Cùng với sự nghiệp đổi mới của đất nước trong hơn nhiều năm qua, ngành Du
lịch đã có nhiều tiến bộ và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Những kết quả về
lượng khách, thu nhập, tỷ trọng GDP và việc làm đã khẳng định vai trò của ngành Du
lịch trong nền kinh tế quốc dân. Ngành Du lịch đã có đóng góp quan trọng vào tăng
trưởng kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị
văn hoá, bảo vệ môi trường và giữ vững an ninh quốc phòng. Chiến lược phát triển du
lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đề ra mục tiêu tổng quát cho
ngành Du lịch trong giai đoạn mới là: “Đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành
kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối
đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang
đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và trên thế
giới. Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát
triển”.
Để đạt được mục tiêu trên, ngành Du lịch đang chủ trương thực hiện chính sách
phát triển bền vững, trong đó coi phát triển du lịch có trách nhiệm là con đường dẫn đến
sự thành công. Du lịch có trách nhiệm hướng tới mục tiêu cung cấp những kinh nghiệm
tích cực cho du khách và cộng đồng dân cư địa phương, nâng cao nhận thức về sự tôn
trọng đối với môi trường và văn hóa, giảm thiểu các tác động tiêu cực từ phát triển du
lịch, hướng sự tập trung tới người nghèo, trao quyền cho người dân địa phương, thông
qua du lịch để tối đa hóa thu nhập và việc làm cho họ.
1. Thế nào là Du lịch có trách nhiệm?
Du lịch có trách nhiệm là một cách tiếp cận dựa trên nền tảng các nguyên tắc bền
vững nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa và môi trường tự nhiên, đảm bảo các lợi ích kinh tế
lâu dài.
Mục đích của du lịch có trách nhiệm là tăng cường các tác động tích cực và hạn
chế các tác động tiêu cực lên xã hội, nền kinh tế và môi trường sống.
Du lịch có trách nhiệm với xã hội:
Du lịch có trách nhiệm trước hết thực hiện trách nhiệm bảo tồn các giá trị văn hóa
địa phương. Làm thế làm để văn hóa bản địa không bị làn sóng du lịch tác động, làm trở
nên méo mó? Khai thác ở mức độ nào để phát triển du lịch không gây đảo lộn và ảnh
hưởng tiêu cực đến đời sống của cộng đồng địa phương? Đó là những câu hỏi mà
cách tiếp cận du lịch có trách nhiệm đặt ra.
Du lịch có trách nhiệm với môi trường
Du lịch có trách nhiệm cũng thể hiện trách nhiệm với môi trường. Du lịch có trách
nhiệm dựa trên nền tảng rằng mọi sự phát triển đều có tương quan với sức khỏe của môi
trường sinh thái. Chỉ bằng cách phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn thiên nhiên, chúng ta
mới có thể đạt được phát triển bền vững và không để lại những hậu quả đáng tiếc về sau.
2. Du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam
Ở Việt Nam, khái niệm Du lịch có trách nhiệm đã được đề cập đến ở nhiều hội thảo
chuyên đề và công trình nghiên cứu nhằm giải quyết các vấn đề thiếu tính bền vững trong
quá trình phát triển. Cách tiếp cận này nhằm tạo ra những trải nghiệm tích cực cho du
khách và chủ nhà, nâng cao nhận thức về môi trường và văn hoá, giảm đến mức thấp nhất
những tác động xấu của du lịch, chú trọng tới người nghèo bằng cách trao quyền cho
người dân địa phương và tăng đến mức tối đa thu nhập và việc làm của họ từ du lịch.
Chính vì vậy, du lịch có trách nhiệm hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của sự phát triển trong
bối cảnh hiện nay. Du lịch có trách nhiệm cùng chung nền tảng và mục đích như du lịch
bền vững, nhưng chú trọng mạnh mẽ vào sự phối hợp của các đối tác và phương pháp tiếp
cận theo định hướng hành động và kết quả để tạo ra những sản phẩm du lịch vừa khả thi
về thương mại và vừa có khả năng đóng góp vào sự phát triển của địa phương. Tầm quan
trọng của phát triển bền vững hiện nay được thể hiện rất rõ ràng trong Kế hoạch Phát triển
Kinh tế Xã hội và Chiến lược phát triển ngành Du lịch. Trong thực tế, các chính sách và
quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đều đã nhất quán nhấn mạnh đến yêu cầu về sự phát
triển bền vững.
Trong những năm gần đây, ở Việt Nam, du lịch có trách nhiệm đã được đề xuất như
một phương thức thực tiễn để đạt được các kết quả trực tiếp hơn. Năm 2009, một diễn đàn
của mạng lưới du lịch Cộng đồng và có Trách nhiệm đã được thiết lập trên mạng internet
nhằm chia sẻ thông tin của các đối tác phát triển và các doanh nghiệp du lịch. Đồng thời,
một nhóm các công ty lữ hành tự nguyện cam kết thúc đẩy du lịch có trách nhiệm ở Việt
Nam đã hình thành Câu lạc bộ Lữ hành có Trách nhiệm. Hiện nay ngày càng có nhiều
công ty du lịch cam kết điều hành kinh doanh một cách bền vững và có trách nhiệm về xã
hội, xây dựng các chính sách du lịch có trách nhiệm cho hoạt động của mình. Các diễn
đàn truyền thông xã hội cũng đưa ra ngày càng nhiều tin về du lịch có trách nhiệm, chia
sẻ thông tin giữa khách du lịch, các cơ quan phát triển và các công ty du lịch. Các nguyên
tắc du lịch có trách nhiệm sẽ tạo cơ sở để ngành du lịch đạt hiệu quả cao hơn, có tính cạnh
tranh và bền vững hơn, mở rộng các cơ hội cho người nghèo và những nhóm chịu thiệt
thòi khác như phụ nữ và dân tộc thiểu số. Yêu cầu của sự phát triển du lịch trong giai
đoạn tới đòi hỏi ngày càng cần nhiều sản phẩm du lịch có trách nhiệm được tạo ra để cung
cấp cho thị trường đang hướng tới tính “có trách nhiệm” cao hơn trong hoạt động du lịch.
