Sự phát triển của thị trường bất động sản (BĐS) được xem là một bộ phận quan trọng của
tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Thời gian qua, thị trường BĐS Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn,
vướng mắc, trong đó có vấn đề về tín dụng bất động sản.
Những khó khăn, vướng mắc về tín dụng BĐS cơ bản là: Mục đích vay vốn; lãi suất cao hơn
lãi suất cho vay lĩnh vực khác; hệ số rủi ro áp dụng cao hơn lĩnh vực khác; hạn mức cấp tín dụng; tỷ
lệ giá trị cho vay trên tài sản đảm bảo; chính sách, quy định pháp lý về BĐS thay đổi nhiều, còn
nhiều cách hiểu khác nhau gây khó khăn trong hoạt động tín dụng của ngân hàng…
Để thực hiện các giải pháp tín dụng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh
nghiệp BĐS, tổ chức, cá nhân khi tiếp cận vốn tín dụng, góp phần phát triển thị trường BĐS
lành mạnh trên cơ sở đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng nhà nước
yêu cầu các Tổ chức tín dụng nỗ lực tối đa tiết giảm chi phí hoạt động để có dư địa phấn đấu
giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, trong đó có người mua nhà và các dự án BĐS đã
hoàn thiện thủ tục pháp lý, có khả năng trả nợ; đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp
vượt qua khó khăn.
Tập trung nguồn vốn tín dụng vào các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo
tính pháp lý, các dự án có khả năng hoàn thành, sớm đi vào sử dụng, có khả năng tiêu thụ
tốt, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở.
Tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án BĐS đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu
thụ sản phẩm, và đảm bảo kế hoạch trả nợ; nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân,
dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao. Thực hiện các giải pháp phù hợp với quy
định của pháp luật để hỗ trợ doanh nghiệp BĐS và cá nhân, tổ chức mua, nhận chuyển
nhượng BĐS tiếp cận vốn khi đáp ứng đầy đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định.
Chủ động rà soát, phân loại, đánh giá các dự án BĐS đang cấp tín dụng để có giải
pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án; kịp thời có giải pháp tín
dụng cho các doanh nghiệp BĐS hoạt động tốt, các dự án phát triển khu công nghiệp,
dịch vụ gặp khó khăn tạm thời. Đối với các dự án hiện đang vướng mắc về thủ tục pháp
lý không thuộc lĩnh vực ngân hàng thì đề nghị khách hàng chủ động báo cáo các cấp có
thẩm quyền xem xét tháo gỡ. Đồng thời, đảm bảo thực hiện các thỏa thuận, hợp đồng cấp
tín dụng đã ký kết với doanh nghiệp BĐS và người mua nhà.
Xem xét cấp tín dụng đối với cả chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các
đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng để tăng khả năng luân chuyển vốn và
thanh khoản cho thị trường BĐS; chủ động kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, mục đích sử dụng
vốn vay, thu nợ đầy đủ, đúng hạn. Đẩy mạnh cho vay người mua nhà, thu nợ người bán nhà
trong cùng một dự án.
Kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc BĐS cao cấp đang dư thừa nguồn
cung/BĐS không có nhu cầu thực/kinh doanh có tính chất đầu cơ BĐS, làm giá, lũng đoạn
thị trường BĐS; kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách
hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của
TCTD, cho vay chéo..., cân đối tỷ trọng dư nợ cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS một cách
hợp lý, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín
dụng, việc sử dụng vốn nhất là đối với các doanh nghiệp, tập đoàn, dự án sân sau.
Nâng cao chất lượng thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng, nhất là đối với các doanh
nghiệp có trái phiếu BĐS phát hành đến hạn thanh toán, thực hiện đầu tư trái phiếu doanh
nghiệp theo đúng quy định hiện hành của ngân hàng nhà nước.
Như vậy, việc hoàn thiện chính sách tín dụng đối với thị trường BĐS là nội dung
quan trọng nhằm khơi thông dòng vốn, đảm bảo sự phát triển của thị trường theo hướng minh bạch, ổn định.