^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Tình hình lao động – việc làm của lực lượng lao động huyện Kỳ Anh

Kỳ Anh là một huyện ven biển phía đông nam tỉnh Hà Tĩnh, nơi có dãy Hoành Sơn và Đèo Ngang. Phía nam và tây của huyện giáp tỉnh Quảng Bình, phía bắc giáp huyện Cẩm Xuyên, phía đông giáp biển Đông. Kỳ Anh gồm 1 thị trấn, 32 xã. Trong những năm qua thực hiện đường lối lãnh đạo của Đảng và chính sách pháp luật nhà nước, nền kinh tế - xã hội của Kỳ Anh đã có những chuyển biến rõ nét trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đời sống người dân từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu đáng khích lệ,nền kinh tế của Kỳ Anh còn phát triển tương đối chậm, tỷ lệ lao động thất nghiệp cao, chất lượng nguồn lao động còn thấp. Vì vậy, nghiên cứu thực trạng  lao động-việc làm để làm cơ sở xây dựng các chính sách hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho người dân huyện Kỳ Anh trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết.

Về số lượng, chất lượng lao động

          Số lượng: Kỳ Anh là huyện nguồn nhân lực dồi dào với số dân (tính đến ngày ngày 31/12/2012) 175.039 người, tổng số người trong độ tuổi lao động là 102.821 người, số có khả năng lao động là 91.537 người chiếm 89,4% lao động trong độ tuổi.

Nguồn lao động huyện Kỳ Anh thời kỳ 2010-2012

Năm

2010

2011

2012

Nguồn lao động (người)

98.730

115.351

102.821

Lực lượng lao động(người)

92.360

91.802

91.537

Thất nghiệp(người)

6.420

5.230

5.181

Lao động trong các ngành(người)

 85.940

86.572

   86.356

Nguồn: Niên giám thống kê huyện Kỳ Anh 2012

Nguồn lao động của huyện thời kỳ 2010-2012 tăng liên tục là do cơ cấu dân số trẻ. Sự gia tăng nguồn lao động đã góp phần tích cực vào việc khai thác tiềm năng phục vụ cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, nguồn nhân lực tăng nhanh cũng gắn với cường độ khai thác các loại tài nguyên (đất, rừng, nguồn nước, khoáng sản ...) diễn ra nhanh hơn, dẫn tới mất cân bằng về sinh thái, ảnh hưởng đến việc phát triển bền vững. Đây cũng chính là một thách thức lớn đòi hỏi Kỳ Anh phải có biện pháp khai thác và sử dụng nguồn nhân lực một cách hợp lý.

Chất lượng

Chất lượng lao động huyện Kỳ Anh thời kỳ 2010-2012

Chỉ tiêu

Số lượng

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

1. Tổng số lao động tham gia hoạt động kinh tế (người)

92.360

91.802

91.537

1. Số lao động đào tạo (người)

22.120

27.798

28.796

* Tiến sĩ

0

0

0

* Thạc sĩ

21

33

36

* Đại học

2.115

2.493

2.568

* Cao đẳng chuyên nghiệp

1.450

1.866

2.001

* Cao đẳng nghề

250

294

339

* Trung học chuyên nghiệp

2.800

3.803

3.959

* Trung cấp nghề

2.114

2.210

2.405

* Có bằng nghề dài hạn

235

331

345

* Sơ cấp nghề

4.449

4.437

4.551

* Dạy nghề ngắn hạn

1.680

1.738

1.799

* CNKT không có bằng

7.006

10.593

10.793

2. Số lao động chưa qua đào tạo

70.240

64.004

62.741

II. Tỷ lệ lao động qua đào tạo (%)

23,95

30,28

31,46

III. Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo (%)