Điều này đòi hỏi tất cả các đối tác trong ngành Du lịch cần nỗ lực cùng nhau làm việc
hướng tới mục tiêu chung là tạo ra nhiều hơn sản phẩm du lịch có trách nhiệm tại Việt
Nam.
3. Phát triển sản phẩm du lịch có trách nhiệm
Sự tồn tại và phát triển của sản phẩm du lịch có trách nhiệm là điều kiện tiên quyết
cho sự thành công của việc đưa các nguyên tắc về du lịch có trách nhiệm vào áp dụng ở
Việt Nam. Do du lịch có trách nhiệm còn là một khái niệm mới nên phát triển sản phẩm
du lịch có trách nhiệm cần được thực hiện theo một qui trình để tạo ra nhận thức cao hơn
về các yêu cầu của phát triển du lịch có trách nhiệm, đồng thời đưa ra các bước thực tế để
biến ý tưởng thành hành động. Phát triển sản phẩm du lịch có trách nhiệm cần kết hợp
quy trình phát triển sản phẩm du lịch thông thường với các nguyên tắc cơ bản về phát
triển du lịch bền vững.
4. Vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan
Các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm lập kế hoạch và quản lý du lịch trong
phạm vi thẩm quyền của mình, có thể là ở cấp tỉnh, huyện, xã và thôn bản. Vai trò chung
của Nhà nước trong phát triển du lịch là đảm bảo cho ngành Du lịch hoạt động hiệu quả,
phù hợp với mục tiêu phát triển chung. Nhà nước có trách nhiệm lập kế hoạch và quản lý
ngành, hỗ trợ thu hút sự tham gia của các bên liên quan một cách hiệu quả, thu thập và
quản lý thông tin du lịch, và tham gia tiếp thị marketing điểm đến. Phát triển du lịch có
trách nhiệm phải là một ưu tiên của ngành Du lịch và cần được quản lý một cách phù hợp
nhằm có những đóng góp đáng kể vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội chung của đất
nước nhưng vẫn tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và có tính cạnh tranh cao.
Doanh nghiệp du lịch đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng, quảng bá và
cung cấp sản phẩm du lịch có trách nhiệm đến với người tiêu dùng. Doanh nghiệp tương
tác trực tiếp với cả khách du lịch và cộng đồng địa phương đồng thời tuân thủ theo các
quy định của chính phủ. Do đó, họ cũng là một mối liên kết quan trọng kết nối các bên
liên quan và thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng. Nâng cao sự hiểu biết và hiệu quả của
doanh nghiệp sẽ hỗ trợ họ thực hiện các vai trò quan trọng như là "nhà cung cấp" du lịch
có trách nhiệm và đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung, nâng cao chất lượng sản
phẩm du lịch cũng như xây dựng hình ảnh Việt Nam như là điểm đến du lịch có trách
nhiệm. Các thành viên cộng đồng địa phương và công chúng vừa là nhà cung cấp dịch vụ,
vừa là đối tượng của du lịch. Bản thân cộng đồng địa phương thường được xem là tài
nguyên du lịch chính, bản sắc văn hóa, lối sống và các phong tục tập quán của họ chính là
yếu tố đặc trưng tạo nên những trải nghiệm du lịch thú vị. Tham quan làng nghề truyền
thống và sự tương tác với người dân địa phương là các đặc điểm chính của trải nghiệm du
lịch hiện đại. Nhu cầu về du lịch sẽ định hướng cho sự phát triển của ngành, và đóng góp
vai trò ảnh hưởng lớn trong việc định hình xây dựng các sản phẩm và dịch vụ du lịch.
Qua cách lựa chọn sản phẩm, dịch vụ, các hoạt động tham gia và cách chi tiêu của mình,
khách du lịch có thể tạo nên những tác động mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương và
bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch. Các nhà tài trợ, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức dân
sự xã hội có thể đóng vai trò hỗ trợ quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển du lịch có
trách nhiệm thông qua các chương trình và dự án hỗ trợ khác nhau. Du lịch là ngành tổng
hợp có tính liên ngành cao, vì vậy có thể được lồng ghép với nhiều mục tiêu phát triển
khác như sức khỏe cộng đồng, giáo dục, cơ sở hạ tầng, phát triển sinh kế, quản lý nguồn
tài nguyên thiên nhiên, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển du lịch trong giai đoạn tới, Việt Nam cần đưa
ra tuyên bố mạnh mẽ về chủ trương phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách
nhiệm. Du lịch có trách nhiệm nhằm đạt được ba kết quả mang tính nguyên tắc của phát
triển bền vững: tăng trưởng kinh tế, môi trường bền vững và công bằng xã hội. Chính
sách du lịch có trách nhiệm và các kế hoạch thực hiện cần được xây dựng cho từng khu
vực du lịch và từng điểm đến đồng thời công nhận mỗi khu vực sẽ có những ưu tiên riêng.
Tất cả các đối tác cần cùng nhau hợp tác và phát huy tối đa vai trò của mình trong quá
trình hiện thực hóa tuyên bố về phát triển du lịch có trách nhiệm.