Khả năng cạnh tranh của quốc gia/vùng lãnh thổ sẽ quyết định đến sự thịnh vượng của vùng/lãnh thổ đó. Mặt khác, khả năng cạnh tranh này lại phụ thuộc vào năng lực sáng tạo để nâng cao năng suất. Theo Michael Porter: Cạnh tranh là tạo ra năng suất và năng suất là giá trị sản lượng do một đơn vị lao động hoặc vốn sinh ra, nó phụ thuộc vào chất lượng và đặc điểm của sản phẩm (yếu tố quyết định giá của sản phẩm). Như vậy, có thể có thể xem xét: năng suất của người lao động? Năng suất của người nắm đồng vốn? Năng suất vùng, lãnh thổ/địa phương hay quốc gia? Năng suất vùng, địa phương hay quốc gia được hiểu là mức sống tăng dần của xã hội phụ thuộc vào khả năng tăng năng suất theo thời gian của các doanh nghiệp, thể hiện cụ thể: năng suất của người lao động, năng suất của đồng vốn được sử dụng, nguồn thu nhập của quốc dân từ thuế để chi trả cho các dịch cụ công ích (y tế, giáo dục, an sinh xã hội...) góp phần đẩy mạnh nâng cao mức sống người dân. Có thể nói khả năng cạnh tranh và năng suất mới có thể đảm bảo sự thịnh vượng kinh tế lâu dài. Do đó, các nền kinh tế cần xây dựng và nuôi dưỡng môi trường kinh doanh kinh tế vi mô có tính cạnh tranh, cho phép các doanh nghiệp cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng thông qua việc giải phóng sức cạnh tranh trong nội bộ.
Để có thể xây dựng và nuôi dưỡng môi trường kinh doanh kinh tế vi mô có tính cạnh tranh cần biết được một quốc gia/vùng lãnh thổ đang ở giai đoạn phát triển kinh tế nào với các ưu tiên chính sách khác nhau. Nền kinh tế lấy điều kiện sẵn có làm động lực tạo ra giá trị nhờ khai thác tài nguyên và các điều kiện sẵn có do đó sẽ không đạt được sự tăng trưởng kinh tế bền vững. Giai đoạn hai nền kinh tế sẽ dựa vào nguyên vật liệu đầu vào để tạo ra hàng hóa và dịch vụ có giá trị hơn. Còn giai đoạn cuối cùng đó là tạo ra giá trị độc đáo cho nhiều khách hàng, giúp cho năng suất cao hơn thông qua tổng hợp các yếu tố.
Hình 1: Các giai đoạn phát triển kinh tế của quốc gia/vùng lãnh thổ
Mô hình kim cương của Giáo sư Michael Porter phân tích các yếu tố quyết định lợi thế cạnh tranh đồng thời đánh giá một quốc gia hay vùng lãnh thổ có môi trường kinh doanh vi mô lành mạnh hay không. Mô hình đưa ra 4 nhân tố tác động qua lại lẫn nhau và quyết định lợi thế cạnh tranh quốc gia/vùng lãnh thổ đó là:
Hình 2: Mô hình "kim cương"
- Điều kiện đầu vào sẵn có: Điều kiện sẵn có của một môi trường kinh doanh bao gồm tính hiệu quả, chất lượng và sự chuyên môn hóa của các điều kiện sẵn có cho doanh nghiệp. Các điều kiện này sẽ có tác động đến năng lực sáng tạo và năng suất lao động, bao gồm: vốn, con người, tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng vật chất và hành chính, công nghệ thông tin. Các yếu tố này cần được kết hợp một cách đầy đủ để tạo sơ sở hình thành lợi thế cạnh tranh.
- Chiến lược cơ cấu và sự cạnh tranh của công ty: Các quy định, quy tắc, cơ chế khuyến khích và áp lực chi phối loại hình, mức độ cạnh tranh địa phương tạo ra những ảnh hưởng lớn tới chính sách thúc đẩy năng suất.
- Các điều kiện về nhu cầu: Nhu cầu thị trường ảnh hưởng tới quy mô và tăng trưởng thị trưởng đồng thời liên quan đến cả tính chất khách hàng. Nhìn chung, môi trường kinh doanh lành mạnh sẽ có mức cầu cao từ các nhóm khách hàng địa phương phức tạp, do đó buộc các doanh nghiệp phải cung cấp hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao hơn mới có khả năng thành công.
- Các ngành hỗ trợ và có liên quan: Để có được sự thành công của môi trường kinh doanh vi mô cần có được số lượng lớn nhà cung cấp có năng lực tại địa phương và thay vì từng ngành công nghiệp riêng lẻ cần có các cụm ngành.