76,05

69,72

68,54

Nguồn: Hệ thống cơ sở dữ liệu lao động- việc làm huyện Kỳ Anh 2010-2012

Chất lượng của lực lượng lao động có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế -xã hội, đến khả năng cạnh tranh trong điều kiện hội nhập.  Hiện nay ở Việt Nam đang hình thành 2 loại hình nhân lực: nhân lực phổ thông và nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, ở huyện Kỳ Anh, nhân lực phổ thông hiện tại vẫn chiếm số đông, trong khi đó, nhân lực chất lượng cao lại chiếm tỷ lệ rất thấp. Chất lượng nguồn lao động của Kỳ Anh thấp hơn so với mặt bằng chung của tỉnh và thấp hơn so với một số huyện khác trong tỉnh. Tỷ lệ lao động có tay nghề kỹ thuật có trình độ chuyên môn thấp. Lao động không có chuyên môn chiếm tỷ lệ cao, chủ yếu là lao động thuần nông.

Theo số liệu thống kê, số lượng lao động chưa qua đào tạo có xu hướng giảm. Nếu năm 2010 tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo là 76,05%, thì đến năm 2012 tỷ lệ này giảm xuống còn 68,54%. Đây là dấu hiệu cho thấy chất lượng của lực lượng lao động huyện Kỳ Anh tăng lên trong những năm qua.

Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo mặc dù tăng lên trong giai đoạn 2010-2012 nhưng còn chiếm tỷ lệ thấp, chỉ tăng từ 23,95% năm 2010 lên 31,46% năm 2012. Đáng lưu ý là số lượng công nhân kỹ thuật không có bằng tăng lên từ 7.006 người năm 2010 lên 10.793 người năm 2012. Nguyên nhân của sự thay đổi này là trong những năm gần đây, huyện Kỳ Anh đã thu hút được hàng loại dự án đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, số lao động có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học không tăng nhiều. Trong khi đó, những nhà đầu tư, nhà tuyển dụng sản xuất lại ưu tiên tuyển những lao động có bằng cấp, trình độ chuyên môn cao, vì thế, người lao động huyện Kỳ Anh khó đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, họ nhanh chóng trở thành những người thất nghiệp, đòi hỏi phải có chính sách giải quyết việc làm cho số lao động này.

         Như vậy, lao động Kỳ Anh chỉ mới đáp ứng được nhu cầu về số lượng, chứ chưa đáp ứng được nhu cầu về chất lượng. Điều này không chỉ gây khó khăn cho các cơ sở sử dụng lao động mà còn khiến cho người lao động tự làm mất cơ hội việc làm cho bản thân.

          Tình hình việc làm

Trong thời gian qua, huyện Kỳ Anh đã xây dựng nhiều chương trình, đề án và tổ chức thực hiện nhằm giải quyết việc làm cho người lao động. Nhờ đó, số lượng người có việc làm hàng năm tăng lên, số lượng người có việc làm năm 2010 là 85.940 người, năm 2012 là 86.356 người. Tính chung cho cả giai đoạn 2010-2012, huyện đã giải quyết việc làm cho bình quân khoảng 210 lao động/năm. Điều này cho thấy tình trạng giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Kỳ Anh còn rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ lao động có việc làm trong lực lượng lao động chỉ chiếm khoảng 93%.

Đối với huyện Kỳ Anh trong thời gian qua do nhiều tác động khách quan như quá trình CNH với sự hình thành các KCN tập trung, xây dựng cơ sở hạ tầng khiến cho hàng nghìn hécta đất canh tác của các hộ nông nghiệp bị thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng, đã làm cho số lượng việc làm trong khu vực nông nghiệp giảm, số lượng việc làm trong khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng lên. Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp và tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - dịch vụ, do đó, tỷ trọng lao động trong ngành nông nghiệp giảm, còn ngành công nghiệp - dịch vụ tăng lên. Bảng 3, phản ánh  số và tỷ trọng lao động có việc làm trong các ngành kinh tế.

Sự phân bố lao động trong các ngành kinh tế quốc dân

Kinh tế hiện đại chia nền kinh tế thành 3 khu vực lớn (Nhóm ngành kinh tế) đó là: Khu vực I  gồm các ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp; Khu vực II gồm các ngành Công nghiệp và xây dựng; Khu vực III  gồm các ngành Dịch vụ.

Nói đến cơ cấu kinh tế và lao động trước hết nói đến cơ cấu theo 3 khu vực nói trên. Xu hướng tất yếu của phát triển kinh tế là tỷ trọng kinh tế khu vực I giảm, khu vực II và III tăng. Tương tự theo đó, cơ cấu lao động cũng phát triển theo hướng: Tỷ trọng lao động khu vực I giảm, khu vực II và III tăng lên.

Cơ cấu lao động huyện Kỳ Anh phân theo ngành kinh tế quốc dân

Ngành nghề

Đơn vị tính

                               Số Lao động có việc làm

2008

2009

2010

2011

2012

Nông - Lâm -Ngư nghiệp

Người

65.689

64.611

56.124

56.454

52.419

%

78,6

77,3

65,6

65,2

60,7

Công nghiệp - Xây dựng

Người

6.997

7.440

14.013

14.255

9.412

%

8,4

8,9

16,4

16,5

18,9

Dịch vụ

Người

10.904

11.514

15.353

15.863

24.525

%

13,0

13,8

18

18,3

20,4

Tổng số

Người

83.590

83.565

85.490

86.572

86.356

%

100

100

100

100

100

Nguồn: Niên giám thống kê huyện Kỳ Anh 2008-2012

Theo bảng 3 cho thấy trong 3 nhóm ngành kinh tế thì số lao động có việc làm trong ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất (chiếm trên 60% số lao động có việc làm trong các ngành kinh tế của toàn huyện) tiếp đến là ngành dịch vụ và cuối cùng là ngành công nghiệp - xây dựng.

Cũng theo bảng 3 tỷ trọng lao động có việc làm trong ngành nông - lâm - ngư nghiệp có xu hướng giảm dần và tỷ trọng lao động có việc làm trong ngành công nghiệp - xây dựng và ngành dịch vụ có xu hướng tăng lên. Cụ thể, Năm 2010 tỷ trọng lao động có việc làm trong ngành nông - lâm - ngư nghiệp là 65,6% đến năm 2012 giảm xuống còn 60,7%. Trong khi đó, năm 2010 tỷ trọng lao động có việc làm trong ngành dịch vụ chỉ chiếm 18%, năm 2012 tăng lên 18,9%, còn tỷ trọng lao động có việc làm trong ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 16,4%, năm 2010, đến năm 2012 đó tăng lên 20,4%.

Như vậy,có sự chuyển dịch cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế thể hiện trình độ và chất lượng nguồn lao động có tiến bộ đáng kể. Tỷ trọng lao động trong khu vực nông - lâm - ngư nghiệp giảm dần, tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng. Sự chuyển dịch cơ cấu lao động của huyện trong thời gian qua mặc dù đã theo hướng tiến bộ, nhưng còn rất chậm. Lao động vẫn chủ yếu tập trung trong ngành nông - lâm - ngư nghiệp.

                Tóm lại, bên cạnh một số thành tựu đã đạt được, thì thực trạng lao động - việc làm cho lao động của huyện Kỳ Anh thời gian qua còn tồn tại nhiều vấn đề. Yêu cầu cấp bách hiện nay đối với các cấp chính quyền là cần có giải pháp để khắc phục các vấn đề trên, đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế của huyện trong những năm tiếp theo.

Tài liệu tham khảo

1. Cục Thống kê tỉnh Hà Tĩnh, Niên giám thống kê huyện Kỳ Anh các năm 2008, 2009, 2010, 2011,2012.

2. Cục thống kê Hà Tĩnh, “Một số chỉ tiêu chủ yếu doanh nghiệp Hà Tĩnh năm 2011”,NXB Thống kê, 2013

3. Phạm Ngọc Linh (2009), “Vấn đề giải quyết việc làm ở Việt Nam hiện nay”, tạp chí Kinh tế và Phát triển, (144), tháng 6/2009.

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube