đoán, sức chịu đựng, kỹ năng viết và nói tốt v.v.) cũng rất quan trọng. Để trở thành một KTV, Tổ trưởng hoặc Trưởng đoàn kiểm toán hoạt động, cần phải đạt một số yêu cầu nhất định, nên để đáp ứng các yêu cầu chất lượng trong kiểm toán hoạt động. Đặc biệt đối với việc nâng cao chất lượng việc xây dựng và phát triển tiêu chí kiểm toán hoạt động cần chú trọng thêm một số nội dung như: Ban hành hướng dẫn về xây dựng, phát triển tiêu chí kiểm toán từ khâu lựa chọn chủ đề kiểm toán, lập kế hoạch kiểm toán đến khâu thực hiện kiểm toán để áp dụng hiệu quả trong các cuộc kiểm toán; Xây dựng và ban hành Sổ tay kiểm toán hoạt động; Phối hợp với các cơ quan đơn vị, các bộ, ngành, địa phương xây dựng những mô hình chuẩn hay thông lệ tốt về quản lý các chương trình, dự án làm cơ sở để xây dựng tiêu chí kiểm toán./.

Tài liệu tham khảo:

Đậu Ngọc Châu, Lý thuyết kiểm toán, NXB Tài chính 2009

Báo kiểm toán số 2/2014

 

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube