1. Đặt vấn đề
Tự học tập, nghiên cứu là việc sinh viên tự mình nghiên cứu tài liệu, tự đánh giá, định
hướng, sửa chữa những yếu điểm để hoàn thiện mình theo tiêu chuẩn của nghề nghiệp tương
lai. Qua hoạt động tự học, sinh viên sẽ phát triển năng lực làm việc độc lập, tự chủ, đam mê
sáng tạo, tự tìm tòi, khám phá, bổ sung và hoàn thiện vốn tri thức còn thiếu, tự nghiên cứu để
hoàn thiện bản thân, sẽ biết đặt ra các tình huống có vấn đề, gợi mở tư duy, tìm tòi, sáng tạo
trong công việc, biết sử dụng tối đa thời gian rảnh rỗi, tổng hợp và phân tích, thống kê tài liệu
để bổ sung, khắc sâu kiến thức, hoàn thiện bản thân.
2. Tầm quan trọng của hoạt động tự học, tự nghiên cứu trong sinh viên
- Tự học là mục tiêu cơ bản của quá trình dạy học.
Trong quá trình hoạt động dạy học giảng viên không chỉ dừng lại ở việc truyền thụ
những tri thức có sẵn, chỉ cần yêu cầu sinh viên ghi nhớ mà quan trọng hơn là phải định
hướng, tổ chức cho sinh viên tự mình khám phá ra những qui luật, thuộc tính mới của các vấn
đề khoa học. Giúp sinh viên không chỉ nắm bắt được tri thức mà còn biết cách tìm đến những
tri thức ấy. giúp sinh viên nắm được muốn thành công trên bước đường học tập và nghiên cứu
thì phải có khả năng phát hiện và tự giải quyết những vấn đề mà cuộc sống, khoa học đặt ra.
- Bồi dưỡng năng lực tự học là phương cách tốt nhất để tạo ra động lực mạnh mẽ cho
quá trình học tập.
Một trong những phẩm chất quan trọng của mỗi cá nhân là tính tích cực, sự chủ động
sáng tạo trong mọi hoàn cảnh. Và, một trong những nhiệm vụ quan trọng của giáo dục là hình
thành phẩm chất đó cho người học. Bởi từ đó nền giáo dục mới mong đào tạo ra những lớp
người năng động, sáng tạo, thích ứng với mọi thị trường lao động, góp phần phát triển cộng
đồng.
3. Giải pháp nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu trong sinh viên trong giai
đoạn hiện nay
+ Đối với giảng viên
- Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học
Giảng viên cần áp dụng nhiều biện pháp dạy học tích cực, áp dụng đa dạng phù hợp
các hình thức dạy học nêu và giải quyết vấn đề, thảo luận nhóm, hoạt động nhóm, dạy học dự
án, phương pháp vấn đáp, phương pháp đóng vai..giúp sinh viên sẽ tích cực tham gia đóng
góp xây dựng bài, phát biểu ý kiến hoặc tham gia tranh luận trong nhóm, liên hệ những kiến
thức được học với thực tế, hoặc tìmcách áp dụng vào thực tế, nâng cao năng lực tự học, tự
nghiên cứu trong bản thân mỗi sinh viên.
- Tăng cường tổ chức cho sinh viên thảo luận, thuyết trình nhóm.
Đây là một hình thức dạy và học tích cực thông qua trao đổi, chất vấn, đối thoại giữa
giảng viên với sinh viên, giữa sinh viên với sinh viên, qua đó giúp sinh viên nắm kiến thức lý
thuyết và thực tiễn của môn học tốt hơn.
- Tăng cường việc cho sinh viên viết tiểu luận môn học, làm các bài tập lớn.
Để giúp sinh viên làm quen với nghiên cứu khoa học, hiểu sâu hơn những vấn đề cơ
bản của môn học, bước đầu biết gắn lý luận với thực tiễn, góp phần rèn luyện kỹ năng viết của
sinh viên. Thì đây là phương pháp rất hữu ích. Để làm tiểu luận và các bài tập lớn, sinh viên
phải thu thập và xử lý thông tin, phải đọc, phải viết, nghĩa là phải sử dụng các phương pháp
học tập và nghiên cứu khoa học, qua đó góp phần nâng cao năng lực tự học.
- Chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy
Mỗi giảng viên cần tự nâng cao chất lượng giảng dạy môn học của mình đảm nhận,
cập nhật liên tục những kiến thức mới và đưa ra những phương pháp giảng dạy phù hợp cho
từng đối tượng sinh viên, từng ngành học.
+ Đối với sinh viên
- Xác định đúng mục tiêu, động cơ học tập:
Ngay từ đầu môn học giảng viên cần giúp cho sinh viên nhận thức đúng, rõ ràng về
mục đích và nội dung trọng tâm cũng như phương pháp học tập của môn học, giúp sinh viên
biết học để có tri thức, kĩ năng phục vụ cho hoạt động nghề nghiệp của mình sau này. Từ nhận
thức như vậy người học mới có tinh thần tích cực đối với hoạt động tự học và do đó, mới có ý
thức thường xuyên nâng cao năng lực tự học của bản thân.
- Xây dựng kế hoạch học tập
Sinh viên phải xây dựng cho mình kế hoạch rõ ràng từng giai đoạn cụ thể sao cho phù
hợp với điều kiện hoàn cảnh của mình. Sau khi đã xác định được trọng tâm, phải sắp xếp các
phần việc một cách hợp lí logic về cả nội dung lẫn thời gian, đặc biệt cần tập trung hoàn thành
dứt điểm từng phần, từng hạng mục theo thứ tự được thể hiện chi tiết trong kế hoạch. Điều đó
sẽ giúp quá trình tiến hành việc học được trôi chảy thuận lợi.
- Phát huy năng lực tiếp nhận, xử lý, tổng hợp thông tin phục vụ hoạt động học tập
trong sinh viên
Ngoài việc tiếp thu kiến thức trên ghế nhà trường, sinh viên cần thu thập thập thông
tin bên ngoài nhằm làm phong phú kiến thức của mình. Sau khi thu nhận thông tin, sinh viên
phải biết cách xử lý, chọn lọc, phân loại thông tin nhằm phục vụ cho chuyên môn, nghiên cứu,
rèn luyện nghiệp vụ nghề nghiệp, làm giàu vốn tri thức cho bản thân.
- Nâng cao năng lực trí tuệ và tư duy, rèn luyện khả năng tự học
Hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu, nó giúp cho quá trình học tập, đặc biệt là
tự học diễn ra liên tục và lâu dài. Để có được một thói quen tự học tốt, sinh viên cần: học có
chọn lọc, học có đam mê và học có quá trình.
4. Kết luận
Tự học là một quá trình, vì thế nếu như sinh viên xây dựng được một thời gian biểu
học tập cụ thể và hợp lí, quá trình tự học sẽ diễn ra thuận lợi, không bị gián đoạn, năng lực tự
học vì thế cũng sẽ được tích lũy dần dần. Ngược lại, nếu sinh viên học không có quy củ hay
phân bổ thời gian không hợp lí sẽ gây ra tình trạng mau chán và dễ quên, thói quen tự học sẽ
dần dần mai một.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Hiến Lê (2007), “Tự học- một nhu cầu của thời đại”, Nxb Văn hoá-
Thông tin, Hà Nội.
2. Trần Thị Minh Hằng (2011), “Tự học và yếu tố tâm lý cơ bản trong tự học của
sinh viên Sư phạm”, Nxb Giáo dục.
3. Ngô Thị Lan Anh - Hoàng Minh Đức. (2020). Đào tạo trực tuyến trong các
trường đại học ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng. Tạp chí Công Thương