^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

QUY ĐỊNH MỞ SỔ GHI CHÉP ĐỐI VỚI CÁ NHÂN THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG TỪ THIỆN THEO QUY ĐỊNH THÔNG TƯ 41/2022/TT- BTC

Dân tộc Việt Nam có truyền thống tốt đẹp về tinh thần tương thân tương ái “Lá lành đùm lá rách”, do đó những hoạt động thiện nguyện cứu giúp người khó khăn trong thiên tai, dịch bệnh luôn được cộng đồng góp sức. Hoạt động thiện nguyện không chỉ được thực hiện bởi các tổ chức, đơn vị có trách nhiệm như Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hay là Hội Chữ thập đỏ mà ngày càng có nhiều cá nhân, đặc biệt là những người nổi tiếng tham gia. Để minh bạch thông tin, tránh những mặt trái phía sau hoạt động quyên góp từ thiện và ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đòi hỏi các tổ chức, cá nhân phải tuân thủ quy định về sổ sách, báo cáo theo Thông tư số 41/2022/TT-BTC ngày 5/7/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện. Đây được coi là một trong những công cụ pháp lý để lấp lỗ hổng về công tác quản lý và tăng tính minh bạch cho các hoạt động thiện nguyện.

  1. Về nguyên tắc, yêu cầu

Về nguyên tắc, tất cả các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân có các hoạt động liên quan đến vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện đều phải mở sổ kế toán ghi chép đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập báo cáo và minh bạch thông tin theo quy định của Thông tư 41/2022 – TT/BTC và pháp luật có liên quan.

Về yêu cầu:

+  Các tổ chức, cơ quan, đơn vị có các hoạt động xã hội, từ thiện có tổ chức kế toán riêng đối với các hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện phải thực hiện mở sổ kế toán ghi chép, hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập báo cáo tài chính đầy đủ, minh bạch theo quy định. Còn đối với các tổ chức, cơ quan đơn vị có các hoạt động xã hội, từ thiện không có tổ chức kế toán riêng đối với các hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện phải hạch toán trên cùng một hệ thống sổ kế toán của đơn vị và mở sổ chi tiết theo dõi riêng cho hoạt động này đảm bảo minh bạch, rõ ràng.

+ Các cá nhân có các hoạt động xã hội, từ thiện có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện phải thực hiện theo quy định; đồng thời lập báo cáo và công khai tình hình tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp theo quy định của pháp luật.

  1. Quy định về ghi chép và báo cáo đối với cá nhân có các hoạt động xã hội, từ thiện

2.1. Mở sổ ghi chép

Theo quy định của Thông tư 41/2022- TT/BTC các cá nhân phải mở sổ sách để ghi chép các khoản đã tiếp nhận đóng góp tự nguyện của các nhà tài trợ; các khoản đã phân phối và sử dụng từ nguồn này để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện một cách chính xác, trung thực, đảm bảo công khai, minh bạch:

+ Ngay khi bắt đầu thực hiện các hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện việc ghi chép sổ sách phải thực hiện. Việc ghi chép thực hiện theo nguyên tắc: Số liệu ghi chép phải liên tục theo trình tự thời gian và phản ánh đầy đủ các thông tin theo yêu cầu công khai số liệu. Nếu không ghi hết trang sổ phải gạch chéo phần không ghi, nghiêm cấm mọi hành vi tẩy xóa, sửa chữa thông tin số liệu đã ghi chép trên sổ.

+ Kết thúc đợt vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện cá nhân phải thực hiện chốt sổ, theo đó cộng toàn bộ số liệu thu, chi và tính ra số tồn chưa sử dụng để lập báo cáo và công khai số liệu theo quy định của pháp luật. Đối với khoản tiếp nhận và sử dụng thông qua tài khoản tiền gửi ngân hàng phải thực hiện đối chiếu số liệu với ngân hàng nơi mở tài khoản định kỳ hàng tháng và đối chiếu khi kết thúc đợt vận động. Bàn đối chiếu số liệu với ngân hàng hoặc sổ chi tiết tài khoản tiền gửi mà ngân hàng gửi đến phải được lưu trữ và công khai khi kết thúc đợt vận động.

* Đối với khoản tiếp nhận từ các nhà tài trợ để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện:

+ Trường hợp tiếp nhận tài trợ bằng tiền: Cá nhân người vận động phải mở riêng tài khoản cho mục đích xã hội, từ thiện tại ngân hàng theo quy định, không được nhận tiền tài trợ cho mục đích xã hội, từ thiện vào chung tài khoản sử dụng chi tiêu cá nhân của người vận động. Phải thực hiện ghi chép các khoản đã tiếp nhận tài trợ bằng tiền của các nhà tài trợ theo thời gian đóng góp thực tế.

+ Trường hợp tiếp nhận tài trợ bằng hiện vật: Tùy theo điều kiện kho, bãi, khả năng bảo quản, vận chuyển, cá nhân người vận động quyết định việc tiếp nhận các khoản tài trợ bằng hiện vật và phải mở riêng “Sổ tổng hợp số liệu nhận vận động tài trợ bằng hiện vật”.

Riêng đối với các khoản chi tiền để mua sắm hàng hóa, hiện vật mang đi tài trợ hoặc mua sắm vật tư,... chi trả cho việc xây dựng, sửa chữa công trình phải có đầy đủ các hóa đơn, chứng từ mua bán hợp lệ, hợp pháp theo quy định của pháp luật.

2.2. Lập báo cáo, công khai số liệu và lưu trữ tài liệu

Cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện kết thúc mỗi đợt vận động phải lập báo cáo thu, chi và công khai số liệu và phải chịu trách nhiệm lưu trữ các tài liệu đó theo quy định.

Như vậy, công tác kế toán hoạt động thiện nguyện có quy định rõ ràng không chỉ đối với tổ chức mà với cả cá nhân tham gia huy động sẽ giúp cho thông tin được rõ ràng, minh bạch, giúp củng cố niềm tin và phát huy được tinh thần đoàn kết, đùm bọc, sẻ chia của người dân trong hoạn nạn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ Tài chính (2016), Thông tư 41/2022/TT-BTC ngày 05/7/2022 Hướng dẫn Chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện

 

 

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube